Hoạt động logistics tại doanh nghiệp bán lẻ ở một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng liên tục tăng qua các năm. Tuy nhiên, hoạt động tại các doanh nghiệp bán lẻ vẫn còn nhiều bất cập (nhất là khâu logistics), do đó, trong thời gian tới cần phải cải thiện hoạt động logistics ở một số doanh nghiệp bán lẻ. Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam về hoạt động logistics, từ đó rút ra bài học đối với doanh nghiệp bán lẻ ở Việt Nam.
Ảnh minh họa (internet).
Hoạt động của các doanh nghiệp bán lẻ ở Việt Nam

Từ năm 2008, thị trường bán lẻ (TTBL) Việt Nam luôn được đánh giá là thị trường năng động, liên tục nằm trong bảng xếp hạng 30 TTBL mới nổi, hấp dẫn nhất thế giới và được đánh giá qua Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) của Công ty Tư vấn Thị trường AT Kearney (Hoa Kỳ). TTBL Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng cao với sự phát triển đa dạng các hình thức bán lẻ, đặc biệt là hệ thống thương mại bán lẻ hiện đại và hệ thống cửa hàng theo mô hình kinh doanh chuỗi.

Quy mô và số lượng các cơ sở bán lẻ trên cả nước tăng trong giai đoạn 2016 – 2020 và tiếp tục có xu hướng gia tăng, điều này cho thấy, TTBL có xu hướng phát triển mạnh, đây là điều kiện thuận lợi của các doanh nghiệp bán lẻ (DNBL) Việt Nam phát triển.

Đến hết năm 2021, Việt Nam đã có 254 trung tâm thương mại và 1.167 siêu thị các loại1. Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân đầu người cũng không ngừng tăng trưởng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.180,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ nămtrước2, với sự phục hồi của nền kinh tế cùng các động lực tăng trưởng, TTBL Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, giai đoạn 2020 – 2025, TTBL cạnh tranh ngày càng gia tăng vì thiếu tính liên kết giữa các tổ chức bán lẻ, hệ thống bán lẻ hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại…) chưa phát huy được lợi thế cạnh tranh của các cơ sở bán lẻ hiện đại, kèm theo là việc tổ chức và triển khai hoạt động logistics kém hiệu quả làm ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, TTBL Việt Nam đang thiếu một chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển TTBL một cách bền vững. Bên cạnh đó, hạ tầng TTBL dù đã được đầu tư nâng cấp nhưng còn ở mức độ thấp, chưa phù hợp với yêu cầu của thị trường…

Vì vậy, để đạt hiệu quả kinh doanh cao, khẳng định vị thế trên thị trường, các DNBL cần hoạch định chiến lược kinh doanh cũng như các hoạt động hỗ trợ hoạt động kinh doanh bán lẻ, đặc biệt là hoạt động logistics. Để có được những giải pháp khả thi và phù hợp, việc tham khảo kinh nghiệm triển khai hoạt động logistics ở các DNBL trên thế giới, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho các DNBL của Việt Nam.

Kinh nghiệm của một số nước trong triển khai hoạt động logistics bán lẻ
a. Hoạt động logistics tại Lotus’s (Thái Lan)

Charoen Pokphand Group (CP) có trụ sở tại Bangkok (Thái Lan), hiện đang điều hành chuỗi bán lẻ lớn nhất tại Thái Lan, Lotus’s. Các cửa hàng Lotus’s hiện đang hoạt động ở 5 định dạng: (1) Lotus’s Extra với diện tích là 5.000 – 10.000m2, chứa hơn 22.000 SKU (mã hàng hóa); (2) Đại siêu thị Lotus’s Hypermarket rộng 3.000 – 7.000m2, hơn 17.000 SKU; (3) Cửa hàng bách hóa Lotus’s Department Store rộng 1.000m2, hơn 13.000 SKU; (4) Siêu thị Lotus’s Talad rộng 500 – 2.000m2, hơn 8.000 SKU; (5) Cửa hàng tiện lợi Lotus’s Express rộng 100 – 300 m2, hơn 4.000 SKU. Từ tháng 4/2013, Lotus’s đã giới thiệu hình thức mua sắm trực tuyến và đến đầu năm 2021, Lotus’s có 1.967 cửa hàng tại Thái Lan, trong đó có 1.600 cửa hàng Lotus’s Express và khoảng 400 cửa hàng ở các định dạng còn lại3.

