Một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công chứng ở Việt Nam hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết tập trung phân tích những quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công chứng, đồng thời kiến nghị hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công chứng, nhằm nhằm bảo đảm an toàn cho các cá nhân, tổ chức có liên quan đến công chứng nói riêng và góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật tại Việt Nam nói chung.
Ảnh minh họa (internet).
Quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công chứng ở Việt Nam

Công chứng là hoạt động mang tính quyền lực Nhà nước, được nhà nước ủy quyền để chứng nhận tính hợp pháp, tính xác thực của các hợp đồng, giao dịch dân sự bằng văn bản, các bản dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài. Công chứng không chỉ tạo ra những hành lang pháp lý để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, phù hợp với Hiến pháp và pháp luật mà còn giúp ngăn ngừa vi phạm pháp luật, phòng ngừa rủi ro, tranh chấp trong đời sống xã hội liên quan tới các giao dịch, hợp đồng, bảo đảm an toàn pháp lý cho các cá nhân, tổ chức. Bên cạnh đó, lĩnh vực công chứng còn có chức năng hỗ trợ quản lý nhà nước và bổ trợ tư pháp.

Xuất phát từ ý nghĩa, giá trị trên, Nhà nước đã quan tâm sát sao đến việc hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm tạo định hướng, đề ra các nguyên tắc, quy định các cơ sở pháp lý để điều chỉnh kịp thời các vấn đề liên quan đến lĩnh vực công chứng. Luật Công chứng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) là văn bản pháp lý chính thống mang tầm quan trọng bậc nhất, tiếp theo đó là các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt đối với nội dung xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực công chứng là Luật Xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ (viết tắt là Nghị định 82) quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, có hiệu lực từ ngày 01/9/2020.

Trên cơ sở pháp lý này, để có cái nhìn toàn diện, cụ thể về nội dung xử phạt VPHC trong lĩnh vực công chứng, tác giả tập trung phân tích một số quy định của Nghị định 82 mang tính cơ bản, điển hình đang được áp dụng hiện nay như sau:

Một là, hành vi VPHC, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động công chứng.

Quy định tại mục III, chương II, từ Điều 11 – 16 Nghị định 82, tùy theo hành vi VPHC khác nhau thì hình thức phạt, mức phạt VPHC cũng có sự khác nhau nhất định, áp dụng đối với:

(1) Hành vi vi phạm về thủ tục công chứng, như: giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng; gian dối, không trung thực khi làm chứng hoặc phiên dịch; dịch không chính xác, không phù hợp với giấy tờ, văn bản cần dịch; sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng mà không thuộc trường hợp được sửa lỗi kỹ thuật theo quy định…

(2) Hành vi vi phạm của công chứng viên, như: công chứng văn bản về thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà có căn cứ cho rằng, việc để lại di sản hoặc việc hưởng di sản là không đúng pháp luật; công chứng bản dịch mà thiếu chữ ký của công chứng viên hoặc thiếu chữ ký của người dịch vào từng trang của bản dịch hoặc không đính kèm bản sao của bản chính…

(3) Hành vi vi phạm của tổ chức hành nghề công chứng, như: mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng hoặc thực hiện các hoạt động sản xuất – kinh doanh, dịch vụ ngoài hoạt động công chứng đã đăng ký hoặc hoạt động không đúng nội dung đã đăng ký; thu phí công chứng không đúng theo quy định; không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình…

Hai là, quy định về thẩm quyền xử phạt các hành vi VPHC trong lĩnh vực công chứng.

Thẩm quyền xử phạt VPHC trong công chứng được quy định khá cụ thể tại Điều 88 Nghị định 82. Theo đó, thẩm quyền xử phạt chỉ được giao cho các chủ thể như sau:

(1) Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Chủ thể này có thẩm quyền xử phạt từ 7 triệu cho đến 30 triệu đồng đối với tất cả các hành vi VPHC liên quan đến công chứng các hợp đồng, giao dịch dân sự, bản dịch. Ngoài ra, có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung. Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung để được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 Điều 12.

(2) Cục trưởng cục Bổ trợ tư pháp. Phạt tiền từ 7 triệu cho đến 30 triệu đồng đối với tất cả các hành vi VPHC liên quan đến công chứng hợp đồng giao dịch, bản dịch nêu tại Điều 12. Việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung để được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 Điều 12.

(3) Các chủ thể thuộc cơ quan thanh tra, gồm: trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, chánh thanh tra của sở Tư pháp; trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Tư pháp.

Như vậy, các chủ thể có thẩm quyền xử phạt hành chính trong công chứng không nhiều và chủ thể giữ vị trí xử phạt quan trọng nhất đó là cơ quan thanh tra chuyên ngành Tư pháp, thanh tra của sở Tư pháp, Bộ Tư pháp. Đây là các chủ thể thường xuyên, liên tục tiến hành thanh tra hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng. Việc thanh tra có thể diễn ra đột xuất hoặc thanh tra theo định kỳ. Qua các đợt thanh tra, việc phát hiện các hành vi VPHC của các tổ chức hành nghề công chứng, các công chứng viên được tiến hành rất cụ thể và nhanh chóng, nhằm bảo đảm hoạt động công chứng luôn chính xác, bảo vệ cho lợi ích của các cá nhân, cơ quan, tổ chức đi công chứng, thiết lập trật tự ổn định trong công chứng ở phạm vi cả nước.

Ba là, quy định về hình thức xử phạt VPHC trong công chứng.

Hiện tại, quy định về hình thức xử phạt VPHC trong công chứng nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung được quy định tại chương I của Luật Xử lý VPHC, bao gồm: cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện VPHC; trục xuất. Có thể thấy, các hình thức xử phạt thể hiện sự răn đe, trừng phạt của pháp luật đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật. Hơn nữa, các hình thức xử phạt VPHC còn giúp ngăn ngừa hành vi vi phạm, đồng thời mang tính giáo dục đối với tổ chức, cá nhân bị xử phạt, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc tuân thủ, chấp hành nghiêm ngặt các quy định của pháp luật, bảo đảm ổn định trật tự xã hội, bảo đảm quản lý nhà nước.

Nhìn chung, trong các hình thức xử phạt hành chính trên, hình thức xử phạt cảnh cáo và phạt tiền là hình thức xử phạt chính, được thường xuyên sử dụng trong quá trình vận dụng hình thức phạt trong công chứng. Đặc biệt, hình thức phạt tiền là cơ bản nhất, mức phạt tiền sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng cùa hành vi vi phạm và phụ thuộc vào thẩm quyền của người xử phạt.

Bốn là, về thủ tục xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong công chứng.

Việc xử phạt hành chính không thể tiến hành một cách qua loa, chiếu lệ mà phải được áp dụng theo nguyên tắc, thủ tục luật định. Thủ tục xử phạt hành chính được quy định tại Chương III mục 1 từ Điều 55 đến Điều 68 Luật Xử lý VPHC. Theo đó, tồn tại hai thủ tục xử phạt VPHC trong lĩnh vực công chứng: (1) Thủ tục xử phạt không lập biên bản; (2) Thủ tục xử phạt có lập biên bản. Với hai hình thức này, sẽ giúp cho người có thẩm quyền xử phạt được thuận tiện, nhanh chóng áp dụng cho phù hợp quy định của pháp luật. Hình thức xử phạt có lập biên bản phức tạp hơn so với hình thức xử phạt không lập biên bản, nhưng có tính chặt chẽ, xác đáng hơn.

Năm là, thời hiệu xử phạt VPHC đối với các vi phạm trong lĩnh vực công chứng.

Thời hiệu xử phạt VPHC nói chung và thời hiệu xử phạt VPHC liên quan đến công chứng là nội dung rất quan trọng. Thời hiệu xử phạt VPHC có thể hiểu ngắn gọn là khoảng thời gian do chủ thể có thẩm quyền xử phạt áp dụng việc xử phạt đối với tổ chức, cá nhân có hành vi VPHC. Hành vi VPHC này được tính kể từ thời điểm phát hiện hoặc chấm dứt hành vi vi phạm đó. Hiện nay, vấn đề thời hiệu xử lý VPHC trong Luật Xử lý VPHC quy định 2 loại: thời hiệu xử phạt VPHC và thời hiệu thi hành quyết định xử phạt. Đây là quy định cần thiết, tạo chuẩn hành lang pháp lý để các chủ thể có thẩm quyền xử phạt VPHC cũng như thi hành quyết định xử phạt VPHC. Mặt khác, cũng nhằm hướng tới thúc đẩy tiến độ xử phạt của các chủ thể có thẩm quyền xử phạt, tránh tình trạng kéo dài việc xử phạt ảnh hưởng đến người vi phạm cũng như hiệu quả của quản lý hành chính nhà nước;

Theo Điều 74 Luật Xử lý VPHC thì thông thường thời hiệu xử phạt hành chính là 1 năm. Đối với một số lĩnh vực khác thì thời hiệu xử phạt là 2 năm. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt VPHC: đối với VPHC đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm; đối với VPHC đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.

Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt VPHC là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện VPHC, biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công chứng

Về cơ bản, các quy định của pháp luật về xử phạt VPHC trong lĩnh vực công chứng là toàn diện, góp phần giúp các chủ thể có thẩm quyền xử phạt thuận tiện, nhanh chóng không lúng túng khi xác định hành vi vi phạm và tiến hành khẩn trương xử phạt. Mặt khác, các quy định khá cụ thể đó cũng giúp cho các công chứng viên, các tổ chức hành nghề công chứng thận trọng, kỹ lưỡng hơn khi hành nghề, bảo đảm tính chuẩn chỉnh của hoạt động công chứng, nâng cao chất lượng và vai trò của công chứng. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm đã đạt được thì vẫn còn một số quy định pháp luật về xử phạt VPHC trong công chứng còn bất cập, hạn chế cần khắc phục, hoàn thiện:

Thứ nhất, mức phạt trong công chứng tại Điều 11 – 17 Nghị định 82 chưa phù hợp, còn ở mức khá khiêm tốn, nhất là đối với các hành vi VPHC của công chứng viên và các văn phòng công chứng chưa tương thích. Điều này không chỉ gây khó khăn cho người có thẩm quyền xử phạt mà còn chưa đủ tính răn đe, trừng trị các hành vi VPHC trong công chứng. Các phí, lệ phí mà các tổ chức hành nghề công chứng thu được cao mà mức phạt lại khá thấp, tạo ra tâm lý các công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng sẵn sàng bị phạt hành chính theo tâm lý “bỏ con tép, bắt con tôm”. Do đó, để nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước về công chứng, tạo ra cơ chế kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước đối với các tổ chức hành nghề công chứng, cần tăng mức phạt hành chính để đủ sức răn đe, ngăn chặn hành vi vi phạm này.

Thứ hai, nguyên tắc xử phạt VPHC tại điểm c khoản 3 Điều 3 Luật Xử lý VPHC hiện hành có quy định: việc xử phạt VPHC phải căn cứ vào tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng năng và được thể hiện trong nội dung quyết định xử phạt VPHC. Đồng thời, một hành vi VPHC chỉ bị xử phạt một lần.

Một người thực hiện nhiều hành vi bi phạm hành chính hoặc VPHC nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi VPHC nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng. Tuy nhiên, Nghị định 82 lại không đề cập đến tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ. Điều này gây vướng mắc, khó khăn nhất định cho các chủ thể có thẩm quyền xử phạt VPHC, việc xác định đâu là tình tiết giảm nhẹ và đâu là tình tiết tăng nặng để xác định mức phạt VPHC trong lĩnh vực công chứng sẽ phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người có thẩm quyền xử phạt. Vấn đề này đã tạo ra việc xử phạt hành chính trong công chứng không được thống nhất. Do đó, cần khẩn trương có quy định hướng dẫn chi tiết đâu là tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để tạo thuận lợi cho các chủ thể có thẩm quyền xử phạt thực hiện trách nhiệm, quyền hạn của mình, bảo đảm việc vận dụng, thi hành pháp luật được chính xác, thống nhất và hiệu quả.

Thứ ba, Nghị định 82 chưa xác định rõ ranh giới giữa xử phạt VPHC và xử lý hình sự đối với hành vi sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để được công chứng hợp đồng, giao dịch. Trong khi đó, Điều 340 Luật Hình sự hiện nay có quy định về tội sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận các tài liệu của các cơ quan, tổ chức, cụ thể: “Người nào sửa chữa, làm sai lệch nội dung hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch, các loại giấy chứng nhận hoặc tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ đó thực hiện tội phạm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt từ từ 06 tháng đến 3 năm”. Như vậy, đối với trường hợp cá nhân, pháp nhân sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để được công chứng hợp đồng, giao dịch sẽ chịu trách nhiệm pháp lý trong hai trường hợp: (1) Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều khoản trên của Luật Hình sự. (2) Bị xử phạt VPHC theo Nghị định 82/2020 (nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Tuy nhiên, cả Luật Hình sự và Nghị Định 82 đều chưa có sự phân định rõ ràng, cần có hướng dẫn cụ thể hơn từ các nhà lập pháp.

Thứ tư, thời hiệu xử phạt VPHC trong lĩnh vực công chứng chưa khả thi, vì công chứng là một hoạt động khá phức tạp, có tính đặc thù là việc tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện đối với các hợp đồng, giao dịch, bản dịch không phát sinh ngay tại thời điểm công chứng. Có nhiều trường hợp phải hơn 1 năm kể từ ngày công chứng mới phát sinh khiếu kiện, khiếu nại. Khi xác minh, kết luận có sai sót thì chủ thể có thẩm quyền xử phạt không thể tiến hành việc xử phạt vì đã quá thời hiệu 1 năm. Do đó, cần phải điều chỉnh lại thời hiệu xử phạt hành vi VPHC trong lĩnh vực công chứng, bảo đảm sự nghiêm minh của hoạt động này.

Tài liệu tham khảo:
1. Luật Công chứng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2018).
2. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2019 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
3. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
4. Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. 
Hồ Đức Hiệp
Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh
Nguyễn Trọng Tuấn
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành