Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 05/02/2023, tại thành phố Quy Nhơn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng với chủ đề “Liên kết – Đột phá từ kinh tế biển – Phát triển nhanh và bền vững”.
Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW tại thành phố Quy Nhơn, ngày 05/02/2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị cùng với các đồng chí: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng.

Tham dự hội nghị, có các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Định: Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; các chuyên gia, các nhà khoa học; các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, đề ra các nhiệm vụ để cụ thể hóa thực hiện nghị quyết bằng các nguồn lực thông qua hình thức xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội Vùng, cụ thể là của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Hội nghị.

Chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Phát triển kinh tế – xã hội cả nước nói chung, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nói riêng theo hướng độc lập, tự chủ, dựa vào phát triển nội lực là chính, là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định; ngoại lực là quan trọng nhằm tạo đột phá phát triển. Riêng vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ có tiềm năng, thế mạnh về: con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử. Đối chiếu với thực tế phát triển và so sánh với tiềm năng của Vùng trên nhiều lĩnh vực, Thủ tướng yêu cầu Hội nghị phân tích, làm rõ từng nội dung, từng vấn đề, từ đó xác định các giải pháp đột phá phát triển.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có vị trí đặc biệt quan trọng trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Theo đó, cần chú trọng phát triển kinh tế – xã hội Vùng theo hướng phát huy thế mạnh của tam ngư: “ngư nghiệp – ngư dân – ngư trường”. Thực hiện chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục phát triển “theo hướng sinh thái đặc hữu, có khả năng chống chịu cao với thời tiết cực đoan, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu”. Do vậy, tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp cần tiếp cận đa dụng, đa chức năng, đa giá trị để tạo ra không gian phát triển tích hợp, tạo giá trị tích hợp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực tìm kiếm những sáng kiến mới, đồng thời chủ động sửa đổi, điều chỉnh những quy định đang là rào cản sự phát triển của các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nhằm khơi thông điểm nghẽn, tạo động lực thống nhất, đồng bộ để hiện thực hóa tầm nhìn đến 2045 – ngành Nông nghiệp “phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển”.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ có vị trí chiến lược đặc biệt để phát triển kinh tế biển và an ninh biển đảo. Vùng này cũng có nhiều lợi thế để đón trước các xu thế phát triển của thời đại, như: chuyển đổi xanh, giảm phát thải dựa trên khai thác tài nguyên gió với mật độ năng lượng khoảng 400 – 600 W/m2, năng lượng sóng 20 – 30 kw/m; đặc biệt là đón dòng vốn 15,5 tỷ USD mà các đối tác cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo, giúp Việt Nam tăng trưởng xanh,…

Quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, để đưa vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ phát triển, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ: (1) Tập trung phát triển nền kinh tế biển xanh, mở cửa hướng ra biển, hình thành các ngành kinh tế mũi nhọn, như: du lịch biển, hàng hải, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học biển… (2) Tập trung vào các giải pháp bảo vệ nguồn nước, tăng khả năng trữ nước bảo đảm an ninh nguồn nước; chủ động từ xa, chủ động sớm các giải pháp ứng phó rủi ro thiên tai do biến đổi khí hậu; tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý tài nguyên vùng bờ biển, bảo vệ môi trường, phát triển xanh kinh tế Vùng…

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề xuất một số giải pháp để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW nhằm khai thác triệt để và tối đa tiềm năng, tiềm lực và để hiện thực hóa các định hướng phát triển: (1) Xây dựng, ban hành chính sách, thể chế đủ mạnh kèm theo một cơ chế điều phối, liên kết hiệu quả, thực chất trong phát triển vùng; triển khai và hoàn thiện quy hoạch vùng, quy hoạch các tỉnh trong vùng, trong đó có nội dung về quy hoạch phát triển du lịch được tích hợp, bảo đảm yêu cầu phát triển các địa phương trong vùng và của toàn vùng về các lĩnh vực, như: sản phẩm du lịch, thị trường khách, cơ sở vật chất kỹ thuật, doanh nghiệp và nguồn nhân lực du lịch… (2) Thực hiện mô hình tăng trưởng xanh, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo, giá trị văn hóa – lịch sử và đa dạng sinh học… (3) Đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hệ thống cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí, công tác quản lý du lịch, xúc tiến, quảng bá du lịch hợp lý, hiệu quả.

Một số chuyên gia, nhà nghiên cứu hoạch định chiến lược phát triển kinh tế trong và ngoài nước tham dự Hội nghị cũng đã cơ bản đồng thuận, nhất trí với các quan điểm, chủ trương, định hướng phát triển nhìn từ góc độ phát triển của từng ngành, lĩnh vực cho khu vực và vùng. Trong đó nhấn mạnh, tăng cường khả năng cho các địa phương và các đô thị trong Vùng chống chịu và phục hồi với biến đổi khí hậu, cụ thể: chống hạn hán, chống xói lở, chống lũ lụt.

Ông Herve Conan, Giám đốc Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam.

Ông Herve Conan, Giám đốc Cơ quan phát triển Pháp (AFD) cho biết, AFD ở Việt Nam nhằm hỗ trợ cho các địa phương: (1) Cải thiện điều kiện sống cho mọi người và khuyến khích an sinh xã hội, bảo đảm công bằng trong tiếp cận những dịch vụ thiết yếu và nâng cao chất lượng cuộc sống ở đô thị; (2) Cải thiện tính kết nối và sức thu hút đặc thù riêng của các địa phương; (3) Khuyến khích tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của các địa phương với biến đổi khí hậu.

Nhiều ý kiến chuyên gia cũng đã tập trung phân tích các giải pháp phát triển hạ tầng giao thông, logistic, kinh tế biển, sự phát triển của các đô thị trung tâm, đô thị hạt nhân, nông nghiệp ứng dụng khoa học-công nghệ cao, nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển các loại hình du lịch và dịch vụ gắn với biển, di tích văn hóa, lịch sử của Vùng, huy động nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi số…

Chính phủ cũng đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, 34 nhiệm vụ cụ thể với 11 dự án triển khai thực hiện.

8 nhóm nhiệm vụ bao gồm: (1) Công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị; (2) Hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; (3) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển; (4) Phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông; (5) Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; (6) Phát triển toàn diện văn hoá – xã hội vùng; (7) Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; (8) Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong vùng.

Chương trình hành động của Chính phủ với 34 nhiệm vụ cụ thể và 11 dự án đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể. Chương trình hành động có tính đột phá trong phát triển của Vùng, nhất là về định hướng phát triển, mục tiêu cụ thể, giải pháp rõ ràng, nhiệm vụ cụ thể; gắn với một số chủ trương lớn về xây dựng cơ chế chính sách đặc thù sẽ là cơ sở và cơ hội cho vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phát triển trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các tham vấn của các nhà đầu tư, đối tác phát triển trong nước và quốc tế. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; bảo đảm lợi ích hài hòa, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương quán triệt tinh thần luôn sát cánh, chia sẻ, động viên, lắng nghe, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết.

Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư với tinh thần “Đã nói là phải làm. Đã cam kết phải thực hiện hiệu quả”, bằng năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm để chuyển hóa những tiềm năng, lợi thế của các địa phương thành những sản phẩm, công trình, dự án phát triển, tạo ra các chuỗi giá trị cụ thể, có thể đo lường được, tạo động lực phát triển bền vững trong toàn Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

PV