Phát huy vai trò của giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở nhà trường quân đội trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng

(Quanlynhanuoc.vn) – Giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở học viện, trường sĩ quan quân đội là một bộ phận nhà giáo quân đội, trực tiếp nghiên cứu, giảng dạy, truyền thụ tri thức khoa học xã hội và nhân văn. Đây là lực lượng nòng cốt tham gia nghiên cứu, bổ sung, vận dụng và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, hệ thống tri thức khoa học mới, cung cấp căn cứ khoa học cho hoạt động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; là lực lượng nòng cốt, xung kích, đi đầu trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Ảnh minh họa (qdnd.vn).
Vai trò của giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở nhà trường quân đội trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng

Đây là vai trò tổng hợp của các giảng viên trong nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (QĐSTTĐ) trên không gian mạng (KGM). Vai trò đó được thực hiện thông qua nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng, lý luận, đấu tranh phản bác các QĐSTTĐ, biểu hiện trên một số nội dung sau:

Thứ nhất, giảng viên khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) là lực lượng chủ yếu, trực tiếp truyền thụ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo dựng niềm tin khoa học, hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học, nhân sinh quan cách mạng cho người học, góp phần trực tiếp bồi dưỡng, phát triển, mở rộng lực lượng đấu tranh.

Bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận, xây dựng bản lĩnh chính trị, kiên định, vững vàng, giúp người học vượt qua những khó khăn, cám giỗ và trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà Nước và Nhân dân với sự nghiệp cách mạng. Thông qua hoạt động giảng dạy, bồi dưỡng, giảng viên KHXH&NV đã trực tiếp góp phần tạo nên các thế hệ học viên, cán bộ quân đội không chỉ có trí tuệ, tri thức mà còn có đủ bản lĩnh, năng lực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các QĐSTTĐ.

Thứ hai, giảng viên KHXH&NV ở học viện, trường sĩ quan quân đội (SQQĐ) là lực lượng nòng cốt tham gia nghiên cứu, bổ sung, vận dụng và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, hệ thống tri thức khoa học mới, cung cấp cơ sở khoa học cho hoạt động đấu tranh phản bác các QĐSTTĐ.

Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của giảng viên KHXH&NV ở các học viện, trường SQQĐ. Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học của mình, họ luôn khẳng định được vai trò là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong nghiên cứu bổ sung, phát triển hệ thông lý luận khoa học nhằm phát triển Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, lý luận cho hoạt động quân sự; phát hiện, chỉ ra những vẫn đề lý luận đã lạc hậu chưa theo kịp thực tiễn; bổ sung, phát triển những luận điểm mới phù hợp với sự phát triển của thực tiễn. Những đóng góp đó không chỉ cung cấp những luận cứ khoa học cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đảng ủy, ban giám đốc các học viện, trường SQQĐ lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, mà còn cung cấp luận cứ khoa học, nội dung, biện pháp, cách thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các QĐSTTĐ trên KGM hiện nay.

Thứ ba, giảng viên KHXH&NV là lực lượng nòng cốt, xung kích, đi đầu trong đấu tranh phản bác các QĐSTTĐ trên KGM.

Với vốn kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng được tích lũy trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học họ luôn khẳng định được vai trò là lực lượng nòng cốt, xung kích, đi đầu ở các nhà trường trong đấu tranh phản bác các QĐSTTĐ. Đội ngũ giảng viên KHXH&NV là lực lượng tích cực tham gia các hội nhóm, blog đấu tranh trên KGM, tạo được uy tín lớn trong cộng đồng. Họ có thể tham gia đấu tranh hiệu quả bằng nhiều hình thức khác nhau thông qua các mạng xã hội, như: Youtube, Facebook, Zalo, Instagram; viết bài, trao đổi trên các chương trình truyền hình, phát thanh…

Thực trạng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng của lực lượng giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở nhà trường quân đội

Giảng viên KHXH&NV ở các học viện, trường SQQĐ cơ bản khẳng định được vai trò là lực lượng chủ yếu, trực tiếp trong truyền bá nền tảng tư tưởng của Đảng, là lực lượng quan trọng góp phần đào tạo ra đội ngũ cán bộ quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đội ngũ giảng viên này cơ bản xác định tốt trách nhiệm, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học; chủ động, tích cực, trực tiếp tham gia đấu tranh trên không giang mạng bằng nhiều hình thức, có sức lan tỏa rộng lớn. Quân ủy Trung ương nêu rõ: “Các học viện, nhà trường, Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự: Thường xuyên nghiên cứu luận điệu chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, nhất là những luận điệu chống phá đường lối trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng; các vấn đề lý luận, thực tiễn về xây dựng chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; chủ động xây dựng luận cứ, cung cấp, đăng tải trên các trang, nhóm, blog đấu tranh phản bác các QĐSTTĐ, định hướng dư luận cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, tiêu biểu là: Học viện Quốc phòng, Học viện Chính trị, Học viện Kỹ thuật, Trường Sĩ quan Chính trị, Viện KHXH&NV quân sự…”1. Đội ngũ giảng viên KHXH&NV cùng với các lực lượng ở các nhà trường đã tích cực tham gia đấu tranh trên KGM, chỉ tính riêng trong năm 2022, Học viện Chính trị đã có 8 buổi hội thảo liên quan, đăng tải 271 bài báo, tạp chí trong và ngoài quân đội; 1.257 bài của tác giả, nhóm tác giả tham gia Cuộc thi viết chính luận; 8.898 bài viết đăng tải trên 31 blog, 1.270 bài đăng trên fanpage “Sáng mãi niềm tin 25.10”; 15 video clip2. Trường Sĩ quan Chính trị phối hợp tham gia 3 chương trình “Nhận diện sự thật” trên kênh Quốc phòng Việt Nam, 5.875 lượt đấu tranh kỹ thuật trước các tài khoản xấu, độc; đăng tải 416.155 bài viết, 683.805 lượt chia sẻ, 445.838 lượt bình luận, 61 clip trên các nền tảng mạng xã hội, các hội3 có nội dung đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các QĐSTTĐ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một bộ phận không nhỏ giảng viên chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của người làm công tác tuyên truyền, người “truyền lửa”, thậm chí còn có cán bộ, giảng viên ngại học, lười học lý luận hoặc nghiên cứu lý luận nhưng không nắm được “hồn cốt” của lý luận, không biến lý luận thành phương pháp nhận thức, phương pháp hành động, phương pháp công tác. Một số giảng viên KHXH&NV có thời điểm chưa thể hiện rõ vai trò nòng cốt tham gia nghiên cứu, bổ sung, vận dụng và phát triển lý luận; thiếu tính chủ động, tích cực, chưa đi sâu nghiên cứu những vấn đề cấp bách về lý luận và thực tiễn, còn có biểu hiện né tránh sự thật, nhất là những vấn đề nhạy cảm do sợ “đụng chạm”.

Vai trò xung kích, đi đầu, nòng cốt của giảng viên KHXH&NV trong đấu tranh phản bác các QĐSTTĐ trên KGM có nơi còn mờ nhạt; một bộ phận giảng viên còn thiếu tính chủ động, tích cực trong đấu tranh; còn có hiện tượng ngại tham gia đấu tranh; số lượng giảng viên tham gia đấu tranh công khai, trực diện bằng các bài nói chuyện chuyên đề, các clip có nội dung sâu sắc còn ít; việc tham gia các hoạt động đấu tranh chưa trở thành nhu cầu tự thân. Thực trạng trên đã và đang làm cho vai trò của giảng viên KHXH&NV trong đấu tranh phản bác các QĐSTTĐ trên KGM trở nên mờ nhạt, không tương xứng với tiềm năng và nhiệm vụ được giao phó.

Giải pháp phát huy vai trò của giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở nhà trường quân đội trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ thể phát huy phát huy vai trò của giảng viên KHXH&NV ở học viện, trường SQQĐ trong đấu tranh phản bác các QĐSTTĐ trên KGM hiện nay.