(1) Quá trình logistics tổng thể tại Lotus’s.

 Lotus’s được mô tả dựa trên thông tin về nhu cầu khách hàng, mỗi cửa hàng sẽ xác định lượng hàng hóa cần bổ sung. Các thông tin này được cập nhật theo thời gian thực, nhờ đó, việc lập kế hoạch và dự báo đã được thực hiện một cách hiệu quả. Thông tin đơn hàng từ các cửa hàng bán lẻ được chuyển đến trụ sở chính công ty. Tại đây, đơn hàng được tập hợp và gửi đến nhà cung cấp, đồng thời gửi thông tin đến các trung tâm phân phối (TTPP) của Lotus’s. Các mặt hàng từ các nhà cung cấp sẽ được đưa về các TTPP trước khi được giao đến từng cửa hàng, tại các cửa hàng, hàng hóa sẽ được cung ứng cho khách hàng.

(2) Dự trữ tập trung tại TTPP.

Lotus’s đã chuyển chức năng dự trữ cho các TTPP, điều này cho phép các cửa hàng sử dụng không gian hiệu quả hơn với lượng hàng dự trữ tối thiểu bên trong cửa hàng. Do đó, việc bổ sung hàng hóa liên tục được xem là chìa khóa thành công trong hoạt động của Lotus’s. Lotus’s đã thiết lập các TTPP với hệ thống nhà cung cấp ưu tiên. Các TTPP có ảnh hưởng đáng kể đến năng suất chung của Lotus’s. Mỗi TTPP sẽ chịu trách nhiệm cung ứng hàng hóa cho một số định dạng cửa hàng ở các khu vực nhất định. Mạng lưới TTPP Lotus’s, bao gồm: Wangnoi (dành cho đại siêu thị), Bangbuathong (Talads và Express); Samkok (cross-docking đại siêu thị); Lamlukka (tất cả các định dạng) và Khonkaen (hơn 300 cửa hàng ở Đông Bắc Thái Lan), Suratthani (hơn 220 cửa hàng ở phía Nam Thái Lan)4.

 (3) Tích hợp các nhà cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba.

Với mục đích cốt lõi là phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, đồng thời nỗ lực để tối đa hóa hiệu quả hoạt động, bên cạnh việc tự thực hiện một phần hoạt động logistics, Lotus’s đã quyết định hợp tác với một số nhà cung cấp dịch vụ logistics tại Thái Lan, chẳng hạn như cung cấp dịch vụ phân phối vận chuyển từ TTPP đến 220 cửa hàng Lotus’s ở khu vực phía Nam của Thái Lan và cung cấp tổng số sản phẩm hơn 50,4 triệu thùng hàng mỗi năm5.

(3) Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động logistics.

Lotus’s sử dụng phần mềm thu thập dữ liệu tự động để cung cấp thông tin vào máy chủ của mình. Lotus’s sử dụng phân tích dữ liệu lớn (Big Data) từ năm 2006, chủ yếu tập trung vào các dịch vụ quản lý dự trữ. Những phân tích dữ liệu lớn này giúp Lotus’s hiểu các mô hình bán hàng, nhu cầu khách hàng, nhờ đó đáp ứng mục tiêu khách hàng ngày càng hiệu quả hơn.

Năm 2003, Lotus’s bắt đầu sử dụng công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sống vô tuyến (Radio Frequency IdentificationRFID), điều này giúp Lotus’s có khả năng theo dõi các sản phẩm, đặc biệt là trong quá trình vận chuyển. Thiết bị này đã mang lại khả năng nhận dạng và bảo mật duy nhất, kiểm soát tốt nhất cho Lotus’s về quản lý mọi khía cạnh trong chuỗi cung ứng nhờ đó đạt được chi phí thấp nhưng tốc độ xử lý và năng suất cao.

b. Hoạt động logistics tại Walmart (Trung Quốc)

Walmart xâm nhập vào Trung Quốc năm 1996 với hai định dạng bán lẻ là đại siêu thị supercenter (siêu trung tâm) và Sam’s Club (câu lạc bộ bán buôn) đầu tiên tại thành phố Thâm Quyến. Các đại siêu thị với diện tích khoảng 17.000m2 cung cấp khoảng 20.000 mặt hàng, bao gồm: hàng tổng hợp, hàng tạp hóa và các sản phẩm tươi sống. Các cửa hàng Sam’s Club rộng khoảng 20.000m2 cung cấp khoảng 5.000 mặt hàng. Tháng 5/2015, Walmart đã ra mắt nền tảng đại siêu thị trực tuyến đến ngoại tuyến (O2O) “Walmart To Go” tại Thâm Quyến. Walmart hiện có 36 cửa hàng Sam’s Club tại Trung Quốc.

(1) Quá trình logistics tổng thể tại Walmart.

Walmart cung cấp từ 5.000 – 20.000 đơn vị lưu kho trong một cửa hàng điển hình. Sau khi đặt hàng, hàng hóa được gửi đến TTPP, tại đây hàng hóa được phân loại, đóng gói lại và vận chuyển đến từng cửa hàng trên cơ sở nhu cầu của từng cửa hàng. Các TTPP Walmart cho phép các nhà cung cấp vận chuyển sản phẩm nguyên xe, nguyên container với số lượng hàng hóa lớn.

Chiến lược kinh doanh của Walmart là hướng đến lợi thế chi phí, trở thành nhà bán lẻ với giá rẻ, hướng đến đối tượng người tiêu dùng quan tâm đến giá cả. Để tuân thủ chiến lược này, Walmart đã quyết định loại bỏ các trung gian và mua trực tiếp từ nhà sản xuất, đây là một trong những phương pháp quan trọng nhất để Walmart có mức giá thấp nhất cho hàng hóa của mình. Bên cạnh đó, Walmart cũng dành nhiều thời gian để tìm hiểu về cấu trúc chi phí của nhà cung cấp, từ đó, gây áp lực lên nhà cung cấp phải cắt giảm chi phí trên chuỗi cung ứng của mình.

Tại Walmart, nhà cung cấp được xem là thành viên quan trọng trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Chính vì vậy, Walmart đã không ngừng cải thiện mối quan hệ với các nhà cung cấp. Walmart đã bố trí không gian thích hợp cho một số nhà cung cấp lớn để trưng bày sản phẩm, bên cạnh đó còn trực tiếp tham gia vào kế hoạch sản xuất của họ, thậm chí giúp các nhà cung cấp nghiên cứu sản phẩm mới và kiểm soát chất lượng. Vì vậy, Walmart luôn có hàng sớm nhất đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

(2) Quá trình vận chuyển và dự trữ tập trung qua TTPP.

Tính đến đầu năm 2021, Walmart đã vận hành 21 TTPP, bao gồm: 12 TTPP hàng dễ hỏng và 9 TTPP hàng khô. Trong đó, Walmart trực tiếp điều hành hoạt động của 9 TTPP hàng khô và 1 TTPP hàng dễ hỏng, 11 TTPP hàng dễ hỏng còn lại được điều hành bởi các doanh nghiệp logistics. Các TTPP đặt tại các khu vực khác nhau và có số lượng sản phẩm phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng khu vực giúp Walmart có thể tối đa hóa tốc độ vận chuyển.

Các TTPP hàng dễ hỏng xử lý các sản phẩm yêu cầu môi trường được kiểm soát nhiệt độ trên ba vùng nhiệt: đông lạnh (- 80C trở xuống), lạnh từ (0 – 100C) và lạnh vừa (12 – 180C). Các TTPP hàng dễ hỏng hoạt động với thiết kế xuyên suốt sử dụng kết nối chéo (cross docking) bỏ qua việc bảo quản, chuyển sản phẩm trực tiếp từ khu vực nhận hàng đến khu vực gửi đi để vận chuyển đến các cửa hàng Walmart. TTPP hàng khô xử lý các mặt hàng tạp hóa khô và các sản phẩm hàng hóa nói chung, khối lượng vận chuyển qua các TTPP hàng khô chiếm khoảng 85% tổng lượng hàng hóa.

(3) Việc ứng dụng CNTT trong hoạt động logistics.

Walmart đã và đang ứng dụng hàng loạt các CNTT hiện đại, như: hệ thống kết nối bán lẻ, EDI, RFID, hệ thống điểm bán hàng (point of sale – POS)… Công nghệ RFID hỗ trợ quản lý hoạt động dự trữ, cho phép Walmart biết chính xác vị trí và số lượng hàng tồn kho mà không cần đếm thủ công. Thông qua hệ thống điểm bán hàng POS, Walmart có thể kiểm soát và ghi nhận doanh số, mức tồn kho trên các kệ hàng. Walmart cũng sử dụng hệ thống thuật toán phức tạp để dự đoán số lượng chính xác mỗi loại hàng hóa cần được giao, căn cứ vào mức dự trữ ở các cửa hàng. Sau đó, thông qua hệ thống kết nối bán lẻ, Walmart gửi tất cả những thông tin đã thu thập và phân tích ở trên đến các nhà sản xuất. Với những thông tin được chia sẻ cho phép nhà sản xuất chủ động sản xuất đủ số hàng hóa cần giao, làm giảm thiểu hàng dự trữ, đồng thời lên kế hoạch giao hàng hiệu quả.

Năm 2019, Walmart đã hợp tác với dự án VeChain, PwC ra mắt một nền tảng dựa trên blockchain (công nghệ chuỗi khối) nhằm giải quyết các mối lo ngại về an toàn thực phẩm tại quốc gia này. Bằng cách quét các sản phẩm qua điện thoại thông minh, khách hàng của Walmart có thể truy cập thông tin chi tiết về nguồn gốc sản phẩm, như: vị trí địa lý, báo cáo kiểm tra sản phẩm…

c. Hoạt động logistics tại nhà bán lẻ NTUC FairPrice (Xinh-ga-po)

Nhà bán lẻ NTUC FairPrice thành lập ngày 22/7/1973, mở siêu thị đầu tiên tại Block 192, Toa Payoh Lorong 4. NTUC FairPrice hiện đang vận hành một trong những hệ thống bán lẻ lớn nhất tại Xinh-ga-po với 5 định dạng cửa hàng: (1) Đại siêu thị Fairprice Xtra; (2) Cửa hàng cao cấp Fairprice Finest; (3) Siêu thị Fairprice; (4) Cửa hàng tiện ích Fairprice Express; (5) Cửa hàng tiện lợi 24 giờ Cheers. Fairprice là DNBL đầu tiên ở Xinh-ga-po sở hữu và vận hành TTPP vào năm 1998, Grocery Logistics of Singapore (GLS). Năm 2003, FairPrice tiếp tục khai trương TTPP thực phẩm tươi sống với diện tích 13.000m2, tập trung phân phối các sản phẩm tươi và ướp lạnh cho tất cả các cửa hàng trong hệ thống.

(1) Quá trình logistics tổng thể tại NTUC FairPrice.

Hoạt động logistics tại FairPrice được chia thành hai quá trình, đó là: quá trình logistics đầu vào liên quan đến việc mua hàng từ các nhà cung cấp, (sau đó, vận chuyển đến TTPP GLS và TTPP thực phẩm tươi sống); quá trình logistics đầu ra liên quan đến việc phân phối sản phẩm đến mạng lưới bán lẻ trong hệ thống và cuối cùng là đến người tiêu dùng.

Nhiệm vụ xử lý đơn hàng khá quan trọng và được thực hiện ở mức độ lớn hơn đáng kể tại Fairprice. Ngoại trừ một số trường hợp cụ thể, các cửa hàng bán lẻ sẽ đặt hàng trực tiếp với nhà cung cấp, các trường hợp còn lại công ty chủ yếu sử dụng hệ thống xử lý đơn hàng tập trung. Theo đó, đơn hàng từ các cửa hàng bán lẻ sẽ được tập trung tại bộ phận mua sắm trung tâm (central procurement division). Các đơn hàng sẽ được tập hợp và gửi đến các nhà cung cấp. Hàng hóa sau đó sẽ được các nhà cung cấp chuyển đến TTPP hoặc chuyển trực tiếp đến các cửa hàng bán lẻ.

(2) Đa dạng cách thức tổ chức vận chuyển.

Vận chuyển tập trung qua TTPP: các sản phẩm được mua từ các nhà cung cấp sẽ được vận chuyển tập trung và lưu trữ tại TTPP GLS và TTPP thực phẩm tươi sống. Hệ thống phân phối tập trung đáp ứng yêu cầu của các cửa hàng FairPrice trên toàn quốc.

Vận chuyển trực tiếp đến cửa hàng: các cửa hàng FairPrice sẽ thực hiện việc đặt hàng trực tiếp với các nhà cung cấp, từ đó, các nhà cung cấp sẽ trực tiếp tiếp nhận các yêu cầu và sau đó sẽ giao hàng trực tiếp đến các cửa hàng. Với hình thức này, các cửa hàng FairPrice khác nhau với các yêu cầu khác nhau về sản phẩm sẽ được các nhà cung cấp đáp ứng đầy đủ.

(3) Ứng dụng công nghệ và CNTT trong hoạt động logistics.

Việc thực hiện quản lý toàn bộ quá trình mua hàng và phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng, FairPrice đã áp dụng công nghệ vào việc quản lý các quy trình khác nhau. Ví dụ, trong việc xử lý hàng hóa tại TTPP GLS, FairPrice áp dụng công nghệ chọn theo hướng ánh sáng (Pick to light). Công nghệ này cung cấp một phương pháp chọn, đặt và phân loại sản phẩm không cần giấy tờ một cách chính xác. Pick to light sử dụng các màn hình chữ và số với các nút tại các vị trí lưu trữ để hướng dẫn nhân viên chọn, đặt, phân loại với sự hỗ trợ của ánh sáng.

Do FairPrice đang hoạt động ở quy mô lớn, nên việc quản lý dự trữ là rất quan trọng. FairPrice đã tổ chức có hệ thống hoạt động quản lý dự trữ, không chỉ liên quan đến việc lưu trữ phù hợp các sản phẩm khi chúng được nhận tại TTPP mà còn bảo đảm hàng hóa được theo dõi và gửi đúng cách theo yêu cầu của các cửa hàng khác nhau. Việc quản lý dự trữ đã được thực hiện tại FairPrice thông qua việc áp dụng hệ thống CNTT. Hệ thống CNTT được áp dụng ngay từ đầu khi nhận được đơn đặt hàng và ứng dụng của nó được thực hiện cho đến khi sản phẩm thực sự được giao đến các cửa hàng FairPrice.

Kinh nghiệm cho doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam

Một là, sử dụng phối hợp và linh hoạt các phương thức vận chuyển thẳng và vận chuyển tập trung qua kho phân phối.

Với hình thức vận chuyển thẳng với các siêu thị khác nhau về hàng hóa sẽ được đáp ứng đầy đủ. Còn với phương thức vận chuyển tập trung qua kho phân phối, nhà cung cấp sẽ cung cấp số lượng lớn hàng hóa đến các kho phân phối của DNBL, sau đó sẽ được phân chia theo nhu cầu rồi vận chuyển đến từng siêu thị trong mạng lưới. Bằng cách này, DNBL có thể kiểm soát chất lượng hàng hóa đầu vào và bảo đảm đầu ra phân phối đến tất cả các điểm bán trong hệ thống; đồng thời, kiểm soát được quá trình bổ sung cũng như khả năng duy trì lượng hàng tồn kho thấp hơn trong toàn bộ hệ thống.

Hai là, sử dụng linh hoạt nhà kho và TTPP để cung cấp hàng hóa đầy đủ và linh hoạt cho mạng lưới bán lẻ siêu thị với chi phí thấp.

Việc sử dụng linh hoạt nhà kho, TTPP cho phép tỷ lệ lấp đầy sản phẩm và dịch vụ cho mọi siêu thị bất kể khoảng cách và hiệu suất bán hàng. Bên cạnh đó, cho phép các nhà cung cấp vận chuyển sản phẩm nguyên xe, nguyên container với số lượng hàng hóa lớn, nhờ đó, tối ưu hóa hoạt động vận chuyển cho cả bên cung ứng.

Ba là, ứng dụng linh hoạt các mô hình mua hàng và cải thiện mối quan hệ với nhà cung cấp.

