Chính sách phát triển nông nghiệp xanh của một số quốc gia châu Á và hàm ý cho Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Yêu cầu cấp thiết giảm phát thải nhằm hạn chế biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường đã tạo ra xu hướng chuyển đổi phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống sang các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và tiêu dùng xanh. Bài viết giới thiệu kinh nghiệm của một số quốc gia châu Á và nội dung hàm ý áp dụng chính sách cho Việt Nam.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề

Nông nghiệp xanh (NNX) là nền nông nghiệp áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng phương thức canh tác này, qua đó, góp phần bảo vệ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp, giúp ổn định kinh tế đất nước và đem đến cho người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Phát triển nông nghiệp xanh ở một số quốc gia châu Á

Trung Quốc

Chính phủ Trung Quốc đã triển khai đồng loạt nhiều chiến lược và chính sách tầm quốc gia hướng tới mục tiêu “Nông nghiệp xanh”, tập trung vào: (1) Hỗ trợ vốn; (2) Chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, bảo vệ tài nguyên rừng; (3) Thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp và áp dụng khoa học – công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Về hỗ trợ vốn, từ năm 1999 đến nay, Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư hơn 500 tỷ nhân dân tệ cho Chương trình “Ngũ cốc xanh”, 171 tỷ nhân dân tệ thí điểm tầm quốc gia Chương trình đền bù sinh thái đồng cỏ, 380 tỷ nhân dân tệ cho bảo vệ và trồng mới diện tích rừng1… Năm 2017, thông qua kế hoạch thành lập các định chế và hệ thống khuyến khích nhằm tạo cơ chế xã hội hóa nguồn vốn thúc đẩy phát triển NNX. Các chương trình này đã giúp hơn 41 triệu hộ gia đình nông thôn có đời sống khá giả, đạt được đột phá môi trường sinh thái và nông nghiệp bền vững2.

Chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, bảo vệ tài nguyên rừng là một chính sách xuyên suốt của Trung Quốc. Giai đoạn 1999 – 2020, Chương trình Ngũ cốc xanh đã chuyển đổi 500 triệu “mu” (15 mu = 1 ha)  đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang trồng các loại ngũ cốc, trồng rừng hoặc trồng cỏ, khoảng 2.960 mu rừng (chiếm 64% diện tích rừng của Trung Quốc và 83% trữ lượng rừng) được bảo vệ nghiêm ngặt, ngừng hoàn toàn khai thác gỗ thương mại3. Chiến lược Dự trữ thực phẩm trong đất từ năm 2015 của Trung Quốc cũng đặt ra giới hạn về canh tác đất (120 triệu ha) và đẩy mạnh cải thiện chất lượng đất đai dựa trên việc xây dựng các nông trại tiêu chuẩn cao.

Để thúc đẩy NNX, Trung Quốc tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao với mạng lưới nghiên cứu khoa học rất lớn. Năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc ban hành Hướng dẫn kỹ thuật về Phát triển NNX giai đoạn 2018 – 2030; xây dựng một hệ thống công nghệ hiệu quả, an toàn, giảm phát thải, tuần hoàn, thông minh và tích hợp để phát triển NNX. Đặc biệt, Chiến lược “Internet cộng với nông nghiệp” để tạo chuỗi giá trị nông nghiệp hoàn toàn từ đầu vào, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản xanh đã tạo ra hàng triệu việc làm và giúp xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn nghèo.

Nhật Bản

Chính phủ Nhật Bản đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách đưa nước này trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong phát triển NNX, bền vững, mà trọng tâm là phát triển nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất nông sản có chọn lọc và phát huy vai trò các hợp tác xã nông nghiệp.

Là một đất nước có nền nông nghiệp công nghệ cao phát triển hàng đầu thế giới, năm 2016, Nội các Nhật Bản đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy NNX dựa trên công nghệ cao như công nghệ rô bốt, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Bộ Nông nghiệp, Rừng và Thủy sản (MAFF) công bố lộ trình mở rộng các công nghệ và dịch vụ canh tác thông minh và thân thiện môi trường4.

