Giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 và xây dựng, phát triển văn hoá quân sự Việt Nam hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – 80 năm đã trôi qua, Đề cương về Văn hóa Việt Nam – Cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng vẫn còn nguyên giá trị về lý luận và thực tiễn. Đề cương đã và đang là ngọn hải đăng soi đường cho cách mạng văn hoá ở Việt Nam, định hướng “soi đường cho quốc dân đi” và có giá trị to lớn đối với xây dựng, phát triển văn hóa quân sự Việt Nam hiện nay.
Đề cương về Văn hóa Việt Nam – Cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng, định hướng “soi đường cho quốc dân đi” và có giá trị to lớn đối với xây dựng, phát triển văn hóa quân sự Việt Nam hiện nay.
Sự ra đời của Đề cương về văn hoá Việt Nam

Từ ngày 25 – 28/02/1943, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp bàn về công tác chuẩn bị khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân đã thông qua bản “Đề cương về văn hoá Việt Nam” (viết tắt là Đề cương) do đồng chí Trường Chinh khởi thảo.

Đề cương ra đời trong bối cảnh dân tộc ta chịu cảnh áp bức, bóc lột của cả thực dân Pháp và phát xít Nhật. Chúng ra sức thực hiện chính sách đàn áp thâm độc và tàn bạo hòng đè bẹp ý chí đấu tranh giải phóng dân tộc và phong trào cách mạng của nhân dân ta. Trên lĩnh vực văn hoá, chúng thi hành chính sách nô dịch, đồng hoá văn hoá Việt Nam nhằm phục vụ cho quyền lợi của thực dân, phát xít. Đề cương kết cấu gồm: cách đặt vấn đề; lịch sử và tính chất văn hoá Việt Nam; nguy cơ của văn hoá Việt Nam dưới ách phát xít Nhật – Pháp; vấn đề cách mạng văn hoá Việt Nam; nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hoá mácxít Đông Dương và nhất là những nhà văn hoá mácxít Việt Nam.

Đề cương ra đời đã vạch trần những thủ đoạn phát xít Nhật trói buộc văn hoá và giết chết văn hoá Việt Nam như: tuyên truyền chủ nghĩa Đại Đông Á; gây ra một quan niệm cho người Nhật là “cứu tinh”của giống da vàng và văn hoá Nhật Bản chiếu rọi những tia sáng văn minh tiến bộ cho các giống nòi Đại Đông Á… Tìm hết cách phô trương và giới thiệu văn hoá Nhật Bản (triển lãm, diễn thuyết, đặt phòng du lịch, viện văn hoá, trao đổi du học sinh, mời nghệ sĩ Đông Dương sang thăm nước Nhật, mở báo chí tuyên truyền, tổ chức ca kịch, chiếu bóng…); đàn áp các nhà văn chống Nhật và mua chuộc các nhà văn có tài1. Thủ đoạn này khiến cho không ít người đã lầm tưởng rằng, đây chính là một cơ hội để văn hóa Việt Nam phục hưng, do được hưởng lợi từ quan niệm “đồng chủng đồng văn” của người Nhật, được “trở về” với nguồn gốc Á Đông chống lại sự nô dịch của người Pháp.

Ngược lại, thực dân Pháp đưa ra nhiều tài liệu, tổ chức các cơ quan và các đoàn thể văn hoá để “nhồi sọ” học thuyết, tư tưởng, những quan niệm sai lầm của triết học Âu, Á, có ít nhiều ảnh hưởng tai hại ở ta, như: triết học Khổng, Mạnh, Đề các (Descartes), Bécsông (Bergson), Căng (Kant), Nít sơ (Niesche),… hoặc các tông phái văn nghệ chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng,… Chúng kiểm duyệt rất ngặt những tài liệu văn hoá; mua chuộc và hăm doạ các nhà văn hoá và mật thiết liên lạc với tôn giáo để truyền bá văn hoá trung cổ, văn hoá ngu dân2, khiến cho nhiều trí thức trẻ, văn nghệ sĩ chán ghét những tư tưởng cũ nhưng chưa tìm ra được hướng đi mới hoang mang, xa rời mục tiêu cách mạng đấu tranh chống đế quốc, phong kiến, giành độc lập dân tộc. Tình trạng đó tạo ra bầu không khí ngột ngạt, bế tắc, mất phương hướng trong đời sống tinh thần, văn hoá Việt Nam lúc bấy giờ. Thực tiễn lịch sử lúc bấy giờ là cơ sở, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu bức thiết lý luận, đường lối về văn hóa.

Giá trị lớn lao của Đề cương về Văn hóa Việt Nam

Giá trị lớn lao của Đề cương là đã đáp ứng được đòi hỏi cấp bách của thực tiễn diễn biến phức tạp sau khi Nhật xâm lược Đông Dương, thời cơ giành chính quyền đã đến gần. Đề cương đã định hướng sự phát triển và phát huy vai trò của văn hoá; thực sự trở thành vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng trên mặt trận văn hoá, tập hợp, cổ vũ nhân dân, nhất là giới trí thức, văn nghệ sĩ, hăng hái tham gia cách mạng. Những thắng lợi vĩ đại trong đấu tranh giành chính quyền năm 1945, sự nghiệp giải phóng dân tộc và công cuộc đổi mới hiện nay là sự khẳng định đúng đắn nhất bản chất cách mạng, khoa học, giá trị to lớn của Đề cương.

Giá trị khoa học và cách mạng của Đề cương thể hiện từ “Cách đặt vấn đề”, đã quán triệt và vận dụng sáng tạo phương pháp luận của triết học Mác – Lênin vào tiếp cận một mặt, một lĩnh vực quan trọng của đường lối cứu quốc đó là văn hóa. Văn hóa được tiếp cận là một chỉnh thể toàn diện với cấu trúc “bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật”3, trong đó tinh thần – tư tưởng và khoa học là cốt lõi của văn hóa. Chỉnh thể văn hóa đó luôn quan hệ biện chứng với các mặt, lĩnh vực khác của đời sống xã hội: “nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội kia (hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc)”4.

Đề cương thể hiện sự thấu triệt quan điểm cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử, văn hóa là do cơ sở kinh tế, chế độ kinh tế quyết định. Đề cương xác định đúng đắn mối quan hệ văn hóa với chính trị: Cách mạng văn hóa có thể hoàn thành khi nào cách mạng chính trị thành công (cách mạng văn hóa phải đi sau cách mạng chính trị. Những phương pháp cải cách văn hóa đề ra bấy giờ chỉ dọn đường cho cuộc cách mạng triệt để mai sau)5. Mặt khác, phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội. Cho nên, không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa. Từ đó, xác định thái độ của Đảng đối với mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động. Khẳng định, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa là vấn đề có tính nguyên tắc. Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả.

Giá trị của Đề cương còn thể hiện ở sự vận dụng nhuần nhuyễn những vấn đề cơ bản lý luận về văn hóa vào xem xét đánh giá một cách chính xác giai đoạn lịch sử văn hóa Việt Nam trước, trong, sau thời kỳ Pháp thuộc. Đặc biệt, chỉ rõ tính chất, dự báo nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách thực dân – phát xít. Trên cơ sở quy luật phát triển của văn hóa và thực tiễn cách mạng giải phóng dân tộc, đi đến khẳng định cách mạng văn hoá Việt Nam sẽ thành công. Đề cương đã xác định mục tiêu, đường hướng của nền văn hóa mà cuộc cách mạng văn hóa Đông Dương phải thực hiện sẽ là văn hóa xã hội chủ nghĩa. Đó lànền văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung, là nền văn hóa cách mạng nhất và tiến bộ nhất6.

