Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 02/2023

(Quanlynhanuoc.vn) – Từ tháng 02/2023, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: tăng hệ số trượt giá bảo hiểm xã hội năm 2023; quy định mới về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài; giảm 50% lệ phí khi đăng ký thường trú qua Cổng dịch vụ công trực tuyến…
Giảm 50% lệ phí khi đăng ký thường trú qua Cổng dịch vụ công trực tuyến.
Quy định về trường đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2022/NĐ-CP ngày 12/12/2022 quy định về trường đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, có hiệu lực từ ngày 01/02/2023.

Nghị định này quy định về vị trí pháp lý, nhiệm vụ và quyền hạn, cơ cấu tổ chức, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nhà giáo, người học, quản lý đối với trường đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân (trường đào tạo, bồi dưỡng).

Nghị định quy định trường đào tạo, bồi dưỡng là cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức, hoạt động theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật.

Giảm 50% lệ phí khi đăng ký thường trú qua Cổng dịch vụ công trực tuyến

Thông tư số 75/2022/TT-BTC ngày 22/02/2022 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký cư trú có hiệu lực từ ngày 05/02/2023. Theo đó, công dân được giảm 50% lệ phí khi đăng ký thường trú qua Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Thông tư nêu rõ, công dân Việt Nam khi thực hiện thủ tục đăng ký cư trú (đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, tách hộ) với cơ quan đăng ký cư trú theo quy định pháp luật cư trú thì phải nộp lệ phí theo quy định tại Thông tư này. Mức lệ phí như sau:

Quy định mới về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài

Thông tư số 20/2022/TT-NHNN ngày 30/12/2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân có hiệu lực từ ngày 15/02/2023.

Thông tư quy định, các trường hợp mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để phục vụ mục đích tài trợ, viện trợ của tổ chức bao gồm:

a) Mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ, viện trợ theo các cam kết, thỏa thuận giữa Nhà nước, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương với nước ngoài. Nguồn tài trợ, viện trợ là các khoản kinh phí từ ngân sách hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ;

b) Mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ, viện trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh. Nguồn tài trợ, viện trợ là nguồn tiền đóng góp tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân trong nước và/hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ;

c) Mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ cho các chương trình, các quỹ, dự án do tổ chức trong nước và/hoặc tổ chức ở nước ngoài thành lập nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển trong các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục (tài trợ học bổng), y tế. Nguồn tài trợ là nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ các trường hợp mua, chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của tổ chức để phục vụ mục đích khác.

Ba nhóm công việc thực hiện chế độ hợp đồng trong cơ quan nhà nước

Thay thế cho Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000, Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ đã có những sửa đổi liên quan đến các công việc thực hiện chế độ hợp đồng trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, các công việc này được chia thành 3 nhóm, bao gồm:

1. Các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quản lý và áp dụng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật lao động, pháp luật dân sự và quy định của pháp luật khác có liên quan, gồm:

– Lái xe, bảo vệ, trừ trường hợp thuộc nhóm (2).

– Lễ tân, phục vụ; tạp vụ; trông giữ phương tiện; bảo trì, bảo dưỡng, vận hành trụ sở, trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

– Công việc hỗ trợ, phục vụ khác thuộc danh mục vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập không được xác định là công chức, viên chức.

2. Các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính thực hiện quản lý và áp dụng chế độ, chính sách như công chức, gồm:

– Bảo vệ ở các cơ quan, đơn vị: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; Kho tiền hoặc Kho hồ sơ ấn chỉ có giá trị như tiền của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Kho ấn chỉ thuế, Kho ấn chỉ hải quan.

– Lái xe phục vụ bộ trưởng hoặc chức vụ, chức danh tương đương bộ trưởng trở lên; lái xe chuyên dùng chuyên chở tiền của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước.

– Người làm công việc hỗ trợ, phục vụ khác tại cơ quan trọng yếu, cơ mật ở Trung ương theo quyết định của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý.

3. Các công việc chuyên môn, nghiệp vụ. Tương ứng với các công việc trên, lao động hợp đồng trong cơ quan nhà nước cũng chỉ được ký một trong hai loại hợp đồng là hợp đồng lao động hoặc hợp đồng dịch vụ.

Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 22/02/2023.

Hướng dẫn xếp lương viên chức thiết bị, thí nghiệm trong trường trung học 

Thông tư số 21/2022/TT-BGDĐT ngày 28/12/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương viên chức thiết bị, thí nghiệm trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/02/2023.

Theo Thông tư, mã số chức danh nghề nghiệp viên chức thiết bị, thí nghiệm là V.07.07.20.

