Quản lý nhà nước đối với đạo Công giáo trên địa bàn TP. Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Công giáo là một trong những tôn giáo lớn ở TP. Hà Nội hiện nay. Cùng với quá trình phát triển, đạo Công giáo đã có những đóng góp nhất định trong đời sống kinh tế – xã hội của thành phố. Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với đạo Công giáo trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả khả quan song cũng đang đứng trước nhiều vấn đề bất cập cần được phân tích, đánh giá nhằm có sự điều chỉnh phù hợp.
Nhà thờ lớn Hà Nội. Ảnh: Internet.
Khái quát về đạo Công giáo trên địa bàn TP. Hà Nội

Theo thống kê cho thấy, Hà Nội hiện có 5 trong tổng số 6 tôn giáo lớn có tổ chức (đã được Nhà nước Việt Nam công nhận), đó là: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài và Hồi giáo. Bên cạnh đó, một số tôn giáo, giáo phái, hiện tượng tôn giáo mới đã và đang tìm cách xâm nhập, truyền bá. Các tôn giáo lớn trên đều có trụ sở ở TP. Hà Nội. Giáo dân toàn TP. Hà Nội hiện có khoảng trên 170.000 người, tăng mạnh so với những năm trước đây và có những đóng góp nhất định cho đời sống tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa – xã hội của TP. Hà Nội.

Về tổ chức, tại Hà Nội, các tín đồ công giáo chịu sự quản lý của hai giáo phận khác nhau: (1) Tín đồ ở bờ phía Bắc sông Hồng (bao gồm các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn và quận Long Biên, thuộc sự quản lý của giáo phận Bắc Ninh). (2) Tín đồ ở bờ Nam sông Hồng thuộc sự quản lý của giáo phận Hà Nội (bao gồm: giáo hạt Hà Nội, giáo hạt Hà Tây, địa bàn Hà Đông cũ, giáo hạt Hà Nam, giáo hạt thành phố Nam Định, xứ đạo thuộc tỉnh Hưng Yên và một phần địa bàn tỉnh Hòa Bình).

Trên địa bàn thành phố có Tòa Giám mục của 2 giáo phận: Tòa Tổng giám mục Hà Nội tại số 40 phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm (đồng thời là trụ sở Văn phòng I của Hội đồng giám mục Việt Nam) và Tòa giám mục Hưng Hóa tại số 5, phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây; có 79 giáo xứ, 362 họ giáo (trong đó có 5 xứ 32 họ đạo ở quận Long Biên và 4 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Mê Linh thuộc về giáo phận Bắc Ninh); có 389 cơ sở thờ tự, 4 đền Thánh; 3 giám mục, 49 linh mục; khoảng hơn 170 nghìn tín đồ; 19 cộng đoàn tu sĩ ở 20 tu viện với 273 tu sĩ. Hiện nay, chức sắc Công giáo tại TP. Hà Nội có 52 vị, bao gồm 1 tổng giám mục, 1 giám mục chính toà, 1 giám mục phụ tá và 49 linh mục. Ngoài ra, gần 2.000 chức việc tham gia trong các ban hành giáo.

Toàn thành phố có 21 thôn Công giáo toàn tòng (Phú Xuyên: 9 thôn; Mỹ Đức: 7 thôn; Chương Mỹ: 1 thôn; Thanh Oai: 1 thôn; Ứng Hòa: 1 thôn; Thường Tín: 1 thôn; Hoài Đức: 1 thôn). Chủng viện liên địa phận Hà Nội là nơi đào tạo linh mục, bổ sung cho sự thiếu hụt của các địa phận Công giáo. Chủng viện tiếp tục tiến hành chiêu sinh từ năm 1973 và hiện có 2 cơ sở (tại 40 phố Nhà Chung và Nhà thờ Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm) do Giám mục Chu Văn Minh làm giám đốc; có 21 giảng viên (trong đó 15 người là giảng viên thỉnh giảng). Hiện nay, có 317 chủng sinh thuộc các khoá đang học tập. Từ năm 2005 đến nay, Chủng viện được chiêu sinh hằng năm với số lượng 50 chủng sinh/khóa.

Thực trạng công tác quản lý nhà nước đối với đạo Công giáo trên địa bàn TP. Hà Nội

Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước qua các chính sách tôn giáo, chính sách đại đoàn kết dân tộc, nâng cao trách nhiệm công dân trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tích cực tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng cuộc sống “Tốt đời đẹp đạo”, “Kính Chúa yêu nước”, “Nước vinh đạo sáng”, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các tôn giáo từng bước được nâng cao. Đồng bào Công giáo TP. Hà Nội đã góp phần không nhỏ vun đắp truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc; truyền tải những tinh hoa của văn hóa, văn minh phương Tây du nhập vào Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm văn hóa nước nhà. Bên cạnh đó, Công giáo Hà Nội đã thực hiện nhiều phong trào, hoạt động góp phần vào xây dựng thủ đô giàu đẹp, hòa bình và ổn định, như: phong trào xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến; phong trào xây dựng làng văn hóa và gia đình văn hóa. Có được những thành tích này là do triển khai tốt công tác quản lý nhà nước (QLNN) về đạo Công giáo trên địa bàn TP. Hà Nội, qua đó, rút ra một số nét cơ bản sau:

Thứ nhấtviệc phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, cách chức, bãi nhiệm chức sắc đạo Công giáo. Ban Tôn giáo TP. Hà Nội đã tham mưu với UBND thành phố chấp thuận việc đăng ký, phong phẩm của các tổ chức Công giáo trên địa bàn, tham gia thành viên Ban Đại diện, Ban Trị sự Họ đạo cơ sở… Trên cơ sở đó, việc phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, cách chức, bãi nhiệm trong đạo Công giáo được thực hiện tương đối thuận lợi, ít có vướng mắc.

Thứ haicác hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đối với chức sắc, tín đồ đạo Công giáo được tiến hành thường xuyên, có trọng điểm. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến về tín ngưỡng, tôn giáo đối với chức sắc, tín đồ đạo Công giáo gắn với việc phát động các phong trào cụ thể, thiết thực.

Đối với phong trào xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến, đã tập hợp những người theo đạo Công giáo sinh sống trên một địa bàn dân cư. Người Công giáo có nhiều sinh hoạt cộng đồng với nhau trong giáo xứ, giáo họ từ lúc sinh ra đến khi qua đời. Hằng ngày, hằng tuần, họ đều gặp gỡ nhau khi đi lễ, đọc kinh ở nhà thờ. Chính vì vậy, sự gắn kết giữa những người Công giáo trong giáo xứ, giáo họ khá chặt chẽ. Phong trào xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến đã thực sự trở thành cuộc vận động lớn trong đồng bào Công giáo trong những năm qua, làm thay đổi toàn diện về mọi mặt trong đời sống xã hội ở các vùng có đông người Công giáo và làm thay đổi nhận thức, định kiến sai lệch trên nhiều lĩnh vực.

Một nội dung quan trọng của phong trào xây dựng xứ họ đạo tiên tiến là vận động bà con theo đạo Công giáo chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hiểu và làm theo lời Kinh thánh “vâng phục quyền binh trần thế”, hầu hết bà con theo đạo Công giáo đều nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Người Công giáo tích cực đi bầu cử, chấp hành nghĩa vụ quân sự.

Đối với phong trào xây dựng làng văn hóa và gia đình văn hóa. Trên địa bàn Hà Nội không có làng toàn tòng mà chỉ có những khu vực người Công giáo sống xen kẽ với đồng bào các tôn giáo khác. Nơi đây, bà con theo đạo Công giáo luôn giữ được bầu không khí đoàn kết, chan hòa gắn bó, thể hiện nét đẹp của văn hóa bản sắc dân tộc. Để thúc đẩy phong trào này, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chính quyền nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã quan tâm, ủng hộ hàng trăm triệu đồng để xây dựng, tu sửa nhà thờ, nhà giáo lý cho đồng bào Công giáo. Việc thực hiện phong trào xây dựng làng văn hóa và gia đình văn hóa đã giúp đạo Công giáo ngày càng phát triển. Đạo đức Công giáo luôn đề cao gia đình, lấy khuôn mẫu gia đình Thánh gia làm gương sáng để người Công giáo noi theo.

Thứ bacông tác quản lý các hoạt động nghi lễ, thờ tự và giải quyết nhu cầu của các tổ chức, cá nhân trong sinh hoạt, thực hành tôn giáo tiếp tục được chú trọng. Nhờ có chính sách tôn giáo cởi mở của Đảng và Nhà nước ta, hầu hết các cơ sở thờ tự của các tôn giáo đều được sửa chữa, tu bổ lại. Tuy vậy, việc quản lý các cơ sở thờ tự của các tôn giáo là vấn đề luôn đòi hỏi phải xử lý mềm dẻo, có tình, có lý, nếu không dễ trở thành điểm nóng. Khi giải quyết hoặc xử lý vi phạm phải hết sức tỉnh táo, bình tĩnh tiếp cận với những thông tin chuẩn xác, nhiều chiều, nhanh chóng xác định chính xác người cầm đầu. Đồng thời, cần lấy mục đích tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, lấy lợi ích quốc gia trước mắt và lâu dài mà giải quyết dứt điểm, nhưng phải bảo đảm tính nguyên tắc, không hữu khuynh, buông lỏng hoặc áp đặt thô bạo. Nếu cần thiết phải xử lý thì phải tách tính chất vi phạm thuộc về tư cách công dân ra khỏi vấn đề tôn giáo. Trước đó, cần làm tốt công tác vận động quần chúng, tin tưởng vào quần chúng, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân; không thành kiến và cần phân biệt rõ những người sai phạm do cuồng tín, lạc hậu với phần tử phản động cố tình chống đối để có thái độ và biện pháp xử lý đúng mức.

Thứ tưcông tác đào tạo cán bộ, xây dựng bộ máy cơ quan QLNN về tôn giáo nói chung và đạo Công giáo nói riêng được triển khai đồng bộ.

Thời gian qua, Ban Tôn giáo thành phố đã được kiện toàn khá đầy đủ. Cán bộ, công chức (CBCC) làm công tác QLNN về tôn giáo đã làm tốt vai trò trong thực thi nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo đa phần có quan điểm quần chúng đúng đắn, phong cách gần gũi và có uy tín cao đối với giáo dân và các chức sắc.

Các CBCC làm công tác tôn giáo đã được trang bị đầy đủ kiến thức về lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước. Đáng chú ý, Sở Nội vụ đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đối với cán bộ làm công tác tôn giáo; phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ, các trường chính trị triển khai, tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCC làm công tác tôn giáo và QLNN về tôn giáo.

Thứ nămthực hiện có hiệu quả trong QLNN về tham gia các hoạt động an sinh xã hội của đạo Công giáo. Trong đó, đã thực hiện nhiều hoạt động từ thiện, như: ủng hộ các nạn nhân thiên tai, xóa đói, giảm nghèo, nạn nhân chất độc da cam, giúp đỡ trẻ mồ côi, người già tàn tật… (ước tính số tiền các giáo xứ quyên góp cho các hoạt động từ thiện bác ái trong 5 năm qua trên 20 tỷ đồng).

Hội đoàn Công giáo Hà Nội nói riêng và Công giáo cả nước nói chung đa dạng. Ban Tôn giáo thành phố đã tham mưu cho UBND TP. Hà Nội phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… khéo léo lồng ghép những hoạt động đoàn thể vào trong hội đoàn như câu lạc bộ gia đình trẻ, sinh đẻ có kế hoạch, giúp nhau làm giàu… Ban hành giáo xứ, họ đạo là một hình thức tổ chức vốn có lịch sử hoạt động lâu đời. Song nhìn chung các ban hành giáo xứ, họ đạo, nhất là những người đứng đầu đều có quan hệ tốt với chính quyền. Những hoạt động mang tính xã hội, từ thiện của xứ, họ đạo có vai trò rất lớn của Ban hành giáo (hay Hội đồng giáo xứ).

