Đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với lễ hội truyền thống hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Lễ hội là một bộ phận không thể tách rời trong đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân và ngày càng có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Bài viết chỉ rõ các đặc điểm của lễ hội truyền thống, từ đó rút ra một số vấn đề nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lễ hội trong thời gian tới.
Lễ hội Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình (Ảnh Internet).

Lễ hội là hiện tượng lịch sử, hiện tượng văn hóa tồn tại từ lâu đời và đã trở thành một bộ phận quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam từ trước đến nay. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng, gìn giữ và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của quần chúng nhân dân nói chung, các lễ hội nói riêng ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm. Tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, khẳng định: “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, hội nhập quốc tế, đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật”1.

Theo Từ điển Tiếng Việt, “Lễ hội” là cuộc vui tổ chức chung, có hoạt động nghi lễ mang tính văn hóa truyền thống của dân tộc. Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội có 4 loại hình lễ hội bao gồm: Lễ hội truyền thống (LHTT); lễ hội văn hóa; lễ hội ngành nghề; lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài tổ chức tại Việt Nam. Cũng theo quy định tại Điều 3 Nghị định này thì “LHTT là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân”2.

Thực tế hiện nay cho thấy, các LHTT chiếm phần lớn số lượng lễ hội ở nước ta và được tổ chức ở các địa phương, trong đó tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ. Hiện nay, với hơn 7.000 LHTT, xét về nguồn cội đều là lễ hội nông nghiệp, gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp, quy mô ban đầu là hội làng, trong tiến trình lịch sử, các lễ hội nông nghiệp này dần biến đổi, được bổ sung, hòa quyện bằng những nội dung lịch sử (nhất là lịch sử chống ngoại xâm), nội dung xã hội (nhất là các quan hệ cộng đồng), nội dung văn hóa tạo nên diện mạo vô cùng phong phú và đa dạng của LHTT như ngày nay.

Một số đặc điểm đáng chú ý của lễ hội truyền thống

LHTT mang đầy đủ đặc trưng của lễ hội, mặc dù đang có nhiều quan điểm tiếp cận khác nhau về lễ hội, tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đều thống nhất một số đặc trưng cơ bản sau đây: (1) Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo của một cộng đồng dân cư trong một giai đoạn lịch sử nhất định; (2) Lễ hội là một chỉnh thể thống nhất, không thể tách rời của “lễ” và “hội”, trong lễ có hội, trong hội có lễ; (3) Không gian lễ hội là không gian đa chiều, bao gồm không gian địa lý, không gian xã hội, không gian tâm linh, trong đó không gian tâm linh rất quan trọng; (4) Lễ hội là hoạt động mang tính xã hội cao, hội tụ tinh hoa văn hóa vật thể và phi vật thể của con người. Bên cạnh đó, LHTT có một số đặc điểm đáng chú ý liên quan đến công tác quản lý như sau:

Một là, LHTT là sự kết tinh của văn hóa truyền thống, có giá trị tinh thần cao và mang tính định hướng lớn về văn hóa – tư tưởng, tác động đến một bộ phận đông đảo quần chúng nhân dân.

Trong kho tàng di sản văn hoá phi vật thể của dân tộc, LHTT là tài sản vô giá, cần phải được giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Không thể phủ nhận rằng về cơ bản hệ thống LHTT được tổ chức đã góp phần to lớn trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đây cũng là môi trường nuôi dưỡng, sinh tồn những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc.

Thông qua hoạt động LHTT bảo tồn các tín ngưỡng văn hóa truyền thống, giới thiệu quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và phong tục truyền thống văn hoá lâu đời tốt đẹp, độc đáo của dân tộc ta. Đồng thời, các sinh hoạt LHTT đã góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng, hun đúc, hình thành nên nền tảng văn hóa tinh thần của xã hội, là động lực to lớn trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay. Chính lẽ đó, nếu tổ chức tốt công tác quản lý sẽ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tích cực, có ý nghĩa định hướng về tinh thần cho đông đảo quần chúng nhân dân, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngược lại nếu tổ chức các hoạt động quản lý không hiệu quả thì dễ bị lợi dụng để tác động đến tư tưởng, tình thần của một phận quần chúng nhân dân theo hướng tiêu cực.

Hai là, LHTT là nơi diễn ra nhiều hoạt động tâm linh, tín ngưỡng. LHTT gắn với đời sống tâm linh, tôn giáo tín ngưỡng, mang tính thiêng liêng, do vậy nhiều hoạt động tại LHTT mang tính “kết nối” thế giới thần linh, thiêng liêng, đối lập với đời sống trần gian, trần tục. Tính tâm linh và linh thiêng của lễ hội nó quy định “ngôn ngữ” của lễ hội là ngôn ngữ biểu tượng, tính thăng hoa, vượt lên thế giới hiện thực, trần tục của đời sống thường ngày. Chẳng hạn như diễn xướng ba trận đánh giặc Ân trong Hội Gióng, diễn xướng cờ lau tập trận trong lễ hội Hoa Lư, diễn xướng rước Chúa gái (Mỵ Nương) trong Hội Tản Viên… Chính các hoạt động mang tính biểu tượng này tạo nên không khí linh thiêng, hứng khởi và thăng hoa của lễ hội. Tuy nhiên, môi trường này lại chính là điều kiện cho các hoạt động mang tính “mê tín dị đoan”, “buôn thần, bán thánh” phát triển, chính lẽ đó cần tổ chức quản lý chặt chẽ các hoạt động này, góp phần vào việc tổ chức và hoạt động của LHTT được diễn ra lành mạnh, phát huy được các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Bên cạnh đó, mặc dù số lượng các LHTT ngày càng tăng, song về mặt chất lượng đang có dấu hiệu bị suy giảm. Sự thay đổi này dẫn đến việc những nét văn hóa tinh túy do các thế hệ trước để lại bị lai tạp, bị diễn giải sai hoặc phục vụ chủ yếu cho mục đích thế tục chứ không phải nhằm tôn thờ yếu tố thiêng như trước kia. Trong đó, phần “hội” là yếu tố bị thay đổi nhiều nhất trong các lễ hội, trước đây phần “hội” chỉ là bộ phận phụ trợ cho phần lễ, bởi mục đích của việc tổ chức lễ hội xưa kia chú trọng và sự tôn kính thần thánh, những danh nhân lịch sử và biểu lộ truyền thống uống nước nhớ nguồn. Ngày nay, thì ngược lại, phần hội phát triển mạnh mẽ do sự thay đổi giá trị – tập quán xã hội kèm theo nhu cầu giải trí ngày càng cao của đông đảo tầng lớp nhân dân. Việc đa dạng hóa phần hội có lẽ cũng là một yếu tố tích cực nếu chúng tập trung vào nhu cầu giải trí. Tuy nhiên, biến tướng của phần “hội”, tạo ra những giá trị mới “phản” văn hóa, xâm hại đến các giá trị văn hóa truyền thống, tạo điều kiện cho các yếu tố mê tín dị đoan phát triển, đe dọa đến sự ổn định và phát triển bền vững của nền văn hóa – tư tưởng XHCN hiện nay, do đó, cần công tác quản lý cần tổ chức một cách chặt chẽ để tác động, hướng lái các hoạt động này.

Ba là, LHTT mang tính cộng đồng cao, không gian lễ hội thường là nơi tập hợp của nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, một số LHTT có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

LHTT mang tính cộng đồng cao, đó là cộng đồng làng, cộng đồng nghề nghiệp, cộng đồng tôn giáo tín ngưỡng, cộng đồng thị dân và lớn hơn cả là cộng đồng quốc gia dân tộc. LHTT được tổ chức sôi nổi trên địa bàn cả nước, thực sự hấp dẫn du khách nên lượng du khách tăng ở hầu hết các lễ hội, với nhiều thành phần, tầng lớp khác nhau tham gia, từ năm 2010 – 2016: lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ) mỗi năm đón 5 triệu khách; các lễ hội lớn như: lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội Vía Bà Chúa Xứ (An Giang), lễ hội Phủ Dày – Đền Trần (Nam Định), lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc (Hải Dương) bình quân mùa lễ hội hàng năm đón từ 1,5 – 2 triệu lượt khách, các lễ hội có quy mô nhỏ lượng khách đều tăng cao3. Sự tham gia của đa dạng các thành phần tại lễ hội đặt ra yêu cầu quản lý chặt chẽ các hoạt động của lễ hội, bởi lẽ môi trường phức tạp này sẽ là điều kiện để các đối tượng xấu lợi dụng để tiến hành các hoạt động liên quan đến ANTT.

Đồng thời, với sức hút lớn từ tính hấp dẫn của các LHTT cũng như việc khai thác tiềm năng du lịch hằng năm có hàng ngàn người nước ngoài với nhiều quốc tịch khác nhau tham dự các lễ hội. Bên cạnh đó, với ý nghĩa to lớn trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, các LHTT luôn nhân được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Nhiều LHTT có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhằm động viên, khơi dậy các giá trị văn hóa của các lễ hội này, thậm chí ở một số lễ hội sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước trở thành một nội dung quan trọng của phần lễ, chẳng hạn như Lễ hội đền Hùng (Phú Thọ), lễ hội Tịch Điền (Hà Nam), Lễ hội đền Trần (Nam Định)4… Chính lẽ đó, đặt ra yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối đối với LHTT, tạo không gian an toàn, lành mạnh cho các thành phần tham gia lễ hội.

Bốn là, LHTT những năm gần đây đang có xu hướng thương mại hóa và đồng thời xuất hiện một số vấn đề tiêu cực tác động xấu đến không gian lễ hội.

Xu hướng thương mại hóa hoạt động lễ hội ngày càng thể hiện rõ nét. Cùng với quá trình đổi mới, mở cửa, hội nhập của đất nước và sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, sự tác động của mặt tráu quá trình này đối với mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, trong đó có cả đời sống văn hóa tình thần của Nhân dân như không gian LHTT là không thể phủ nhận. Thực tiễn thời gian qua, một số lễ hội đang được thương mại hóa, hiện tượng “buôn thần bán thánh” ở nhiều LHTT diễn ra một cách công khai, văn hóa “công đức” và “tiền lẻ” có mặt ở hầu khắp các lễ hội. Sự thương mại hóa lễ hội này bên cạnh làm biến dạng, méo mó các giá trị văn hóa truyền thống còn là nguyên nhân gây mất ổn định ANTT tại các các lễ hội, do đó, cần phải tiến hành quản lý chặt chẽ quá trình tổ chức và hoạt động của các lễ hội nhằm sớm phát hiện và ngăn chặn kịp thời xu hướng này.

Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều vấn đề tiêu cực tại các LHTT, đặc biệt là tình trạng bạo lực ở một số LHTT, gây bức xúc trong dư luận. Gần đây, tại một số LHTT các hiện tượng bạo lực thái quá như “chém lợn”, “đâm trâu”, “cướp lộc”, “cướp phết”, “cướp hoa tre”, “cướp bông”… gây nhiều tranh luận, bức xúc trong dư luận xã hội. Mặc dù, khái niệm “cướp” đã xuất hiện trong các trò chơi truyền thống của lễ hội từ rất lâu (cướp cù, cướp phết, cướp cờ…), với ý nghĩa là giành được giải, giật được giải nhằm tăng phần cao trào, thăng hoa của “hội”. Nhưng hiện nay nét văn hóa này đã bị lạm dụng dẫn đến việc dẫm đạp lên nhau để “cướp” ấn của “Vua ban, thánh phát”… những hình ảnh bất cập và phản cảm trong một số lễ hội trong thời gian qua đã làm méo mó, làm xấu đi nét văn hoá truyền thống dân tộc. Ở một số lễ hội còn xảy ra hiện tượng bạo lực, đánh nhau, trộm cắp,… khiến dư luận bức xúc, những hiện tượng mê tín, dị đoan, đồng bóng, bói toán, xin quẻ, tử vi, lá số diễn ra ở nhiều nơi, có nơi tranh cướp lộc gây mất trật tự nơi thờ tự, các tệ nạn như cờ bạc, rượu chè,… diễn ra khá phổ biến.

Hội Phủ Dầy, huyện Vụ Bản, Nam Định (Ảnh Internet)
Đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với lễ hội truyền thống

Thứ nhất, xuất phát từ đặc điểm trên của các lễ hội có thể thấy, công tác quản lý nhà nước đối với các lễ hội cần phải được tăng cường, đặc biệt là trong bối cảnh tác động gay gắt của quá trình toàn cầu hóa hiện nay. Thực tiễn cho thấy, buông lỏng QLNN đối với hoạt động này sẽ là điều kiện để gia tăng các nguy cơ tác động, xâm hại đối với lĩnh vực văn hóa – tư tưởng, một lĩnh vực đặc biệt quan trọng và phức tạp, nhạy cảm. Chính lẽ đó, nhận thức được tính tất yếu và thống nhất nhận thức về QLNN đối với hoạt động lễ hội, đặc biệt là vị trí, vai trò của hoạt động này trong tổng thể các hoạt động QLNN nói chung có ý nghĩa rất quan trọng trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong thời gian tới.

Thứ hai, thông qua đặc điểm của LHTT cần quan tâm xây dựng về tổ chức bộ máy QLNN đối với lễ hội. Hiện nay, các quy định về phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội vẫn còn chung chung dẫn đến không xác định rõ chủ thể chủ trì, chủ thể phối hợp trong tổ chức các hoạt động quản lý. Vẫn còn tình trạng mỗi đơn vị đảm trách một nội dung, do đó, trong quản lý nhà nước không tập trung, thống nhất. Bên cạnh đó, lễ hội và QLNN đối với lễ hội là lĩnh vực rất đặc thù, đòi hỏi nguồn nhân lực trực tiếp tiến hành hoạt động này phải có những kiến thức nhất định về văn hóa xã hội, lịch sử truyền thống…

Thứ ba, các chủ thể quản lý cần chú trọng sử dụng các phương pháp quản lý một cách linh hoạt, phù hợp. Với đặc thù là một hoạt động văn hóa, mang nhiều yếu tố tâm linh, tín ngưỡng, cùng với đó là các tổ chức điều hành, bao gồm nhiều con người có uy tín, trình độ, hiểu biết về phong tục, văn hóa lễ hội. Do đó các chủ thể trong quá trình quản lý phải biết sử dụng các phương pháp tác động phù hợp mới đạt hiệu quả cao, cần chú trọng sử dụng các phương pháp giáo dục, thuyết phục, hạn chế sử dụng các phương pháp cưỡng chế, hành chính.

Thứ tư, tiếp tục tham mưu xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở cho tổ chức các hoạt động quản lý nhà nước đối với lễ hội trong thời gian tới. Với đặc điểm có nhiều hoạt động, phức tạp và tác động tới một phận lớn tinh thần của quần chúng nhân dân, song hiện nay, hệ thống pháp luật tác động điều chỉnh vấn đề này mặc dù nhiều song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Các văn bản này chủ yếu điều chỉnh các hoạt động cụ thể, chưa mang tính hệ thống, thậm chí chồng chéo, trùng lặp, đặc biệt là các chế tài xử lý còn thiếu và chưa đủ sức răn đe đối với các hoạt động vi phạm.

Thứ năm, chú trọng tiến hành phối hợp các chủ thể trong quản lý nhà nước đối với lễ hội. Với đặc điểm mang tính quần chúng cao, thường được tổ chức trên quy mô rộng lớn, do đó liên quan đến nhiều cơ quan ban ngành, nhiều lực lượng tham gia. Chính lẽ đó, QLNN đối với lễ hội cần phải có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng trong tổ chức các hoạt động quản lý nhằm đạt được các mục tiêu quản lý khác nhau.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.1.
2. Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.
3, 4. Vụ Văn hóa Dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Báo cáo về tình hình lễ hội năm 2021, Hà Nội, 2022.
TS. Nguyễn Đình Hoa
Học viện An ninh nhân dân