Cơ hội và thách thức đối với phát triển du lịch biển tỉnh Nam Định

(Quanlynhanuoc.vn) – Việt Nam nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng có nhiều tiềm năng và ưu thế về phát triển kinh tế biển cũng như vị trí chiến lược quan trọng đối với khu vực và trên thế giới. Trong đó, du lịch biển tỉnh Nam Định đã và đang trở thành một bộ phận quan trọng trong quy mô GDP của tỉnh, đóng góp quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Trên cơ sở đó, chính quyền tỉnh đã tập trung khai thác tiềm năng và lợi thế du lịch biển, hướng đến mục tiêu phát triển vùng kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh.
Nhà thờ đổ Hải Lý, Hải Hậu, Nam Định. Ảnh: Đinh Xuân Tiệp.
Những tiềm năng và lợi thế trong phát triển kinh tế biển tỉnh Nam Định

Về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên

Nam Định có vị trí quan trọng trong hệ thống biển, đảo cả nước với 72 km bờ biển; có 22 xã, thị trấn ven biển của 3 huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy; có 3 cửa sông lớn là: cửa Ba Lạt (sông Hồng), cửa Lạch Giang (sông Ninh Cơ), cửa Đáy (sông Đáy), điều này thuận lợi cho việc hình thành nhiều bãi cá, bãi tôm lớn của vịnh Bắc Bộ1.

Bờ biển được chia cắt bởi các con sông lớn nên lượng phù sa bồi đắp từ các dòng sông đã hình thành cho tỉnh 2 khu vực đất ngập nước ven biển quan trọng, bao gồm: Vườn quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy) và khu vực bãi bồi ven biển huyện Nghĩa Hưng, với tổng diện tích khoảng 20.800 ha2. Đây được xem là vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới liên tỉnh ven biển đồng bằng châu thổ sông Hồng và được UNESCO công nhận năm 2004. Riêng Vườn quốc gia Xuân Thủy được công nhận là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á, với hệ sinh thái đất ngập nước điển hình, đặc trưng khu vực miền Bắc, là “ga chim” quan trọng của các loài chim nước di cư.

Nước biển Nam Định có độ mặn cao, do đó rất thuận lợi cho việc làm muối. Ven biển của tỉnh có nhiều cánh đồng muối lớn, tiêu biểu là đồng muối Văn Lý, với sản lượng muối hằng năm vào loại cao của cả nước. Đồng thời, Nam Định là tỉnh có tiềm năng thủy sản lớn trên cả ba vùng nước mặn, lợ, ngọt. Do biển Nam Định nông và bằng phẳng, với độ sâu tăng dần từ trong ra ngoài khoảng 100 m. Bờ biển mỗi năm lùi ra khoảng 100 – 200 m, do phù sa sông Hồng bồi đắp ở cửa Ba Lạt, Lạch Giang tạo thêm diện tích khoảng 400 ha/năm3, góp phần mở rộng diện tích nuôi trồng thủy hải sản. Mặt khác, sóng biển Nam Định hiền hòa, có nhiều bãi tắm lý tưởng, cát trắng mịn, như: bãi tắm Thịnh Long, Giao Lâm…

Về kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế biển

Tỉnh rất chú ý đến phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ để phục vụ phát triển kinh tế biển. Từ năm 2015 đến nay, có nhiều công trình, dự án giao thông đường bộ, đường thủy được khởi công xây dựng, hoàn thành và đưa vào khai thác để rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Bắc – Nam, kết nối với mạng lưới giao thông quốc gia, phát huy hiệu quả đầu tư các dự án kinh tế biển trọng điểm. Từ đó, phục vụ hiệu quả mục tiêu phát triển vùng kinh tế biển của tỉnh. Có thể kể đến, như: cụm công trình cải tạo cửa Lạch Giang, là cụm công trình đường thủy lớn nhất khu vực đồng bằng Bắc Bộ; Dự án WB6, cầu vượt kênh nối sông Đáy và Ninh Cơ góp phần thúc đẩy kết nối, phát triển và khai thác hiệu quả hệ thống giao thông đường thủy, tạo sự chuyển dịch nhanh, mạnh trong cơ cấu vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy. Cầu Thịnh Long, vượt sông Ninh Cơ, nối liền 2 huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng. Công trình đã giúp tăng hiệu quả kết nối giao thông, hoàn thiện mạng lưới đường bộ ven biển trong khu vực, góp phần khai thác tối đa tiềm năng du lịch biển của tỉnh.

Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn ven biển với nhiều dự án, công trình đưa vào khai thác, sử dụng, như: đường trục phát triển vùng kinh tế biển Nam Định với cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định hay cụm kênh nối sông Đáy – sông Ninh Cơ đang được khẩn trương hoàn thiện đã mở ra triển vọng đột phá trong phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…

Đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được chú trọng, quan tâm, như Khu kinh tế Ninh Cơ được tỉnh phê duyệt; dự án Khu công nghiệp Dệt may Rạng Ðông (Nghĩa Hưng) quy mô hơn 1.000 ha với tổng mức đầu tư hơn 4.600 tỷ đồng. Khu công nghiệp Rạng Đông đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng giai đoạn 1 (550 ha), đã đưa vào cung ứng, thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp; Dự án Nhà máy gang thép số 1 của Công ty Cổ phần Xuân Thiện Nam Định với quy mô dự án là xây dựng nhà máy gang thép với diện tích khoảng 341,11 ha; công suất khoảng 6,0 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư dự án là 66.000 tỷ đồng tại huyện Nghĩa Hưng4. Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ khai thác thủy sản xa bờ. Khu cảng cá Ninh Cơ (Hải Hậu) được Bộ Nôngnghiệp và Phát triển nông thôn công bố đạt tiêu chuẩn cảng cá loại I đầu tiên của cả nước theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017. Điều này có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt trong điều kiện kinh tế thủy sản nước ta đang hội nhập sâu rộng, nhất là việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp cũng như mở ra hướng xuất khẩu thủy sản của tỉnh nói riêng.

Về nguồn nhân lực

Nam Định có nhiều lợi thế trong phát triển nguồn nhân lực, là một trong 10 tỉnh đông dân (1,8 triệu dân) và có truyền thống hiếu học nhất cả nước. Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.110.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm 60% dân số. Tỷ lệ lao động qua đào tạo rất cao, khoảng 72%. Đặc biệt, nhận thức và hoạch định chính sách của các cấp chính quyền về đào tạo nguồn nhân lực đã có thay đổi rõ rệt trong thời gian qua. Việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề được tỉnh triển khai quyết liệt. Tỷ lệ người lao động sau học nghề có việc làm ổn định đạt trên 85%, với mức thu nhập trên 3,5 triệu đồng/người/tháng5. Do đó, tỉnh có tiềm năng cung cấp một lượng lớn lao động cho xã hội, đồng thời, nguồn nhân lực có khả năng cạnh tranh với các địa phương lân cận.

Về môi trường kinh doanh và môi trường sinh thái khu kinh tế biển

Trong giai đoạn hiện nay, kinh tế – xã hội của tỉnh Nam Định phát triển toàn diện. Tổng sản phẩm GRDP giai đoạn 2015 – 2020 tăng bình quân 7,9 %/năm, đạt gần 80.000 tỷ đồng năm 2020, cao hơn mức tăng bình quân giai đoạn 2010 – 2015 (6,2%/năm). Thu hút đầu tư đạt 3,5 tỷ USD vốn đầu tư FDI và hơn 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, tăng mạnh so với giai đoạn 2010 – 20156. Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, đời sống kinh tế – xã hội ổn định và tiến bộ, Nam Định đang có môi trường kinh doanh thuận lợi, môi trường đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Đối với vấn đề môi trường khu kinh tế biển, do còn đang trong giai đoạn sơ khai nên môi trường sinh thái còn tương đối tốt, chưa bị ô nhiễm hay ảnh hưởng nhiều của sức ép dân số và rác thải công nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng nhận được sự hỗ trợ về của các nhà tài trợ về lĩnh vực môi trường, như: dự án hợp tác Việt Nam – Hà Lan về quản lý tổng hợp vùng bờ; Dự án Việt Nam – Đức về xử lý ô nhiễm tồn lưu; Dự án hợp tác Việt Nam – Bỉ về nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước; Dự án Việt Nam – Nhật Bản xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học quốc gia thí điểm tại Vườn Quốc Gia Xuân Thủy; Dự án quản lý ô nhiễm khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy do ngân hàng thế giới (WB) tài trợ…

