Quan điểm của Đảng về công tác tôn giáo và quản lý hoạt động tôn giáo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của Nhân dân. Trong đó, nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động tôn giáo là vấn đề chiến lược, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc là chính sách nhất quán xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta, được cụ thể hóa bằng pháp luật và bảo đảm trên thực tế.
Ảnh minh họa. Nguồn: lsvn.vn.

Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dù còn bộn bề công việc nhưng vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo (TNTG) của một bộ phận đồng bào theo đạo luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Ngày 03/9/1945 tại phiên họp của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi đề nghị Chính phủ tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương – giáo đoàn kết”. Ngày 14/6/1955, Người đã ký Sắc lệnh số 234/SL xác định: “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của Nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ Nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Các tôn giáo phải tuân theo pháp luật của Nhà nước như mọi tổ chức khác của Nhân dân. Việc bảo vệ tự do tín ngưỡng bắt buộc phải trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo gây rối loạn”. Người từng kêu gọi các tôn giáo hãy xóa bỏ hiềm khích, kỳ thị, đoàn kết cùng toàn dân chăm lo cho nền độc lập của nước nhà, gắn bó đồng hành với dân tộc.

Kế thừa quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tôn giáo, trong mỗi giai đoạn lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về TNTG bảo đảm quyền tự do TNTG, tạo cơ sở pháp lý để các tôn giáo hoạt động ổn định. Từ Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác tôn giáo trong tình hình mới đến nay, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến TNTG, thể hiện sự quan tâm đến nhu cầu TNTG chính đáng của Nhân dân.

Cụ thể, như: Pháp lệnh số 21/2004/PL-UBTVQH 11 ngày 18/6/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI) quy định về hoạt động TNTG; Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 của Chính phủ Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh TNTG; Chỉ thị số 1940/CT-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về nhà đất liên quan đến tôn giáo; Điều 24 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”; Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật TNTG năm 2016; Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật TNTG

Vấn đề TNTG còn được đề cập trong văn kiện của Đảng qua các kỳ đại hội. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, lần đầu tiên Đảng ta đề cập trực tiếp các nội dung về tôn giáo và công tác tôn giáo một cách toàn diện, có trọng điểm với dung lượng nhiều nhất so với các kỳ đại hội trước đó. Trong 10 văn bản trình bày ở 2 tập của văn kiện, có 4 văn bản đề cập trực tiếp các nội dung liên quan đến tôn giáo. Cụ thể: Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, phần các nhiệm vụ trung tâm và giải pháp chủ yếu, Đảng nhấn mạnh: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước”1.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam, Đảng ta nêu rõ: “Phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng. Phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan”2. Đối với nhiệm vụ, giải pháp thực hiện về công tác tôn giáo, Đảng khẳng định: “… Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”3. Trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, Đảng ta xác định: “Thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật…” 4.

Nội dung về công tác tôn giáo được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã làm rõ nét hơn tư tưởng chiến lược của Đảng về quản lý nhà nước đối với các hoạt động tự do TNTG. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc. Sự đan xen, hòa đồng nhiều TNTG là một trong những nét văn hóa, đặc trưng của đời sống tự do TNTG ở nước ta. Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của Nhân dân; thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết lương – giáo và giữa các tôn giáo; khắc phục thái độ hẹp hòi, thành kiến, phân biệt đối xử với đồng bào có đạo, chống mọi hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng; đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng TNTG để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia và ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại độc lập và đoàn kết dân tộc.

Những quan điểm cơ bản về tôn giáo nêu trong các văn kiện qua các kỳ đại hội của Đảng đều khẳng định:chính sách, pháp luật về TNTG, phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Đảng ta coi đồng bào các tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc; đồng thời, khẳng định đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Bởi vậy, cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, tôn giáo, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. “Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững”5.

Như vậy, chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do TNTG theo hoặc không theo tôn giáo của công dân được quán triệt thực hiện một cách nhất quán. Các tổ chức tôn giáo hợp pháp hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật và được pháp luật bảo hộ. Hơn ai hết, đồng bào các tôn giáo Việt Nam hiểu rất rõ rằng: Tổ quốc có độc lập, tôn giáo mới tự do. Đạo và đời ngày càng gắn bó, “Tốt đời đẹp đạo” là mục tiêu và cũng là đạo lý của tất cả các tôn giáo ở Việt Nam.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tôn giáo, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp ở từng địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, các lực lượng vũ trang trên địa bàn phối hợp cùng với đồng bào tổ chức học tập, quán triệt sâu rộng và triển khai thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Đảng, chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước về tự do TNTG đối với đồng bào theo đạo. Coi đây là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, là nhân tố quan trọng hàng đầu để giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên từng địa bàn, địa phương.

Là một nước đa tôn giáo, nhưng cộng đồng các tôn giáo hoạt động ở Việt Nam luôn gắn bó với dân tộc; đồng thời, là nhân tố xã hội và văn hoá tích cực góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng và đặc sắc. Việt Nam còn là một đất nước ôn hòa trong quan hệ giữa các tôn giáo, có truyền thống đoàn kết tôn giáo, đoàn kết toàn dân trong quá trình dựng nước và giữ nước. Việc chung sống hòa bình và bao dung giữa các tôn giáo cùng với tính nhân ái, nhân bản của con người và xã hội Việt Nam đã tạo ra một bức tranh sinh động về TNTG ở Việt Nam: thuần tuý nhưng phong phú, đan xen nhưng không mâu thuẫn. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, quan hệ tích cực và mang tính xây dựng giữa các tôn giáo và Nhà nước đã được thể hiện rất rõ và ngày càng được củng cố. Đại đoàn kết toàn dân tộc (ĐĐKTDT), trong đó có đoàn kết hòa hợp các tôn giáo là nguồn sức mạnh và là nhân tố quyết định bảo đảm cho mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhờ có chính sách tôn trọng tự do TNTG của Đảng và Nhà nước ta và việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật của những người có đạo và không có đạo, của các tổ chức tôn giáo, nên hoạt động của các tôn giáo trong những năm qua cơ bản tuân thủ đúng pháp luật; phần lớn chức sắc, tín đồ của các tôn giáo tin tưởng và thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về TNTG. Cụ thể:

Một là, số lượng chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự của các tôn giáo gia tăng. Năm 2003, cả nước có 6 tôn giáo 15 tổ chức, với 17 triệu tín đồ, khoảng 20 nghìn cơ sở thờ tự; 34 nghìn chức sắc, 78 nghìn chức việc. Năm 2022, chính quyền đã công nhận 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với trên 26,7 triệu tín đồ, trên 55 nghìn chức sắc, khoảng 135 nghìn chức việc; trên 29 nghìn cơ sở thờ tự…6

Hai là, hoạt động TNTG tuân thủ đúng pháp luật và đi vào nền nếp. Các tôn giáo thực hiện khá nghiêm túc việc đăng ký lịch sinh hoạt tôn giáo hằng năm; các chức sắc, tín đồ tích cực tham gia các phong trào do chính quyền các cấp phát động, như: xóa đói, giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hóa, cứu trợ đồng bào bị lũ lụt, đấu tranh ngăn ngừa các tệ nạn xã hội,… góp phần vào thực hiện các chương trình kinh tế – xã hội của địa phương và góp phần củng cố khối ĐĐKTDT.

Ba là, các cơ sở thờ tự của tôn giáo được đầu tư sửa chữa, tu bổ lại. Những cơ sở thờ tự được xếp hạng di tích – lịch sử văn hóa được tôn tạo, bảo vệ. Các hộ dân lấn chiếm di tích đã được các địa phương và Nhà nước cấp kinh phí để di dời. Nhờ phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, rất nhiều cơ sở tôn giáo được thay đổi, trở thành các điểm sinh hoạt văn hóa của Nhân dân, hình thành các điểm giao lưu của tín đồ.

Tuy nhiên, sức mạnh ĐĐKTDT chưa được phát huy đầy đủ, có lúc, có nơi chưa phát huy được vai trò, sức mạnh của Nhân dân. Chưa đánh giá và dự báo chính xác những diễn biến, thay đổi cơ cấu xã hội, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để có chủ trương phù hợp. Chủ trương quan điểm của Đảng về ĐĐKTDT, về quyền và lợi ích hợp pháp của các giai cấp, tầng lớp nhân dân chưa được kịp thời thể chế hóa, hoặc đã thể chế hóa nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, do có sự dung dưỡng của các thế lực thù địch nước ngoài, một số phần tử phản động đội lốt tôn giáo lấy cớ hoạt động tôn giáo để nhen nhóm các tổ chức phản cách mạng, tập hợp lực lượng phản động, tổ chức phát tán tài liệu chống Đảng và Nhà nước ta; lôi kéo, kích động quần chúng, tín đồ trong vùng đồng bào theo đạo gây áp lực, đòi yêu sách, gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên diện rộng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số địa phương có lúc rất căng thẳng. Chính vì vậy, vấn đề quản lý hoạt động tôn giáo trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc là nội dung đáng quan tâm.

Để nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam hiện nay vốn rất nhạy cảm và phức tạp, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, cần nắm vững và thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tích cực nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với công tác tôn giáo trong tình hình mới. Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân trong thực hiện chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước bằng nhiều hình thức giáo dục, như: học tập chính trị; tổ chức các lễ hội truyền thống theo phong tục, tập quán tốt đẹp của từng dân tộc… Tăng cường, phát huy sức mạnh khối ĐĐKTDT, kiên quyết đấu tranh, đập tan những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn trong mọi tình huống.

Thứ hai, giải quyết tốt mối quan hệ giữa thực hiện chính sách TNTG, tự do không TNTG với chính sách ĐĐKTDT của Đảng và Nhà nước ta. Vấn đề tôn giáo có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại ở nhiều cấp độ (quốc tế, quốc gia, nội bộ từng dân tộc), xuất phát từ bản chất xã hội của tôn giáo, nên khi giải quyết cần bảo đảm mối quan hệ đồng bộ trong thực hiện chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo. Quan tâm giải quyết nhu cầu TNTG của quần chúng, đồng thời phải làm cho quần chúng nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo phục vụ mưu đồ phá hoại sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng, tự do theo đạo và không theo đạo của mọi công dân; nghiêm cấm việc ép buộc đồng bào theo đạo hoặc bỏ đạo. Hướng dẫn các chức sắc tôn giáo hoạt động đúng theo hiến chương, điều lệ của giáo hội và tuân thủ các quy định của pháp luật. Giải quyết vấn đề tôn giáo trong quan hệ với vấn đề dân tộc cần có giải pháp chiến lược lâu dài và cả giải pháp cấp thiết trước mắt.

Cần tập trung giải quyết tốt đời sống kinh tế, văn hóa – xã hội ở vùng đồng bào có đạo bằng thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng và các chương trình phát triển kinh tế – xã hội. Tập trung huy động nguồn nhân lực, vật lực cho đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào; ưu tiên  đầu tư cho xoá đói, giảm nghèo và giải quyết những khó khăn, bức xúc của đồng bào. Tập trung giải quyết đất sản xuất cho đồng bào, giúp họ thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ nhà ở, phát triển y tế, giáo dục trên địa bàn.

Thứ ba, tích cực chăm lo xây dựng củng cố hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cơ sở vững mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đây vừa là giải pháp vừa là nhiệm vụ cơ bản lâu dài và cấp bách hiện nay của mỗi địa phương, bởi vì hệ thống chính trị các cấp có vững mạnh mới đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, trong đó có công tác tôn giáo. Để thực hiện tốt yêu cầu quan trọng này, đòi hỏi các địa phương phải đặc biệt coi trọng xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là hạt nhân lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các phong trào cách mạng ở địa phương, cơ sở.

Thứ tư, thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ các cấp, các ban, ngành, đoàn thể. Coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ làm công tác tuyên truyền vận động quần chúng trong vùng đồng bào tôn giáo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tập trung giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân, phát động quần chúng tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, đơn vị cùng chăm lo xây dựng địa bàn an toàn, vững mạnh, đủ sức hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, nhất là khi có tình huống xấu xảy ra. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng TNTG để chia rẽ, phá hoại khối ĐĐKTDT hoặc những hoạt động TNTG trái quy định của pháp luật.

Mặt khác, phải kiên quyết đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực; khắc phục bệnh quan liêu xa rời quần chúng của một bộ phận cán bộ, đảng viên; “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tăng cường đưa cán bộ xuống những nơi khó khăn, phức tạp để vận động Nhân dân, cùng Nhân dân xây dựng khối ĐĐKTDT.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5.  Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.  Tập I. H. NXB  Chính trị Quốc gia Sự thật, 2021, tr. 50 – 51, 144, 171, 272, 170.
6. Không thể xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. https://moha.gov.vn, ngày 07/10/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Hiến pháp năm 2013.
2. Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016.
3. Quan điểm của Đảng ta về tôn giáo trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.https://sonoivu.namdinh.gov.vn, ngày 10/9/2021.
Đại tá, PGS. TS. Trần Nam Chuân