Để nâng cao nhận thức của chủ thể, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đảng ủy các quân chủng, binh chủng, cơ quan chức năng cấp trên cần thường xuyên giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, lãnh đạo, chỉ huy, cơ quan chức năng, ở học viện, trường sĩ quan về sự cần thiết và yêu cầu phải phát huy vai trò của các lực lượng, trước hết là đội ngũ giảng viên KHXH&NV trong đấu tranh phản bác các QĐSTTĐ trên KGM. Đối với đảng ủy các học viện, trường SQQĐ, cần tập trung đổi mới nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị; giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức của lực lượng trực thuộc, nhất là cấp ủy, chỉ huy các khoa giáo viên, bộ môn về vai trò, sự cần thiết phải phát huy vai trò của giảng viên KHXH&NV trong đấu tranh phản bác các QĐSTTĐ trên KGM, từ đó, tích cực chủ động, tổ chức cho giảng viên tham gia đấu tranh hiệu quả.

Chỉ huy, người đứng đầu ở các cơ quan đơn vị cần thường xuyên nêu gương đi đầu trong tham gia đấu tranh, thực hiện chức trách, nhiệm vụ, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống làm gương cho giảng viên học tập, noi theo. Thường xuyên xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể bồi dưỡng, tổ chức cho giảng viên KHXH&NV tham gia đấu tranh; thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra quá trình tham gia đấu tranh của giảng viên; làm tốt công tác tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động, kịp thời động viên lan tỏa những tấm gương giảng viên tích cực đấu tranh, những mô hình cách làm hay, hiệu quả.

Hai là, nâng cao chất lượng đào tạo giảng viên KHXH&NV.

Để thực hiện giải pháp này, trước hết, cần tập trung nâng cao chất lượng tuyển chọn nguồn đào tạo giảng viên KHXH&NV có trình độ đại học, sau đại học; mở rộng đối tượng tạo nguồn đào tạo từ sinh viên tốt nghiệp các trường đại học ngoài Quân đội, nhất là đối tượng cán bộ nghiên cứu ở các trường các viện nghiên cứu về khoa học chính trị, KHXH&NV ngoài quân đội; coi trọng việc đề cao tiêu chí, chất lượng của đối tượng tuyển chọn, không chạy theo số lượng. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo giảng viên KHXH&NV ở các học viện, trường SQQĐ theo hướng bám sát các quan điểm chỉ đạo đổi mới công tác đào tạo cán bộ của Quân đội, như: Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Quyết định số 2523/QĐ-BQP ngày 15/7/2013 của Bộ Quốc phòng về thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 – 2020; Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới; Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 – 2030 và những năm tiếp theo; Thông tư số 02/2023/TT-BQP ngày 12/01/2023 của Bộ Quốc phòng quy định về đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ba là, tăng cường bồi dưỡng chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp tham gia đấu tranh trên KGM cho đội ngũ giảng viên KHXH&NV.

Đảng ủy, Ban Giám hiệu, đơn vị chức năng ở các học viện, trường SQQĐ cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp bồi dưỡng chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho các đối tượng, nhất là đội ngũ giảng viên. Cơ quan chức năng kết hợp chặt chẽ với các khoa giáo viên căn cứ vào khả năng, trình độ của giảng viên để xác định nội dung, biện pháp, kế hoạch bồi dưỡng cho phù hợp. Về nội dung tập trung bồi dưỡng những vấn đề giảng viên còn yếu, thiếu, những quan điểm, chủ trương, chính sách mới. Về hình thức, vận dụng linh hoạt các hình thức bồi dưỡng, như: tổ chức các lớp tập huấn, tọa đàm, cấp trên bồi dưỡng trực tiếp cho cấp dưới; tự bồi dưỡng; thông qua nghiên cứu khoa học; sinh hoạt học thuật; trao đổi, tọa đàm; đề cao trách nhiệm của các giảng viên “gạo cội” “chuyên gia đầu ngành” trong bồi dưỡng cho giảng viên còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm; tổ chức tốt các hình thức nghiên cứu chuyên đề, giáo dục lý luận chính trị hàng năm, kết hợp với tăng cường các buổi thông tin thời sự.

Bốn là, giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm, phát huy tính tích cực chủ động tự giác của giảng viên KHXH&NV trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các QĐSTTĐ.

Để thực hiện giải pháp này, cần tập trung giáo dục, quán triệt cho đội ngũ giảng viên KHXH&NV, thấy rõ sự cần thiết đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các QĐSTTĐ. Giáo dục phát huy tính tích cực, chủ động của giảng viên trong việc nắm bắt âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, chỉ đạo của cơ quan chức năng, vận dụng lý luận khoa học trong đấu tranh; phát huy vai trò chủ động, tích cực của giảng viên trong rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần chiến đấu, “dũng khí”, không ngại khó, không ngại va chạm những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong quá trình đấu tranh; phát huy vai trò tích cực của giảng viên trong rèn luyện kỹ năng, phương pháp đấu tranh trên KGM.

Năm là, tạo môi trường thuận lợi, tạo động lực thúc đẩy giảng viên KHXH&NV đấu tranh phản bác các QĐSTTĐ trên KGM.

Thường xuyên bảo đảm cung cấp đủ tư liệu, tài liệu, thông tin, tạo cơ chế để giảng viên KHXH&NV được tiếp cận những thông tin, quan điểm chỉ đạo mới, những nội dung thông báo nội bộ về hoạt động của các thế lực thù địch, được tiếp cận cả những nguồn thông tin chính thống, không chính thống, làm cơ sở để họ có đủ tư liệu viết bài phục vụ đấu tranh, bảo đảm tính thời sự, hiệu quả, bám sát định hướng, sát thực tiễn. Đảng ủy, Ban Giám hiệu, trực tiếp ở đây là các học viện, trường sĩ quan bám sát các cơ quan nghiệp vụ thuộc Quân ủy Trung ương, Cục Tuyên huấn, Cục Bảo vệ An ninh quân đội Tổng cục Chính trị, các cơ quan chức năng thuộc Hội đồng Lý luận Trung ương, Tổng cục Chính trị để phổ biến thông tin kịp thời định hướng, chỉ đạo giảng viên đấu tranh, nhất là các đợt đấu tranh cao điểm. Bên cạnh đó, các học viện, trường SQQĐ cần quan tâm đầu tư phương tiện như hệ thống máy tính, mạng internet cho các lực lượng nòng cốt tham gia đấu tranh. Các nhà trường cần thường xuyên đổi mới phương thức đấu tranh, chú trọng viết bài đấu tranh trực diện theo sự kiện, tổ chức thành các đợt; thường xuyên đổi mới và duy trì có hiệu quả hoạt động của các blog, nhóm Facebook, các trang fanpage của tập thể và các tài khoản cá nhân của thành viên tham gia lực lượng đấu tranh. Tổ chức các câu lạc bộ đấu tranh chuyên sâu ở các khoa giáo viên; thường xuyên tổ chức các đợt diễn tập đấu tranh chống QĐSTTĐ, cơ hội chính trị trên KGM; tổ chức các phong trào, hội thi viết bài chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các QĐSTTĐ tạo cơ hội cho giảng viên tham gia, phát huy thế mạnh, trí tuệ…

Chú thích:
1, 2, 3. Báo cáo số 09 – BC/BCĐ ngày 04/01/2023 của Ban Chỉ đạo 35, Quân ủy Trung ương về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Hướng dẫn số 01-HD/BCĐ ngày 25/6/2019 của Ban Chỉ đạo 35 Ban Chấp hành Trung ương về “Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện và tương đương về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”.
2. Kết luận số 53-KL/TW ngày 04/6/2019 của Ban Bí thư về việc chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu độc trên Internet, mạng xã hội.
3. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
ThS. Nguyễn Thế Hanh
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng