Đổi mới đào tạo nguồn nhân lực số trong giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, nguồn nhân lực số có thể được xem là điểm tựa và khoa học – công nghệ được xem là đòn bẩy cho sự tăng trưởng kinh tế – xã hội nhanh, bền vững. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số thích ứng với môi trường số – nhằm vận hành chính quyền số, phát triển nền kinh tế số và xã hội số là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục và Đào tạo. Hiện nay, đào tạo nguồn nhân lực số trong giáo dục đại học đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong quá trình thực hiện chuyển đổi số và chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường lao động.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề

Trong mỗi giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội, luôn đòi hỏi phải có một lực lượng sản xuất tương ứng về trình độ, đặc biệt là nguồn nhân lực (NNL). Tương ứng với nền kinh tế số, xã hội số mà chúng ta đang hướng tới, phải có NNL số để triển khai, tổ chức thực hiện và vận hành. Chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ xác định giáo dục làmột trong 8 lĩnh vực được ưu tiên triển khai thực hiện, với mục tiêu là phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về CĐS trong giáo dục và đào tạo. Để thực hiện được mục tiêu đó, việc xây dựng và phát triển NNL số là một trong những đòi hỏi tất yếu, khách quan và những giải pháp để đổi mới giáo dục đại học nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo NNL số.

Một số nội dung nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực số trong giáo dục đại học ở Việt Nam

Thứ nhất, đổi mới chương trình đào tạo và phương pháp kiểm tra, đánh giá.

Trên cơ sở Công văn số 5444/BGDĐT-GDĐH ngày 16/11/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) trình độ đại học, trong đó cơ chế, chính sách đặc thù đào tạo nhân lực CNTT tập trung vào các nhóm, ngành lĩnh vực máy tính, CNTT, như: khoa học máy tính, mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin, an toàn thông tin, các trường đại học và học viện cần tăng cường thiết kế đổi mới khung đào tạo phù hợp, tập trung mở mới các mã ngành đào tạo trong nhóm ngành CNTT, các ngành/chuyên ngành CNTT ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế – xã hội; nghiên cứu, bổ sung thêm các chuyên ngành đào tạo về ICT (CNTT và truyền thông), Blockchain, AI (trí tuệ nhân tạo)… đáp ứng yêu cầu đào tạo NNL số phục vụ thị trường lao động và hội nhập quốc tế; khuyến khích việc thiết kế chương trình đào tạo ưu tiên cho các ngành khoa học – kỹ thuật, đào tạo theo hướng đa ngành; điều chỉnh tăng thời lượng đào tạo kiến thức, kỹ năng để làm việc, tương tác trên môi trường số và các ứng dụng số.

Công tác kiểm tra đánh giá thay thế từ phương pháp truyền thống (làm bài thi đề đóng trên giấy) sang đề thi mở hoặc kiểm tra, đánh giá trên môi trường máy tính, môi trường mạng thông qua các ứng dụng số. Điều này yêu cầu sinh viên vừa phải tiếp cận và thực hành trên các ứng dụng CNTT cơ bản, vừa hoàn thiện kỹ năng mềm và đòi hỏi tư duy theo hệ thống (trên cơ sở hướng dẫn của giảng viên và tự học, tự nghiên cứu) mà không hoàn toàn lệ thuộc vào lượng kiến thức thu thập được trên lớp.

Đối với những trường có các chương trình đại học tiên tiến, định hướng các ngành, nghề công nghệ của tương lai, như: Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội… có thể cung cấp NNL tương lai là NNL số và NNL chất lượng cao trong vòng 5 – 10 năm tới cần thường xuyên đổi mới chương trình đào tạo kết hợp đầu tư hạ tầng công nghệ cho sinh viên ứng dụng và  khai thác trong học tập, nghiên cứu. Đặc biệt, để vận hành, khai thác, ứng dụng trí thông minh nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn cần có các trung tâm siêu máy tính – nền tảng quan trọng để nghiên cứu, khai thác và phát triển những vấn đề nói trên. Do đó, các trường cần phải mở rộng xu hướng hợp tác đào tạo với các quốc gia phát triển, như: I-xra-en, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Hàn Quốc, Trung Quốc… thay vì chỉ tập trung cho một vài quốc gia ưu tiên.

Thứ hai, tăng cường đào tạo kỹ năng cho sinh viên.

Thực tế hiện nay cho thấy, lao động Việt Nam còn thiếu nhiều kỹ năng, bao gồm kỹ năng bắt buộc và kỹ năng mềm. Đối với việc đào tạo NNL số hướng tới phát triển NNL chất lượng cao thì kỹ năng sử dụng ngoại ngữ và kỹ năng công nghệ số là những kỹ năng bắt buộc, cơ bản đối với thế hệ tương lai để thích ứng với sự chuyển dịch cơ cấu ngành, nghề trong nền kinh tế – xã hội hiện nay. Các chỉ số EQ (trí thông minh cảm xúc), IQ (trí thông minh của não bộ), SQ (trí tuệ tinh thần) và PQ (trí tuệ thể chất) là những chỉ số về sáng tạo, phản biện và giải quyết vấn đề thực sự cần thiết trong quá trình đào tạo NNL số. Bên cạnh đó, các kỹ năng khác, như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng CNTT, kỹ năng an toàn thông tin, kỹ năng phát triển tư duy sáng tạo hay kỹ năng về tech – savvy (am hiểu công nghệ) trong tương lai… là những yếu tố quan trọng làm gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động, đặc biệt là đối với sinh viên mới tốt nghiệp. Thực tế, nhiều lao động dù đã qua đào tạo nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc khiến người sử dụng lao động phải đào tạo lại.

Do đó, để tăng cường các kỹ năng cho sinh viên, các trường cần đưa vào chương trình đào tạo và thiết kế chuẩn đầu ra đối với các kỹ năng, nhất là kỹ năng ứng dụng CNTT tùy thuộc vào ngành đào tạo, trong đó bảo đảm thời lượng hướng dẫn của giảng viên và tự học của sinh viên; tăng thời lượng gắn kết giữa học lý thuyết kết hợp thực hành hoặc nghiên cứu thực tế.

Thứ ba, tăng cường tạo mối liên kết giữa nhà trường và DN trong quá trình đào tạo thông qua các “học kỳ doanh nghiệp”.

Để kiến thức không còn là lý thuyết thì việc học của sinh viên sẽ hiệu quả hơn khi được vừa học, vừa thực hành trong môi trường thực tế. Các trường đại học cần chủ động  tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp (DN) để có chiến lược “nuôi dưỡng” NNL ngay từ năm thứ 2,  thứ 3 và có kế hoạch đưa sinh viên vào làm linh hoạt thông qua “học kỳ doanh nghiệp”; mời các chuyên gia từ DN tham gia tư vấn, cùng xây dựng mới và đánh giá các chương trình đào tạo, giảng dạy nhằm kết nối đào tạo gắn liền thực tiễn. Thông qua đó, DN có thể đặt hàng các trường đại học về nhu cầu nhân lực – đầu vào nhân lực của DN là đầu ra của các trường đại học, tránh tình trạng nhân lực vừa thừa, vừa thiếu, đặc biệt thiếu hụt nghiêm trọng ở những ngành nghề ứng dụng CNTT. Sự “liên minh” giữa trường đại học và các DN là hết sức cần thiết thông qua các mô hình liên kết đào tạo, hình thành các trung tâm, DN đổi mới sáng tạo tại các trường đại học.

Ngoài ra, đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong DN để chia sẻ các nguồn lực chung, từ đó, hai bên cùng chủ động nắm bắt và đón đầu các nhu cầu của thị trường lao động. Đồng thời, trên cơ sở mối liên kết giữa nhà trường và DN, các DN có thể chia sẻ trách nhiệm xã hội thông qua việc nhà trường kêu gọi các cơ quan, tổ chức, DN tài trợ cơ sở vật chất, học thuật, phát triển công nghệ… nhằm nâng cao năng lực đào tạo NNL cho DN và cho xã hội.

Thứ tư, nâng cao chất lượng của các DN vườn ươm công nghệ trong trường đại học.

Trên thực tế, công tác ươm tạo DN công nghệ còn khá mới mẻ và còn nhiều thách thức đối với nhiều trường đại học do tính phổ biến của DN công nghệ chưa cao. Tuy nhiên, việc phát triển vườn ươm DN công nghệ tại các trường đại học sẽ góp phần đẩy mạnh hơn nữa phong trào nghiên cứu khoa học trong cán bộ và sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên có nhiều cơ hội cọ xát với thực tế, “học đi đôi với hành” góp phần nâng cao chất lượng đào tạo NNL đáp ứng yêu cầu của xã hội; đẩy nhanh tiến độ chuyển giao các thành tựu nghiên cứu khoa học vào hoạt động sản xuất – kinh doanh, góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế – xã hội bền vững trong xu thế hội nhập.

Để thực hiện được điều này rất cần chính sách khuyến khích, hỗ trợ từ phía Nhà nước để hình thành và phát triển các vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học đào tạo về công nghệ, tạo hệ sinh thái cho các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình hoạt động và phát triển của các khu công nghiệp, khu công nghệ cao; ưu tiên tài trợ cho các tổ chức, cá nhân có công trình khoa học – công nghệ xuất sắc. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế hoạt động, các chính sách khen thưởng, động viên, khuyến khích nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng, phát triển các ý tưởng sáng tạo; tiếp tục tăng cường đầu tư trang thiết bị, khu sản xuất thử nghiệm để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và ươm tạo DN.

Thứ năm, đổi mới cơ chế quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học và dạy nghề theo nhu cầu của thị trường lao động

Cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như: (1) Nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chuẩn về khung kỹ năng tối thiểu cần có của các loại ngành, nghề phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong từng giai đoạn; (2) Khuyến khích, tạo thuận lợi để DN và các tổ chức đào tạo thực hiện hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong đào tạo, nâng cao kỹ năng cho NNL của DN, trong đó ưu tiên những ngành, nhóm ngành trong lĩnh vực máy tính, CNTT và truyền thông…; (3) Có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo cho các trường, các cơ sở đào tạo nghề theo nhu cầu hoặc theo đơn đặt hàng của DN, theo số học viên tốt nghiệp đạt chuẩn nghề theo mức trung bình của khu vực, theo số học viên tốt nghiệp có được việc làm trong 6 tháng kể từ khi tốt nghiệp…

Nhà nước cũng cần có chính sách phát huy nội lực các trường đại học trong nước kết hợp với các viện nghiên cứu, đại học, trung tâm nghiên cứu lớn trong khu vực và trên thế giới về nền tảng kỹ thuật số nhằm xây dựng hệ thống đại học thông minh và từng bước hình thành các trung tâm nghiên cứu về khoa học – công nghệ, kỹ thuật số hàng đầu trong khu vực và trên thế giới để đào tạo NNL số và hướng đến NNL chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh CĐS.

Bên cạnh đó, phát động chiến lược con người Việt Nam gắn với cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó sử dụng con người làm cốt lõi; xây dựng các kế hoạch hành động phát triển internet kết hợp với trí tuệ nhân tạo; thực hiện các sáng kiến về giáo dục và hạ tầng CNTT. Với các phương hướng chính là công nghệ Big Data (dữ liệu lớn), nền tảng hệ thống mạng, trí tuệ nhân tạo và thực hiện đầu tư nghiên cứu các dự án khoa học trọng điểm, các đại học, trung tâm nghiên cứu phối hợp chặt chẽ với các DN để đưa các dự án vào ứng dụng trong thực tiễn.

Kết luận

Nhiệm vụ của giáo dục đại học giai đoạn hiện nay là ưu tiên đào tạo và trang bị cho người lao động các kỹ năng cần thiết, năng lực sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với môi trường công nghệ, từng bước phát triển NNL số phục vụ thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược CĐS quốc gia. Do đó, yêu cầu cấp thiết là nhanh chóng đổi mới giáo dục đại học, đào tạo nghề trên nền tảng công nghệ số để có NNL số “phủ sóng” trong các ngành, nghề, lĩnh vực, có đủ năng lực vận hành chính phủ số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số và phục vụ CĐS trong một số ngành trọng điểm. Đồng thời, chủ động chuẩn bị để tạo NNL có kiến thức, có kỹ năng, tay nghề tốt có thể bước ngay vào sân chơi lớn của thị trường lao động thế giới.

Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. HNXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
3. Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy – học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến 2025”.
4. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Thiếu tá, Nguyễn Thanh Thắng
Trường Đại học Nguyễn Huệ, Bộ Quốc phòng