Nâng cao y đức cho cán bộ y tế tỉnh Thái Bình hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Thầy thuốc B. D. Petrov đã chỉ ra rằng: y đức không phải là một tổng hợp các quy tắc, quy định, cách xử sự về nghề nghiệp của người thầy thuốc, mà là một học thuyết về nghĩa vụ người thầy thuốc, về những trách nhiệm công dân của người ấy, không những trên bệnh nhân mà cả trước toàn thể nhân dân…1. Y đức của đội ngũ cán bộ y tế luôn được xã hội kính trọng và tôn vinh bởi những giá trị nhân văn cao cả đối với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Những năm qua, Sở Y tế tỉnh Thái Bình luôn chú trong việc nâng cao y đức cho cán bộ y tế trong toàn tỉnh.
Ảnh minh họa (internet)
Thực trạng công tác nâng cao y đức của đội ngũ cán bộ y tế tỉnh Thái Bình

Với sự quan tâm và quyết tâm nâng cao y đức trong đội ngũ cán bộ y tế (CBYT), trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Thái Bình, tình trạng CBYT nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người bệnh và người nhà người bệnh đã giảm hẳn, sự phản ánh những bức xúc của người dân về y tế đã được giải quyết thỏa đáng, lấy lại được niềm tin của Nhân dân trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Sở Y tế tỉnh Thái Bình đã thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền, giáo dục và ngăn chặn sự suy thoái xuống cấp y đức của đội ngũ CBYT.

Thứ nhất, việc tuân thủ các quy định về y đức. Trong những năm qua, ngành Y tế tỉnh rất quan tâm đến việc tuân thủ các quy định về y đức trong các cơ sở y tế, đặc biệt là việc thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua, như: (1) Siết chặt kỷ cương, tăng cường y đức và nâng cao nghiệp vụ; (2) Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế (CBYT) hướng tới sự hài lòng của người bệnh; (3) Đẩy mạnh hoạt động cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế… cho cán bộ, viên chức, người lao động trong ngành để tham gia thực hiện.

Sở Y tế tỉnh Thái Bình đã tổ chức triển khai Quyết định số 2151/QĐ-BYT ngày 04/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế tới các đơn vị trực thuộc; 100% các đơn vị ký cam kết và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả cao công tác “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, trên cơ sở tổ chức hoạt động tập huấn cho đội ngũ CBYT. Các đơn vị trực thuộc Sở Y tế triển khai việc thành lập Ban Chỉ đạo của đơn vị và thực hiện đầy đủ các nội dung đề ra; toàn ngành triển khai tập huấn cho CBYT trong đơn vị và tổ chức ký cam kết thực hiện giữa lãnh đạo đơn vị với lãnh đạo các khoa, phòng và giữa lãnh đạo khoa, phòng với nhân viên y tế.

Thứ hai, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân. Tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, 100% số cơ sở đã thành lập Tổ chăm sóc khách hàng tại nơi đón tiếp bệnh nhân hoặc khoa khám của đơn vị, công khai số điện thoại đường dây nóng, hòm thư góp ý cũng như quy chế thực hiện đã được Sở Y tế tỉnh Thái Bình ban hành nhằm kịp thời tiếp nhận, xử lý ý kiến phản ánh về chất lượng, thái độ phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân. Một số đơn vị y tế trong tỉnh đã trang bị hệ thống camera cho các khoa, phòng của các bệnh viện, nhất là các điểm nóng của các khoa, phòng để theo dõi, giám sát hoạt động của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, đồng thời, tăng cường hướng dẫn người bệnh, người nhà người bệnh thực hiện đúng các quy định trong khám bệnh, chữa bệnh và nội quy của bệnh viện…

Thứ ba, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho CBYT. Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng khẩu hiệu hoặc thông điệp ngắn gọn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, chú trọng tổ chức thường xuyên các hội thi cấp bệnh viện cho các đối tượng về quy tắc ứng xử, văn hóa giao tiếp. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho CBYT, trong đó, chú trọng thực hiện văn hóa ứng xử trong giao tiếp với người bệnh bằng các biện pháp tập huấn, tuyên truyền, giám sát, kiểm tra và nghiêm khắc xử lý sai phạm, kết hợp các biện pháp động viên khuyến khích về tinh thần và vật chất cho các điển hình về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.

Thứ tư, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tiêu cực trong toàn ngành. Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-SYT ngày 05/01/2021 về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021. Trong đó, quan điểm phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, coi các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn là chủ trương, chiến lược cơ bản lâu dài trong phòng, chống tham nhũng. Cụ thể hóa các nhiệm vụ, biện pháp và tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chủ trương, biện pháp đề ra trong các văn bản pháp quy, chương trình, Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và các tổ chức đoàn thể của cơ quan đơn vị và toàn thể công chức, viên chức, người lao động, trước hết là đảng viên, cán bộ chủ chốt và đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu đối với nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Thứ năm, đối với công tác chuyên môn. Ngành Y tế tỉnh tiếp tục tăng cường hoạt động tư vấn về sức khỏe cho người bệnh, người nhà người bệnh tại các cơ sở y tế. Phân công CBYT có trình độ chuyên môn để tư vấn hoặc tham gia tư vấn cho người bệnh, người nhà người bệnh. Tạo điều kiện thuận lợi và thực hiện các chế độ đãi ngộ xứng đáng nhằm khuyến khích CBYT trên địa bàn tỉnh tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tham gia các hội thảo, lớp tập huấn bồi dưỡng… nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ CBYT. Đội ngũ CBYT trong toàn tỉnh luôn thực hiện phương châm “sáng y đức, vững chuyên môn”.

Tuy vậy, hiện nay, các hiện tượng tiêu cực vẫn còn khá phổ biến, sự xuống cấp đạo đức của CBYT trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Thái Bình nói riêng vẫn chưa bị chặn đứng. Một bộ phận CBYT vẫn có biểu hiện suy thoái, xuống cấp về y đức với những biểu hiện cụ thể:

(1) Hạn chế trong nhận thức về y đức, coi nhẹ y đức, thờ ơ, vô cảm dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng: tắc trách về chuyên môn, chậm trễ trong cấp cứu điều trị và không ít trường hợp đã coi rẻ tính mạng của người bệnh…

(2) Tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại tình trạng tham nhũng vặt của một số CBYT, phong cách làm việc quan liêu vẫn còn là vấn nạn nhức nhối; vấn nạn phong bì đã và đang trở thành chuyện “thường ngày ở huyện” đã gióng hồi chuông báo động về sự suy thoái, xuống cấp của một bộ phận CBYT.

(3) Một bộ phận CBYT đã sa vào chủ nghĩa cá nhân, suy thoái, xuống cấp đạo đức. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để trục lợi cho cá nhân, vi phạm các quy định, chính sách của Nhà nước gây thất thoát tài sản của Nhà nước và làm ảnh hưởng, suy giảm niềm tin của Nhân dân vào đội ngũ CBYT ngành Y tế.

Đơn cử, những CBYT của tỉnh Thái Bình đã bị xử lý vì liên quan đến pháp luật, y đức, như: ông Phan Kế Toại – bác sĩ chuyên khoa II, Phó trưởng khoa chuẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình bị bắt do có liên quan việc nhận hối lộ; Ông Nguyễn Bá Định, Trưởng phòng Tài chính Kế toán, Kế toán trưởng – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình sử dụng giấy tờ không hợp pháp để thăng tiến2. Ông Phạm Việt Cường, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Hưng Hà và Vũ Thị Lan, cán bộ Trạm y tế xã Tân Lễ bị bắt về tội nhận hối lộ3. Bà Trần Kim Thúy, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Thái Bình đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ4

Những hạn chế, bất cập, thậm chí còn những vi phạm nghiêm trọng của CBYT trong ngành Y tế tỉnh Thái Bình phải kể đến một số nguyên nhân, như: những tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường dẫn đến sự suy thoái, xuống cấp về mặt đạo đức của một bộ phận CBYT. Những bất cập trong chính sách tiền lương, chính sách đãi ngộ cho CBYT còn chưa phù hợp, chưa bảo đảm chất lượng cuộc sống của CBYT. Một bộ phận CBYT có tâm lý làm việc ở bệnh viện công lập là phụ, làm ngoài là chính, thu nhập ngoài là chủ yếu. Cùng với đó, chất lượng giáo dục y đức còn mang tính hình thức, chất lượng chưa cao; trong môi trường làm việc của bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thái Bình hoạt động giáo dục y đức và tự rèn luyện y đức của CBYT còn chưa được quan tâm đúng mức… Thực tế này ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng, thái độ khám, chữa bệnh, cũng như tâm lý ngại học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn và nâng cao y đức ở một bộ phận CBYT.

Một số giải pháp nhằm nâng cao y đức cho đội ngũ cán bộ y tế tỉnh Thái Bình hiện nay

Y đức của đội ngũ CBYT có ý nghĩa quan trọng vào điều chỉnh hành vi của CBYT trong chăm sóc sức khỏe người bệnh. Y đức là học thuyết về nghĩa vụ người thầy thuốc, về những trách nhiệm công dân, không những đối với bệnh nhân, mà còn trước toàn thể nhân dân… Chính vì vậy, nâng cao y đức của đội ngũ CBYT trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết và cấp bách.

