Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên ở Học viện Quốc phòng Cay Xỏn Phôm Vi Hản

(Quanlynhanuoc.vn) –Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học giúp cho đội ngũ giảng viên có cơ hội học tập, nghiên cứu, phát triển tư duy khoa học và trau dồi các phẩm chất cần thiết khác, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của Học viện Quốc phòng Cay Xỏn Phôm Vi Hản. Bài viết phản ánh thực trạng nghiên cứu khoa học và đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên tại Học viện Quốc phòng Cay Xỏn Phôm Vi Hản.
Ảnh minh họa (Nguồn: qdnd.vn).
Thực trạng nghiên cứu khoa học của giảng viên

Những năm qua, Học viện Quốc phòng Cay Xỏn Phôm Vi Hản – nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào (sau đây viết tắt là Học viện) đã luôn coi trọng đầu tư, khai thác và phát triển tiềm năng nghiên cứu khoa học (NCKH) trong các lực lượng, do đó, đội ngũ giảng viên của Học viện cónăng lực NCKH khá tốt, đã và đang làm chủ nhiệm các đề tài cấp bộ, cấp ngành, cấp học viện, cấp khoa.

Theo báo cáo số liệu của phòng Khoa học quân sự, từ năm 2019 – 2022, Học viện có: 1 đề tài cấp bộ, 3 đề tài cấp ngành, 15 đề tài cấp Học viện và 21 đề tài cấp khoa1. Số lượng và chất lượng các công trình NCKH của đội ngũ giảng viên ngày càng được nâng cao.

Các sản phẩm NCKH đã nghiệm thu đều có tính ứng dụng cao và được đưa vào sử dụng trong quá trình đào tạo, góp phần thiết thực vào nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của Học viện. Cụ thể, các đề tài NCKH cấp Học viện năm 2020:“Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên quân đội theo quan điểm Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hản trong giai đoạn cách mạng hiện nay”; NCKH cấp Học viện năm 202: Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở Học viện Quốc phòng Cay Xỏn Phôm Vi Hản hiện nay… đều được vận dụng trong công tác đào tạo của Học viện.

Đánh giá về năng lực NCKH của đội ngũ giảng viên hiện nay cho thấy, một số giảng viên nhận thức chưa đầy đủ về nhiệm vụ NCKH, trình độ, năng lực NCKH còn hạn chế. Thậm chí có quan điểm cho rằng nhiệm vụ NCKH chỉ có ở cán bộ Khoa hoặc ở những chuyên gia nghiên cứu khoa học, còn giảng viên chỉ cần quan tâm năng lực giảng dạy là đủ.

Chất lượng một số đề tài còn hạn chế về tính thực tiễn, chuyên sâu. Hàm lượng khoa học trong mỗi đề tài còn ít và giá trị vận dụng vào thực tiễn chưa cao. Công trình khoa học nghiên cứu cơ bản còn hạn chế, thiếu tính dự báo đón đầu khoa học.

Chính vì vậy, để nâng cao năng lực NCKH của giảng viên, Học viện cần thực hiện một số giải pháp nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của một số giảng viên về vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ NCKH; nâng cao tính chủ động, tự nghiên cứu, tự học hỏi; đồng thời, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho đội ngũ giảng viên nâng cao năng lực NCKH.

Một số giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên ở Học viện Quốc phòng Cay Xỏn Phôm Vi Hản trong thời giai tới cần thực hiện một số nội dung cơ bản sau:

Một là, tạo sự chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của các chủ thể, các lực lượng trong toàn Học viện đối với việc nâng cao năng lực NCKH của đội ngũ giảng viên.

Đây là giải pháp cơ bản nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, người chỉ huy, các đơn vị chức năng và bản thân đội ngũ giảng viên về NCKH. Bên cạnh đó, tạo nền tảng quan trọng cho việc nâng cao năng lực NCKH của đội ngũ giảng viên ở Học viện hiện nay. Vì vậy, cần quán triệt và thực hiện nghiêm nghị quyết của Đảng ủy Quân sự Trung ương, chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị; quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; nghị quyết của cấp ủy các cấp, quyết định của Giám đốc Học viện, hướng dẫn của các đơn vị trong Học viện về hoạt động giáo dục, đào tạo và NCKH.

Đề cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, Ban Giám đốc, chỉ huy khoa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nâng cao năng lực NCKH của đội ngũ giảng viên. Trên cơ sở thực hiện các nghị quyết của cấp trên, nắm chắc tình hình đội ngũ giảng viên ở từng khoa, cấp ủy các cấp cần đề cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, nâng cao năng lực NCKH của giảng viên sát, đúng. Theo đó, hằng năm, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và NCKH, trong đó ưu tiên đến công tác NCKH của đội ngũ giảng viên ở các khoa.

Phân công, giao nhiệm vụ cụ thể và xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ NCKH. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ khoa trong hướng dẫn, giúp đỡ, kiểm tra, giám sát hoạt động NCKH của giảng viên trẻ; kịp thời biểu dương những cá nhân, tập thể có thành tích NCKH tốt; đồng thời, phê bình, nhắc nhớ đối với các đồng chí nhận thức chưa đầy đủ, thiếu trách nhiệm, chưa tích cực tham gia NCKH.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm của Hội đồng khoa học các cấp trong tham mưu cho Đảng ủy, chỉ huy trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động NCKH cho đội ngũ giảng viên. Đồng thời, tư vấn, thẩm định toàn bộ các khâu, các bước của quy trình hoạt động khoa học và lực lượng bồi dưỡng năng lực NCKH cho đội ngũ giảng viên ở Học viện hiện nay.

Hai là, tạo điều kiện và xây dựng môi trường thuận lợi cho giảng viên trẻ nâng cao năng lực NCKH.

Tạo điều kiện, môi trường NCKH thuận lợi nhất để tạo động lực thúc đẩy đội ngũ giảng viên trẻ tích cực, chủ động, sáng tạo trong NCKH, như: thường xuyên tổ chức các hội thảo, tọa đàm, thông tin khoa học, sinh hoạt học thuật… Quá trình thảo luận, trao đổi, góp ý sẽ giúp cho giảng viên trẻ có cơ hội tiếp thu những kinh nghiệm từ thực tiễn, những tri thức mới, phương pháp mới. Từ đó, tạo điều kiện cho giảng viên trẻ mở rộng tri thức và tìm cách vận dụng chân lý khoa học vào thực tiễn, bồi dưỡng năng lực diễn đạt, phát triển khả năng tư duy độc lập, sáng tạo, hình thành thói quen làm việc có kế hoạch, nghiêm túc NCKH.

Xây dựng môi trường dân chủ, hợp tác, tôn trọng tính độc lập, tự chủ, thi đua sôi nổi trong NCKH; xây dựng và thực hiện tốt chính sách khen thưởng về vật chất và tinh thần theo hướng tính tích cực cho đội ngũ giảng viên trẻ. Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hản cho rằng: “công tác chích sách là việc làm rất quan trọng nếu thực hiện đúng và phù hợp sẽ thúc đẩy, khuyến kích con người tích cực tiến lên hoàn thành nhiệm vụ, ngược lại nếu thực hiện sai, không xứng đáng sẽ là cho con người thiếu tích cực dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ”2.

Ba là, tăng cường bồi dưỡng kiến thức, phương pháp và kinh nghiệm NCKH cho giảng viên trẻ.

Tăng cường bồi dưỡng cho giảng viên trẻ kiến thức lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Cay Xỏn Phôm Vi Hản, quan điểm, đường lối chính trị, quân sự của Đảng nhân dân Cách mạng Lào; cập nhật những tri thức mới, phương pháp luận và phương pháp NCKH kết hợp với tiếp thu những thành tựu của cuộc CMCN 4.0 cho giảng viên trẻ. Bên cạnh đó, cần trang bị những kiến thức chuyên ngành, bao gồm: mở rộng kiến thức chuyên môn, kỹ năng, kỹ xảo chuyên biệt và kinh nghiệm hoạt động sáng tạo trong thực hành nghề nghiệp. Mặt khác, bồi dưỡng về phẩm chất chính trị, đạo đức của người cán bộ nghiên cứu có năng lực, tư duy đổi mới, sáng tạo và trung thực trong NCKH cho giảng viên trẻ.

Việc lựa chọn các hình thức, biện pháp, phương pháp bồi dưỡng cần phù hợp với đối tượng, với thực tiễn, từ đó, nâng cao hiệu quả, năng lực NCKH cho giảng viên trẻ, như: tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, phương pháp luận, phương pháp NCKH theo định kỳ.

Bốn là, phát huy tính tích cực, chủ động của giảng viên trẻ trong tự học tập, rèn luyện nâng cao năng lực NCKH.

Mỗi giảng viên trẻ cần xác định mục tiêu của bản thân trong công tác cũng như mục tiêu NCKH; tự rèn luyện, hoàn thiện, nuôi dưỡng niềm tin, khát vọng hoàn thiện năng lực bản thân; có thái độ đúng mực, ứng xử nghiêm túc, chân thực và trách nhiệm trong việc nâng cao năng lực giảng dạy và năng lực NCKH. Trong quá trình tham gia NCKH cần khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu đề ra; đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tiễn để không ngừng rèn luyện đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ được giao và NCKH trong cuộc CMNN 4.0.

Quá trình tự bồi dưỡng nâng cao năng lực NCKH của giảng viên cần kết hợp chặt chẽ với tham gia các hoạt động, như: bài hội thảo khoa học, tọa đàm khoa học, viết bài gửi tạp chí khoa học, thảo luận, tham gia nghiên cứu đề tài các cấp… nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, phát triển năng lực và tư duy NCKH.

Chú thích:
1. Báo cáo số 09/BCTKKH ngày 28/10/2022 về tổng kết công tác nghiên cứu khoa học từ năm 2019 2022. Phòng Khoa học quân sự – Học viện Quốc phòng Cay Xỏn Phôm Vi Hản, 2023, tr. 7.
2. Cay Xỏn Phôm Vi Hản. Tuyển chọn. Tập 3. Sự nghiệp đổi mới toàn diện, có nguyên tắc ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Viêng chăn. H. NXB. Chính trị quốc gia, 1997, tr. 57.
Tài liệu tham khảo:
1. May Xúc Vi Xay Sổm Bắt. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở Học viện Quốc phòng Cay Xỏn Phôm Vi Hản hiện nay. Đề tài khoa học cấp Học viện, 2021.
2. Cục khoa học chính trị – quân sự, Học viện Quốc phòng Cay Xỏn Phôm Vi Hản. Kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên ở Học viện Quốc phòng Cay Xỏn Phôm Vi Hản (từ năm 2019 – 2022), tháng 12/2022.
3. Đảng bộ Học viện Quốc phòng Cay Xỏn Phôm Vi Hản. Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ III. Viêng Chăn. NXB. Học viện Quốc phòng Cay Xỏn Phôm Vi Hản, 2014.
Súc Công Sảnh Xay Nha Lớt. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên quân đội theo quan điểm Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hản trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Đề tài khoa học cấp Học viện, 2020.
4. Nghị quyết Đảng bộ Học viện Quốc phòng Cay Xỏn Phôm Vi Hản lần thứ III, ngày 13/11/2009.
Đại tá, TS. Nguyễn Văn Thủy
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
Thiếu tá, Súc Phu Văn Su Li Nha Seng
Học viên Cao học, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng