Xây dựng giao thông thông minh trên thế giới và kinh nghiệm cho TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Hệ thống giao thông thông minh ITS (GTTM) hiện nay không còn là một vấn đề xa lạ với các quốc gia trên thế giới. Tại TP. Hồ Chí Minh, lĩnh vực giao thông đóng vai trò quan trọng trong Đề án Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Tuy nhiên, để xây dựng thành công hệ thống ITS tại TP. Hồ Chí Minh vẫn là một bài toán khó bởi những hạn chế, bất cập trước thực trạng giao thông hiện tại. Bài viết tập trung làm rõ mô hình GTTM ở một số nước trên thế giới, gợi mở kinh nghiệm, một số giải pháp nhằm xây dựng GTTM cho Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng.
UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu việc đầu tư xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh phải bảo đảm tính kết nối, tương thích về công nghệ với các trung tâm điều hành sẵn có, thí điểm xây dựng đô thị thông minh gồm (Q.1, Q.12 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm).
Đặt vấn đề

Đô thị thông minh (ĐTTM) là đô thị kiểm soát và tích hợp các điều kiện của tất cả các kết cấu hạ tầng thiết yếu của nó, bao gồm đường, cầu, đường hầm, đường xe lửa, đường ngầm, sân bay, bến cảng, viễn thông, nước, điện, thậm chí các tòa nhà chính, có thể tối ưu hóa hơn các nguồn lực, xác lập kế hoạch cho các hoạt động bảo trì, phòng ngừa và kiểm soát các phương diện an ninh trong khi tối ưu hóa các dịch vụ đối với các công dân của thành phố1.

Xét dưới góc độ quản trị xã hội, việc quản trị ĐTTM gắn liền với nhiều yếu tố, bởi lẽ ĐTTM thể hiện một tập hợp các dạng thức trải dài suốt các miền với nhau: kinh tế thông minh, con người thông minh, quản trị thông minh, khả năng di chuyển thông minh, môi trường thông minh và cuộc sống thông minh2.

Trong đó, khả năng di chuyển thông minh đề cập tới hệ thống giao thông địa phương tự do, được lập kế hoạch tốt, tạo ra một môi trường sạch hơn và di chuyển nhanh hơn. Một ĐTTM cung cấp một cơ sở hạ tầng cho vận tải phi cơ giới (xe đạp, xe tay ga…) mà có thể kết hợp với vận tải bằng công nghệ thông tin và truyền thông bằng việc áp dụng các công nghệ viễn thông mới nhất để bảo đảm internet tốc độ sử dụng đường dây và các giải pháp không dây3.

Đi lại thông minh bao gồm các giải pháp hướng đến xây dựng và phát triển một hệ thống giao thông, vận tải đồng bộ, kết nối bảo đảm an toàn, xanh và sạch, tiết kiệm chi phí và giảm khí thải4.

Trong thành phố thông minh thì giao thông là một tiêu chí quan trọng, nó tác động đến các tiêu chí còn lại. Giao thông của một thành phố thông minh cần đáp ứng các yêu cầu như: hiệu quả của hệ thống giao thông thể hiện ở mạng lưới giao thông, sự hài lòng của các đối tượng khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng; khả năng tiếp cận quốc tế; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông giao thông; tính bền vững của hệ thống giao thông như mức độ, số lượng các phương tiện giao thông không có động cơ, lượng khí thải CO2 của các phương tiện giao thông cá nhân và công cộng, tình hình an toàn giao thông, phí của các dịch vụ giao thông công cộng…5

Một số lĩnh vực, phương diện chủ yếu của GTTM gồm: (1) Hoàn thiện kết cấu hạ tầng đường bộ và xử lý khẩn cấp các sự cố giao thông; (2) Hiện đại hóa các trạm thu phí tự động và trạm cân điện tử; (3) Giảm tai nạn, ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường; (4) Tiết kiệm thời gian, tiền bạc và nhiên liệu, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa; (5) Quản lý các đường trục giao thông chính, điều tiết việc đi lại của phương tiện trên đường bằng biển báo điện tử; (6) Tạo ra hệ thống thông tin cho người đi đường, phổ cập văn hóa giao thông công cộng một cách linh hoạt, chủ động, chống ùn tắc; (7) Góp phần trong việc sản xuất các phương tiện thông minh, hạn chế ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả của thiết bị an toàn giao thông6.

Một số mô hình giao thông thông minh của các nước trên thế giới

Singapore rất thành công với mô hình quản lý giao thông tích hợp. Toàn bộ các hoạt động về giao thông và sử dụng đất được quản lý trực tiếp dưới quyền Cơ quan LTA (Land Transport Authority), trong đó bao gồm nhiều đơn vị chức năng thực hiện quản lý cả mạng lưới đường bộ gồm: cả đường cao tốc, đường đô thị và hệ thống vận tải công cộng cũng như cung cấp thông tin và dịch vụ giao thông đến người dân7.

Hàn Quốc là một điển hình cho việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào hệ thống mạng lưới giao thông. Tại Hàn Quốc người dân sử dụng hệ thống TOPIS, hệ thống này giúp cho người dân có thể kiểm tra tình trạng giao thông hiện tại, vị trí tắc đường, vị trí các bãi đỗ xe gần đó hay những tai nạn khẩn cấp,… Trang web này cũng cung cấp thông tin về các tuyến xe buýt, tàu điện ngầm và xe đạp cùng bản đồ trực quan dành cho người tham gia giao thông. Hệ thống giao thông tại Seoul được tính toán và xây dựng phù hợp làm cho việc lưu thông của người dân trở nên dễ dàng.

Ở Hàn Quốc tất cả các thông tin về phương tiện giao thông đều được số hóa. Tiêu biểu có thể kể đến việc hoàn thành lắp đặt internet cáp quang tốc độ cao trên 3500km đường cao tốc năm 2011 đã tạo nên một mạng lưới giao thông thông minh quốc gia. ITS được ứng dụng trong mọi loại hình giao thông ở Hàn Quốc. Hệ thống vận hành và thông tin giao thông Seoul TOPIS cung cấp đầy đủ dữ liệu từ các nguồn khác nhau: dịch vụ quản lý xe buýt, hệ thống thẻ giao thông công cộng, hệ thống thu vé tự động, hệ thống phát thanh và truyền hình giao thông,… Bên cạnh đó, Seoul còn có những ứng dụng tiện lợi trên điện thoại giúp người dùng có thể biết thời gian tàu, xe đến hay vị trí các trạm buýt, ga tàu gần nhất.

Thẻ giao thông T-Money được sử dụng phổ biến tại đây. Thay vì mua vé lẻ bằng tiền mặt khi thanh toán bằng thẻ này sẽ rẻ hơn 100 won. Hơn nữa khách hàng có thể chuyển xe buýt, tàu điện mà không bị tính thêm phí. T-Money còn có thể được dùng thanh toán tại hầu hết các cửa hàng tiện lợi, các siêu thị giảm giá hay thanh toán tiền taxi….

Nằm cạnh thung lũng Silicon, thành phố San Francisco có khoảng 800.000 dân sinh sống trong một đô thị rộng chưa đến 100km2, luôn phải đối mặt với tình trạng quá tải về dân số. Tuy nhiên, thành phố này lại có một hệ thống giao thông công cộng khá tốt và cũng là một trong những thành phố đi đầu về năng lượng sạch. Hệ thống giao thông công cộng cũ kỹ của thành phố được cách mạng hóa bằng các phương thức thanh toán thông minh, cho phép hành khách trả tiền mua vé qua điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, sáng kiến điều chỉnh giá đậu xe ở một số bãi đậu dựa trên số lượng không gian sẵn có trong một khoảng thời gian nhất định cũng tỏ ra khá hiệu quả để kiểm soát lưu lượng xe và chống tắc nghẽn. Với giải pháp này đã giúp San Francisco trở thành một trong những thành phố thông minh nhất thế giới.

Ở Bắc Kinh, FCG được sử dụng để đánh giá hệ thống phân cấp mạng lưới đường bộ đô thị. Sản phầm này là một bộ phương pháp đánh giá mạng lưới đường bộ đô thị tích hợp GPS và GIS (gọi tắt GIME) gồm 40 chỉ số phân cấp mạng đường theo chức năng tĩnh, động và các chỉ số vận hành.

Các thông tin được tạo ra với GIME gồm: điểm đi, điểm đến, tuyến đường lựa chọn cho các chuyến đi; chiều dài trung bình của chuyến đi; tốc độ trung bình (tổng cộng và thời gian cao điểm); tỷ trọng của chuyến đi theo từng cấp/loại đường; đối chiếu tốc độ khai thác thực tế và tốc độ thiết kế cũng như chiều dài chuyến đi/thời gian để hoàn thành bằng từng loại đường bộ. Bên cạnh việc sử dụng các kết quả của GIME để đưa ra các giải pháp quản lý giao thông rất hiệu qủa, nghiên cứu này cũng giúp đưa ra một loạt các kết luận hỗ trơ các cơ quan quản lý đường bộ Bắc Kinh xác định được yêu cầu đầu tư cho từng cấp/loại đường, nhằm khai thác hiệu quả nhất.

Tại Thụy Điển, tối ưu hóa giao thông là một dự án hợp tác giữa chính phủ Thụy Điển và ngành công nghiệp ô tô của Thụy Điển. Mục tiêu của dự án là phát triển một phương pháp phân tích chi phí -hiệu quả nhằm thu thập số liệu về giao thông để cung cấp thông tin du lịch. Trong các thử nghiệm, 220 xe taxi ở Gothenburg (Hòn ngọc du lịch của Thụy Điển) được trang bị điện thoại GSM cùng thiết bị GPS và cung cấp dữ liệu FCD về điều kiện giao thông trong thành phố. Các thông tin du lịch có nguồn gốc được chuyển đến công chúng thông qua một trang web trực tuyến và thông qua kênh P4 Đài phát thanh truyền hình quốc gia Thụy Điển. Thử nghiệm cho thấy đây là một phương pháp hiệu quả nhờ việc cung cấp chính xác thông tin giao thông trực tuyến tới công chúng với chi phí thấp.

Tại Pháp, Medianmobile là kênh thông tin dịch vụ thương mại về giao thông quốc gia, cung cấp thông tin giao thông trực tuyến về tắc nghẽn đường cao tốc và tắc nghẽn giao thông thành phố Paris, nơi chiếm tỷ lệ 70 – 80% tắc nghẽn giao thông của cả nước Pháp. Medianmobile sử dụng 1.700 taxi đang hoạt động ở Paris để cung cấp hệ thống thu thập FCD, từ đó có được các thông tin về thời gian đi lại chính xác để cung cấp cho khách hàng/người tham gia giao thông8.

Xây dựng giao thông thông minh tại TP. Hồ Chí Minh

Theo Sở Giao thông – Vận tải TP. Hồ Chí Minh, năm 2002, TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư và đưa vào sử dụng dự án xây dựng hệ thống đèn tín hiệu giao thông sử dụng nguồn vốn ODA do Chính phủ Pháp tài trợ. Tiếp đó năm 2005, Thành phố đầu tư tiểu dự án tăng cường năng lực quản lý giao thông đô thị TP. Hồ Chí Minh từ nguồn vốn ODA do Ngân hàng Thế giới (WB) đưa vào sử dụng hệ thống điều khiển giao thông, lắp đặt camera. Đến năm 2011-2015, TP. Hồ Chí Minh đã tập trung nguồn lực triển khai chương trình giảm ùn tắc giao thông, trong đó tập trung vốn đầu tư hệ thống giám sát và điều khiển camera giao thông, bảng thông tin giao thông điện tử.

Tuy nhiên, quá trình triển khai xây dựng GTTM tại TP. Hồ Chí Minh mới chính thức được thực hiện kể từ năm 2017 theo Quyết định số 6179/QĐ-UBND, ngày 23/11/2017 về phê duyệt Đề án “Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Theo đề án, quá trình xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành ĐTTM đến năm 2025 gồm 9 lĩnh vực, trong đó giao thông được coi là mũi nhọn quan trọng nhất. Cùng với đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành lĩnh vực giao thông vận tải, giúp cải thiện tình hình giao thông trên địa bàn.

Ảnh minh hoạ.

Năm 2020, Thành phố đã xây dựng được Trung tâm Điều hành GTTM – trái tim của hệ thống GTTM (ITS) đô thị. Mô hình Trung tâm điều hành giao thông đô thị bước đầu phát huy hiệu quả, mở ra hướng phát triển cho giao thông đô thị, hạn chế ùn tắc giao thông. Ngày 12/3/2020, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định đổi tên và bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn thành Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (thuộc Sở Giao thông Vận tải). Đây được xem là Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị đầu tiên trong cả nước, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý điều hành giao thông. Hệ thống camera ở những tuyến đường trọng yếu và hệ thống GTTM, giúp Trung tâm nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống giao thông trên địa bàn9.

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và sự vào cuộc của các sở, ngành, quận, huyện liên quan đã đạt được nhiều kết quả. TP. Hồ Chí Minh đã thành lập Trung tâm Giám sát và điều khiển GTTM nhằm đáp ứng tiêu chuẩn cho một ĐTTM của Thành phố. Trung tâm đã được đưa vào hoạt động giai đoạn I (trước Tết Nguyên đán năm 2019) với 4 chức năng chính, gồm: giám sát giao thông, điều khiển giao thông, cung cấp thông tin giao thông và hỗ trợ phối hợp xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên phạm vi Thành phố.

Với chức năng giám sát giao thông, Trung tâm dựa trên sự kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu của 762 camera giám sát giao thông đặt rải rác khắp thành phố, tích hợp với hệ thống hơn 60 màn hình có độ phân giải cao. Chức năng điều khiển giao thông được vận hành nhờ sự kết nối với 216 tủ điều khiển tín hiệu giao thông trên 78 tuyến đường chính ở các quận trung tâm và 28 nút giao thông trên các tuyến đường Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống. Trong khi đó, chức năng cung cấp thông tin giao thông được thực hiện thông qua 70 bảng thông tin giao thông điện tử đặt ở các tuyến đường và nút giao thông chính nhằm hỗ trợ người dân tham gia giao thông.

Người dân có thể truy cập ngay vào trang web của Sở Giao thông – Vận tải TP. Hồ Chí Minh để xem tình hình giao thông trên lộ trình sắp di chuyển và nắm thông tin về các nút giao thông bị ùn tắc, vị trí trạm xăng, công trình xây dựng hay bãi đậu xe. Cổng thông tin giao thông Thành phố còn có ứng dụng riêng để người dân tham gia giao thông có thể tải về sử dụng trên nền tảng điện thoại thông minh rất thuận tiện.

Chức năng phối hợp, hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông được thực hiện thông qua hệ thống camera giám sát giao thông, với 9 điểm kiểm soát tốc độ tự động và 6 điểm kiểm soát tải trọng phương tiện… Tất cả đều được ghi nhận và chia sẻ cho Sở Giao thông – Vận tải TP. Hồ Chí Minh và lực lượng liên quan để phối hợp xử lý các phương tiện vi phạm.

Trong giai đoạn II, năm 2020, TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành Trung tâm Điều hành GTTM (ITS) với quy mô toàn Thành phố, có tổng vốn đầu tư 250 triệu USD, là một trong những hợp phần trọng yếu của Đề án ĐTTM, phát triển hệ thống GTTM (Trung tâm ITS) là một trong những giải pháp quan trọng trong việc giải quyết bài toán giao thông tại thành phố bên cạnh các giải pháp như phát triển giao thông công cộng sức cho lớn, đầu tư phát triển mạng lưới đường bộ…

Hệ thống ITS đặt tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị thực hiện gồm các chức năng: điều khiển đèn tín hiệu giao thông linh hoạt thông qua hệ thống cảm biến quan trắc, thu thập dữ liệu giao thông tự động tại 118 mặt cắt ngang các tuyến đường; các thông số của dòng giao thông (lưu lượng, vận tốc trung bình, mật độ phương tiện) được hệ thống trung tâm phân tích, tính toán để đưa ra chiến lược điều khiển đèn tín hiệu giao thông phù hợp tại 216 nút giao thông trọng điểm, nằm trên 36 km2 khu vực các tuyến đường trung tâm thành phố theo kịch bản tương ứng với từng thời điểm và tình hình giao thông trong ngày.

Cùng đó, hệ thống giám sát giao thông thông qua hệ thống camera cũng được kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu 817 camera giám sát giao thông tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị. Thông qua hệ thống màn hình tường, nhân viên vận hành kịp thời ghi nhận tình hình giao thông tại các nút giao thông có camera kết nối (các nút giao thông trọng điểm, các vị trí thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông).

Theo Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị thành phố, các sự cố trên đường như tai nạn, ùn tắc, va chạm… được Trung tâm kịp thời thông tin cho cảnh sát giao thông, thanh tra và các đơn vị quản lý hạ tầng để phối hợp xử lý, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Ngoài ra, ngành giao thông TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng các mô hình mô phỏng dự báo giao thông, ứng dụng công nghệ để GTTM hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Hệ thống đèn tín hiệu giao thông được điều khiển thông qua cảm biến, quan trắc, thu thập dữ liệu giao thông tự động tại 118 điểm trên đường. Các thông số của dòng giao thông như lưu lượng, vận tốc trung bình, mật độ xe… được hệ thống phân tích, tính toán để đưa ra phương án điều khiển đèn tín hiệu giao thông phù hợp tại 216 nút giao có kết nối về trung tâm điều khiển, trong phạm vi 36 km2. Hệ thống điều khiển đèn giao thông linh hoạt cho phép tự động điều chỉnh các thông số như thời gian chu kỳ đèn, thời gian đèn xanh, số pha điều khiển, trình tự pha điều khiển… để thích ứng với lưu lượng giao thông thay đổi theo từng thời điểm.

Trong điều kiện TP. Hồ Chí Minh, giải pháp điều khiển đèn tín hiệu giao thông linh hoạt góp phần giải tỏa, ngăn ngừa ùn tắc lan truyền, giảm tổng thời gian tổn thất tại nút giao, giảm thời gian chờ của xe tại các nút giao… Việc dừng chờ đèn ngắn, giảm thời gian dừng chờ đèn tín hiệu giúp tăng năng lực thông hành các nút giao, tăng vận tốc chạy xe từ 10 đến 15% trên các tuyến đường, giúp người dân thoải mái hơn trong thời gian chờ đèn, lưu thông qua nút. Bên cạnh đó, thành phố cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý vi phạm giao thông. Tính từ tháng 6/2020 đến nay, thông qua các hệ thống ghi hình camera, Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ – Đường sắt (PC08) đã trích xuất 73.256 trường hợp, xử phạt được 19.902 trường hợp với số tiền xử phạt trên 33 tỷ đồng.

Đối với các hành vi dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định, trong 9 tháng đầu năm, Thanh tra Sở Giao thông vận tải cũng đã ghi hình và lập biên bản xử phạt 978 trường hợp với số tiền gần 1,2 tỷ đồng. Cùng với đó, thông qua hệ thống trạm cân tải trọng tự động, Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã kiểm tra, phát hiện 330 phương tiện về chở hàng quá tải trọng cho phép và lập biên bản 658 trường hợp với tổng số tiền xử phạt là 21,5 tỷ đồng.

Về ứng dụng công nghệ trong quản lý an ninh trật tự, Phòng PC08 đã chính thức ra mắt trang ZOA để cung cấp cho cá nhân, tổ chức sử dụng, trao đổi thông tin, phản ánh về tình hình trật tự an toàn giao thông; tuyên truyền, tiếp nhận tin báo; cung cấp các thủ tục hành chính, các dịch vụ công trực tuyến và cải cách hành chính để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Một số hạn chế, bất cập

Xây dựng ĐTTM nói chung, xây dựng mô hình GTTM nói riêng là vấn đề khá mới mẻ ở Việt Nam, trong đó có TP. Hồ Chí Minh. Do vậy, trong quá trình triển khai xây dựng không tránh khỏi những hạn chế, bất cập.

Một là, hạn chế về nguồn lực tài chính. Đầu tư cho công nghệ để vận hành hệ thống GTTM đòi hỏi chi phí rất lớn, tuy nhiên hiện tại TP. Hồ Chí Minh đang gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư tài chính cho xây dựng GTTM. Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, thì việc huy động kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông ở TP. Hồ Chí Minh còn nhiều khó khăn và kết quả còn hạn chế.

Hai là, việc phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn (BRT, metro, tramway, monorail…) còn quá chậm trong khi tốc độ gia tăng phương tiện xe cơ giới cá nhân quá lớn.

Ba là, quy hoạch không đồng bộ, việc lập quy hoạch không gắn với điều kiện thực hiện quy hoạch dẫn đến khó khả thi. Tỷ lệ quy hoạch sử dụng đất dành cho công trình hạ tầng giao thông và giao thông công cộng thấp, quản lý quỹ đất dành cho giao thông còn nhiều bất cập.

Bốn là, nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ, kiến thức trong công tác quản lý và vận hành hệ thống ITS còn hạn chế, chưa thể đảm bảo cho một sự phát triển bền vững của ITS.

Năm là, các giải pháp về khoa học công nghệ trong lĩnh vực giao thông luôn có sự phát triển, thay đổi liên tục. Công nghệ đã đi rất xa, nhưng quy trình quản lý, pháp luật quy định về quản lý còn rất lạc hậu, máy móc, không phù hợp. Quy trình thực hiện dự án theo Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước thì phức tạp, thời gian kéo dài, dẫn đến việc khi dự án được thông qua thì giải pháp công nghệ không còn phù hợp. Đây là cản trở lớn trong việc phát triển GTTM.

Sáu là, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ để bảo đảm trật tự an toàn giao thông vẫn còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp tốc độ phát triển đô thị và tình hình giao thông diễn biến ngày càng phức tạp. Mạng lưới camera còn chưa bao phủ được toàn bộ hệ thống giao thông, chúng mới chỉ được lắp đặt tại các khu vực cục bộ. Công tác bảo trì, nâng cấp hệ thống giao thông chưa được triển khai thường xuyên.

Bảy là, sự thiếu đồng bộ trong áp dụng ITS. Tuy có rất nhiều dự án được nghiên cứu triển khai, nhưng chúng chỉ mang tính chất thí điểm, riêng lẻ. Chưa có những nghiên cứu tổng thể nào về hiện trạng, định hướng phát triển ITS. Mặt khác, khung kiến trúc, tiêu chuẩn ITS chưa được xây dựng rõ ràng, nhiều dự án được triển khai nhưng chưa được đánh giá một cách chính xác nhất.

Một số giải pháp cơ bản để xây dựng giao thông thông minh tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới

Từ một số mô hình xây dựng, phát triển hệ thống GTTM ở một số đô thị trên thế giới có thể rút ra một số bài học cho TP. Hồ Chí Minh trong xây dựng GTTM như sau:

Thứ nhất, tuyên truyền sâu rộng, tạo ra sự thống nhất về nhận thức, về lợi ích của việc xây dựng hệ thống GTTM, trong đó khuyến khích người dân sử dụng nhiều hơn các phương tiện giao thông công cộng. Làm rõ những lợi ích của việc tham gia phương tiện vận tải công cộng.

Thứ hai, phát triển và sử dụng giao thông công cộng chính là thước đo trình độ phát triển của một đô thị và là con đường tất yếu nếu muốn đô thị đó bền vững; nhất là cho một ĐTTM mà TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng. Do vậy ngay lúc này, các cấp, các ngành của Thành phố, trong đó có ngành Giao thông vận tải phải thực hiện các giải pháp đủ mạnh làm thay đổi căn bản tình hình chuyên chở hành khách của xe buýt, trong đó nhất là phải giải quyết chấn chỉnh ngay các tồn tại, hạn chế xuất hiện. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút các nguồn lực đầu tư để phát triển và sớm đưa các tuyến giao thông công cộng nhanh khối lượng lớn vào hoạt động.

Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực GTTM. Khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, cơ chế tạo nguồn tài chính cho hoạt động để giảm gánh nặng ngân sách cho đô thị; xây dựng chuẩn dữ liệu cho dữ liệu số; các quy định về quản lý, khai thác các hệ thống thành phần của giao thông đô thị như hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hệ thống vé, hệ thống thông tin quản lý, thông tin hành khách, hệ thống kiểm tra, giám sát…

Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực để quản lý và vận hành hệ thống ITS. Suy đến cùng, yếu tố con người là yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại của việc xây dựng GTTM. Do vậy, khi xây dựng GTTM tại TP. Hồ Chí Minh cần có một đội ngũ chuyên gia giỏi, toàn diện và trung thành với lợi ích của người dân thành phố để quản lý, vận hành một hệ thống kỹ thuật hạ tầng giao thông của thành phố thông minh. Bên cạnh đó, ý thức tham gia giao thông của người dân sống trong ĐTTM cũng là vấn đề đáng quan tâm khi tiến hành xây dựng GTTM.

Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào thiết kế, xây dựng, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, trong đó có công nghệ AI. Thực hiện phân luồng giao thông hợp lý, quy định giờ hoạt động của một số loại phương tiện.

Thứ sáu, tăng cường đầu tư kinh phí xây dựng GTTM. Muốn xây dựng GTTM tại TP. Hồ Chí Minh đòi hỏi phải có hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin kết hợp với truyền thông hiện đại phủ kín thành phố (ICT). Điều này cần có nguồn kinh phí đầu tư hạ tầng lớn, vì tất cả các thiết bị quản lý giao thông của thành phố thông minh đều là những sản phẩm công nghệ cao.

Kết luận

Do điều kiện lịch sử, kinh tế – xã hội, không giống nhau giữa các nước trên thế giới nên không thể có một mô hình GTTM giống nhau cho tất cả các thành phố trên thế giới. Quyết tâm xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành ĐTTM thể hiện tầm nhìn, khát vọng của lãnh đạo thành phố cũng như khát vọng của người dân, doanh nghiệp. Với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước nói chung, của chính quyền TP. Hồ Chí Minh nói riêng cùng với sự nỗ lực, phấn đấu, sáng tạo, nhạy bén của các cấp, các ngành, hy vọng rằng, tiến trình xây dựng ĐTTM nói chung, xây dựng GTTM nói riêng tại TP. Hồ Chí Minh sẽ đạt được nhiều thành quả tích cực trong thời gian tới. Điều này góp phần không nhỏ trong việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân./.

Chú thích:
1. Tầm nhìn đô thị thông minh tại Việt Nam. Https://moc.gov.vn, ngày 01/8/2018.
2. Nguyễn Vũ Hoàng. Đô thị thông minh và sự tiếp cận dưới góc độ quản trị xã hội. TP. Hồ Chí Minh. NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2020, tr.52.
3. Trần Văn Hiệp. Đô thị thông minh: Lý luận và thực tiễn. TP. Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2020, tr.60.
4. Phan Tấn Hùng, Nguyễn Văn Trọn. Bàn về quan niệm, mô hình và tiêu chí thành phố thông minh ở Việt Nam. TP. Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2020, tr.128.
5. Phạm Đi. Quản lý đô thị và quản trị thành phố thông minh. H. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2021, 473.
6. Thế giới áp dụng GTTM như thế nào? Https://tuoitre.vn, ngày 22/02/2019.
7. Bùi Đúc Khánh, Hoàng Đình Kiên. Một số mô hình đô thị thông minh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho TP. Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2020, tr.195-196.
8. Xây dựng 5 giải pháp giao thông thông minh. Https://plo.vn, ngày 03/12/2022.
9. Xây dựng mô hình quản lý giao thông thông minh. Https://ttbc-hcm.gov.vn, ngaỳ 13/9/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu dùng AI vận hành hệ thống giao thông. Https://vnexpress.net, ngày 15/12/2020.
2. Xây dựng giao thông thông minh tại TP. Hồ Chí Minh. Https://baodautu.vn, ngày 19/9/2019.
3. Hàn Quốc và hệ thống giao thông thông minh nhất thế giới. Https://bkaii.com.vn.
4. Giao thông thông minh: Giải pháp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Https://tphcm.chinhphu.vn,ngày 17/11/2022.
5. Hồ Chí Minh xây dựng mô hình quản lý giao thông thông minh. Https://ttbc-hcm.gov.vn, ngày 13/9/2020.
ThS. Lê Minh Tuấn Anh
Quận uỷ Quận 3 – Thành phố Hồ Chí Minh