Để phục vụ các kế hoạch trên, Nhật Bản xây dựng hệ thống các viện nghiên cứu nông nghiệp của Nhà nước và chính quyền các địa phương. Các viện này vừa nghiên cứu nông nghiệp, vừa tăng cường liên kết nghiên cứu vối các trường đại học, các xí nghiệp tư nhân và các hội khuyến nông nông dân để giúp họ tiếp cận công nghệ, trang thiết bị tiên tiến, giúp tăng năng suất, chất lượng, bảo đảm nông nghiệp tăng trưởng ổn định.

Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản thực hiện nhất quán chính sách phát triển sản xuất có chọn lọc, nâng cao chất lượng nông sản. Năm 1961, Luật Nông nghiệp được ban hành, trọng tâm là xác định phát triển sản xuất có chọn lọc, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo nhu cầu thị trường và chuyển nền canh tác phát thải cao sang sản xuất hữu cơ, bền vững. Điều này giúp cho người dân sống ở nông thôn có thêm nhiều việc làm, thu nhập được cải thiện, tạo điều kiện tập trung đất đai, mở rộng quy mô sản xuất, mở đường cho sản xuất hàng hóa lớn phát triển.

Nét đặc sắc trong phát triển nông nghiệp nói chung, NNX nói riêng ở Nhật Bản là Chính phủ nước này rất coi trọng thể chế vận hành các hợp tác xã nông nghiệp, trong đó đã ban hành, thực hiện nhiều chính sách giúp đỡ phát triển, không ngừng mở rộng quy mô sản xuất nhằm giúp người nông dân thoát khỏi cảnh đói nghèo và cùng hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

Liên hiệp các hợp tác xã nông nghiệp quốc gia Nhật Bản được thành lập năm 1972 theo Luật Hợp tác xã nông nghiệp và được Chính phủ giao thực hiện các mục tiêu về phát triển nông nghiệp và nông thôn. Hợp tác xã nông nghiệp được phân làm 3 cấp: cấp cơ sở, các liên đoàn cấp tỉnh và cấp trung ương, tạo thành một bộ máy hoàn chỉnh thống nhất. Hệ thống này có vai trò to lớn thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất và chuyên môn hóa sâu theo hướng thương mại hóa trong nông nghiệp nước này.

Thái Lan

Chính sách phát triển NNX của Thái Lan có nhiều đặc điểm đáng chú ý như đẩy mạnh các mô hình nông nghiệp đô thị xanh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển các sản phẩm đặc trưng vùng miền kết hợp nông nghiệp với du lịch sinh thái.

Phát triển NNX ở đô thị đáp ứng nhu cầu bảo đảm nguồn lương thực tại chỗ và cải tạo sinh thái đô thị được Chính phủ Thái Lan rất quan tâm. Năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã đề ra dự án “Thành phố Nông nghiệp xanh” thí điểm ở 6 tỉnh, thành phố (bao gồm: Chiang Mai, Nong Khai, Si Sa Ket, Chanthaburi, Phatthalung và Ratchaburi)5. Những địa phương này được lựa chọn để phát triển thành các thành phố NNX, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, phù hợp với văn hóa địa phương.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển NNX được Chính phủ Thái Lan đặc biệt quan tâm. Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đã đề ra dự án Nông dân thông minh nhằm trang bị kiến ​​thức và chuyên môn cho nông dân để giúp họ thích ứng với hệ thống nông nghiệp đang thay đổi nhanh chóng trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Từ năm 2014 đến nay, Cục Khuyến nông đã đào tạo được 1,04 triệu nông dân đạt chuẩn Nông dân thông minh, trong đó có 15.640 người ở độ tuổi thanh niên6. Đây là lực lượng hùng hậu có khả năng áp dụng công nghệ cao, bảo đảm hàng hóa nông nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường và sử dụng mô hình vòng tròn sinh học xanh nhanh chóng và rộng rãi.

Chính phủ Thái lan cũng đưa ra chiến lược phát triển các sản phẩm đặc trưng vùng miền kết hợp nông nghiệp với du lịch sinh thái. Mỗi vùng sẽ phát triển một loại nông sản xuất phát từ thế mạnh và đặc điểm thổ nhưỡng của vùng. Cụm phía Bắc (Chiang Mai, Chiang Rai, Lampang và Lamphun) là vùng tập trung  trồng rau, trái cây và thảo dược; cụm phía Đông Bắc (Khon Kaen, Nakhon Ratchasima, Chaiyaphum và Buriram) là vùng chuyên canh gạo, sắn, mía, ngô và chăn nuôi gia súc7. Đồng thời, đây cũng là những địa điểm kết hợp nông nghiệp với du lịch sinh thái. Điều này mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa giúp giảm tải sức ép cho ngành Du lịch, vừa phát triển nềm nông nghiệp sạch thân thiện môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Hàm ý chính sách nông nghiệp xanh cho Việt Nam

Phát triển NNX là hướng đi tất yếu của Việt Nam nhằm bảo đảm một nền nông nghiệp bền vững, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế cũng như góp phần thực hiện cam kết của nước ta tại COP26 về việc đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 20508.

Qua nghiên cứu về chính sách của một số quốc gia, để phát triển nền NNX bền vững ở Việt Nam, chúng ta cần:

Thứ nhất, Chính phủ tiếp tục bổ sung hoàn thiện công tác quy hoạch, ban hành và thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho NNX cho phát triển, như: chính sách đầu tư, chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tích tụ và tập trung ruộng đất…

Thứ hai, tập trung nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ, đặc biệt thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: công nghệ rô-bốt, AI, công nghệ thông tin, truyền thông (ICT) và nông nghiệp số, làm cơ sở cho NNX phát triển bền vững.

Thứ ba, có các cơ chế, chính sách xây dựng nguồn nhân lực như mở các khoá đào tạo nghề, thay đổi tư duy canh tác và bảo quản nông sản, nâng cao kỹ năng giới thiệu và quảng bá sản phẩm, kỹ năng giao tiếp du lịch và hỗ trợ nông dân trong tiếp cận các nguồn lực cho phát triển NNX.

Thứ tư, quy hoạch và quy hoạch lại các vùng NNX theo hướng khai thác lợi thế so sánh nhằm sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông sản và phù hợp với xu hướng kết hợp nông nghiệp với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, bảo tồn được các giá trị truyền thống của địa phương.

Thứ năm, giải quyết tốt các tác động tiêu cực do công nghiệp hóa, hiện đại hóa cao và quá trình đô thị hóa gây nên, trong đó vấn đề quy hoạch, vấn đề phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển NNX ngay trong lòng đô thị đã được các nước thực hiện đem lại hiệu quả cao

Thứ sáu, chú trọng đến mối quan hệ giữa các chủ thể tham gia (Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp – Nhà nông), phát huy vai trò hợp tác xã nông nghiệp; tạo thành chuỗi liên kết và gắn bó các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ, hình thành chuỗi giá trị gia tăng cao của hàng nông sản.

Chú thích:
1, 2, 3. Nông nghiệp xanh – một số khuyến nghị từ cộng đồng quốc tế. https://nongnghiep.vn, ngày 30/11/2021.
4. Công nghệ hứa hẹn thay đổi bộ mặt nông nghiệp Nhật Bản. https://ictnews.vietnamnet.vn, ngày 08/7/2022.
5. Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững ở các quốc gia châu Á, http://tapchimattran.vn, ngày 17/8/2017.
6. “Nông dân thông minh”: Dự án cải cách nền nông nghiệp Thái Lan. https://kinhtenongthon.vn, ngày 18/4/2022.
7. Kinh nghiệm của Thái Lan trong phát triển nông nghiệp. https://baodantoc.vn, ngày 10/3/2022.
8. Quyết tâm đưa mức phát thải ròng về “0”vào năm 2050. https://moit.gov.vn, ngày 13/9/2022.
PGS.TS. Phạm Văn Sơn – Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
PGS.TS. Tô Hiến Thà
 – Học viện Kỹ thuật quân sự
Đỗ Văn Phúc
 – Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng