Chữ “tình” – sức mạnh nội sinh làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn). Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, lịch sử Việt Nam đã viết những trang sử hào hùng của dân tộc. Một đất nước bị xâm lược tới 12 thế kỷ nhưng vẫn giữ được tiếng nói, giành lại chủ quyền lãnh thổ. Một đất nước đã chiến thắng tất cả những kẻ thù hùng mạnh nhất bằng tình yêu đất nước và lòng dũng cảm vô song. Đất nước ấy nhất định phải có một bản sắc riêng biệt, độc đáo. Bản sắc đó chính là chữ “tình” với những giá trị nội hàm đẹp đẽ. Chữ “tình” đã làm nên sức mạnh nội sinh vĩ đại của đất nước và cũng chính chữ “tìnhđã làm nên bản sắc văn hóa của Việt Nam.
Ảnh minh họa (doanthanhnien.vn).

Trong lịch sử thế giới, có lẽ không có quốc gia nào bị xâm lược tới hơn 1.000 năm vẫn giữ được tiếng nói và lấy lại được chủ quyền đất nước. Cũng chưa có quốc gia nào với diện tích khiêm tốn, nguồn lực vật chất hạn chế lại chiến thắng được các kẻ thù hùng mạnh  trong lịch sử. Quốc gia ấy nhất định phải có một bản sắc, hồn cốt độc đáo được hun đúc nên từ bề dày của lịch sử.

Trong kho tàng văn học dân gian, người Việt Nam đề cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết sẻ chia, lối sống trọng tình nặng nghĩa qua những câu ca dao, tục ngữ đã trở thành triết lý sống của người Việt “Lá lành đùm lá rách”... Ngay cả khi đến trước công đường, nơi luật pháp phải được coi là thượng tôn, người Việt Nam vẫn đinh ninh: “Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”. Chữ “tình” ở đây chính là tình nghĩa. Đó là tình yêu lứa đôi, tình cảm gia đình, tình bạn bè đồng chí, tình làng nghĩa xóm và cao hơn cả là tình yêu đối với quê hương đất nước, là lối sống nặng nghĩa ân tình. Có thể nói chữ “tình” luôn hiện diện trong mọi mặt của đời sống tinh thần xã hội Việt Nam.

Chữ “tình – sức mạnh vĩ đại chiến thắng quân xâm lược

Thế kỷ II trước Công nguyên, khi Triệu Đà đem quân sang xâm lược Việt Nam, đã mang theo ý chí đồng hóa dân Âu Lạc bấy giờ. Chữ Hán, tiếng Hán được phổ biến trong quản lý, giáo dục. Nhưng người dân đã nói không với việc sử dụng tiếng Hán trong cuộc sống giao tiếp hằng ngày. Thay vào đó, tổ tiên chúng ta đã mượn tiếng Hán nhưng không đọc âm Hán mà đọc thành âm Việt để vẫn giữ được tiếng nói của dân tộc và còn làm giàu thêm kho tàng ngôn ngữ dân tộc. Đó chính là vì tình yêu Tổ quốc, là niềm tự hào, tự tôn dân tộc.

Năm 938, Ngô Quyền đã lãnh đạo Nhân dân đánh thắng quân Nam Hán, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho toàn dân tộc và đi lên xây dựng một Nhà nước tự lực, tự cường theo hình thức quân chủ chuyên chế. Rồi, hai lần chiến thắng quân xâm lược Tống của nhà Lý, nhà Tiền Lê; ba lần chiến thắng quân Mông Nguyên; mười năm chiến thắng quân Minh của Lê Lợi… đã chứng tỏ sự chuyển hóa kỳ diệu của tình yêu Tổ quốc thành sức mạnh vĩ đại chống quân thù. Nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cả dân tộc cùng ra trận để đem về chiến thắng Điện biên Phủđại thắng mùa xuân 1975. Vũ khí chống Mỹ của chúng ta rõ ràng không thể ngang hàng với một siêu cường quân sự hầu như không có giới hạn như Mỹ. Chiến thắng của Việt Nam phần lớn là đến từ sức mạnh của chữ “tình”. Bởi: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước…”1

Lịch sử Việt Nam đã chứng minh một thực tế là bất cứ đội quân xâm lược nào đến Việt Nam không phải chỉ chiến đấu với một đạo quân mà là chiến đấu với toàn dân tộc. Lớp cha trước lớp con sau, người ở lại viết tiếp những trang sử cứu nước dở dang mà người đã khuất còn để lại, tiếp nối nhau trên chiến trường cho đến ngày kháng chiến thành công. Lòng yêu nước chính là nhân tố chủ đạo quyết định thắng lợi trên chiến trường của quân dân Đại Việt mỗi khi Tổ quốc bị ngoại bang xâm lược.

Chữ “tình” – lòng nhân ái, nét son trong văn hóa quân sự của cha ông

Trong suốt lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Dù chiến thắng kẻ thù xâm lược nhưng dân tộc Việt Nam luôn khoan dung, độ lượng với đối phương. Thẳm sâu trong tư tưởng quân sự của cha ông ta là truyền thống nhân ái cao cả tiếp nối từ Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung – những bậc anh hùng đã lấy “chí nhân để thay cường bạo”2, biết dựa vào dân, “khoan thư sức dân”3 để tạo nên những trang sử vàng oanh liệt của dân tộc Việt Nam.

Khác với các quốc gia khác, văn hóa quân sự ở Việt Nam từ cổ chí kim luôn tiềm tàng dấu ấn của lòng nhân ái. Lòng nhân ái thể hiện trong tư tưởng xây dựng môi trường quân đội trở thành một đại gia đình, ở đó, mối quan hệ giữa vua, quan, tướng lĩnh luôn đoàn kết, gắn bó trên tinh thần phụ tử chi binh, huynh đệ chi binh: “Tướng sĩ một lòng phụ tử – Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”4.

Đó còn là sự khoan dung, độ lượng đối với kẻ thù: “Họ đã tham sống sợ chết mà hòa hiếu thật lòng – Ta lấy toàn quân là hơn để Nhân dân nghỉ sức5”; là sự biết ơn công lao của Nhân dân trong những cuộc chiến tranh vệ quốc qua lời Nguyễn Trãi: “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, sức dân như nước”6.

Chính chữ “tình” với lòng nhân ái đẹp đẽ của nó đã tạo nên sức mạnh vĩ đại của toàn dân tộc nhất là khi Tổ quốc bị xâm lăng. Điều này đã lý giải được, vì sao dân tộc ta lại luôn dành chiến thắng trong những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

Chữ “tình” vẫn lấp lánh sáng trong nạn đói năm 1945

Trong nạn đói khủng khiếp năm 1945, khi miền Bắc, số lượng người chết đói theo thống kê tới hơn hai triệu người, tức là chết đi hơn 1/10 dân số, có những xã ở Thái Bình người chết đói tới 2/3. Dưới ống kính của cố nhiếp ảnh gia Nguyễn An Ninh và một số phóng viên nước ngoài, những trang văn của Nguyên Hồng, Nam Cao khiến người xem, người đọc tận thế kỷ 21 còn cảm thấy “rụng rời”. Nhưng có một điều rất kỳ lạ, đó là, người Việt Nam không chà đạp lên nhau để sống, người Việt Nam vẫn giữ được truyền thống tương thân tương ái, cưu mang, đùm bọc lẫn nhau trong đói kém chết người. Chất người, tình người là cội nguồn phẩm giá của dân tộc ta. Sức mạnh của lòng nhân ái đã giúp cho con người Việt Nam giữ được hồn cốt, khí chất của một dân tộc trọng tình.

Người dân nhận gạo từ cây ATM gạo đầu tiên ở Hà Nội. Ảnh: Tô Thế.
Chữ “tình” – tinh thần tương thân tương ái, tình yêu đất nước trong thiên tai, dịch bệnh

Trong thiên tai, dịch bệnh, tình người của người Việt càng thể hiện rõ nét. Khi miền Trung gặp gió mưa bão lụt, từ Bắc chí Nam luôn sẵn sàng hướng về miền Trung  qua những chuyến hàng cứu trợ chan chứa nghĩa tình. Đại dịch Covid -19 một lần nữa đã chứng tỏ vẻ đẹp của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế khi lòng nhân ái dâng cao với khẩu hiệu: “Không ai bị bỏ lại phía sau”.

Dịch Covid – 19 hoành hành, TP. Hồ Chí Minh bị phong tỏa, trên chặng đường hồi hương của đồng bào từ Nam ra Bắc đã được sự tiếp sức của người dân qua từng suất cơm, từng chuyến xe vận chuyển miễn phí và cả tiền bạc hỗ trợ đồng bào về quê an toàn. Những nghĩa cử cao đẹp qua những “cây ATM gạo” mọc lên khắp nơi; những cụ già miền quê gom từng mớ rau, quả bí mang đến chia sẻ cùng lực lượng phòng chống dịch; các y bác sĩ xung phong ra “chiến trường” chống dịch; lực lượng vũ trang màn trời chiếu đất để bảo vệ người dân trong khu cách ly; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức căng mình bảo vệ Nhân dân; các thầy cô miệt mài tập huấn dạy học online để học trò không bị quên đi con chữ; những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trích hàng trăm tỷ đồng để Chính phủ có đủ nguồn kinh phí mua vắc – xin phòng chống Covid – 19… Tinh thần tương thân, tương ái đã vẽ ra một bức chân dung thật đẹp về con người, đất nước Việt Nam.

Chữ “tình” – chất nhân văn của nền công vụ Việt Nam

Chất nhân văn là một trong những đặc điểm cơ bản của nền công vụ nói chung, thể hiện ở mục tiêu bảo đảm quyền lợi hợp pháp của con người, trong đó có “quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”7. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong các nhà nước văn minh chính là nhằm mục đích bảo vệ các quyền con người, bảo đảm các cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật. Với Việt Nam, một quốc gia coi trọng chữ “tình” đương nhiên chất nhân văn thể hiện rất rõ ngay trong các quyết định hành chính.

Điều này thể hiện ở tư tưởng vì dân, lấy dân làm gốc trong hệ thống văn bản chỉ đạo của Đảng. Ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) đã rút ra bài học là kim chỉ nam trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân lao động”8; “Mọi chủ trương, chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và khả năng của Nhân dân lao động, phải khơi dậy được sự đồng tình, hưởng ứng của quần chúng”9.

Ý Đảng – Lòng Dân đã tạo ra một thể chế chính trị đoàn kết, thống nhất để xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng thịnh vượng. Trong đại dịch Covid-19, khi những công dân Việt Nam còn bị mắc kẹt ở những vùng tâm dịch, Chính phủ đã tổ chức những chuyến bay để đón đồng bào trở về chữa bệnh; một quốc gia nghèo khi vaccine chưa có vẫn sẵn sàng chữa trị Covid miễn phí – Đó là chất nhân văn của nền công vụ Việt Nam, một nền công vụ thực sự vì dân, coi dân là gốc.

Nêu cao khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc”, Việt Nam đã tạo ra một mặt trận thống nhất trên toàn quốc mà vũ khí diệt “giặc” chính là lòng yêu nước, là ý thức trách nhiệm với Tổ quốc. Đại dịch Covid-19, đã chứng kiến sự trở lại của đất nước 4.000 năm. Mỗi người dân đã trở thành chiến sĩ, sẵn sàng kề vai sát cánh cùng Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh. Tinh thần đoàn kết về mặt chính trị đã tạo ra những thành tựu về kinh tế, sự ổn định về chính trị khiến vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Năm 2020, gần 1.500 bài báo quốc tế viết về Việt Nam, Brand Finance (hãng định giá thương hiệu của Anh) định giá thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 trị giá 319 tỷ USD tăng 29,1% so với năm 2019, xếp thứ 33/100 thương hiệu quốc gia uy tín nhất toàn cầu. Năm 2021 là 388 tỷ USD, tăng 21% qua năm 2022 đã là 431 tỷ USD, tăng 11%, đứng thứ 32 thế giới11. Đây là những kết quả mà Việt Nam chưa bao giờ có được trong lịch sử.

Sức mạnh của Việt Nam đến từ bản sắc của một quốc gia nặng tình, trọng nghĩa. Chữ “tình” đã làm nên sức mạnh mềm vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Trong mỗi bước đi của lịch sử đều in đậm dấu ấn của chữ “tình”.Đó chính là nguồn lực nội sinh làm nên bản sắc của dân tộc Việt Nam.

Chú thích:
1. Trích dẫn từ Báo cáo Chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ II, tháng 2 năm 1951 của Đảng Lao động Việt Nam (tên gọi từ năm 1951 đến năm 1976 của Đảng Cộng sản Việt Nam).
2, 4, 5. Bình Ngô đại cáo (1428, là bài cáo của Nguyễn Trãi viết thay lời Bình Định vương Lê Lợi để tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống Minh, giành lại độc lập cho Đại Việt). Wikipedia, Bách khoa toàn thư mở, ngày 02/8/2020.
3. Trần Hưng Đạo. Wikipedia, Bách khoa toàn thư mở, ngày 02/8/2020.
4. Quan Hải – Nguyễn Trãi. https://www.thivien.net, ngày 02/8/2020.
5. Trích từ Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh.
8, 9. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 47. H. NXB Chính trị Quốc gia, 2006, tr. 362, 363.
10. Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 tiếp tục gia tăng về giá trị và thứ hạng trong top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh nhất trên thế giới. https://moit.gov.vn, ngày 21/9/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
2. Nguyễn Phú Trọng. Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.Tạp chí Cộng sản số 979, tháng 12/2021, tr. 11.
ThS. Vương Thị Liên
Học viện Hành chính Quốc gia