Thứ sáuvề tăng cường hoạt động đối ngoại, quan hệ quốc tế. Trong thời gian qua, công tác hướng dẫn hoạt động đối ngoại, quan hệ quốc tế của đạo Công giáo luôn được chính quyền TP. Hà Nội quan tâm chỉ đạo thực hiện. Mối quan hệ giữa Tòa thánh Vatican với các cấp chính quyền trên địa bàn thành phố về cơ bản là tích cực. Các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; các biện pháp và việc làm của TP. Hà Nội trong công tác đối ngoại, quan hệ quốc tế của tôn giáo nói chung và đạo Công giáo nói riêng hoàn toàn đúng pháp luật của Việt Nam và thông lệ quốc tế, được dư luận trong và ngoài nước đồng tình, ủng hộ.

Cùng với những kết quả đạt được như trên, công tác QLNN đối với đạo Công giáo trên địa bàn TP. Hà Nội thời gian qua vẫn còn những khó khăn hạn chế, như: một số cán bộ làm công tác quản lý tôn giáo cấp quận (huyện), phường (xã) còn chưa nắm đầy đủ nghị quyết của Đảng, những quy định của Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo. Do đó, khi giải quyết, xử lý các vấn đề phức tạp lại hay “đơn giản hóa”, thuần túy nên đã để xảy ra tình trạng gây bất bình trong giáo sĩ, tín đồ. Hiện nay, công tác QLNN đối với các hoạt động tôn giáo ở Hà Nội thiếu định hướng lâu dài; một số vướng mắc giải quyết còn kéo dài, chưa dứt điểm (nhất là những vụ liên quan đến nhà đất). Việc xử lý các vi phạm giữa các ngành còn thiếu thống nhất, thể hiện sự lúng túng trong xử lý giải quyết vấn đề.

Công tác phát hiện các điểm nóng còn chậm. Công tác nắm tình hình, dự báo tình hình còn chưa tốt (nhất là tình hình trong khu vực đồng bào có đạo); có lúc còn chưa theo kịp với diễn biễn thực tế, với yêu cầu giải quyết. Vì vậy, trong nhiều vụ việc phức tạp còn bị động đối phó. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng là đồng bào có đạo còn hạn chế. Trong các vụ việc, sự hướng dẫn chỉ đạo của một số cơ quan còn bất cập, chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, thậm chí có nhiều trường hợp, sự hướng dẫn, trả lời không phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy đã gây nên một số vụ việc phức tạp không đáng có. Thực tế vẫn có một số chức sắc, tín đồ đạo Công giáo ở TP. Hà Nội chưa nhận thức đầy đủ về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo. Hoạt động của một số tổ chức, cá nhân chức sắc, chức việc đạo Công giáo không tuân thủ các quy định pháp luật; lợi dụng hoạt động đạo Công giáo, tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách, lôi kéo kích động giáo dân chống đối chính quyền, gây xung đột, hình thành sự kiện chính trị gây bất ổn ở địa bàn, làm phức tạp tình hình, xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đạo Công giáo trên địa bàn TP. Hà Nội

Một là, nâng cao nhận thức về đạo Công giáo và công tác QLNN đối với hoạt động của đạo Công giáo của các cơ quan, ban, ngành, đặc biệt là những CBCC trực tiếp phụ trách công tác QLNN đối với hoạt động này. Trải qua thời gian, hiểu biết về đạo Công giáo và công tác QLNN đối với đạo Công giáo của CBCC đã được nâng lên nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ phận CBCC chưa nhận thức đúng đắn về đạo Công giáo, thậm chí vẫn còn tư tưởng mặc cảm đối với đạo Công giáo, từ đó làm chậm quá trình thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đạo Công giáo trên địa bàn TP. Hà Nội. Vì vậy, việc tiếp tục nâng cao nhận thức về đạo Công giáo và công tác QLNN đối với đạo Công giáo trên địa bàn TP. Hà Nội.

