Xây dựng giai cấp nông dân gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Giai cấp nông dân Việt Nam có vị trí, vai trò ngày càng quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Xây dựng giai cấp nông dân gắn với phát triển nông nghiệp, công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn cũng là nhiệm vụ cấp bách hiện nay, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Xây dựng giai cấp nông dân gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn hiện nay.
Đặt vấn đề

Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà không dẫn đến di dân quy mô lớn”1. Cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 19) xác định: “Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn”2. Do vậy, xây dựng giai cấp nông dân (GCND) gắn với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa (CNH), đô thị hóa nông thôn (ĐTHNT) có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Giai cấp nông dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Theo Ph.Ănghen, người nông dân (NND) là cư dân nông nghiệp, thành phần của họ không thuần nhất, về bản chất NND vừa là người lao động, đồng thời là người có tư hữu. Vấn đề đặt ra cho giai cấp công nhân phải giải quyết đúng nhu cầu, lợi ích chính đáng của NND, khi ấy họ sẽ nhiệt tình tham gia cách mạng, trở thành lực lượng hùng hậu cho cách mạng, nền tảng vững chắc của khối liên minh công – nông trong tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Giải quyết vấn đề nông dân gắn liền với quá trình đấu tranh loại bỏ tư tưởng tiểu nông, manh mún; phải gắn quyền lợi của NND với nhiệm vụ chính trị trung tâm ở mỗi giai đoạn, thời điểm lịch sử, lôi kéo NND tham gia vào các hoạt động chính trị – xã hội để họ thấy được quyền lợi và nghĩa vụ của họ đối với sự nghiệp đấu tranh chống áp bức, bóc lột.

Kế thừa, vận dụng linh hoạt, sáng tạo quan điểm, tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin về nông dân vào điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thực sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân”3. Vì vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Người đã tập hợp được đông đảo nông dân tham gia vào các phong trào đấu tranh giành chính quyền, lao động tăng gia sản xuất phục vụ cho kháng chiến. GCND Việt Nam đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, biểu hiện ở một số khía cạnh sau:

Thứ nhất, GCND Việt Nam là lực lượng quan trọng trong cuộc đấu tranh chống lại các thế lực ngoại xâm, giành và giữ vững nền độc lập dân tộc của nước nhà. GCND luôn đồng hành cùng các anh hùng, hào kiệt, tích cực, chủ động tham gia vào các cuộc khởi nghĩa do các lãnh tụ của các triều đại phong kiến lãnh đạo; đặc biệt dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, GCND đã hưởng ứng sôi nổi, tham gia nhiệt tình vào các phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, tự do, cơm áo, hòa bình, nhờ vậy, cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi.

Thứ hai, GCND Việt Nam là người trực tiếp sản xuất lương thực, thực phẩm và cung cấp nhu yếu phẩm cho con người. Là một nước nông nghiệp, đa phần dân số sống ở nông thôn, vì vậy, GCND Việt Nam gắn bó rất lâu đời với ruộng đồng, lấy nông nghiệp làm sinh kế ổn định, bền vững nuôi sống bản thân. Cùng với đó, GCND cung cấp cho thị trường nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ cho nhu cầu đời sống con người. Trong giai đoạn hiện nay, GCND là lực lượng chủ yếu trong xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ đẩy mạnh CNH, hiện đại hóa, mở cửa hội nhập sâu rộng vào quốc tế.

Thứ ba, GCND gắn bó chặt chẽ lâu đời với địa bàn nông thôn, là nơi sáng tạo và lưu giữ, quảng bá giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Việt Nam là đất nước đa dân tộc, đa tôn giáo, với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống trên mảnh đất hình chữ S, tạo nên những sắc thái văn hóa rất độc đáo, đặc sắc của mỗi vùng, miền. Nhưng đều tựu chung ở việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. NND Việt Nam chính là chủ nhân của các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian, như: các điệu hò, ví dặm, dân ca, dân vũ, chèo, cải lương, hát xoan… bắt nguồn từ những hoạt động lao động, sản xuất, trong quan hệ ứng xử, đời sống sinh hoạt hằng ngày, định hướng, điều chỉnh suy nghĩ, hành động của con người đúng với chuẩn mực đạo đức, lối sống của xã hội. Đồng thời, GCND tích cực, chủ động đấu tranh loại bỏ hủ tục lạc hậu, phi văn hóa, tệ nạn xã hội ra khỏi đời sống; không ngừng quảng bá, giới thiệu giá trị văn hóa ra bên ngoài thông qua tổ chức lễ hội truyền thống, giới thiệu sản phẩm đặc sản của địa phương, phát triển kinh tế du lịch gắn với các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, GCND Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, là lực lượng quan trọng của khối liên minh công nhân – nông dân – trí thức trong tiến trình CNH, hiện đại hóa đất nước. Trình độ nhận thức, sự hiểu biết các vấn đề xã hội của NND được nâng lên, đáp ứng với tình hình nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao; chất lượng cuộc sống được nâng lên về mọi mặt; hệ thống điện, đường, trường, trạm đầy đủ, toàn diện, đồng bộ bảo đảm nhu cầu ăn uống, đi lại, thưởng thức của NND.

GCND đã áp dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nhờ vậy năng suất, chất lượng sản phẩm các mặt hàng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, như: mô hình trồng rau sạch, mô hình trồng cây ăn quả, nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản,… cho thu hoạch cao được nhân rộng, góp phần quan trọng tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt câu lạc bộ, giữ gìn trật tự, an ninh thôn, xóm ở các vùng quê được duy trì thường xuyên, có nề nếp, chất lượng, bảo đảm thực hiện đúng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 – 2023, ngày 12/12/2018 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Giai cấp nông dân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, chất lượng được nâng lên. Tỷ lệ hội viên nông dân được đào tạo nghề ngày càng tăng; tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm đối với Đảng, Nhà nước và cộng đồng dân cư ngày càng được nâng cao. Phong trào phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó phong trào giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu, phong trào hiến đất làm đường giao thông và các công trình công cộng là những việc làm mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc. Tình làng nghĩa xóm, nếp sống văn hóa ở nông thôn có nhiều tiến bộ, đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân xuất sắc, được Đảng và Nhà nước ghi nhận và trao nhiều phần thưởng cao quý”.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc gắn xây dựng GCND với quá trình CNH, ĐTHNT chưa được tiến hành thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm. Khoảng cách chênh lệch giàu – nghèo của NND còn cao; việc áp dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn thấp, chất lượng hàng hóa sản xuất ra chủ yếu phục vụ cho người dân địa phương, chưa có khả năng cạnh tranh trên thị trường; kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông ở một số địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, công nghiệp nhẹ phát triển ảnh hưởng đến môi trường sống của NND…

Một số biện pháp xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn

Một là, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho GCND về vị trí, vai trò của mình đối với quá trình CNH, ĐTHNT.

GCND Việt Nam sinh ra và lớn lên trong lòng dân tộc có truyền thống yêu nước nồng nàn, có ý chí, khát vọng vươn lên trong cuộc sống, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu. Vì thế, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tuyên truyền, giáo dục để GCND nắm và hiểu biết rõ đường lối, quan điểm đúng đắn, sáng tạo, hợp lòng dân của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới, vì sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước. Đa dạng hóa các hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục, vận động NND thay đổi tư duy, nhận thức về xây dựng nông thôn mới; tích cực, chủ động tham gia vào các phong trào xã hội; gắn quyền lợi, nghĩa vụ với trách nhiệm của NND trong các hoạt động của địa phương, sẵn sàng tham gia vào các phong trào phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Khuyến khích, tạo điều kiện về mọi mặt để NND làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương của mình. Khơi dậy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của gia đình để nuôi dưỡng hoài bão, ước mơ cho các thế hệ mai sau về vị trí, vai trò của GCND trong lịch sử và ở giai đoạn hiện nay. Tuyên truyền, giáo dục để GCND nắm và hiểu biết về pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành những quy định của Đảng, Nhà nước, địa phương; xây dựng lối sống nói và làm theo Hiến pháp, pháp luật trong GCND.

Hai là, tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nông dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì và thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”4. Nghị quyết 19 nhấn mạnh: bảo đảm quyền làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, nhất là người đứng đầu địa phương cần tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của GCND, lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, những băn khoăn, trăn trở của NND trong cuộc sống, trong công việc; giải quyết hợp tình, hợp lý những ý kiến thắc mắc, mong muốn của NND. Không cản trở, gây khó khăn cho NND trong tiếp cận thông tin; thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của NND. Tổ chức phát động các phong trào thi đua, yêu nước trong toàn dân khơi dậy tính sáng tạo, ý thức chính trị của NND với Đảng, Tổ quốc. Định kỳ tổ chức đối thoại với NND về các vấn đề xã hội, nhất là thực hiện cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai, nhà ở, giải phóng và đền bù, chuyển đổi đất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới… Phát huy tính năng động, sáng tạo của NND trong sản xuất nông nghiệp, giúp đỡ NND về mặt lưu thông sản phẩm nông nghiệp; kết hợp chặt chẽ giữa nhà nông nghiệp, nhà khoa học, doanh nghiệp trong nuôi trồng, sản xuất lương thực; tạo động lực, ý chí, niềm tin phấn đấu vươn lên trong sản xuất – kinh doanh của GCND.

Ba là, giúp đỡ NND tiếp cận với khoa học – công nghệ, thực hành chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.

GCND vẫn còn tư tưởng lao động manh mún, nhỏ lẻ, muốn cuộc sống ổn định, không bị xáo trộn về mọi mặt. Việc thay đổi tư duy nhận thức, hành động của NND cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên trì và bền bỉ. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để hướng dẫn, giúp đỡ về mặt công nghệ, kỹ thuật cho NND sản xuất, nuôi trồng. Qua đó, làm cho NND nhận thức sâu sắc, đầy đủ những tiện ích của ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những kinh nghiệm, mô hình thành công ứng dụng khoa học – công nghệ, thực hành chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Xây dựng những vùng, khu vực làm mẫu về thực hành chuyển đổi số trong nông nghiệp. Chính quyền địa phương cần phối hợp với doanh nghiệp, các nhà khoa học, chuyên gia tư vấn trong từng lĩnh vực, hoạt động giúp NND về kỹ thuật chăm sóc, nuôi trồng vật nuôi, cây giống; giúp đỡ về mặt kinh phí, cơ sở vật chất kỹ thuật để NND mạnh dạn đầu tư làm giàu chính đáng; đẩy mạnh đào tạo lao động nông thôn gắn với khôi phục các làng nghề truyền thống, những ngành công nghiệp nhẹ, phát triển kinh tế du lịch ở những khu vực, địa bàn có di tích lịch sử văn hóa vật thể, phi vật thể; hướng dẫn NND cách thức, phương pháp chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Tổ chức tôn vinh NND có những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, sáng tạo, giúp ích giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp vào những hoạt động xã hội của địa phương…

Bốn là, phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong tổ chức thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước đối với GCND.

Hội Nông dân Việt Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự lớn mạnh, trưởng thành của GCND, là tổ chức chính trị – xã hội đại diện cho quyền và lợi ích của NND. Hội cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về nội dung, phương pháp hoạt động, bám sát mọi hoạt động của NND; có tham mưu, đề xuất, góp ý với cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đúng, trúng về nhu cầu, mong muốn của NND; giúp đỡ NND trong phát triển kinh tế – xã hội, tham gia vào các vấn đề xã hội của địa phương. Theo đó, cần tập trung xây dựng Hội Nông dân Việt Nam đủ về số lượng, chất lượng, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thật sự là tổ chức chính trị – xã hội tin cậy, cầu nối liền giữa Đảng với NND. Cụ thể hóa, thể chế hóa chương trình, hành động của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp vào thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy lùi tiêu cực, hạn chế; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ đẩy mạnh CNH, ĐTHNT.

Hằng năm, tổ chức hội nghị, diễn đàn khoa học đánh giá quá trình hoạt động, trên cơ sở đó, đúc rút bài học kinh nghiệm, phát huy hơn nữa vai trò của Hội Nông dân trong xây dựng GCND gắn với quá trình CNH, ĐTHNT. Nghị quyết số 19-NQ/TW xác định: “Phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật, kiến thức sản xuất – kinh doanh, khoa học – công nghệ; đẩy mạnh các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng gia đình, thôn (xóm, làng, ấp, bản) văn hóa”.

Chú thích:
1, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.166 – 167, 96.
2. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 248.
TS. Nguyễn Thị Quyết
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh