Thủ tướng Võ Văn kiệt với đổi mới tư duy kinh tế

(Quanlynhanuoc.vn) – Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922 – 2008) là người có tầm tư duy chiến lược, sắc sảo, nhạy bén, sáng tạo; có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mở cửa và hội nhập quốc tế, Ông Võ Văn Kiệt đã có những đóng góp to lớn trong hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922 – 2008) là người có tầm tư duy chiến lược, sắc sảo, nhạy bén, sáng tạo; có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ảnh tư liệu.
Tư duy đổi mới kinh tế

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một trong những người đi tiên phong trong đổi mới tư duy kinh tế. Ông nhận thấy tình hình kinh tế – xã hội lúc bấy giờ rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, lạm phát tăng cao; tư duy đổi mới chưa được thông suốt… Ông đề xuất với Đảng: “Đừng để người nghèo bị gạt ra bên lề của sự phát triển và cũng đã dẫn số liệu điều tra của UNDP: “nhóm 20% những người giàu nhất ở Việt Nam hiện đang hưởng tới 40% lợi ích từ các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước; trong khi nhóm 20% những người nghèo nhất chỉ nhận được 7% lợi ích từ nguồn này”1. Trên cương vị của mình, ông đã nghiên cứu, tìm tòi và đưa ra nhiều chính sách đột phá, như: xóa bỏ chỉ tiêu pháp lệnh, trao quyền tự chủ kinh doanh cho xí nghiệp quốc doanh; thực hiện thương mại hóa tư liệu sản xuất, cho phép các doanh nghiệp (DN) lớn, cả trung ương và địa phương, được trực tiếp xuất nhập khẩu, chấm dứt tình trạng hai giá; xóa bỏ chế độ thu mua nghĩa vụ áp đặt với nông dân, bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, thực hiện tự do lưu thông hàng hóa trong cả nước… chuyển dần từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường (KTTT), đưa đời sống kinh tế đất nước dần vào thế ổn định.

Những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 thế kỷ trước, khi nền kinh tế nước ta đang trong khủng hoảng, có tới 3,5 triệu dân Thành phố Hồ Chí Minh bị đói. Trên cương vị người lãnh đạo cao nhất, mệnh lệnh tối cao đối với ông lúc đó là “cứu đói cho dân, cứu nguy cho nền kinh tế thành phố”2. Ông nói: “Chăm lo cho người nghèo hiện nay không đơn giản chỉ là thực hiện một cam kết có tính lịch sử, mà còn là bảo vệ tôn chỉ, mục đích của một Đảng cách mạng luôn nhận mình đứng về phía nhân dân”3, vì vậy, “phải có những chính sách cốt lõi để giải quyết căn cơ vấn đề dân nghèo”4. Ông đề nghị: chúng ta nên nghiên cứu, tham khảo cách làm của các quốc gia phát triển.

Ông cũng là người “xé rào”, vượt qua cơ chế quan liêu, bao cấp, cho phép thí điểm cách làm ăn mới trong sản xuất – kinh doanh, lưu thông phân phối… từ đó thổi bùng luồng sinh khí mới, tạo đà cho TP. Hồ Chí Minh bước vào một thời kỳ phát triển năng động, góp phần không nhỏ làm thay đổi tư duy kinh tế, tạo cơ sở bước đầu cho sự hình thành đường lối đổi mới của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986). Theo ông, mức độ đúng đắn của chính sách phải được xem xét trên hiệu quả thực tế, phải lấy mức sống được cải thiện của Nhân dân và sự phát triển của đất nước làm tiêu chí chứ không phải theo những điều “cấm kỵ” trừu tượng.

Những thành tựu to lớn về kinh tế của đất nước trong những năm đổi mới là công sức chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đồng thời, cũng đã gắn bó với tên tuổi và sự nghiệp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Với tầm nhìn chiến lược, với tính cách nổi bật dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, “ làm nhiều hơn nói”, luôn tìm tòi, trăn trở, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một trong những “ tổng công trình sư” của nhiều dự án lớn, quan trọng trong thời kỳ đổi mới đất nước. Các công trình điện năng lớn như Trị An, Thác Mơ, Hàm Thuận- Đa Mi, Phú Mỹ, Cà Mau, đường dây tải điện 500 kV Bắc – Nam…; các công trình giao thông: đường Bắc Thăng Long – Nội Bài; đường cao tốc Láng – Hòa Lạc; đường Hồ Chí Minh; cầu Mỹ Thuận…; các dự án, công trình lớn: chương trình khai thác và phát triển kinh tế – xã hội Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, chương trình thoát lũ ra biển Tây, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất… và sự phát triển của các ngành, như: dầu khí, viễn thông, hàng không, các tổng công ty lớn của Nhà nước, những hạ tầng quan trọng của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước… đều mang đậm “dấu ấn” khai mở, trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đốc thúc của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Vận dụng về đổi mới tư duy kinh tế của Thủ tướng Võ Văn Kiệt giai đoạn hiện nay

Để đạt được mục tiêu của đổi mới tư duy kinh tế, phát huy những thành tựu, giải quyết khắc phục những vấn đề đặt ra hiện nay và thực hiện mục tiêu chung: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy lý luận về kinh tế của Đảng đang là đòi hỏi khách quan với những nội dung cấp bách sau:

Một là, đổi mới tư duy về pháp luật trong nền KTTT.

Tập trung rà soát, sửa đổi những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, chưa hợp lý trong hệ thống luật pháp, các thủ tục hành chính gây phiền hà cho DN và người dân, tạo ra sự phân biệt đối xử giữa DN thuộc các thành phần kinh tế, làm cản trở sự phát triển đất nước.

Xây dựng cơ chế, chính sách, thể chế hóa đầy đủ quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, công khai, minh bạch, thông thoáng để thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Đặc biệt, tạo môi trường thuận lợi cho hình thành, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo DN; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực, những mô hình sản xuất, kinh doanh mới, công nghệ mới, sản phẩm mới trên cơ sở những thành tựu của cuộc CMCN 4.0; hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại nền kinh tế để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước thực hiện chuyển đổi số cho các ngành, lĩnh vực; phát triển kinh tế số, kinh thế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.

Hai là, đổi mới tư duy về thể chế trong nền KTTT.

Kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay, đội ngũ cán bộ nói chung và các nhà khoa học – xã hội nói riêng chủ yếu chỉ quan tâm đến nhận thức, tư duy về mục tiêu phát triển của thể chế, ít quan tâm đến phương pháp thực hiện, nguyên tắc bảo đảm đạt được các mục tiêu phát triển của thể chế trong nền KTTT. Đồng thời, nhiều người chưa phân biệt rõ tính chất “thể chế kinh tế”, bản chất “thể chế văn hóa” và thực chất “thể chế chính trị” trong nền “kinh tế thị trường xã hội” của quốc gia. Do vậy, đổi mới tư duy về thể chế trong nền KTTT tức là cần phải trang bị cho đội ngũ cán bộ, các nhà khoa học phân biệt giữa khái niệm KTTT tư bản và KTTT xã hội chủ nghĩa; nhận thức rõ tính chất thể chế kinh tế, bản chất thể chế văn hóa, thực chất thể chế chính trị trong quốc gia. Đổi mới tư duy như vậy là cơ sở để thực hiện yêu cầu “bảo đảm tính đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị” trong quá trình phát triển “kinh tế thị trường hiện đại” nhằm bảo đảm đạt được hiệu quả chính sách tái cơ cấu đầu tư công, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ở Việt Nam.

Giải quyết hài hòa mối quan hệ Nhà nước, thị trường và xã hội trong phát triển KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Phát huy đầy đủ vai trò của thị trường trong phân bổ các nguồn lực sản xuất, điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa, điều tiết hoạt động của DN và thanh lọc DN yếu kém. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế của Nhà nước; tập trung vào nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; đẩy mạnh cải cách hành chính; giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiến tạo phát triển. Tạo điều kiện và phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên, hội viên, phản biện, góp ý luật pháp, chính sách của Nhà nước, giám sát các DN, các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực thi pháp luật.

Hoàn thiện cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Phát triển DN tư nhân Việt Nam lớn mạnh, nâng cao trình độ công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, mở rộng thị trường, cải thiện thu nhập, điều kiện làm việc của người lao động, và tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện các trách nhiệm xã hội. Nâng cao hiệu quả các dự án đối tác công tư trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng. Ưu tiên những dự án đầu tư nước ngoài có trình độ công nghệ cao, sẵn sàng chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho DN trong nước phát triển tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ba là, đổi mới tư duy về hiệu quả chính sách tái cơ cấu đầu tư công trong nền KTTT.

Nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công; khẩn trương rà soát, sửa đổi, những quy định của pháp luật về đầu tư công còn vướng mắc trong quá trình thực hiện tại Luật Đầu tư công năm 2019 và các nghị định hướng dẫn thi hành. Đồng thời, tăng cường quản lý đầu tư công, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị đầu tư; tăng cường công tác rà soát để bảo đảm các chương trình, dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm phải có đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019; quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Khoản vốn dự phòng chỉ được sử dụng cho các mục tiêu thật sự cần thiết, cấp bách theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, Nghị quyết của Quốc hội và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công năm 2019, không được sử dụng vốn dự phòng cho các dự án không đúng quy định. Đặc biệt, cần thể chế hóa sâu hơn nữa việc trao quyền (phân cấp chính trị và hành chính) cho các bên liên quan. Thực hiện cơ chế ngân sách trọn gói hoặc trợ cấp đối ứng trên nguyên tắc khuyến khích tinh thần tự chủ, tự ra quyết định, tự chịu trách nhiệm.

Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công định kỳ hoặc đột xuất theo chế độ báo cáo quy định; trong đó, phải đánh giá kết quả thực hiện, những tồn tại, hạn chế và đề xuất kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Theo dõi, đôn đốc (chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu) đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân dự án. Kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư công, thực hiện dự án. Chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn, hằng năm để thúc đẩy giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Đặc biệt, cần nâng cao trách nhiệm minh bạch và giải trình công khai. Các thông tin về dự án đầu tư công phải được công bố công khai, đầy đủ, kịp thời, và chính xác, gồm trách nhiệm của các bên thực hiện dự án, các tài liệu về tài chính và quản trị dự án… Phải bảo đảm tiếng nói của người dân phải được lắng nghe và phản hồi. Cần có cơ chế hiệu lực để người dân truyền đạt ý nguyện và các ưu tiên tới chính quyền; người dân phải có quyền giám sát, phản ánh, đòi hỏi…

Tiếp tục thực hiện tốt, có hiệu quả quá trình tái cơ cấu đầu tư công. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Trong đó, vốn đầu tư công sẽ chỉ tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu và dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn, lan tỏa đến phát triển kinh tế – xã hội của cả nước và liên vùng, liên địa phương. Đối với các nguồn vốn vay để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội (ODA, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước…); tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, quy mô lớn và hiện đại; phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học – công nghệ và kinh tế tri thức. Đồng thời, tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP); đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa đối với các dịch vụ công cộng, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao, các công trình dự án hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân ở nông thôn; huy động nguồn lực đất đai và tài nguyên cho đầu tư phát triển.

Chú thích:
1, 2, 3, 4. Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Vĩnh Long. Đồng chí Võ Văn Kiệt với cách mạng Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia, 2012, tr. 328, 32 – 329.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Đức Nguyên. Võ Văn Kiệt – Người thắp lửa. NXB Trẻ, 2017.
2. Nguyễn Thế Thanh và Nguyễn Phan Nam An. Võ Văn Kiệt – Người yêu nước chân thành. H. NXB Trẻ, 2012.
3. Lê Phước Thọ. Võ Văn Kiệt – Một nhân cách lớn, nhà lãnh đạo tài năng suốt đời vì nước vì dân: Hồi ký. H. NXB Chính trị Quốc gia, 2012.
4. Trần Minh Trưởng. Võ Văn Kiệt – Tiểu sử. H. NXB Chính trị quốc gia, 2015.
Nguyễn Thị Tuyết Vân
Trường Chính trị tỉnh Bình Dương