Một là, nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục và tự giáo dục y đức đối với đội ngũ CBYTGiáo dục y đức đối với CBYT hiện nay cần tập trung vào nội dung giáo dục tinh thần tự phê bình và phê bình, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực.  Tự giác rèn luyện nâng cao y đức với phương châm “lương y như từ mẫu”, để y đức trở thành niềm tự hào, tự tôn đối với mỗi CBYT và trong hoàn cảnh nào, trong điều điều kiện nào y đức trở thành “thuốc kháng sinh” giúp CBYT “miễn dịch” trước những cám dỗ, ma lực của đồng tiền, “cạm bẫy” trong nghề y. Không dung túng, bao che, tiếp tay cho các hiện tượng tiêu cực làm giảm vị thế cao quý của CBYT cũng như nhân cách của con người, từ đó, hình thành năng lực chuẩn mực y đức điều chỉnh hành vi của CBYT phù hợp với yêu cầu của xã hội.

Bản thân mỗi CBYT cần tự giác nâng cao y đức, không ngừng nỗ lực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ thực hành phương châm CBYT “sáng y đức, vững chuyên môn”. Tự học, tự giáo dục được coi là con đường quan trọng nhất để mỗi CBYT nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, phát triển trình độ chuyên môn. Đặc biệt, trong bối cảnh tác động của những mặt trái trong nền kinh tế thị trường, xu hướng toàn cầu hóa và hợp tác quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mỗi CBYT cần nâng cao hơn nữa ý thức tự giác rèn luyện, nâng cao, giữ vững y đức và luôn nỗ lực không ngừng trong quá trình tự học, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của thực tiễn ngày càng cao.

Hai là, đẩy mạnh hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức. Nâng cao nhận thức và quyết tâm chính trị của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác tổ chức học tập, tuyên truyền và coi việc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức là một nhiệm vụ cấp bách, trước mắt, vừa cơ bản, vừa lâu dài. Cần kiên trì, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đó là nhu cầu tự hoàn thiện, nhu cầu tự làm trong sạch nhân cách của mỗi cán bộ, đảng viên để hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân và sứ mệnh cao cả “Lương y như từ mẫu”.

Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về công tác xây dựng Đảng, gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Tăng cường tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát hằng năm nhằm kịp thời phát hiện và xử lý những đảng viên vi phạm tư cách, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những phần tử cơ hội lợi dụng chức quyền, tình hình dịch bệnh trục lợi cá nhân. Đồng thời, các cấp ủy, tổ chức Đảng phát hiện, biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng và nhân rộng làm điển hình, tạo động lực tu dưỡng, rèn luyện trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Bốn là, thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, suy thoái, xuống cấp về y đức. Tích cực phòng ngừa và phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh CBYT có hành vi tham nhũng tiêu cực, lãng phí, suy thoái, xuống cấp về y đức. Đồng thời, thực hiện việc công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị. Thực hiện nghiêm túc Thông tư số 07/2014/TT-BYT ngày 25/02/2014 của Bộ Y tế về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế.

Năm là, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích trong việc đấu tranh, phát hiện các hành vi tham nhũng tiêu cực, lãng phí, suy thoái, xuống cấp về y đức.

Kết luận

Y đức của đội ngũ CBYT luôn được xã hội tôn vinh bởi những giá trị nhân văn cao cả đối với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, mỗi CBYT không chỉ nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn mà cần phải nghiên cứu vận dụng đạo đức y học vào từng vị trí công tác để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Đó chính là thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với nghề nghiệp, với Nhân dân.

Chú thích:
1. M. E. Teleshevskaia – N.I.Pogibko. Đạo đức y học. H. NXB Y học, 1986, tr.8.
2. Báo cáo số 253/BC-SYT ngày 20/5/2021 của UBND tỉnh Thái Bình về thực trạng công tác phòng, chống tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
3. Thái Bình: một số kết quả trong phòng, chống tham nhũng. https://noichinh.vn, ngày 09/11/2021.
4. Bắt Giám đốc Bệnh viện Da liễu Thái Bình. https://thanhnien.vn, ngày 22/02/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Hoàng Đình Cầu. Đạo đức y học. H. NXB Trường Đại học Y, 1991.
2. Kế hoạch số 02/KH-SYT ngày 05/01/2021 của Sở Y tế tỉnh Thái Bình về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021
3. Quyết định số 2088/BYT-QĐ ngày 06/11/1996 của Bộ Y tế về việc ban hành Quy định về y đức.
4. Quyết định số 2151/QĐ-BYT ngày 04/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Hoa
Học viện Báo chí – Tuyên truyền
ThS. Hà Kim Hoành
Trường Đại học Y Dược Thái Bình