Nhà cung cấp sẽ cung cấp hàng hóa cho doanh nghiệp và đóng vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý. Do đó, cần xây dựng cơ chế cạnh tranh tự do và đôi bên cùng có lợi để thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược cùng tồn tại và phát triển với các nhà cung cấp xuất sắc của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các DNBL quy mô lớn có thể tham gia sâu hơn vào kế hoạch sản xuất của nhà cung cấp, thậm chí hỗ trợ các nhà cung cấp nghiên cứu phát triển sản phẩm mới cũng như kiểm soát chất lượng đáp ứng tốt nhất nhu cầu người tiêu dùng. Ngược lại, các DNBL có thể cho phép nhà cung cấp gia tăng tính chủ động trong việc cung ứng hàng hóa bằng cách chia sẻ thông tin về nhu cầu hàng hóa, các dữ liệu về hàng hóa trong kho cũng như dữ liệu kinh doanh. Trên cơ sở đó, nhà cung cấp sẽ chủ động điều tiết các giao dịch cung ứng, bảo đảm hoạt động kinh doanh của các DNBL luôn được duy trì ở mức tối ưu nhất.

Bốn là, ứng dụng công nghệ và CNTT trong quản lý và vận hành các hoạt động logistics.

Việc ứng dụng công nghệ và CNTT hiện đại vào hoạt động logistics là xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Nhiều DNBL trên thế giới đã triển khai ứng dụng kết hợp giữa hệ thống thông tin – tự động hóa – trí tuệ nhân tạo trong quản lý toàn bộ hoạt động logistics từ khâu thu mua tới phân phối đến người tiêu dùng. Việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động logistics sẽ hỗ trợ các DNBL vận hành hiệu quả hơn, cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay. Vì vậy, các DNBL cần chủ động trong việc tiếp cận, đầu tư ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ, từ đó, tăng sức cạnh tranh của TTBL. Một số công nghệ thường được áp dụng tại các DNBL, như: phân tích Big Data bảo đảm khả năng xử lý lượng dữ liệu khổng lồ liên quan đến nhu cầu của khách hàng cũng như dữ liệu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ RFID giúp theo dõi, nhận dạng sản phẩm, đặc biệt trong quá trình vận chuyển; hệ thống điểm bán hàng POS tích hợp với các thuật toán và một số ứng dụng công nghệ khác để vừa kiểm soát và ghi nhận doanh số, mức tồn kho trên các kệ hàng, vừa có khả năng dự đoán số lượng chính xác mỗi loại hàng hóa cần được bổ sung.

Năm là, áp dụng các kỹ thuật và phương pháp tổ chức, quản lý hiện đại nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động logistics.

Kỹ thuật cross-docking trong các kho hàng, TTPP để giảm chi phí cho hoạt động bảo quản, lưu trữ hàng hóa, thúc đẩy quá trình lưu thông hàng hóa nhanh chóng hơn. Áp dụng hệ thống phân phối linh hoạt nhằm thay đổi lịch trình tùy theo nhu cầu và đặc điểm của sản phẩm, đặc biệt áp dụng hiệu quả đối với các mặt hàng đòi hỏi điều kiện bảo quản về nhiệt độ và độ ẩm khắt khe như thực phẩm đông lạnh, thực phẩm tươi sống…

Chú thích:
1. Bộ Công thương. Thống kê về số lượng siêu thị và trung tâm thương mại giai đoạn 2010 – 2021.
2. Tổng Cục Thống kê. Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022. https://www.gso.gov.vn, truy cập ngày 30/12/2022.
3, 4, 5. Tesco Lotus is a hypermarket chain in Thailand operated by Ek-Chai Distribution System Co., Ltd. It operates 1,400 stores of which 1,500 are Express stores. https://www.dreamstime.com, June 20, 2015.
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Thị Thanh Huyền. Phát triển hoạt động logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Luận án tiến sỹ kinh tế, Chuyên ngành Kinh doanh thương mại, mã số: 934.01.21, Trường Đại học Thương mại, Hà Nội.
2. Dickson Yeo. Best practices in supply chain management in the retail industry, NTUC FairPrice, Singapore, August 20, 2013.
3. ISO Pilot Project on Economic benefits of standards NTUC FairPrice Singapore. https://www.iso.org, March 30, 2011.
4. P. Fraser Johnson. Walmart China – Supply chain transformation, Nov 25, 2015.
5. Paul B.Ellickson. The Evolution of the Supermarket Industry from A&P to Wal-mart, 2007.
6. Supply chain management TL2103 Supply chain of TESCO. https://www.academia.edu, 2015.
TS. Phạm Thị Huyền
Trường Đại học Thương mại