Những cơ hội và thách thức đối với mục tiêu phát triển du lịch biển tỉnh Nam Định trong bối cảnh mới

Vùng kinh tế ven biển của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng, chưa khai thác hiệu quả lĩnh vực vận tải biển và các loại hình dịch vụ biển; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội chưa hoàn thiện, chưa tạo được sự kết nối đồng bộ với các địa phương khác trong tỉnh và khu vực; phát triển tiềm năng du lịch biển chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp về vai trò, vị trí của biển, phát triển bền vững vùng kinh tế ven biển chưa đầy đủ; vùng ven biển tỉnh Nam Định không có nhiều lợi thế đặc thù so sánh so với các tỉnh ven biển trên toàn quốc; hằng năm chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn đến kinh tế và đời sống của người dân.

Du lịch Việt Nam hội nhập ngày một đầy đủ với khu vực và quốc tế cùng tác động toàn diện của cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) và biến đổi khí hậu, một trong những quan điểm, đồng thời là mục tiêu của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là “phát triển du lịch bền vững”. Phát triển du lịch nói chung, du lịch biển tỉnh Nam Định không phải là ngoại lệ, đặc biệt khi trong quá trình phát triển du lịch Nam Định đã nảy sinh những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững. Phát triển du lịch biển tỉnh Nam Định trong giai đoạn 2023 -2030 sẽ phải đối mặt với những cơ hội và thách thức đan xen trong bối cảnh mới.

Thứ nhất, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị (Nghị quyết 08) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng quan trọng để phát triển đất nước. Ngoài ý nghĩa khẳng định vai trò của ngành du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nói chung và của các địa phương có tiềm năng du lịch nói riêng, Nghị quyết 08 khẳng định chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với phát triển du lịch trong giai đoạn tới. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc đây sẽ là cơ hội để du lịch phát triển bởi những quan điểm, chủ trương của Đảng sẽ là cơ sở để Chính phủ có các chính sách cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển.

Tuy nhiên, Nghị quyết 08 cũng là thách thức rất lớn đối với du lịch nói chung cũng du lịch biển tỉnh Nam Định khi mục tiêu mà Nghị quyết đặt ra là “Đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực”.

Thứ hai, sự phát triển mang tính “bước ngoặt” của xã hội loài người luôn gắn liền với những đột phá mang tính “cách mạng” của khoa học – công nghệ gắn với sự phát triển các ngành công nghiệp phục vụ trực tiếp cho nhu cầu cuộc sống xã hội. CMCN 4.0 diễn ra mạnh mẽ đã làm cho hoạt động du lịch trở nên “thông minh” hơn, thay đổi các phương thức hoạt động truyền thống đã trở nên trì trệ và làm cho tương tác giữa thị trường khách du lịch (cầu du lịch) với các điểm đến du lịch (cung du lịch) trở nên sống động và gần hơn để tạo nên hiệu quả cao hơn trong kinh doanh du lịch. Điều này đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa trong bối cảnh du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước theo tinh thần Nghị quyết 08.

Tác động của CMCN 4.0 đến phát triển du lịch vừa tạo ra cơ hội, đồng thời cũng tạo ra thách thức không nhỏ đối với phát triển du lịch. Điều này đặt ra yêu cầu phải cơ cấu lại ngành du lịch để thích hợp với những tác động này. Bối cảnh mới này đối với sự phát triển du lịch tỉnh Nam Định trong đó có du lịch biển trong giai đoạn tới cũng không phải là ngoại lệ, theo đó du lịch Nam Định cần tận dụng được những cơ hội, từ đó hạn chế được những tác động mang tính thách thức của CMCN 4.0 đối với du lịch khi năng lực thích ứng (hạ tầng công nghệ, đội ngũ và tổ chức) của du lịch Nam Định còn rất hạn chế.

Thứ ba, ở Việt Nam, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã hiện diện trong mọi mặt của cuộc sống xã hội, trong đó có hoạt động phát triển du lịch. Những biến đổi bất thường, không theo quy luật của các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày một gia tăng. biến đổi khí hậu trực tiếp ảnh hưởng đến tài nguyên du lịch, đặc biệt là các giá trị tự nhiên, hạ tầng xã hội và cơ sở vật chất – kỹ thuật ở vùng ven biển, qua đó ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Là một địa phương ven biển, phát triển du lịch biển ở Nam Định không phải là ngoại lệ. Hiện tượng xói lở bờ biển và ảnh hưởng ngày càng mạnh của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ, sự thay đổi quy luật mùa… đã và đang tác động không nhỏ đến hoạt động phát triển du lịch. Điều này đòi hỏi cần có những thay đổi trong cơ cấu, vận hành du lịch phù hợp để thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu nhằm hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững trong giai đoạn tới.

Thứ tư, những bất ổn về kinh tế, chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới kéo theo tình trạng lạm phát gia tăng trên phạm vi toàn cầu sẽ làm cho dòng khách quốc tế có những thay đổi với những cơ hội và thách thức đan xen. Du lịch tỉnh Nam Định đang cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực và phát huy được những cơ hội trong quá trình phát triển, gắn với quan điểm chiến lược của du lịch Việt Nam là chuyển từ “số lượng” sang “chất lượng” nhằm tăng trưởng du lịch.

Thứ năm, thời gian qua, phát triển du lịch Nam Định nói chung và du lịch biển Nam Định nói riêng “chậm” hơn so với nhiều địa phương. Hệ thống sản phẩm du lịch biển ở điểm đến Nam Định ít có thay đổi và dần đã trở nên “quá quen” đối với phần lớn khách du lịch. Điều này cũng đồng nghĩa với thách thức rất lớn để du lịch biển Nam Định vẫn thực sự là điểm đến hấp dẫn trong chuỗi giá trị du lịch biển của vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng, ở khu vực phía Bắc nói chung. Du lịch biển Nam Định phải tận dụng cơ hội để thu hút khách du lịch đã quen với những sản phẩm quay trở lại, đồng thời phải “làm mới” (cơ cấu lại) hệ thống sản phẩm du lịch để thu hút dòng khách du lịch mới có chất lượng hơn, phù hợp với chiến lược phát triển, hướng đến phát triển bền vững.

Thứ sáu, đại dịch Covid-19 đã có những tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế – xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó du lịch là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) lượng du khách quốc tế sẽ giảm từ 1 – 3% trong năm 2020, thay vì tăng trưởng 3 – 4% dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 như dự báo trước đó.

Du lịch biển tỉnh Nam Định đối diện với những khó khăn không nhỏ để phục hồi lại tăng trưởng, trước hết là tăng trưởng về khách. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để tỉnh Nam Định thực hiện việc cơ cấu lại ngành du lịch để phục hồi và tiếp tục phát triển, tương xứng với tiềm năng và vị thế của du lịch trong được xác định trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Kết luận

Có thể thấy, phát triển du lịch bền vững nói chung, du lịch biển bền vững nói riêng ở tỉnh Nam Định trong giai đoạn phát triển 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030 sẽ phải đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Vấn đề quan trọng là nhận diện được đầy đủ những cơ hội và thách thức đó để có được những giải pháp phù hợp nhằm phát huy được những cơ hội, vượt qua những thách thức để du lịch biển tỉnh Nam Định phát triển một cách bền vững, đóng góp tích cực hơn cho phát triển kinh tế – xã hội, tạo thêm nhiều việc làm cho cộng đồng và bảo tồn các giá trị tự nhiên, giá trị văn hóa.

Chú thích:
1, 2, 3. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định. Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Nam Định giai đoạn 2016 – 2020.
4, 5, 6. Cục Thống kê Nam Định. Nam Định – Thực trạng kinh tế – xã hội giai đoạn 2016 – 2020 và vị thế trong khu vực đồng bằng sông Hồng. H. NXB Thống kê, 2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 09/6/2016 về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2016 – 2020.
2. Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/6/2021 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2021 – 2025.
3. Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo.
4. Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định về chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
5. Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 18/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2022.
TS. Vũ Ngọc Hoàng
Trường Chính trị Trường Chinh, tỉnh Nam Định