Tăng cường phòng, chống vi phạm kỷ luật Quân đội và pháp luật cho quân nhân ở đơn vị cơ sở

(Quanlynhanuoc.vn) – Phòng, chống vi phạm kỷ luật của Quân đội và pháp luật của Nhà nước là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, thực hiện nền nếp chính quy và rèn luyện kỷ luật trong Quân đội. Đây là đòi hỏi khách quan với yêu cầu thượng tôn pháp luật, là nhiệm vụ quan trọng của quân nhân ở đơn vị cơ sở góp phần hoàn thiện năng lực lãnh đạo, chỉ huy, quản lý bộ đội và phẩm chất, nhân cách, hành vi ứng xử của quân nhân theo đúng kỷ luật, pháp luật.
Ảnh minh họa (internet).
Thực hiện phòng, chống vi phạm kỷ luật Quân đội và pháp luật của quân nhân tại đơn vị cơ sở

Những năm qua, các đơn vị cơ sở (ĐVCS) đang đẩy mạnh xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, luôn coi bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách toàn diện cho quân nhân, trong đó giáo dục pháp luật, kỷ luật và phòng, chống vi phạm kỷ luật (VPKL) của Quân đội và pháp luật của Nhà nước là một nội dung quan trọng để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, ý thức kỷ luật, tạo cơ sở để định hướng sự phát triển nhân cách, hành vi ứng xử của quân nhân theo đúng kỷ luật, pháp luật, hạn chế hành vi VPKL của Quân đội và pháp luật của Nhà nước ở ĐVCS.

Tuy nhiên, do yêu cầu của thực tiễn xây dựng ĐVCS vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu” trong phòng, chống VPKL quân đội, pháp luật của Nhà nước còn những tồn tại, đó là: (1) Nhận thức, trách nhiệm và năng lực của một số chủ thể với vấn đề này còn hạn chế; (2) Một số nội dung, hình thức và phương pháp phòng, chống chưa phù hợp, hiệu quả; ý thức, thái độ, động cơ và sự tự giác, tự rèn luyện kỷ luật của một số quân nhân chưa cao; (3) Sự gia tăng về tính chất nghiêm trọng của những hiện tượng tiêu cực, những vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật của quân nhân, như: cờ bạc, cướp của, giết người…, đòi hỏi cần phải có nhiều biện pháp mạnh để phòng, chống VPKL của Quân đội, pháp luật của Nhà nước cho quân nhân ở ĐVCS.

Các vụ việc trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Song nguyên nhân cơ bản, chủ yếu nhất vẫn là do công tác quản lý, chỉ huy của đơn vị và ý thức của từng cá nhân; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức, thiếu sâu sát, cụ thể; cán bộ chủ trì chưa quyết liệt trong chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị khắc phục khâu yếu, mặt yếu về chấp hành kỷ luật; chưa phát huy đồng bộ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng và các tổ chức, lực lượng; công tác quản lý tư tưởng, quản lý kỷ luật ở một số đơn vị còn hạn chế; một số quân nhân thiếu rèn luyện bản thân, có tư tưởng ăn chơi, hưởng thụ; nhiều quân nhân hiểu biết, nhận thức về pháp luật còn đơn giản, ý thức tự giác chấp hành pháp luật, kỷ luật kém…

Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả phòng, chống vi phạm kỷ luật và pháp luật cho quân nhân ở đơn vị cơ sở

Một là, thường xuyên làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường kỷ luật quân đội.

Đây là giải pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, củng cố, tăng cường kỷ luật quân đội, hình thành và phát triển ý thức, thực hiện pháp luật đúng đắn cho quân nhân. Từ thực tiễn ở ĐVCS cho thấy, việc thường xuyên thực hiện nghiêm túc chế độ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, kỷ luật, thì tình hình kỷ luật của đơn vị có chiều hướng tốt, không để xảy ra VPKL nghiêm trọng. Ngược lại, khi các cấp lãnh đạo, chỉ huy đơn vị thực hiện chiếu lệ, biện pháp thiếu tính cụ thể, hoặc chỉ tiến hành kiểu “thời vụ”…, thì nội bộ đơn vị thường nảy sinh nhiều vấn đề. Do vậy, các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên tổ chức quán triệt sâu sắc các văn bản, nghị quyết của Chính phủ và Bộ Quốc phòng về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, kỷ luật quân đội. Trong đó quán triệt, giáo dục hướng vào thực hiện tốt các chỉ thị, thông tư của Bộ Quốc phòng, như: Chỉ thị số 04/CT-BQP ngày 20/01/2011 về thực hiện Ngày pháp luật trong quân đội; Chỉ thị số 04/CT-BQP ngày 09/02/2012về việc tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật; phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật và VPKL nghiêm trọng trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Thông tư số 192/2016/TT-BQP quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng, cùng với đó là kết hợp chặt chẽ công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống. Phát huy tốt vai trò của các cơ quan chức năng như: tuyên huấn, kiểm sát, điều tra hình sự, vận dụng nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kỷ luật phù hợp với từng đối tượng, với tình hình và nhiệm vụ đơn vị để tạo nên một hợp lực tác động vào nhận thức, thái độ, hành vi quân nhân nhằm hạn chế và dứt điểm VPKL nghiêm trọng.

Hai là, phát huy tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên; nâng cao hiệu lực lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng, hệ thống chỉ huy ở ĐVCS.

Giải pháp này nhằm bảo đảm phát huy năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, hiệu lực của người chỉ huy và tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì hiệu lực lãnh đạo của tổ chức đảng các cấp trong công tác quản lý, rèn luyện kỷ luật chỉ được nâng cao khi đội ngũ cán bộ đảng viên của đơn vị nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu ở mọi lúc, mọi nơi trong xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật. Do vậy, cấp ủy đảng các cấp phải có những biện pháp quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, không bao che hoặc giảm nhẹ mức độ vi phạm khi có đảng viên, cán bộ mắc khuyết điểm. Người chỉ huy đơn vị phải gương mẫu về mọi mặt, có trình độ quản lý, chỉ huy đơn vị tốt, phải nắm vững và dựa chắc vào pháp luật Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, chế độ, quy định của Quân đội, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên trong tổ chức duy trì kỷ luật đơn vị. Nâng cao trình độ quản lý về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống quân nhân, về năng lực chuyên môn và cơ sở vật chất kỹ thuật; có sự phân cấp quản lý rõ ràng để quản lý tốt mọi hoạt động của Quân đội, nhất là trong giờ nghỉ, ngày nghỉ. Cần có sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ giữa tổ chức đảng với đoàn thể quần chúng, giữa đơn vị với gia đình, địa phương. Thường xuyên quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho quân nhân ở các ĐVCS, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở…

Ba là, giáo dục hình thành nhu cầu chấp hành kỷ luật, ngăn ngừa dẫn đến VPKL.

Đây là giải pháp cơ bản để nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật cho quân nhân. Vì một trong những nguyên nhân dẫn đến VPKL là do một bộ phận quân nhân chưa coi chấp hành kỷ luật là một nhu cầu, một bước tiến trong xây dựng giá trị nhân cách và cũng là sự đòi hỏi tất yếu của quân nhân cách mạng. Họ coi kỷ luật chỉ thuần túy là sự bắt buộc, áp đặt đối với mỗi cá nhân, từ đó chấp hành kỷ luật không tích cực, tự giác, thực hiện điều lệnh, điều lệ, các chế độ quy định một cách hình thức, chiếu lệ. Bởi vậy, muốn đạt được hiệu quả cao trong phòng, chống VPKL thì cần phải có nhiều nội dung, hình thức giáo dục để mỗi quân nhân có nhu cầu tự thân, thực sự phấn đấu trong rèn luyện, tự giác, nghiêm minh trong chấp hành kỷ luật Quân đội.

Khảo sát một số ĐVCS trong toàn quân thời gian qua cho thấy, các cấp ủy và người chỉ huy đều có sự thống nhất cao ở biện pháp: muốn ngăn chặn có hiệu quả VPKL nghiêm trọng, phải tích cực ngăn chặn các hành vi VPKL thông thường. Bởi vì, các hành vi VPKL thông thường là “mầm mống” dẫn đến VPKL nghiêm trọng. Ranh giới giữa VPKL thông thường và VPKL nghiêm trọng rất mỏng manh. Cho nên, nếu người quân nhân mắc những sai phạm tuy chưa đến mức phải xử lý kỷ luật nhưng không được nhắc nhở và sửa chữa kịp thời, đó sẽ là “mầm mống” VPKL nghiêm trọng. Lãnh đạo, chỉ huy đơn vị phải kiên quyết khắc phục tư tưởng chủ quan, coi thường những vi phạm nhỏ của quân nhân, phải tìm hiểu rõ nguyên nhân và có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn mọi hành vi VPKL thông thường trong đơn vị.

Bốn là, đẩy mạnh xây dựng môi trường kỷ luật quân sự lành mạnh.

Đây là giải pháp quan trọng để xây dựng môi trường văn hóa trong giáo dục, chấp hành kỷ luật của quân nhân. Vì vậy, xây dựng môi trường kỷ luật quân sự lành mạnh sẽ tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ được học tập, rèn luyện nâng cao ý thức tổ chức, chấp hành kỷ luật và phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong người quân nhân cách mạng; là cơ sở để lãnh đạo, chỉ huy tổ chức giáo dục, quản lý, duy trì đơn vị chấp hành kỷ luật tự giác nghiêm minh. Trong xây dựng môi trường kỷ luật quân sự lành mạnh, cần coi trọng thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; giải quyết tốt các mối quan hệ trong nội bộ đơn vị và giữa đơn vị với Nhân dân, với các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương nơi đóng quân; tạo dư luận xã hội tích cực không để những “thói hư, tật xấu” tác động vào đơn vị.

Trong các ngày nghỉ, giờ nghỉ của bộ đội, lãnh đạo và chỉ huy cần tổ chức tốt những hoạt động văn hóa vui tươi, lành mạnh trong đơn vị. Kinh nghiệm ở những đơn vị điển hình về hoạt động văn hóa cho thấy, nếu để quân nhân dành thời gian rỗi để tổ chức những hoạt động không lành mạnh và những trò chơi mang tính tự phát, tiêu khiển…, thì đó cũng là những “mầm mống” dẫn đến VPKL nghiêm trọng, rất khó lường. Cần định hướng cho mỗi quân nhân sử dụng thời gian rỗi vào các hoạt động hữu ích, tạo nên môi tr­­ường kỷ luật quân sự phát triển lành mạnh, vững chắc.

Năm là, không hữu khuynh, che giấu VPKL trong đơn vị và kịp thời xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ việc xảy ra.

Khi đơn vị xảy ra VPKL, một mặt, lãnh đạo và chỉ huy đơn vị không vì thành tích mà che dấu không báo cáo kịp thời, trung thực với cấp trên; mặt khác, cần tập trung tìm biện pháp giải quyết dứt điểm vụ việc, xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm của từng cấp, từng người, chủ động làm tốt công tác tư tưởng, ổn định tình hình đơn vị. Tăng cường các biện pháp chế tài theo những quyết định, hướng dẫn của cấp trên, như: Thông tư số 16/2020/TT-BQP ngày 21/02/2020 của Bộ Quốc phòng về việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng và Chỉ thị số 22/CT-TM ngày 05/7/2019 của Tổng Tham mưu trưởng về tăng cường một số biện pháp trong công tác giáo dục, quản lý chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và bảo đảm an toàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Vận dụng tốt ph­ương pháp nêu gương trong giáo dục, rèn luyện kỷ luật bộ đội. Không đơn thuần dừng ở việc biểu d­ương cá nhân, tập thể điển hình trong mỗi giai đoạn và từng tháng, năm, mà phải tiến hành “nuôi dưỡng” điển hình liên tục. Khắc phục mọi biểu hiện t­ư tư­ởng tự mãn, chủ quan, dừng lại, hoặc chỉ dựa vào truyền thống đã có để khuếch tr­ương thành tích nhằm ganh đua, kìm hãm tập thể đơn vị bạn. Thực hiện phương pháp nêu gương luôn gắn với cá nhân điển hình tiên tiến, kịp thời phổ biến rộng rãi những biện pháp hay trong phòng, chống VPKL nghiêm trọng. Đồng thời, sử dụng có hiệu quả các phương tiện truyền thông, lực lượng tuyên truyền viên để việc phòng, chống hành vi VPKL ở mỗi ĐVCS trong Quân đội Việt Nam đạt được hiệu quả thiết thực.

Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 04 CT-BQP ngày 20/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về thực hiện Ngày pháp luật trong Quân đội.
2. Chỉ thị số 04/CT-BQP ngày 09/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật; phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật và vi phạm kỷ luật nghiêm trọng trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
3. Chỉ thị số 91/CT-BQP ngày 22/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tăng cường quản lý, giáo dục và chấp hành kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
4. Chỉ thị số 22/CT-TM ngày 05/7/2019 của Tổng Tham mưu trưởng về tăng cường một số biện pháp trong công tác giáo dục, quản lý chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và bảo đảm an toàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
5. Thông tư số 16/2020/TT-BQP ngày 21/02/2020 của Bộ Quốc phòng về việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng.
PGS.TS. Nguyễn Văn Thắng
ThS. Nguyễn Ngọc Anh
Học viện Chính trị – Bộ Quốc phòng