Cẩm nang thông tin, tuyên truyền về dân tộc và tôn giáo

(Quanlynhanuoc.vn) – Việt Nam là quốc gia có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài với đặc điểm có nhiều dân tộc cùng chung sống, nhiều tôn giáo cùng tồn tại. Ý thức được vai trò của vấn đề dân tộc, tôn giáo trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và bảo vệ đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định vấn đề dân tộc, tôn giáo và công tác dân tộc, tôn giáo có vị trí chiến lược, có tầm quan trọng đặc biệt trong sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Dân tộc là sản phẩm của quá trình phát triển lâu dài trong lịch sử nhân loại. Ở Việt Nam, thuật ngữ “dân tộc” được hiểu và sử dụng trên hai bình diện, vừa là vấn đề dân tộc/quốc gia thống nhất,vừa là vấn đề dân tộc/tộc người thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Cộng đồng các dân tộc Việt Nam gồm 54 dân tộc/tộc người, với đặc điểm cấu trúc gồm một tộc người đa số (người Kinh) và 53 tộc người thiểu số, cùng sự khác biệt về nguồn gốc lịch sử, ngôn ngữ, dân số, phong tục,tập quán, lối sống, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ phát triển kinh tế – xã hội.

Về tôn giáo, ở Việt nam cùng tồn tại nhiều tôn giáo, có quan hệ bình đẳng với nhau, không có tôn giáo nào giữ vai trò chủ đạo. Các tôn giáo ở Việt Nam có nguồn gốc du nhập từ bên ngoài, những tôn giáo nội sinh và những hiện tượng tôn giáo mới. Các tôn giáo tồn tại đan xen, hòa đồng và không có xung đột. Đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn nhất quán, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử của đất nước.

Quan hệ dân tộc và tôn giáo là sự tác động qua lại, chi phối lẫn nhau trong nội bộ một tộc người, giữa các tộc người, trong một quốc gia hoặc giữa các quốc gia. Trong các mối quan hệ xã hội, quan hệ dân tộc và tôn giáo là vấn đề hết sức phức tạp, việc giải quyết mối quan hệ này có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định chính trị và sự phát triển bền vững của các tộc người, quốc gia, nhất là các quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Trong từng giai đoạn lịch sử, ở những quốc gia khác nhau, quan hệ dân tộc và tôn giáo được biểu hiện ở những nội dung và hình thức khác nhau.

Cuốn Cẩm nang thông tin, tuyên truyền về dân tộc và tôn giáo được xuất bản Quý I/2023. Tài liệu do Cục Báo chí – Bộ Thông tin và Truyền thông biên mục trên xuất bản phẩm của Thư viện Quốc gia Việt Nam có nội dung chính gồm 4 phần:

Phần 1: Dân tộc, quan hệ dân tộc ở Việt Nam.

Phần 2: Chính sách dân tộc, công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Phần 3: Thiết chế xã hội truyền thống trong xây dựng hệ thống chính trị và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Phần 4: Tôn giáo, chính sách tôn giáo, quan hệ dân tộc và tôn giáo ở Việt Nam.

Trong bối cảnh hội nhập và giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng, cẩm nang đã cung cấp những thông tin, kiến thức cơ bản về dân tộc, tôn giáo; cùng những quan điểm, chủ trương, chính sách, định hướng của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc và tôn giáo trong giai đoạn hiện nay. Cuốn sách là tài liệu quý, hữu ích cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, xuất bản và cán bộ thông tin, tuyên truyền ở cơ sở.

Tạp chí Quản lý nhà nước trân trọng giới thiệu cuốn sách tới Quý bạn đọc.

Hoàng Trang
Học viện Hành chính Quốc gia