Đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam theo hướng bền vững

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 10/01/2023, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo tham vấn: “Đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam theo hướng bền vững”. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng và ông Dennis Quennet, Cố vấn trưởng Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh đồng chủ trì Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) thực hiện tại Việt Nam, thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, khẳng định, kinh tế tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế đối với tăng trưởng, đầu tư, tạo việc làm, tăng thu nhập. Qua hơn 36 năm đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết ghi nhận và khẳng định vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế. Đại hội XIII của Đảng đã xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng đã được Chính phủ thực hiện quyết liệt, với việc ban ngày nhiều chính sách, chương trình, đề án nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân.

Theo đó, những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân đã phát triển rất mạnh mẽ. Nhiều chủ thể kinh tế tư nhân, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế tư nhân đã góp phần làm thay đổi diện mạo của đất nước, hình thành nhiều thương hiệu quốc gia uy tín, có tính cạnh tranh, tạo dấu ấn và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân lớn về số lượng nhưng chất lượng còn có những hạn chế, đặc biệt từ khía cạnh phát triển bền vững như: vấn đề trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, khả năng thích ứng linh hoạt với những biến đổi…

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo.

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, một nền kinh tế thịnh vượng bên cạnh việc phát triển về kinh tế còn cần phải gắn liền với bền vững về môi trường, trong đó có vai trò, trách nhiệm không nhỏ của khu vực kinh tế tư nhân. Đẩy mạnh cải cách thể chế, thúc đẩy quá trình đổi mới nền kinh tế, với mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam theo hướng bền vững là nền tảng quan trọng để xây dựng nền kinh tế bền vững, hướng tới phát triển đất nước bền vững trong tương lai.

TS. Ngô Thị Luyến, Phó Trưởng ban, Ban Nghiên cứu cải cách phát triển doanh nghiệp CIEM đã trình bày báo cáo một số kết quả ban đầu của nghiên cứu đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam theo hướng bền vững. Trong đó, nêu bật nhiều kết quả đạt được của quá trình phát triển kinh tế tư nhân theo hướng bền vững, đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay. Theo đó, phát triển kinh tế tư nhân đã đạt nhiều dấu mốc quan trọng, đạt nhiều thành tựu về quy mô, hiệu quả hoạt động, đóng góp lớn cho nền kinh tế, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.

TS. Ngô Thị Luyến, Phó Trưởng ban, Ban Nghiên cứu cải cách phát triển doanh nghiệp CIEM.

Báo cáo đã đánh giá những mặt hạn chế, tồn tại về thể chế phát triển kinh tế tư nhân trong bối cảnh hiện nay, đồng thời, chỉ rõ những nguyên nhân, qua đó đề xuất một số kiến nghị ban đầu, như: tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư tư nhân, thúc đẩy các chủ thể kinh tế tư nhân hình thành và phát triển bền vững, gắn với trách nhiệm và môi trường; đổi mới tư duy điều hành, cải cách; tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế tư nhân thích ứng và tận dụng được các cơ hội từ hội nhập quốc tế; cải cách thể chế phát triển kinh tế tư nhân gắn với cách mạng công nghệ 4.0 và kinh tế số; đổi mới quản lý nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đối với khu vực kinh tế tư nhân…

Hội thảo cũng được nghe nhiều tham luận, ý kiến đóng góp về các vấn đề, như: những điểm nhấn cải cách thể chế; cải cách cơ chế thực thi và bộ máy quản lý nhà nước; cải các thể chế tạo nguồn nhân lực tài chính; tháo gỡ điểm nghẽn thể chế; những yêu cầu và kiến nghị cải cách thể chế; kinh nghiệm thực tiễn từ quốc tế và ở các địa phương trong cải cách thể chế nhằm thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển bền vững trong bối cảnh mới…

Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh cảm ơn các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã quan tâm, tham dự và tích cực tham gia phát biểu, tham luận tại Hội thảo. Những ý kiến đóng góp phong phú, đa chiều, có giá trị tham vấn thiết thực sẽ góp phần hoàn thiện nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn, qua đó đề xuất những tham vấn chính sách hiệu quả liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam theo hướng bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay.

Tuấn Anh