Bảo vệ người tố cáo và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nêu rõ: các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, trước hết là người đứng đầu phải nêu cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ người tố cáo thuộc phạm vi phụ trách; sâu sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, uốn nắn lệch lạc trong quá trình thực hiện của cấp dưới1. Do đó, việc bảo vệ người tố cáo có ý nghĩa quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương đặt ra.
Ảnh minh hoạ: noichinh.vn.
Những phát hiện, góp ý của người tố cáo góp phần quan trọng vào việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Người tố cáo (NTC) được hiểu là việc làm của một cá nhân phát hiện ra những sai phạm nghiêm trọng vi phạm pháp luật của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào báo cho cơ quan chức năng có thẩm quyền tiến hành điều tra, xác minh và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Khi tiến hành tố cáo bất kỳ ai, NTC phải có đầy đủ bằng chứng, chứng minh được với cơ quan có thẩm quyền về những sai phạm gây bức xúc trong cơ quan, đơn vị, địa phương của cá nhân, tổ chức đó. Vì vậy, NTC phải có động cơ hết sức trong sáng, nắm chắc pháp luật, quy định của cơ quan, đơn vị, địa phương, hiểu biết về các vấn đề xã hội; có năng lực, phương pháp tác phong công tác tốt; có lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị, được đồng nghiệp quý mến, kính trọng, có bàn tay sạch, không vi phạm pháp luật, kỷ luật Đảng, hết lòng, hết sức vì nhiệm vụ chung của tập thể.

NTC được tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của các đối tượng: (1) Cán bộ, công chức, viên chức; người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ; (2) Người không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian là cán bộ, công chức, viên chức; người không còn được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ; (3) Cơ quan, tổ chức.

Trong lịch sử phát triển của dân tộc, đặc biệt là ở các triều đại phong kiến, việc khuyến khích người dân tố cáo sai phạm của quan chức địa phương rất được chú trọng, xử lý rất nghiêm những quan lại, binh lính ức hiếp dân lành, tham nhũng, vơ vét của cải của Nhân dân, như: cho bãi quan, từ chức, tử hình… Nhiều nước trên thế giới, như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản rất coi trọng việc tố cáo quan chức sai phạm, nhờ đó, nhiều hành vi sai phạm của cán bộ lãnh đạo bị phát hiện và xử lý. Ví dụ,Luật Bảo vệ NTC vì lợi ích công của Hàn Quốc áp dụng cho “bất kỳ người nào” tố cáo hành vi vi phạm lợi ích công cộng; ở Ốt-xtray-li-a có Bộ luật Dịch vụ công cộng, yêu cầu công chức không tiết lộ bất kỳ thông tin mật nào vì nó có thể gây hại đến hiệu quả làm việc của Chính phủ, nếu sai phạm, họ sẽ bị bãi nhiệm và chấm dứt việc làm tại tổ chức đó.

Ở Việt Nam, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được chú trọng, quan tâm thực hiện bằng những cách thức, biện pháp phù hợp, hiệu quả, được lòng dân, một trong biện pháp đó là khuyến khích, bảo vệ NTC tham nhũng, tiêu cực trong Đảng và hệ thống chính trị. Nghị quyết số 04/NQ-TW ngày 21/8/2006 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định: “Bảo vệ, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí”; Văn kiện Đại hội Đảng XII đặt ra một trong mười nhiệm vụ quan trọng là: “Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế khuyến khích và bảo vệ tổ chức, cá nhân phát hiện tố cáo tham nhũng, lãng phí”; khoản 3 Điều 30 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”. Khoản 2 Điều 65 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi, bổ sung 2007, 2012) quy định: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi nhận được tố cáo hành vi tham nhũng phải xem xét và xử lý theo thẩm quyền; giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin khác theo yêu cầu của NTC; áp dụng kịp thời các biện pháp cần thiết để bảo vệ NTC khi có biểu hiện đe doạ, trả thù, trù dập NTC hoặc khi NTC yêu cầu; thông báo kết quả giải quyết tố cáo cho NTC khi có yêu cầu”. Nhờ vậy, NTC đã vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo động lực, ý chí quyết tâm cao trong quá trình công tác cho NTC, không phải băn khoăn, lo lắng về sự trù dập, trả thù, ức hiếp của tổ chức, cá nhân bị tố cáo; người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ NTC, như giữ bí mật, không thông tin, chia sẻ đến người khác, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho NTC…

Bên cạnh kết quả đạt được, bảo vệ NTC của cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương còn một số hạn chế: việc bảo vệ NTC chưa được quan tâm, chú trọng. Ở những nơi này, chỗ khác NTC còn bị trù dập, ức hiếp, trả thù cá nhân, bị cô lập, thậm trí còn đe doạ đến tính mạng và gia đình; cơ chế, chính sách bảo vệ NTC ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được hoàn thiện; NTC còn sợ không dám tố cáo những vi phạm của những cá nhân, tổ chức… Vì vậy, quá trình công tác một số cá nhân, tổ chức vi phạm kỷ luật nhưng vẫn đương chức, khiến cho NTC nản lòng, không phát huy được tính năng động, sáng tạo của NTC, từ đó, sinh ra tư tưởng an phận, giấu mình, không dám lên tiếng, phản ánh cho tổ chức những sai phạm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cựcđánh giá: công tác này vẫn còn những hạn chế, bất cập, như tình trạng đế lộ lọt thông tin của người tố cáo; không ít trường họp người tố cáo không được bảo vệ, bị trả thù, trù dập; các hành vi trả thù, trù dập chưa được phát hiện, xử lý nghiêm. Việc biểu dương, khen thưởng người tố cáo đúng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc bảo vệ người tố cáo chưa được quan tâm. Cán bộ, đảng viên và người dân còn chưa an tâm, ngại đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên vi phạm.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đáp ứng với đòi hỏi đặt ra ngày càng cao của thực tiễn xã hội hiện nay; đặc biệt là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ của một bộ phận cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; sự chống phá quyết liệt, điên cuồng với âm mưu, thủ đoạn rất tinh vi, sảo quyệt, nham hiểm của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân… đặt ra rất cấp bách cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của mình trong mọi tình huống, điều kiện, hoàn cảnh; hơn nữa, Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp sáng lập và đã lập nên những chiến công kỳ tích trong suốt hơn 90 năm qua, khẳng định được vị thế, uy tín của Đảng trong lòng dân tộc, Đảng ta đã thực sự trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo toàn bộ xã hội và hệ thống chính trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh, Đảng ta thật sự vĩ đại”, đó là sự khái quát đầy đủ bản chất, truyền thống tốt đẹp của Đảng ta từ ngày thành lập cho đến nay, ngoài lợi ích của dân tộc, của Nhân dân, Đảng ta không còn lợi ích nào khác. Để hiện thực hoá mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục tiêu, nhiệm vụ trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cần phát huy ý chí, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó có việc bảo vệ NTC ở các cơ quan, đơn vị, địa phương hiện nay.

Một số biện pháp bảo vệ người tố cáo của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương hiện nay

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đối với NTC.

Thống nhất nhận thức, hành động của người đứng đầu, để bảo vệ NTC cũng là bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, bảo vệ nội bộ đoàn kết thống nhất, góp phần thực hiện thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trung tâm của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương; trên cơ sở đó, người đứng đầu tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, Nhân dân nhận thấy, bảo vệ NTC là việc làm đúng đắn, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nội dung, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thực tiễn cho thấy, nếu người đứng đầu nhận thức tốt việc bảo vệ NTC thì cơ quan, đơn vị, địa phương phát triển; ngược lại, người đứng đầu nhận thức không tốt, cho rằng NTC là không đúng đắn, làm nội bộ mất đoàn kết, hoặc trù dập, ức hiếp, cô lập thì cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ không phát triển, thậm trí làm xuất hiện tham nhũng, tiêu cực, ảnh hưởng khôn lường đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Vì vậy, người đứng đầu phải xem NTC là tai mắt, là cánh tay đắc lực của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách pháp luật về bảo vệ NTC.

Trên cơ sở những quy định của Đảng, Nhà nước, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần cụ thể hoá, thể chế hoá vào từng lĩnh vực, ngành nghề cụ thể; chi tiết hoá các hình thức, biện pháp bảo vệ NTC rất chặt chẽ, bảo đảm an toàn về mọi mặt của NTC; nghiên cứu, xem xét về mặt cơ chế, chính sách để NTC yên tâm khi đưa ra những sai phạm, chứng cứ đối với những cá nhân, tổ chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng, tiêu cực, ảnh hưởng đến cơ quan, đơn vị, địa phương; cấp uỷ, tổ chức đảng, đặc biệt là người đứng đầu đề cao tinh thần, trách nhiệm của mình trong phối hợp với nhau trong quá trình làm việc; thực hiện nghiêm túc cơ chế, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với NTC; đưa ra những quy định cụ thể của cấp mình trong bảo vệ NTC; căn cứ vào điều kiện thực tiễn, đưa ra quy định phù hợp, hiệu quả, sáng tạo, đạt được mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

Những quy định, yêu cầu bảo vệ NTC của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phù hợp với cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, không trái, đi ngược lại với quy định chung, hợp lý đã có, phản ánh đúng tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ, thực trạng phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nội bộ đoàn kết, thống nhất ở cơ quan, đơn vị, địa phương. Cơ chế, chính sách pháp luật bảo vệ NTC phải mang tính nhân văn, nhân đạo, phản ánh bản chất, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, xây dựng nước Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng, sánh vai cường quốc năm châu thế giới.

Ba là, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng cơ quan chức năng trong bảo vệ NTC.

Đẩy mạnh phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi trả thù, trù dập NTC, bao che người bị tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ NTC nhưng không làm tròn trách nhiệm. Theo đó, cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với bộ phận, lực lượng có liên quan, đặc biệt là cơ quan Công an các cấp bảo vệ NTC, không để NTC bị đe doạ tính mạng bởi những hành vi trả thù của người bị tố cáo; khi phát hiện NTC bị đe doạ cần phải vào cuộc, có phương án, biện pháp bảo vệ an toàn tuyệt đối về mọi mặt; vào cuộc điều tra, xác minh bắt giữ đối tượng bị tố cáo có hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp trả thù NTC để xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật; căn cứ vào tính chất, mức độ của từng hành vi gây ra cho NTC định tội; không dung túng, tha thứ cho hành vi trả thù NTC, kiên quyết xử lý thật nặng để ngăn chặn, răn đe, cảnh tỉnh đối người khác, không đi vào vết xe đổ của những người trước.

Các cơ quan chức năng có liên quan cần nhanh chóng vào cuộc bảo vệ NTC; không để sự việc đã xảy ra rồi mới tăng cường bảo vệ, xử lý, mà phải tích cực, chủ động lên phương án, kế hoạch “từ sớm”, “từ xa” bảo vệ NTC, không để xảy ra những hành vi trả thù; phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan chức năng trong phối hợp với nhau trong quá trình bảo vệ NTC, tạo động lực niềm tin vững chắc cho NTC yên tâm công tác, làm việc, sinh hoạt, nhất là gia đình NTC không bị ảnh hưởng, ràng buộc bởi bất kỳ một áp lực nào.

Bốn là, làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm đối với hoạt động bảo vệ NTC ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.

Cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần định kỳ tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, trong đó nhấn mạnh đến nội dung bảo vệ NTC.  Đánh giá một cách toàn diện, đồng bộ, khách quan vai trò của người đứng đầu trong bảo vệ NTC; người đứng đầu đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng, ban hành hướng dẫn NTC tham gia vào những nội dung gì; việc bảo đảm bí mật thông tin NTC có tốt không; NTC có tố cáo đúng, trúng không,… trên cơ sở đó, phát huy trí tuệ của tập thể trong thảo luận, góp ý về những cách thức, biện pháp của toàn hội nghị bảo vệ NTC được tốt hơn nữa trong bối cảnh hiện nay khi mà cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta đang ngày càng quyết liệt, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, phải làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng đối với người đã mạnh dạn, không sợ khó khăn, hiểm nguy đứng ra tố cáo sai phạm của cá nhân, tổ chức đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc, mang nặng chủ nghĩa cá nhân, bè phái, cục bộ, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
2. Luật Tố cáo năm 2018.
3. Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo.
4. Thông tư số 03/2020/TT-BNV ngày 21/7/2020 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.
ThS. Trần Thuỳ Dương
Trường Chính trị Trường Chinh, tỉnh Nam Định