Một trong những giá trị cốt lõi, xuyên suốt của Đề cương là đã xác định 3 nguyên tắc vận động cuộc vận động văn hoá nước Việt Nam trong giai đoạn này:

(1) Dân tộc hoá (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hoá Việt Nam phát triển độc lập).

(2) Đại chúng hoá (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hoá phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng).

(3) Khoa học hoá (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hoá trái khoa học, phản tiến bộ).

Muốn cho 3 nguyên tắc trên đây thắng, phải kịch liệt chống những xu hướng văn hoá bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm,… Nhưng đồng thời, cũng phải chống xu hướng văn hoá quá trớn của bọn tờrốtkít”7. Đây là sự khái quát cô đọng nhất các nguyên tắc định hướng mục tiêu cũng như phương thức xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam.

Đề cương ra đời là một văn kiện có tính cương lĩnh về văn hóa, văn nghệ của Đảng, được công bố khi nước nhà chưa được độc lập, dân ta chưa được tự do. Cương lĩnh đó sau này được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục xác định: “Nền văn hóa mới của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở, phải học lấy những điều tốt đẹp của văn hóa nước ngoài, tạo ra nền văn hóa Việt Nam, sao cho văn hóa mới phải sửa đổi cho được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, phải làm sao cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập”8; và “Lấy văn hóa soi đường cho quốc dân đi”9.

Từ nền tảng cương lĩnh về văn hóa đầu tiên đó, Đảng ta đã không ngừng bổ sung, phát triển qua các kỳ Đại hội. Trong đó, phải kể đến những nhận thức mới quan trọng về văn hóa của Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, Hội nghị Trung ương 9 khóa XI và Đại hội XIII của Đảng. Đến nay, “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao”10.

Xây dựng và phát triển văn hoá quân sự Việt Nam

Văn hoá quân sự Việt Nam là lĩnh vực đặc thù của văn hoá nói chung, là tổng hoà những dấu ấn sáng tạo và nhân văn phản ánh sự phát triển những giá trị bản chất người theo hệ tiêu chí chân – thiện – mỹ của tổ chức và hoạt động quân sự, gồm tổng thể các giá trị văn hoá được nảy sinh và phản ánh từ lĩnh vực quân sự Việt Nam ở từng giai đoạn lịch sử. Giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đối với xây dựng, phát triển văn hóa quân sự Việt Nam thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, xây dựng, phát triển văn hóa quân sự Việt Nam là trách nhiệm của mọi cấp, ngành, mọi lực lượng, nòng cốt là cán bộ, chiến sĩ trong quân đội, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn của chỉ huy và cơ quan chức năng các cấp. Đây chính là sự quán triệt quan điểm của Đề cương về nguyên tắc “Đại chúng hóa”, văn hóa được hình thành, phát triển gắn với hoạt động thực tiễn của con người, quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử, sáng tạo ra văn hóa cả vật thể, phi vật thể. Trong sự phát triển văn hóa quân sự mang tính đại chúng đó, cán bộ, chiến sĩ, tổ chức quân sự đương nhiên là nòng cốt, là chủ thể và động lực phát triển, trong đó đội ngũ trí thức, các văn nghệ sĩ quân đội giữ vai trò quan trọng. Song, với truyền thống và đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân của Đảng hiện nay không những hình thành quan hệ quân – dân như cá với nước mà còn đặt ra tính tất yếu phát huy vai trò của mọi người dân tham gia vào xây dựng, phát triển văn hóa quân sự Việt Nam.

Văn hóa quân sự Việt Nam là bộ phận của văn hóa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dứt khoát phải phát triển theo đường lối văn hóa của Đảng và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và cấp ủy các cấp trong Quân đội. Các quan điểm, chủ trương về mục tiêu, phương thức phát triển văn hóa quân sự được cụ thể hóa trong chương trình, kế hoạch, hướng dẫn công tác của người chỉ huy và cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp.