Về hướng dẫn xếp lương, Thông tư nêu rõ, viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức thiết bị, thí nghiệm mã số V.07.07.20 quy định tại Thông tư này được áp dụng bảng lương viên chức loại A0 tại bảng 3 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Việc chuyển xếp lương đối với trường hợp khi tuyển dụng, bổ nhiệm vào chức danh viên chức thiết bị, thí nghiệm đang là công chức, viên chức chuyên ngành khác thực hiện như sau:

Trường hợp đang xếp lương công chức, viên chức loại A0 theo bảng 2 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước) hoặc bảng 3 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP thì xếp lương viên chức loại A0;

Trường hợp đang xếp lương công chức, viên chức loại A1 trở lên hoặc loại B thì được xếp lại lương theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.

Cơ cấu tổ chức mới của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 

Nghị định số 01/2023/NĐ-CP ngày 16/01/2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có hiệu lực từ ngày 20/02/2023.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 20 tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, gồm: 1- Vụ Tổ chức cán bộ; 2- Vụ Kế hoạch, Tài chính; 3- Vụ Pháp chế; 4- Vụ Đào tạo; 5- Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; 6- Vụ Thư viện; 7- Vụ Văn hóa dân tộc; 8- Vụ Gia đình; 9- Văn phòng Bộ, 10- Thanh tra Bộ; 11- Cục Di sản văn hóa; 12- Cục Nghệ thuật biểu diễn; 13- Cục Điện ảnh; 14- Cục Bản quyền tác giả; 15- Cục Văn hóa cơ sở; 16- Cục Hợp tác quốc tế; 17- Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; 18- Cục Thể dục thể thao; 19- Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; 20- Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn có 5 đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ, gồm: 1- Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; 2- Báo Văn hóa; 3- Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật; 4- Trung tâm Công nghệ thông tin; 5- Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch.

Tăng hệ số trượt giá bảo hiểm xã hội năm 2023

Để bù đắp sự mất giá của đồng tiền cho những người đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) ở các thời kỳ trước, hằng năm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đều điều chỉnh lại mức điều chỉnh tiền lương, thu nhập đã đóng BHXH (còn gọi là hệ số trượt giá).

Có hiệu lực từ ngày 20/02/2023, Thông tư số 01/2023/TT-BLĐTBXH ngày 03/01/2023 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã công bố hệ số trượt giá mới như sau:

Bảng 1: Đối với người tham gia BHXH bắt buộc:

Bảng 2: Đối với người tham gia BHXH tự nguyện:

Hệ số trượt giá năm 2023 đã được điều chỉnh tăng đáng kể so với năm 2022. Tăng mạnh nhất là hệ số trượt giá tính cho giai đoạn đóng BHXH trước năm 1995 (tăng 0,16). Còn các giai đoạn khác hầu hết cũng được điều chỉnh tăng hệ số trượt giá với mức thấp nhất là 0,03 (trừ năm 2021 và 2022 do không tăng).

Mặc dù đến tháng 02/2023, Thông tư số 01 mới có hiệu lực nhưng các hệ số trượt giá được quy định tại thông tư này được áp dụng luôn cho các trường hợp hưởng chế độ BHXH từ ngày 01/01/2023.

Hỗ trợ người trồng lúa không thấp hơn 50% kinh phí

Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BTC ngày 06/01/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2016/TT-BTC ngày 21/01/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, địa phương sẽ quyết định thực hiện các việc sau: hỗ trợ cho người trồng lúa: sử dụng không thấp hơn 50% kinh phí dùng hỗ trợ cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Phần kinh phí còn lại để thực hiện các việc gồm: phân tích chất lượng hóa, lý tính của các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao định kỳ 10 năm để sử dụng hiệu quả và có biện pháp cải tạo phù hợp: căn cứ vào định mức kinh tế kỹ thuật, các đơn vị lập dự toán chi trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại: căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa trong từng thời kỳ được cấp có thẩm quyền phê duyệt của địa phương, chất lượng đất chuyên trồng lúa nước trên địa bàn và điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện lập phương án cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại cho cả thời kỳ và từng năm, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

Căn cứ phương án cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa được duyệt và định mức kinh tế kỹ thuật, các đơn vị lập dự toán chi cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa (tăng độ dày tầng canh tác; tôn cao đất trồng lúa trũng, thấp; tăng độ bằng phẳng mặt ruộng; thau chua, rửa mặn đối với đất nhiễm phèn, mặn và các biện pháp cải tạo đất khác) trình cấp có thẩm quyền quyết định để làm cơ sở thực hiện.

Đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi trên đất trồng lúa.

Khai hoang, phục hóa đất chưa sử dụng thành đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại: mức chi theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2023.

PV (Tổng hợp)