Giải pháp phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

(Quanlynhanuoc.vn) – Kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trong những năm qua đã phát triển cả về quy mô, số lượng, vốn, doanh thu, lợi nhuận… góp phần giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế về lao động có tay nghề cao, trình độ quản lý và chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế của tỉnh… Bài viết phân tích thực trạng, nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp để khắc phục những khó khăn nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần phát triểnxã hội tại tỉnh Đồng Tháp.
Làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp giúp nâng cao đời sống của người dân qua việc trồng hoa và thu hút du lịch – Ảnh: PC.
Đặt vấn đề

Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần đã được Đảng ta đề cập từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986). Qua các kỳ đại hội Đảng, vị trí và vai trò của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) dần được khẳng định và nhấn mạnh. Những năm qua, KTTN đã vươn lên mạnh mẽ, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách Nhà nước, tạo việc làm cho xã hội và phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có ở mỗi địa phương, ngày càng khẳng định là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp nhận thức rõ về vai trò và tầm quan trọng của việc phát triển nền KTTN đối với phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nên đã có nhiều cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy, phát triển loại hình kinh tế này nhằm huy động các nguồn lực vào sản xuất – kinh doanh, tạo nhiều việc làm, cải thiện đời sống Nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị – xã hội. Tuy nhiên, KTTN trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp còn nhiều thách thức và hạn chế, do vậy, việc phân tích thực trạng nền KTTN của tỉnh Đồng Tháp để đưa ra những giải pháp góp phần thúc đẩy KTTN phát triển trong thời gian tới là đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn.

Thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

(1) Về số lượng, với sự khuyến khích mạnh mẽ và điều kiện thuận lợi của Nhà nước cùng với nhiều chính sách khuyến khích, phát triển của địa phương và sự nỗ lực phấn đấu của doanh nghiệp (DN), hộ dân… khiến các DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực KTTN trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có bước phát triển đáng kể về số lượng.

Năm 2017, tỉnh Đồng Tháp có 3.307 DN, trong đó có 81 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), 3.201 DN ngoài nhà nước và 25 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đến năm 2021, số lượng các DN của tỉnh tăng lên 4.874 DN (tăng 1.567 DN so với năm 2017), trong đó có 48 DNNN (giảm 33 DN); 4.826 DN ngoài nhà nước (tăng 1.625 DN) và 32 DN có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 7 DN). Qua quá trình hơn 5 năm phát triển cho thấy, xu hướng các DNNN ngày càng giảm xuống và các DN tư nhân ngày càng chiếm ưu thế trên địa bàn tỉnh, tốc độ tăng bình quân 330 DN/năm1.

Trong thời gian qua, mặc dù, số lượng DN tăng nhanh nhưng quy mô DN không có nhiều thay đổi, vẫn tập trung ở phân khúc DN siêu nhỏ và nhỏ với những rào cản chính về nội lực, như: nguồn vốn, kinh nghiệm, quản trị… hay về ngoại lực, như: môi trường, chính sách… nên chưa tạo đà cho sự phát triển của DN.

(2) Về sử dụng lao động và tạo việc làm, số lượng DN tư nhân tăng lên đã thu hút lực lượng lao động đáng kể trong năm 2021 so với năm 2017, cụ thể: năm 2017, số lao động trong các DN là 57.204 người (chiếm 60,2%) trong cơ cấu DN tỉnh Đồng Tháp, đến năm 2021 là 84.824 người (chiếm 75,5%)2.

Theo khu vực kinh tế, so với năm 2017, lực lượng lao động nông, lâm, thủy sản đã giảm tỷ trọng từ 35,5% xuống còn 22,8%. Các DN tư nhân trong khu vực công nghiệp xây dựng và khu vực dịch vụ thu hút chủ yếu lực lượng lao động của nền kinh tế, với tỷ lệ lao động lần lượt là 39,6% và 38,9%, điều này cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực. Mặc dù chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng điểm sáng trong chuyển dịch cơ cấu lao động theo khu vực kinh tế tại tỉnh Đồng Tháp trong lĩnh vực hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng từ 0,25% (năm 2017) lên 0,49% (năm 2021)3.

Theo địa bàn, do các doanh DN tư nhân tập trung chủ yếu ở 2 thành phố Cao Lãnh và Sa Đéc nên đây cũng là địa điểm thu hút chủ yếu lực lượng lao động trong toàn tỉnh. Cụ thể: chiếm 48,2% lao động (năm 2017 ) tăng lên 62,5% (năm 2021)4. Tiếp theo là các huyện Cao Lãnh, thành phố Hồng Ngự, huyện Thành Bình, huyện Tân Hồng… cũng thu hút lực lượng lao động lớn của tỉnh.

Xét về quy mô lao động, mặc dù có những chuyển biến lớn so với các năm trước nhưng so với bình diện chung cả nước thì các DN trên địa bàn tỉnh còn nhỏ về quy mô lao động. Theo số liệu năm 2021, bình quân lao động của tỉnh Đồng Tháp đạt 14,5 lao động/DN, thấp hơn so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long 16 lao động/DN và cả nước là 22 lao động/DN5.

(3) Về quy mô vốn DN, nguồn vốn bình quân cho các DN trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp còn rất khiêm tốn so với mức trung bình chung của cả nước. Năm 2021, số vốn trung bình đạt 14,5 tỷ đồng/DN, bằng 1/1,5 so với mức trung bình tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và xấp xỉ 1/3 cả nước. Không những nhỏ về quy mô lao động, DN tỉnh Đồng Tháp còn nhỏ cả quy mô vốn, cụ thể: hơn 80% DN có vốn sở hữu bình quân dưới 10 tỷ đồng, còn lại 18,5% là các DN với mức vốn từ 10 – 200 tỷ. Số DN có mức vốn trên 200 tỷ là 1,5%6.

Theo khu vực kinh tế, ngoại trừ một số DNNN trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng thì các DN có vốn sở hữu lớn phân bổ không đồng đều giữa các ngành, nghề. Các DN có nguồn vốn lớn thường tập trung ở ngành công nghiệp, trong khi các ngành dịch vụ chủ yếu là những DN vừa và nhỏ, nguồn vốn không dồi dào, số lượng DN có vốn lớn hạn chế.

Dù phát triển nhanh về số lượng nhưng phần lớn DN trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ cả về vốn và lao động, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực, như: công nghiệp chế biến, sơ chế nông sản, xây dựng, dịch vụ… Các DN có vốn đầu tư nước ngoài còn ít, chưa đóng góp nhiều cho nền kinh tế của tỉnh, chưa thể hiện được vai trò kết nối trong nền kinh tế. Vì vậy, các DN chưa khai thác được hết tiềm năng của địa phương, chưa liên kết được với nhau và không tận dụng được lợi thế về quy mô, dẫn đến nhiều khó khăn trong sản xuất.

(4) Về doanh thu, các DN trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp từ năm 2017 – 2021, xét theo hình thức sở hữu, DN có vốn đầu tư nước ngoài có mức doanh thu tăng nhanh nhất là 27,3%, tiếp theo các DN tư nhân với 14,5%, DNNN có doanh thu tăng chậm, trung bình 3,5%7. Thực chất dù tổng doanh thu tăng nhưng mức tăng này chủ yếu do tăng về số lượng, hiệu quả hoạt động của các DN tư nhân của tỉnh còn nhiều bất cập, cụ thể, năm 2021, doanh thu bình quân của một DN tư nhân là 15,5 tỷ đồng.

Xét theo khu vực kinh tế, tổng doanh thu tăng lên nhưng không đuổi kịp tốc độ tăng của số lượng DN, do đó, doanh thu bình quân trên một DN giảm ở tất cả các lĩnh vực ngành, nghề. Năm 2021, trung bình một DN ở lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đạt mức doanh thu 11,2 tỷ đồng, con số này đối với lĩnh vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ lần lượt là 12,5 tỷ và 25,6 tỷ đồng8.

(5) Về lợi nhuận, đây là chỉ tiêu quan trọng thể hiện mức độ phát triển của các DN trong một khu vực. Lợi nhuận DN theo hình thức sở hữu có nhiều biến động, DN tư nhân và DNNN là động lực của nền kinh tế khi đóng góp phần lớn lợi nhuận cho khu vực. DN có vốn đầu tư nước ngoài với số lượng ít nhưng cũng đóng góp lợi nhuận cho tỉnh trong thời gian qua. Theo ngành, nghề, lợi nhuận chủ yếu của các ngành nông, lâm, thủy sản, công nghiệp chế biến và một số lĩnh vực mới được chú trọng đầu tư, như: bất động sản, tài chính ngân hàng, bảo hiểm…

Một số hạn chế, bất cập trong phát triển kinh tế tư nhân

Một là, các DN tư nhân tỉnh Đồng Tháp nhỏ về quy mô vốn, chủ yếu kinh tế hộ cá thể với mức vốn và tích lũy tài sản còn thấp, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao. Do nguồn vốn hạn chế nên việc đổi mới công nghệ còn chậm hoặc chưa thực hiện đồng bộ, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường, do vậy, khó khăn trong việc đào tạo nâng cao tay nghề người lao động và quản lý kinh doanh. Mặt khác, nhiều DN có nhu cầu vay vốn nhưng không thể đáp ứng được điều kiện cho vay của ngân hàng.

Hai là, những năm qua, số lượng DN không ngừng tăng nhanh, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động nhưng thách thức lớn đặt ra cho các DN tư nhân là không thu hút được nguồn lao động được đào tạo có tay nghề, có chuyên môn, tác phong chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu của DN.

Ba là, trình độ quản lý của chủ DN còn yếu, một số DN khi thành lập, bản thân chủ DN chưa hiểu hết các vấn đề pháp luật có liên quan, trong quá trình hoạt động phát sinh ra khiếu kiện, tranh chấp. Cơ cấu ngành nghề bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau và các thành phần kinh tế khác nên chất lượng sản phẩm do DN tạo ra giá trị gia tăng thấp, chưa thể cạnh tranh trên thị trường.

Bốn là, các DN tư nhân chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế của tỉnh, như: đất đai, vùng nguyên liệu, lực lượng lao động,… nên hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả chưa cao. Số lượng DN tham gia hoạt động xuất khẩu còn hạn chế, vẫn còn nhiều DN chưa thực hiện đúng và đầy đủ quy định, chính sách đối với người lao động.

Một số giải pháp phát triển kinh tế tư nhân

Thứ nhất, tạo môi trường công bằng giữa DN tư nhân với các loại hình DN khác. Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn về thuế, các quy định không phù hợp, thành lập các quỹ hỗ trợ các DN.

Thứ hai, việc phát triển loại hình DN tư nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cần tập trung vào các ngành nghề mà địa phương có lợi thế, có quy mô lớn, tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn, phát triển những ngành, nghề mà tỉnh cần và thu hút nhiều lao động, sử dụng lao động tại địa phương.

Thứ ba, nâng cao trình độ quản lý các chủ DN và tay nghề cho người lao động. Thúc đẩy DN tư nhân ứng dụng khoa học – công nghệ vào trong sản xuất – kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.

Thứ tư, Nhà nước và các bộ, ngành hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định nhằm bảo đảm hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho KTTN phát triển. Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho KTTN phát triển; các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tư nhân tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất phù hợp.

Thứ năm, phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ là yếu tố quyết định đầu ra của DN. Vì vậy, để có thị trường không chỉ DN quan tâm, mà với vai trò quản lý nhà nước, tỉnh Đồng Tháp cần nỗ lực phối hợp, huy động, tham gia hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường, để có những biện pháp, chính sách kịp thời tạo được thị trường mới và thị trường truyền thống ổn định.

Thứ sáu, tăng cường liên kết kinh tế, tăng cường vai trò, hoạt động có chất lượng, hiệu quả của hội DN tỉnh Đồng Tháp, Hội DN trẻ tỉnh Đồng Tháp để tăng cường mối quan hệ giữa DN và địa phương, giao lưu, hợp tác giữa các DN để cùng phát triển… góp phần đưa hoạt động sản xuất – kinh doanh trên địa bàn tỉnh đi vào ổn định và có bước chuyển biến tích cực.

Kết luận

Để phát huy được vai trò, vị trí của KTTN trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Đồng Tháp cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho khu vực KTTN phát triển. Rà soát lại hệ thống chính sách, pháp luật, loại bỏ các quy định chồng chéo, kém hiệu lực, gây cản trở phát triển, xây dựng hệ thống pháp luật và quy định theo hướng đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện. Ổn định các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm tạo động lực thúc đẩy quá trình đầu tư vào sản xuất – kinh doanh của các thành phần kinh tế. Đẩy nhanh việc tái cơ cấu các ngành hàng, thương mại, nông nghiệp, mở rộng huy động vốn, tăng năng lực tài chính, năng lực cung cấp dịch vụ.

Chú thích:
1. Cục Thống kê tỉnh Đồng tháp. Số lượng các doanh nghiệp kinh tế tư nhân từ năm 2017 – 2021 tại tỉnh Đồng Tháp.
2. Cục Thống kê tỉnh Đồng tháp. Số lượng lao động trong các doanh nghiệp kinh tế tư nhân từ năm 2017 – 2021 tại tỉnh Đồng Tháp.
3. Cục Thống kê tỉnh Đồng tháp. Cơ cấu lao động theo khu vực kinh tế tư nhân từ năm 2017 – 2021 tại tỉnh Đồng Tháp.
4. Cục Thống kê tỉnh Đồng tháp. Số lượng lao động theo khu vực kinh tế tư nhân từ năm 2017 – 2021 tại tỉnh Đồng Tháp.
5, 6. Sở Kế hoạch và  Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, 2021.
7, 8. Cục Thống kê tỉnh Đồng tháp. Doanh thu các doanh nghiệp từ năm 2017 – 2021 tại tỉnh Đồng Tháp.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 244/BC-UBND ngày 12/10/2022 về tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm, ước cả năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp. Đề án hổ trợ và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2020 2025, định hướng đến năm 2030.
3. Đặng Quyết Tiến. Kết quả thực hiện cơ cấu lại DN nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng giai đoạn 2021 – 2025. Tạp chí Tài chính, kỳ 1 tháng 5/2022.
4. Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, tháng 8/2022. https://www.worldbank.org, ngày 24/8/2022.
5. Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. https://dangcongsan.vn, truy cập ngày 27/02/2023.
TS. Nguyễn Giác Trí
Trường Đại học Đồng Tháp