Các tổ chức quần chúng, các tổ chức sáng tạo văn hóa nghệ thuật, các Đoàn nghệ thuật có vai trò hết sức quan trọng trong việc vận động, tổ chức văn nghệ sĩ, giới thiệu trí thức, quan tâm khuyến khích các văn nghệ sĩ trong quân đội lao động sáng tạo để có được ngày càng nhiều tác phẩm, công trình có chất lượng cao, phản ánh cuộc sống huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các hoạt động khác của bộ đội, xứng tầm thời đại. Tạo điều kiện thuận lợi cho mọi cán bộ, chiến sĩ vừa hưởng thụ, đồng thời tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật để giáo dục và định hướng thị hiếu hưởng thụ văn hóa lành mạnh cho cán bộ, chiến sĩ; ngăn chặn có hiệu quả những sản phẩm văn hóa – nghệ thuật độc hại, các tệ nạn xã hội xâm nhập vào đời sống và hoạt động quân sự.

Thứ hai, nội dung xây dựng, phát triển văn hóa quân sự Việt Nam phải toàn diện cả tư tưởng, tinh thần và học thuật, nghệ thuật gắn với đặc thù hoạt động quân sự. Mọi hoạt động xây dựng, phát triển văn hóa trong quân đội đều phải hướng tới xây dựng quân nhân về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, năng lực; bồi dưỡng lòng yêu thương con người, lối sống có văn hóa, trung thực, giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; xây dựng mối quan hệ đồng chí, đồng đội trên tinh thần dân chủ, tôn trọng, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau trong nội bộ quân đội; xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa quân đội với Nhân dân; đoàn kết, thủy chung với bạn bè quốc tế. Xây dựng tổ chức quân sự, quân đội cách mạng mang bản chất giai cấp công nhân, có tính Nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Quân đội thực sự là của dân, do dân và vì dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bảo đảm cho Quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội.

Nội dung văn hóa quân sự cần được tổng kết nghiên cứu “khoa học hóa” kết hợp với “nghệ thuật hóa” để giữ vững định hướng phát triển đồng thời phát huy đặc trưng đa dạng, phong phú, sáng tạo của văn hóa. Trong giai đoạn hiện nay, nội dung xây dựng, phát triển văn hóa quân sự cần tập trung quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Chỉ thị số 855-CT/QUTW, ngày 12/8/2019 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới,… Đồng thời, các nội dung xây dựng, phát triển văn hóa quân sự cần đặt trong tổng thể các nội dung, giải pháp xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc; nhất là trong xây dựng đơn vị, tổ chức đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, những hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Thứ ba, phương thức xây dựng, phát triển văn hóa quân sự Việt Nam cần tiến hành đồng bộ các yếu tố cấu thành và kết hợp chặt chẽ giữa truyền thống và hiện đại, giữa trong nước và quốc tế, giữa xây và chống. Đây chính là sự quán triệt nguyên tắc “Dân tộc hóa”, “Khoa học hóa” của Đề cương. Đề cương cũng xác định về tính chất đan xen giữa các mặt trong xây dựng văn hóa ở thời kỳ chưa hoàn toàn là văn hóa xã hội chủ nghĩa.

Văn hóa quân sự Việt Nam có bề dày gắn liền truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc được kết tinh và tạo thành bản sắc. Đó là “Lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn. Lấy chí nhân mà thay cường bạo”, là niềm tin tất thắng vào sức mạnh chính nghĩa, ý thức gắn kết cộng đồng trên cơ sở lợi ích tối cao là nền độc lập tự chủ. Những giá trị văn hóa quân sự truyền thống đó phát triển đến đỉnh cao trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong tình hình mới hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần gắn kết chặt chẽ giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và quốc tế trong xây dựng văn hóa quân sự Việt Nam để kế thừa, tiếp thu, “gạn đục khơi trong” bồi đắp những giá trị văn hóa quân sự tốt đẹp.

Văn hóa quân sự Việt Nam được cấu thành gồm: hệ thống những giá trị văn hoá quân sự, những quan hệ văn hoá quân sự, những hình thái hoạt động văn hoá quân sự, những thiết chế văn hoá quân sự. Do đó, xây dựng, phát triển văn hoá quân sự Việt Nam bao giờ cũng thông qua các quá trình xây dựng những yếu tố cơ bản của nó. Trước hết, cần xây dựng những giá trị quân sự ở văn hoá vật thể,như: tổ chức ăn ở, phương án tác chiến, hiệu suất chiến đấu, vũ khí, phương tiện chiến đấu… và những giá trị văn hoá quân sự phi vật thể như tinh thần tư tưởng, lý tưởng, niềm tin, bản lĩnh chính trị, truyền thống địa phương, đơn vị, tác phong nếp sống quân sự, học vấn, nghệ thuật quân sự. Những giá trị văn hoá đó tồn tại trong cơ sở vật chất – văn hoá, trong hoạt động quân sự, trong nhân cách quân nhân, tập thể quân nhân. Các giá trị văn hóa quân sự cần định hình rõ tính chất lành mạnh, phong phú, đa dạng và nội dung cơ bản nhất của nó thể hiện ở 10 lời thề danh dự, 12 điều kỷ luật và được khái quát ở 10 phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới như Nghị quyết số 847 của Quân ủy Trung ương xác định. Xây dựng quan hệ văn hoá quân sự chính là xây dựng quan hệ cán bộ – chiến sĩ, quan hệ đồng chí, đồng đội, quan hệ giữa các lực lượng vũ trang và quan hệ quân – dân.

Những quan hệ văn hoá quân sự và những giá trị văn hoá quân sự được biểu hiện tập trung và sinh động nhất trong hình thái hoạt động văn hoá quân sự. Xây dựng hình thái hoạt động văn hóa quân sự ở dạng gián tiếp gồm các dạng thức hoạt động quân sự chứa đựng những giá trị văn hoá, như văn hoá trong chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, văn hoá trong huấn luyện quân sự, văn hoá trong rèn luyện kỷ luật… ở dạng trực tiếp, như: hoạt động thường xuyên như tự học tập, sinh hoạt văn nghệ, giao tiếp quân sự, trao đổi thông tin đại chúng, diễn đàn thanh niên, tham quan, hội thao, hội diễn nghệ thuật. Đồng thời, cần quan tâm xây dựng, phát triển hệ thống những thiết chế văn hoá quân sự theo Quy chế Tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa trong Quân đội nhân dân Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 2223/QĐ-CT, ngày 24/12/2021 của Tổng cục Chính trị. Trong đó quy định thống nhất bao gồm bộ máy nhân sự, các hoạt động và hệ thống pháp quy, trụ sở, cơ sở vật chất, trang bị, kinh phí bảo đảm cho hoạt động văn hóa – văn nghệ.

Đề cương là văn kiện có tính cương lĩnh, là Tuyên ngôn văn hóa của Đảng, là mốc son lý luận, thực tiễn trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Kể từ ngày ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943, thời gian đã ngày càng lùi xa và thực tiễn đã thay đổi nhiều mặt, với tốc độ nhanh chóng. Song, giá trị soi đường, tác dụng định hướng của Đề cương không hề thay đổi. Nghiên cứu, quán triệt, bổ sung, phát triển và vận dụng những tư tưởng, giá trị của Đề cương vào thực tiễn đời sống xã hội nói chung và trong xây dựng, phát triển văn hóa quân sự là hành động thiết thực nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng. Toàn tập. Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia, 2000, tr. 318, 317, 316, 316, 319, 320, 319.
8. Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng. Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sửTập 3. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2016, tr.321.
9. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 25.
10. Nguyễn Phú Trọng. “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Tạp chí Cộng sản số 966, tháng 5/2021, tr. 5-6.
Thượng tá, PGS.TS Bùi Xuân Quỳnh
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng