Nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật trong lĩnh vực cấp giấy phép xây dựng của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm qua, công tác thực hiện pháp luật trong lĩnh vực cấp giấy phép xây dựng của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên cũng còn tồn tại không ít bất cập, hạn chế. Trên cơ sở đánh giá thực trạng công tác thực hiện pháp luật trong lĩnh vực cấp giấy phép xây dựng, tác giả đề xuất các giải pháp nhằm góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thực hiện pháp luật đối với lĩnh vực cấp giấy phép xây dựng của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hiện nay.
Ảnh minh hoạ.
Đặt vấn đề

Giấy phép xây dựng (GPXD) là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình. Việc cấp GPXD công trình được coi là cơ sở bảo đảm công tác quản lý nhà nước về xây dựng, đặc biệt là việc xây dựng theo quy hoạch và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình trong xây dựng công trình; đồng thời, tạo điều kiện kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng.

Cấp GPXD là một biện pháp kiểm soát đô thị, một công cụ để Nhà nước thực hiện việc quản lý của mình, mục đích chủ yếu của hoạt động cấp GPXD, gồm: (1) Tạo điều kiện cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện các công trình nhanh chóng, thuận tiện theo quy định. (2) Tăng cường thực hiện quản lý xây dựng theo quy hoạch và các quy định của pháp luật có liên quan; bảo vệ cảnh quan, kiến trúc đô thị, môi trường, bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và các công trình kiến trúc có giá trị; phát triển kiến trúc mới, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc và sử dụng hiệu quả đất đai xây dựng công trình. (3) Căn cứ để thanh tra, kiểm tra quá trình thi công xây dựng, xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng, lập hồ sơ hoàn công (biên bản nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng) và đăng ký quyền sở hữu công trình. 

Thực trạng công tác thực hiện pháp luật trong lĩnh vực cấp giấy phép xây dựng hiện nay

Những năm qua, công tác thực hiện pháp luật (THPL) trong lĩnh vực cấp GPXD của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trên cơ sở các văn bản pháp luật hiện hành như: Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị định số 15/2021/NĐ-CPngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng… là hành lang pháp lý để các địa phương tổ chức triển khai đồng bộ và hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện cấp GPXD.

Tuy nhiên, công tác THPL trong lĩnh vực cấp GPXD thời gian qua cũng còn nhiều nhiều vấn đề cần có giải pháp tháo gỡ:

Thứ nhất, theo quy định của Luật Kiến trúc năm 2019, điều kiện cấp GPXD đối với công trình ở khu vực “chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng, thiết kế đô thị” thì phải phù hợp với “quy chế quản lý kiến trúc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành”. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa có quy chế kiến trúc nào được ban hành để làm cơ sở cấp GPXD. Chất lượng hồ sơ thiết kế đề nghị cấp GPXD của một số trường hợp có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật cao còn hạn chế, chưa bảo đảm, làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết hồ sơ cấp GPXD.

Thứ hai, nhiều địa phương đang lúng túng trong việc xem xét thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bởi không biết thực hiện “thủ tục nào trước, thủ tục nào sau”. Có nhiều trường hợp, doanh nghiệp đủ điều kiện làm chủ đầu tư, dù đã chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để triển khai dự án nhưng phải chờ trong nhiều năm vẫn chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, do ách tắc ở khâu chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính trên đất. Dù đã có “đất sạch” để triển khai dự án nhưng để được cấp GPXD thì gặp nhiều khó khăn, như: dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, xác định hình thức giao đất thu tiền sử dụng đất hay đấu giá quyền sử dụng đất, bất cập trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…

Thứ ba, mặc dù đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được ban hành để điều chỉnh thủ tục cấp GPXD, song các quy định về điều kiện cấp phép của hầu hết UBND các tỉnh, thành phố còn thiếu hoặc quy định chưa rõ, chủ yếu mang tính dẫn chiếu VBQPPL, khó thực hiện, thiếu sự đồng bộ; có sự nhầm lẫn trong việc soạn thảo, khi gộp chung nội dung liên quan đến “điều kiện” và “thẩm quyền” thành một (điều kiện cấp phép). Mặt khác, công tác cấp GPXD bị chi phối bởi nhiều quy định pháp luật liên quan, như: Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Nhà ở; Luật Xây dựng; Luật Phòng cháy, chữa cháy, Luật Bảo vệ môi trường… Những quy định pháp luật hiện nay còn chồng chéo, chưa thống nhất; chưa sát thực tiễn quản lý; việc triển khai thực hiện chưa theo kịp để đáp ứng nhu cầu thực tế phát triển đô thị.

Thứ tư, Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) có quy định về thành phần hồ sơ cấp GPXD song các quy định còn mang tính chung chung. Mặt khác, các VBQPPL ở từng địa phương có quy định khác nhau về nội dung liên quan đến cấp GPXD nên việc chi tiết hóa thành phần hồ sơ cấp phép là vấn đề cần có sự thống nhất chung, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Thứ năm, hiện nay chưa có VBQPPL quy định, hướng dẫn chi tiết loại công trình được cấp GPXD trên đất nông nghiệp. Thực tế, nhiều địa phương còn lúng túng trong việc áp dụng pháp luật và vẫn xử lý vi phạm hành chính đối với các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp. Việc thực hiện quy trình liên thông về thủ tục còn nhiều rào cản, chủ yếu liên thông mang tính chất nội bộ của cơ quan chuyên môn, chưa đáp ứng yêu cầu liên thông liên cơ quan, đơn giản hóa thủ tục, quy trình trong giải quyết hồ sơ hành chính của người dân, doanh nghiệp.

Nhìn chung, quy định pháp luật hiện hành liên quan đến công tác cấp GPXD vẫn chưa thống nhất; quy hoạch chi tiết xây dựng, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị ở các một số tỉnh triển khai thực hiện còn chậm, không đủ cơ sở để xem xét cấp GPXD, dẫn đến phát sinh thêm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền về quy hoạch cung cấp thông tin chỉ tiêu quy hoạch, để làm cơ sở cấp GPXD; năng lực của cán bộ, công chức chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; thực hiện chưa triệt để cơ chế “một cửa liên thông”; việc phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong thực hiện thủ tục hành chính chưa chặt chẽ; năng lực chủ thể của một số chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng còn yếu.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật trong lĩnh vực cấp giấy phép xây dựng của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Một là, hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu và ban hành quy chế quản lý kiến trúc làm cơ sở để thực hiện hiệu quả công tác cấp GPXD.

Để việc lập, thẩm định, hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu kiến trúc diễn ra nhanh chóng thuận lợi thì cần phải ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ mới phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật, an toàn… Không những thế còn cần bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; kết hợp hài hòa lợi ích của quốc gia, cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, cần sớm ban hành quy chế quản lý kiến trúc của từng địa phương, khu vực nhằm tạo điều kiện để công tác cấp phép được thuận lợi, đơn giản, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục cấp GPXD.

Hai là, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, đồ án quy hoạch để kịp thời điều chỉnh, cấp GPXD.

Để giải quyết vướng mắc trong công tác cấp GPXD liên quan đến điều kiện về quy hoạch, UBND các tỉnh cần ban hành quy chế đối với các công trình xin phép xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin kiến trúc – quy hoạch, cấp giấy phép quy hoạch có nội dung khác với đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 được duyệt hoặc chưa cập nhật thông tin quy hoạch vào đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 được duyệt, nhưng không làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kiến trúc quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chung của đồ án quy hoạch được duyệt thì được cấp GPXD theo quy định.

Đối với các trường hợp khu đất lớn, các dự án nhà ở, dịch vụ thương mại, công trình công cộng đã được các cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin kiến trúc – quy hoạch, cấp giấy phép quy hoạch có nội dung khác với đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 được duyệt hoặc chưa cập nhật thông tin quy hoạch vào đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 được duyệt, có tác động, làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kiến trúc – quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chung của đồ án quy hoạch được duyệt, trước khi cấp GPXD phải lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch (hoặc điều chỉnh tổng thể).

Đối với các trường hợp cấp GPXD công trình có chức năng văn phòng, nhà ở kết hợp văn phòng, khách sạn, dịch vụ cho thuê… nhưng không phù hợp với mục đích sử dụng đất (đất ở đô thị lâu dài) theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp thì nghiên cứu theo hướng giải quyết cấp GPXD, chỉ cập nhật mục đích sử dụng đất mới vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp nhưng không chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhằm không làm ảnh hưởng đến quyền sở hữu, lợi ích của người dân.

Ba là, xây dựng quy trình triển khai dự án, công khai, minh bạch quy trình, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư trong thực hiện thủ tục cấp GPXD và các thủ tục đầu tư xây dựng có liên quan.

Để tháo gỡ vướng mắc trong việc xác định đối tượng tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của các dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cần xây dựng quy trình triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Quy trình triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở gồm các bước sau:

Bước 1: Lập thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư;

Bước 2: Lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị;

Bước 3: Lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gắn với việc thực hiện nghĩa vụ tài chính);

Bước 4:  Lập thủ tục công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư;

Bước 5: Lập thủ tục cấp GPXD.

Bốn là, cụ thể hóa điều kiện cấp phép, quy định thành phần hồ sơ cấp GPXD.

Thực tế, khi xem xét thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, các điều kiện về quy hoạch chi tiết (quy hoạch phân khu, quy hoạch tổng mặt bằng) đã được xem xét, chấp thuận. Do đó, cần cụ thể hóa đối với hồ sơ cấp GPXD công trình phải đáp ứng các điều kiện, như: phù hợp với quy hoạch (quy hoạch xây dựng; quy hoạch sử dụng đất); có nguồn gốc pháp lý của công trình (nhà, đất) hợp pháp (đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất; quyền sở hữu công trình gắn liền với đất…); không có tranh chấp; đáp ứng các yêu cầu về an ninh, an toàn (của công trình và khu vực).

Thủ tục cấp GPXD cần đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong quá trình xin cấp GPXD. Theo đó, thành phần hồ sơ cơ bản, gồm: đơn đề nghị cấp GPXD (tương thích với từng loại công trình); giấy tờ pháp lý chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp; giấy tờ pháp lý về đầu tư (nếu có); kết quả phê duyệt thiết kế của cơ quan có thẩm quyền. Cam kết công trình xây dựng không có tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng đất; không ảnh hưởng đến công trình lân cận. Trường hợp chưa có kết quả phê duyệt thiết kế, thì có thể liên thông về thủ tục hoặc áp dụng quy chế quản lý kiến trúc để xem xét cấp GPXD.

Năm là, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực cấp GPXD.

Thủ tục hành chính trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai và quản lý dự án đầu tư xây dựng cần được rà soát, đánh giá để cắt giảm những thủ tục rườm rà, không cần thiết, những thủ tục còn chồng chéo; mạnh dạn phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương tổ chức thực hiện; công khai minh bạch các quy định, liên thông quy trình nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý của Nhà nước.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan (Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan) nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị định về quy trình thực hiện cơ chế một cửa liên thông điện tử trong cấp GPXD. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết liên thông điện tử các thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế xây dựng (thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công), cấp GPXD và các thủ tục liên quan quy hoạch, kiến trúc, thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy, đánh giá tác động môi trường, đấu nối hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước…), làm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước.

UBND các tỉnh cần xây dựng kế hoạch cụ thể, đề ra lộ trình chi tiết để hình thành trung tâm cơ sở dữ liệu dùng chung của các cơ quan nhà nước tại địa phương và pháp lý hóa các dữ liệu thông tin. UBND các tỉnh cần kiện toàn tổ chức và hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn, theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa đối với cán bộ thực hiện công tác tiếp xúc và nhận hồ sơ từ người dân (phân biệt với cán bộ trực tiếp giải quyết hồ sơ) nhằm hạn chế đến mức tối đa những tiêu cực trong quá trình giải quyết hồ sơ của cán bộ, công chức. Đồng thời bố trí đủ nguồn lực (con người, điều kiện làm việc, kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất…) đối với bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hiệu quả thiết thực mà cơ chế một cửa liên thông điện tử mang lại.

Tài liệu tham khảo:
1. Luật Đất đai năm 2013.
2. Luật Đầu tư năm 2020.
3. Luật Kiến trúc năm 2019.
4. Luật Nhà ở năm 2014.
5. Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.
6. Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
7. Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
8. Thông tư số 01/2021/TT-BXD ngày 19/5/2021 của Bộ Xây dựng ban hành QCVN 01:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.
Nguyễn Thanh Dũng
Trường Cao đẳng Kiến trúc – Xây dựng TP. Hồ Chí Minh