Thành công từ các kỳ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột

(Quanlynhanuoc.vn) – Đắk Lắk là tỉnh có diện tích trồng và sản xuất các sản phẩm cà phê xuất khẩu lớn nhất cả nước, chiếm đến 60% sản lượng cà phê của Việt Nam. Nhằm tôn vinh cây cà phê, loài cây chiếm vị trí độc tôn trong cơ cấu cây trồng ở đây, từ năm 2005, thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột đã tổ chức Lễ hội Cà phê định kỳ 2 năm một lần và vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận là lễ hội cấp quốc gia.
Ảnh minh họa (nguồn: kinhtedothi.vn).
Đắk Lắk – giàu tiềm năng phát triển kinh tế

Đắk Lắk có địa hình đồi núi, đất đỏ bazan màu mỡ, có vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và giàu tiềm năng phát triển, tỉnh đang nỗ lực phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế – xã hội lớn của vùng đất Tây Nguyên. Đắk Lắk có diện tích 13.125,37 km2, nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên và miền Trung, đầu nguồn của hệ thống sông Sêrêpôk và một phần của sông Ba. Đắk Lắk ở độ cao trung bình 400 – 800 m so với mặt nước biển, cách Hà Nội 1.410 km và cách TP. Hồ Chí Minh 350 km. Đắk Lắk có địa giới phía Bắc giáp với tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp với tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, phía Nam giáp với tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông, phía Tây có biên giới giáp với Cam-pu-chia.

Dân số toàn tỉnh tính đến ngày 01/4/2019 là 1.869.322 người, mật độ dân số hơn 135 người/km². Trong đó, dân số sống tại thành thị 462.013 người, chiếm 24,7% dân số toàn tỉnh; dân số sống tại nông thôn 1.407.309 người, chiếm 75,3%. Tỷ lệ đô thị hóa tính đến năm 2021 đạt 24,72%. Dân số tỉnh phân bố không đều trên địa bàn các huyện, tập trung chủ yếu ở thành phố Buôn Ma Thuột, thị trấn, huyện lỵ, ven các trục Quốc lộ 14, 26, 27, như: Krông Búk, Krông Pắc, Ea Kar, Krông Ana. Các huyện có mật độ dân số thấp chủ yếu là các huyện đặc biệt khó khăn, như: Ea Súp, Buôn Đôn, Lắk, Krông Bông, M’Drắk, Ea H’leo…

Với lợi thế to lớn của vùng đất cao nguyên đất đỏ bazan rộng lớn đầy nắng và gió, những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã có những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, khuyến khích các doanh nghiệp (DN) đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững và áp dụng khoa học – công nghệ vào sản suất, từng bước gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi liên kết kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

Đắk Lắk với địa hình đồi núi vẫn giữ được vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, êm đềm với các cung đường bạt ngàn màu xanh, mang đến trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc cho những ai đã từng có dịp đặt chân đến tham quan và trải nghiệm. Đến với Đắk Lắk, du khách sẽ được tận mắt trải nghiệm mảnh đất cao nguyên giữa đại ngàn thơ mộng huyền ảo, nơi giao thoa của 49 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 35,7% dân số. Tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm du lịch cộng đồng trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, tham quan nhiều địa danh nổi tiếng, như: Thác Dray Nur, Dray Sap, hồ Lắk, Vườn Quốc gia Yok Đôn, Làng Cà Phê, Bảo tàng thế giới cà phê, Chùa Khải Đoàn,… và địa điểm mới quảng trường Voi Premia Square với Song tượng Thịnh Vượng – biểu tượng của trẻ trung, năng động.

Đắk Lắk là tỉnh có diện tích trồng và sản xuất các sản phẩm cà phê xuất khẩu lớn nhất cả nước, với diện tích 182.343 ha và sản lượng thu hoạch hằng năm đạt trên 400.000 tấn, chiếm 40% sản lượng cả nước. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cà phê hiện là mặt hàng nông sản xuất khẩu thứ 2 của Việt Nam, sau lúa gạo. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 1,68 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch khoảng 3,9 tỷ USD.

Với những lợi thế trên, Đắk Lắk đã và đang từng ngày thay da đổi thịt, phù hợp với yêu cầu phát kiển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên và định hướng phát triển của đất nước.

Lễ hội cà phê – “kích cầu” phát triển

Từ năm 2005, thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột kết hợp với Công ty Cà phê Trung Nguyên đã tổ chức Lễ hội Cà phê định kỳ 2 năm một lần và vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận là lễ hội cấp quốc gia. Lễ hội Cà phê thường được tổ chức khoảng 1 tuần trong tháng 3, đúng dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Buôn Ma Thuột (10/3/1975) hằng năm. Lễ hội nhằm tôn vinh cây cà phê, loài cây chiếm vị trí độc tôn trong cơ cấu cây trồng ở đây và cung cấp 60% sản lượng cà phê của Việt Nam, loài cây đã đem lại sự ấm no, trù phú cho mảnh đất vùng cao này.

Qua các lần tổ chức Lễ hội cà phê các năm đều thu hút được nhiều lượt khách tham quan và quy tụ được nhiều DN trong và ngoài nước tham gia. Đến nay, Đắk Lắk đã tổ chức được 8 lần Lễ hội.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đầu tiên được tổ chức năm 2005, thu hút trên 300.000 lượt khách tham quan; 106 DN trong và ngoài nước với hơn 400 gian hàng tại Hội chợ – Triển lãm chuyên ngành cà phê. Ngay từ Lễ hội đầu tiên, nhiều hoạt động văn hóa – nghệ thuật hiện đại, kết hợp với truyền thống văn hóa Tây Nguyên và văn hóa đặc thù riêng của tỉnh Đắk Lắk đã được địa phương giới thiệu, tổ chức phong phú bằng nhiều hình thức khác nhau, như: chương trình biểu diễn văn hóa – nghệ thuật dân gian, trình diễn trang phục dân tộc trong các đêm khai mạc, bế mạc; diễu hành đường phố; trưng bày, triển lãm tranh ảnh, sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống; giới thiệu ẩm thực…

Lễ hội lần thứ 2 (năm 2008), thu hút được trên 350.000 lượt khách tham quan, quy tụ 145 DN, với trên 450 gian hàng. Lễ hội lần này đã  khai trương và đưa Sàn Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột đi vào hoạt động. Đồng thời, tại Lễ hội, phần “hội” được coi trọng hơn, nhiều sự kiện văn hóa – nghệ thuật về chủ đề cà phê được triển khai, như: thi ảnh thời sự nghệ thuật về cà phê; thi thả diều với chủ đề “Bay lên thương hiệu cà phê”; diễu hành voi, xe hoa trên đường phố hòa nhịp với hoạt động biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên và các lễ hội truyền thống, đặc trưng của người Tây Nguyên để thu hút khách du lịch, quảng bá cho mặt hàng cà phê và tôn vinh người sản xuất cà phê…

Lễ hội lần thứ 3 thu hút lên tới gần 1 triệu lượt khách tới tham quan. Lễ hội lần thứ 4 (tháng 3/2013) với quy mô hoành tráng hơn cùng 500 gian hàng của 150 DN kinh doanh trong lĩnh vực cà phê và các sản phẩm liên quan. Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 5 diễn ra từ ngày 09/3 – 12/3/2015, với chủ đề “Buôn Ma Thuột – Những đường Xuân lịch sử”. Lễ khai mạc có chủ đề “Cà phê Buôn Ma Thuột – Hội tụ tinh hoa đại ngàn; Lễ bế mạc có chủ đề “Vọng mãi cà phê Buôn Ma Thuột”; triển lãm chuyên ngành “Cà phê Buôn Ma Thuột – dòng chảy cuộc sống”; hội nghị về phát triển cà phê bền vững; chương trình chung kết “Hội thi pha chế cà phê”; ra mắt Sở giao dịch hàng hóa và cà phê Buôn Ma Thuột; hội thảo về giao dịch hàng hóa và sự phát triển của ngành hàng cà phê, nông sản Việt Nam.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 diễn ra vào năm 2017, trong đó điểm nhấn của Lễ hội là Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Với hàng loạt các sự kiện quảng bá văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, như: Lễ hội đường phố; Lễ hội đua voi và thuyền độc mộc; Hội thi tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên… Lễ hội mang ý nghĩa tôn vinh, bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại” vào năm 2005; được ghi danh vào danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” năm 2008.

Với chủ đề “Tinh hoa đại ngàn”, Lễ hội lần thứ 7 đã tập trung tổ chức nhiều hoạt động văn hóa – nghệ thuật, như: Hội đua voi Buôn Đôn; đua thuyền độc mộc; Trình diễn các nghi lễ, lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; Hội thi ẩm thực Tây Nguyên; Lễ hội đường phố; Chương trình trình diễn đúc cồng chiêng tại Trung tâm Văn hóa tỉnh… Hội chợ Triển lãm chuyên ngành cà phê thu hút sự tham gia của 230 đơn vị với 800 gian hàng, trong đó có 65 gian hàng của 18 DN nước ngoài; có tổng cộng 200.000 lượt khách (bình quân 40.000 lượt khách/ngày) tham quan; hàng trăm bản ghi nhớ hợp tác của các DN được ký kết. Hội thảo phát triển cà phê đặc sản Việt Nam đã thu hút 400 đại biểu tham dự, nhiều tham luận có giá trị gợi mở việc thiết kế chính sách cho hướng đi mới của cà phê Việt Nam.

Năm nay – 2023, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột sẽ diễn ra từ ngày 10/3 – 14/3/2023 với rất nhiều hoạt động sôi nổi, đặc biệt du khách sẽ có cơ hội thưởng thức cà phê miễn phí tại Lễ hội. Lễ hội năm nay được đánh giá có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Với chủ đề: “Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới”. Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần này sẽ có 18 hoạt động chính thức và nhiều hoạt động hưởng ứng.

Có thể khẳng định, qua các kỳ lễ hội cà phê văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc anh em trên mảnh đất Tây Nguyên đã trở thành một dòng chảy xuyên suốt, kết nối quá khứ và hiện tại. Trong dòng chảy văn hóa đó, hạt cà phê được sinh ra, nuôi dưỡng và lan tỏa hành trình kỳ diệu đến bạn bè quốc tế.

Đắk Lắk – mục tiêu hướng đến giàu đẹp, trung tâm vùng Tây Nguyên

Với những thành tựu đã đạt được sau hơn 36 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo, cùng với việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 09/7/2020 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã tạo tiền đề để TP. Buôn Ma Thuột nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung bước vào giai đoạn phát triển mới, bứt phá đi lên mạnh mẽ, hướng đến là trung tâm thương mại – dịch vụ, giáo dục – đào tạo, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ, thể dục – thể thao của vùng Tây Nguyên.

Trong bức tranh kinh tế của tỉnh, lĩnh vực sản xuất nông – lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển ổn định, phát triển khá và giữ vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế, đời sống nông thôn. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai quyết liệt, thường xuyên. Sản xuất công nghiệp – xây dựng có mức tăng trưởng thấp hơn so với năm trước nhưng vẫn đạt được những kết quả tích cực; thương mại – dịch vụ tiếp tục phát triển ổn định.

Mặc dù luôn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nhưng nền kinh tế của tỉnh Đắk Lắk vẫn tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, công nghiệp – dịch vụ chiếm tỷ trọng cao. Trong các ngành kinh tế, ngành nông nghiệp phát triển khá ổn định, làm nền tảng cho phát triển kinh tế công nghiệp và dịch vụ. Hạ tầng kinh tế – xã hội được quan tâm đầu tư; diện mạo nông thôn, đô thị thay đổi nhanh chóng, tương đối hiện đại. Xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến tích cực. Những thành quả đó tạo dấu ấn và động lực rất quan trọng để tỉnh Đắk Lắk tiếp tục tự tin trong phát triển, bứt phá đi lên.

Trong giai đoạn 2020 – 2025, Ðắk Lắk đặt mục tiêu giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn đạt trên 300.000 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế bình quân trên 7%/năm và GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 70,69 triệu đồng. Năm 2023, Đắk Lắk xác định là năm bứt phá để thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Với quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7,8 – 8%. Cụ thể: tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp chế biến các loại sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của Đắk Lắk; tập trung, ưu tiên phát triển du lịch, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tăng cường liên kết vùng…

Trên cơ sở những kết quả đạt được, Đắk Lắk đặt mục tiêu đến năm 2025 đẩy mạnh cải cách, nâng cao hiệu quả nền hành chính công, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Với nền tảng vững chắc là tỉnh có truyền thống anh hùng cách mạng, với tinh thần đoàn kết cao, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, cùng những thành tựu quan trọng đạt được trong những năm qua, Đắk Lắk sẽ tiếp tục đạt được những thành công to lớn hơn nữa trong những năm 2023 và những năm tiếp theo, sớm thực hiện mục tiêu xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, là trung tâm vùng Tây Nguyên, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế, có sức hấp dẫn, lan tỏa trong khu vực cũng như cả nước.

Tài liệu tham khảo:
1. Huy động nguồn lực xây dựng Đắk Lắk phát triển thành trung tâm vùng. https://baodaklak.vn, truy cập ngày 03/3/2023.
2. Choáng ngợp với Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột đậm đà sắc màu văn hóa. https://mia.vn, truy cập ngày 04/3/2023.
Vĩnh Nguyên