Hai là, tiếp tục quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với vấn đề tôn giáo nói chung và đối với hoạt động của đạo Công giáo nói riêng. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, hướng dẫn tín đồ Công giáo hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật. Thực hiện quản lý hoạt động đối với đạo Công giáo bao gồm cả hai mặt: một mặt quan tâm giải quyết các nhu cầu hợp pháp, chính đáng, đáp ứng nguyện vọng của quần chúng tín đồ, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, được sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Nắm bắt tranh thủ chức sắc, xây dựng giáo xứ cơ sở hoạt động thuần túy, hợp pháp, tuân thủ đường hướng của Giáo hội. Mặt khác, trên cơ sở đó tăng cường các biện pháp quản lý, đấu tranh chống truyền đạo trái pháp luật và hoạt động tôn giáo vi phạm quy định của Nhà nước. Kiên quyết đấu tranh chống các hoạt động tuyên truyền và âm mưu lợi dụng đạo Công giáo của các thế lực thù địch. Vận động và sử dụng tổ chức, cá nhân chức sắc, tín đồ theo đạo Công giáo hợp pháp và người có uy tín để tham gia công tác này.

Ba là, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở địa bàn có đạo Công giáo. Cần vận động, quy hoạch những tín đồ, chức sắc Công giáo “trí thức” vào các tổ chức chính trị xã hội như Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc để họ có tiếng nói và tạo uy tín cho cộng đồng tôn giáo. Phát huy năng lực của hệ thống chính trị trong công tác đối với đạo Công giáo và đưa hoạt động của đạo Công giáo vào khuôn khổ pháp luật. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; chủ động tích cực tiếp xúc chức sắc, tín đồ theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/01/2018 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác tôn giáo trong tình hình mới.

Bốn là, cần tăng cường công tác vận động quần chúng tín đồ theo đạo Công giáo, xây dựng cơ sở Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể làm nòng cốt, tranh thủ những người đứng đầu dòng họ, người có uy tín, quần chúng tiêu biểu để tạo sự ủng hộ rộng rãi đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Công tác vận động quần chúng phải gắn liền xóa đói giảm nghèo, chăm lo đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, đồng thời làm tốt công tác QLNN và xử lý nghiêm minh theo pháp luật đối với mọi hoạt động truyền đạo trái pháp luật. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng các phương tiện truyền thông đại chúng. Nâng cao chất lượng và thời lượng các chương trình phát sóng của đài phát thanh và truyền hình, nội dung các buổi phát sóng chú ý đến công tác tuyên truyền chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Thực tế hiện nay, công tác tuyên truyền giáo dục trong vùng đồng bào theo đạo Công giáo chưa thực sự đóng vai trò then chốt, tham gia tích cực vào cuộc vận động nhằm đấu tranh chống âm mưu xuyên tạc, kích động ly khai, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Năm là, để làm tốt công tác đối với đạo Công giáo trên địa bàn TP. Hà Nội, cần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân và gắn phát triển kinh tế với giữ gìn bản sắc văn hóa, trong đó cần lam tốt hơn nữa công tác vận động quần chúng đối với đồng bào theo đạo.

Sáu là, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhận thức, kiến thức tôn giáo và nghiệp vụ cho CBCC làm công tác QLNN đối với tôn giáo nói chung và đạo Công giáo nói riêng trên địa bàn TP. Hà Nội. Về lâu dài nên có chính sách đặc thù đối với đội ngũ CBCC để thu hút cũng như giữ người có chuyên môn, tâm huyết yên tâm công tác, gắn bó bền lâu. Đồng thời, tăng cường cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức cho cơ sở ở vùng đông đồng bào theo đạo, nhất là ở những địa bàn trọng điểm,… CBCC công tác ở địa bàn có đông tín đồ tôn giáo cần phải am hiểu phong tục, tập quán, tôn giáo của đồng bào; thực hiện tốt phong cách dân vận “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”; làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết vấn đề về tôn giáo nói chung và đạo Công giáo nói riêng.

Kết luận        

Hà Nội là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, các tôn giáo nói chung và đạo Công giáo nói riêng trên địa bàn TP. Hà Nội có số lượng tín đồ lớn, gắn bó, đồng hành với sự phát triển của dân tộc. Chính vì vậy, việc nâng cao hiệu quả trong công tác QLNN đối với đạo Công giáo của TP. Hà Nội hiện nay là một việc làm quan trọng, thường xuyên, đáp ứng nhu cầu tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân và từng bước ổn định xã hội.

Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác tôn giáo trong tình hình mới.
2. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.
3. Nghị định số 162/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
4. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo.
TS. Nguyễn Đình Hoa
Học viện An ninh Nhân dân