Huyện Mèo Vạc phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Quanlynhanuoc.vn) – Mèo Vạc là huyện miền núi tỉnh Hà Giang có tiềm năng thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa các dân tộc, giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc huyện vùng cao Mèo Vạc. Những năm qua, Mèo Vạc đã từng bước khai thác hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của địa phương, góp phần từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng huyện Mèo Vạc trở thành trung tâm du lịch vùng của tỉnh.
Ảnh minh họa (nguồn: trankhoi)
Công tác chỉ đạo, điều hành

Nhận thức rõ tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa các dân tộc, các cấp ủy đảng, chính quyền của huyện chủ trương đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng huyện Mèo Vạc trở thành trung tâm du lịch vùng của tỉnh. Những năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển du lịch (PTDL) gắn với bảo tồn văn hóa (BTVH) các dân tộc. Cụ thể: Nghị quyết số 08-NQ/HU ngày 01/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mèo Vạc về PTDL gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 20/4/2016 của Huyện ủy về bảo tồn, phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2016 – 2020; Đề án PTDL huyện Mèo Vạc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã Khâu Vai gắn với du lịch văn hóa chợ tình Khâu Vai; Đề án xây dựng thị trấn Mèo Vạc sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh giai đoạn 2016 – 2020; Nghị quyết về lãnh đạo thực hiện Đề án xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi…

PTDL gắn với bảo tồn văn hóa (BTVH) các dân tộc góp phần tạo động lực cho kinh tế – xã hội phát triển nhanh và bền vững, đẩy mạnh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. PTDL bền vững đi đôi với khai thác, bảo tồn, bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống (trang phục truyền thống, kiến trúc nhà ở truyền thống, lễ hội,…), danh lam thắng cảnh… phù hợp với Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mèo Vạc lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Huyện Mèo Vạc nổi tiếng với hẻm Tu Sản hùng vỹ.
Huyện Mèo Vạc phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mèo Vạc có diện tích 574,18 km², dân số năm 2019 là 86.071 người1 với nhiều dân tộc anh em sinh sống. Là huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang, Mèo Vạc là một trong những tuyến điểm quan trọng trong việc PTDL của tỉnh Hà Giang trong những năm gần đây. Địa hình chủ yếu của huyện Mèo Vạc là núi đá vôi, hiểm trở song cũng được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh, như: hẻm vực Tu Sản (sông Nho Quế); Con đường Hạnh Phúc (QL4C); Núi Cô Tiên – Vách đá trắng; Hang Rồng – Tả Lủng; công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn; danh thắng Mã Pí Lèng – ngọn đèo hàng đầu, xứng đáng được coi là đệ nhất hùng quan của Hà Giang…

PTDL gắn với BTVH là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc huyện vùng cao Mèo Vạc. Những năm qua, Mèo Vạc đã từng bước khai thác hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của địa phương góp phần từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng huyện Mèo Vạc trở thành trung tâm du lịch vùng của tỉnh. Cụ thể:

Một là, lĩnh vực du lịch của huyện ngày càng phát triển cả về quy mô và chất lượng. Số lượng khách du lịch đến với huyện tăng 17%/năm, trong đó, khách quốc tế chiếm khoảng 10%, thời gian lưu trú của khách ngày càng dài hơn. Ngân sách thu từ các hoạt động du lịch, dịch vụ tăng bình quân hằng năm trên 48%. Đơn cử: năm 2019, đón 60.125 lượt khách, doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 134,5 tỷ đồng; năm 2020, số khách đến tham quan đạt 123.000 lượt người, trong đó số khách lưu trú qua đêm đạt 43.000 lượt người; doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 144 tỷ đồng2.

Hai là, hạ tầng du lịch và các điểm du lịch được quan tâm đầu tư, nâng cấp, các cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn và các dịch vụ phục vụ du lịch được mở rộng và phát triển. Tính đến hết năm 2020, toàn huyện có 96 cơ sở lưu trú phục vụ du lịch (trong đó có 7 khách sạn; 15 nhà nghi; 6 nhà nghỉ trọ; 68 homestay); 53 nhà hàng, quán ăn nhỏ; 21 quán cà phê, karaoke; 4 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp bày bán các sản phẩm địa phương3. Huyện đã tập trung đầu tư nâng cấp các điểm du lịch, như: trạm thông tin và hỗ trợ du khách; khuôn viên tượng đài Bác Hồ; khuôn viên sân vận trung tâm huyện; đường đi bộ lên vách đá thần Mã Pì Lèng; Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi… Do đó, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch.

Ba là, phát triển làng văn hóa, du lịch cộng đồng. Khai thác cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, bản sắc văn hóa các dân tộc đa dạng để phát triển điểm lưu trú mới tạo ấn tượng cho du khách khi đến với miền cao nguyên đá, đó chính là làng văn hóa, du lịch cộng đồng: dân tộc Mông xã Pả Vi; thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà; thôn Khâu Vai, xã Khâu Vai; thôn Bản Tồng, xã Niêm Sơn…

Bốn là, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đã được huyện quan tâm sưu tầm, khôi phục và phát huy thông qua tổ chức các ngày hội, lễ hội. Đây là dịp mỗi dân tộc thể hiện bản sắc văn hóa riêng vừa độc đáo vừa đặc sắc: dân tộc Mông gắn với Lễ hội hoa đào; dân tộc Nùng gắn với Lễ hội chợ tình Khâu Vai; dân tộc Lô Lô gắn với Lễ mừng ngô mới; dân tộc Dao gắn với Lễ hội Bàn vương, Lễ cấp sắc; dân tộc Giáy với Lễ múa kiếm…

Năm là, biên soạn tài liệu về văn hóa truyền thống đưa vào giảng dạy trong các trường học: văn hóa của 6 dân tộc tiêu biểu trên địa bàn huyện là Mông, Dao, Tày, Nùng, Lô Lô, Giáy. Cùng với đó, chú trọng tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở. Đến năm 2020 đã có 118/199 thôn bản, tổ dân phố có nhà văn hóa kiêm trụ sở thôn bản. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 64,14%; tỷ lệ thôn, tổ khu phố văn hóa đạt 62,81%4. Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi được công nhận điểm du lịch cấp tỉnh.

Bên cạnh những kết quả tích cực về PTDL gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Công tác quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các danh lam thắng cảnh, các điểm du lịch chưa được đầu tư bài bản, chưa gắn kết với công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch chưa phát triển đồng bộ, thiếu các điểm vui chơi giải trí, các sản phẩm du lịch còn ít. Hệ thống khách sạn, nhà hàng được đầu tư nhưng mới chỉ đáp ứng chỗ ăn, nghỉ cho du khách, còn thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn thiếu, chất lượng thấp, chưa tạo được những sản phẩm du lịch đặc thù có chất lượng cao. Chất lượng nguồn nhân lực còn yếu, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu. Người dân chưa chủ động tham gia trong PTDL, một số địa bàn chưa quan tâm đến việc duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị, phong tục tập quán, kiến trúc nhà truyền thống của dân tộc mình. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở còn thiếu và chưa đồng bộ. Chất lượng các làng văn hóa du lịch cộng đồng chưa đáp ứng được các tiêu chí phục vụ khách khi đến tham quan, trải nghiệm…

Những tồn tại, hạn chế kể trên là do điều kiện tự nhiên địa hình của huyện rất đặc thù, hệ thống đường giao thông còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm tại huyện. Điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, kinh phí của huyện đầu tư cho lĩnh vực BTVH gắn với PTDL còn hạn chế, chưa phát huy được nguồn xã hội hóa trong công tác BTVH. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo của một số ngành, xã chưa quyết liệt, chưa nhận thức rõ về phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Một số ngành chuyên môn chưa chủ động tham mưu trong công tác PTDL; sản phẩm du lịch đơn điệu; công tác tuyên truyền quảng bá chưa thường xuyên, liên tục. Một bộ phận người dân chưa chủ động đầu tư tham gia làm du lịch cộng đồng, cải tạo nhà cửa, còn trông chờ vào sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước.

Chợ tình Khâu Vai hay còn gọi là chợ Phong Lưu – Phiên chợ chỉ diễn ra trong một ngày 27/3 âm lịch.
Đề xuất giải pháp phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tại huyện Mèo Vạc thời gian tới

Để thực hiện được Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mèo Vạc về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, giai đoạn 2021 – 2025 và các năm tiếp theo, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Mèo Vạc, cần tập trung các giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với PTDL gắn với BTVH. Chú trọng công tác phối hợp với các sở, ngành, bảo đảm việc quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng phù hợp với các quy hoạch, quy định hiện hành. Làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện gắn với kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm trong hoạt động văn hóa, du lịch. Đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, du lịch. Vận dụng linh hoạt, có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh để khai thác hiệu quả các di sản văn hóa gắn với giữ gìn, bảo tồn, thu hút đầu tư để PTDL.

Thứ hai, đẩy mạnh PTDL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó:

(1) Tập trung quy hoạch, huy động các nguồn vốn, nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch. Tiến hành quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu vực danh thắng Mã Pì Lèng. Kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển dự án du lịch sinh thái gắn với việc hỗ trợ xây dựng quy hoạch chi tiết các điểm du lịch. Thu hút các nhà đầu tư triển khai dự án về du lịch nghỉ dưỡng tại các khu vực: Sông Nho Quế; hẻm vực Tu Sản; đèo Mã Pì Lèng. Thu hút du lịch gắn với trải nghiệm văn hóa bản địa khu vực xã Pải Lủng; xã Tát Ngà; thu hút du lịch sinh thái tại xã Khâu Vai, xã Cán Chu Phìn. Nghiên cứu thu hút du lịch sinh thái tại khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán. Tập trung đầu tư các hạng mục xây dựng thị trấn Mèo Vạc sáng, xanh, sạch đẹp, nhằm từng bước phấn đấu trở thành Trung tâm du lịch khoa học, mạo hiểm và thương mại cửa khẩu.

(2) Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu PTDL dịch vụ. Hằng năm, rà soát đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cho Nhân dân tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng, nhà hàng, khách sạn và các điểm du lịch trên địa bàn huyện, trong đó tập trung vào các kỹ năng lễ tân, chế biến món ăn, pha chế đồ uống, hướng dẫn viên du lịch và tiếng Anh giao tiếp; phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh Hà Giang mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch những kiến thức cơ bản về lịch sử văn hóa, các di tích, danh lam thắng cảnh và các địa danh du lịch của huyện; các kỹ năng thuyết trình, chăm sóc khách hàng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị làm công tác tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch và văn hóa.

(3) Quan tâm phát triển sản phẩm du lịch là đặc trưng, thế mạnh của huyện.

Lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng của các làng văn hóa du lịch cộng đồng, phấn đấu các làng du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện được công nhận hoàn thành tiêu chí Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Chỉ đạo tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP để phục vụ cho du lịch. Hỗ trợ, khuyến khích các hợp tác xã và các hộ dân xây dựng các sản phẩm đậu răng ngựa, thêu dệt thổ cẩm dân tộc Lô Lô thị trấn Mèo Vạc, sản phẩm khèn Mông, quẩy tấu,… Tiếp tục đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm (đi bộ, chạy Marathon, chèo thuyền…); sản phẩm du lịch địa chất; sản phẩm du lịch lễ hội. Nghiên cứu xây dựng các sản phẩm từ đá, ngô nhằm phục vụ khách du lịch đến mua sắm, trải nghiệm. Khai thác các chợ phiên, chợ đêm phục vụ khách du lịch. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, hình thành và khai thác hiệu quả tour, tuyến du lịch phục vụ du khách. Xây dựng ý thức văn minh, bảo vệ môi trường trong PTDL.

Thứ ba, quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống, bảo tồn phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tiềm năng, vị trí, vai trò, triển vọng phát triển, hiệu quả xã hội của PTDL. Vận dụng linh hoạt, hiệu quả các cơ chế, chính sách của tỉnh, của huyện trong công tác bảo tồn. Sử dụng lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2030 để triển khai thực hiện.

Thứ tư, mỗi người dân trong huyện cần thay đổi nhận thức, tích cực tham gia công tác bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời, bài trừ các hủ tục lạc hậu trong đồng bào các dân tộc. Có thức bảo vệ tài nguyên, môi trường, văn hóa, du lịch cùng với các cấp chính quyền xây dựng hình ảnh du lịch huyện Mèo Vạc “an toàn, thân thiện, mến khách, văn minh, lịch sự, điểm đến hấp dẫn du khách”.

Chú thích:
1. Mèo Vạc – Hà Giang. https://vi.wikipedia.org, truy cập ngày 10/12/2022.
2,3,4. Nghị quyết số 08-NQ/HU ngày 01/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mèo Vạc về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, giai đoạn 2021 – 2025.
Tài liệu tham khảo:
1. Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc (2020). Đề án phát triển du lịch huyện Mèo Vạc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
2. Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc (2020). Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã Khâu Vai gắn với du lịch văn hóa chợ tình Khâu Vai.
3. Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc (2020). Đề án xây dựng thị trấn Mèo Vạc sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh giai đoạn 2016 – 2020.
4. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
5. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mèo Vạc lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
6. Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 20/4/2016 của Huyện ủy Mèo Vạc về bảo tồn, phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2016 – 2020.
Vương Ngọc Hà
Huyện ủy Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang