Giải pháp tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở thành phố Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Việc làm là những hoạt động lao động có ích tạo ra thu nhập cho bản thân, gia đình, xã hội và trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật. Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ là lực lượng lao động của thành phố Hà Nội, do đó, giải quyết việc làm cho lực lượng này là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cần thiết hiện nay của thành phố.
Ảnh minh họa (internet).

Giải quyết việc làm (GQVL) cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự (NVQS) là tổng thể các biện pháp, chính sách kinh tế – xã hội của cả hệ thống chính trị thành phố Hà Nội, các chủ thể sử dụng lao động cùng sự nỗ lực của người hoàn thành NVQS nhằm tạo ra những điều kiện, thu nhập hợp pháp cho thanh niên hoàn thành NVQS, cho người sử dụng lao động và cho thành phố.

Cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự thông qua các chương trình, dự án kinh tế – xã hội

Một là, hoàn thiện khung pháp lý, rà soát, sửa đổi các quy định, nắm bắt nhu cầu phát triển thị trường lao động đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, phục hồi, ổn định thị trường lao động ở thành phố Hà Nội.

Đẩy mạnh việc nghiên cứu, đề xuất ban hành các chính sách để triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng lao động của thanh niên hoàn thành NVQS, gồm: chính sách tín dụng hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề thông qua Thẻ học nghề; quy định các chuẩn chuyên môn và điều kiện bảo đảm triển khai hiệu quả hoạt động đào tạo nghề.

Bám sát thực tiễn, chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách phát triển thị trường lao động với các thị trường khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó có cung – cầu lao động là thanh niên hoàn thành NVQS. Tiếp tục nội luật hóa và quy định cụ thể các tiêu chuẩn lao động phù hợp với điều kiện của thành phố Hà Nội và tiêu chuẩn quốc tế (các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới…) mà Việt Nam cam kết và phê chuẩn. Đồng thời, thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật về lao động, đặc biệt về ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội và các chế độ an sinh xã hội khác cho người lao động.

Rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực. Đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực đối với thanh niên hoàn thành NVQS. Thường xuyên tổ chức thực hiện các biện pháp để giải quyết nhu cầu thiếu nhân lực cục bộ, giảm sự mất cân đối cung – cầu lao động; phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số. Đầu tư phát triển Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội để thực hiện có hiệu quả hỗ trợ, điều phối và quản lý thị trường lao động trên địa bàn thành phố; đồng thời, tăng cường liên kết thị trường lao động của Hà Nội với các tỉnh.

Việc quan tâm đến đánh giá, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực là thanh niên hoàn thành NVQS có chất lượng cao được đẩy mạnh. Qua đó, tháo gỡ những khó khăn để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo đội ngũ lao động này tham gia học nghề, tiếp cận thông tin về thị trường lao động việc làm và doanh nghiệp hiệu quả hơn. Thu hút lao động tại chỗ, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo thích ứng cho lực lượng lao động là thanh niên hoàn thành NVQS đang làm việc.

Hai là, hỗ trợ phát triển mạng lưới an sinh và bảo hiểm cho lao động là thanh niên hoàn thành NVQS.

Đa dạng hóa các gói dịch vụ an sinh xã hội cung cấp cho lao động là thanh niên hoàn thành NVQS về hình thức, phương thức, mức đóng góp và mức được hưởng; đơn giản hóa thủ tục hành chính và xây dựng cơ chế cung cấp các hỗ trợ hành chính và pháp lý cần thiết cho thanh niên hoàn thành NVQS tham gia các chương trình an sinh tự nguyện. Bên cạnh đó, tổ chức cung cấp thông tin và dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí cho đội ngũ này khi tham gia thị trường lao động, đồng thời, thúc đẩy vai trò và hoạt động của các tổ chức công đoàn, hội nghề nghiệp để phát triển thành viên, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi cho thanh niên, như: tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ bảo hiểm (xã hội, y tế, thất nghiệp), đơn giản hóa thủ tục hành chính và xây dựng cơ chế cung cấp các hỗ trợ hành chính và pháp lý cần thiết cho họ tham gia các chương trình an sinh tự nguyện; nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt (trước mắt tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho thuê để giải quyết các vấn đề về chỗ ở).

Phối hợp giữa Sở Lao động – Thương binh và Xã hội với Bộ Tư lệnh Thủ Đô Hà Nội về tư vấn, hướng nghiệp học nghề, giới thiệu việc làm, tuyển chọn, bố trí việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự

Thứ nhất, thực hiện Kế hoạch 2695/KH-SLĐTBXH-LĐVL ngày 22/9/2015 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội về việc triển khai quy chế phối hợp trong việc tư vấn, hướng nghiệp học nghề, giới thiệu việc làm cho các đối tượng là thanh niên hoàn thành NVQS trên địa bàn thành phố Hà Nội và thanh niên sắp hoàn thành NVQS phục vụ tại ngũ trong quân đội của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Hằng năm, Sở phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp học nghề, giới thiệu việc làm cho các đối tượng là bộ đội xuất ngũ trên địa bàn thành phố Hà Nội và quân nhân sắp hoàn thành nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ trong quân đội của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Thứ hai, làm tốt công tác truyền thông về phát triển thị trường lao động để thanh niên hoàn thành NVQS nắm và tìm kiếm việc làm phù hợp. Trong đó, nâng cao nhận thức, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị liên quan về vai trò, tầm quan trọng phát triển thị trường lao động; chủ động có giải pháp hiệu quả để bảo đảm và phát triển thị trường lao động bền vững. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến về pháp luật lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp và trách nhiệm, lợi ích của các chủ thể tham gia thị trường lao động.

Thứ ba, xây dựng kế hoạch và tổ chức tư vấn, hướng nghiệp học nghề, giới thiệu việc làm, đặc biệt là tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành riêng cho các đối tượng là thanh niên hoàn thành NVQS ở thành phố.Thu thập thông tin bằng phiếu khảo sát về nhu cầu việc làm, nhu cầu học nghề của đối tượng là thanh niên hoàn thành NVQS ở Hà Nội và thanh niên sắp hoàn thành NVQS, trong đó phối hợp với Trường Trung cấp nghề số 10, Trường Trung cấp nghề số 17, Học viện Hậu Cần… tổ chức chức các buổi tư vấn hướng nghiệp học nghề, giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động trực tiếp tại các buổi lễ đón tiếp thanh niên hoàn thành NVQS về địa phương hoặc gián tiếp qua các slide, bảng điện tử về lao động, việc làm, chính sách pháp luật, bảo hiểm xã hội, các chính sách hỗ trợ thanh niên sắp hoàn thành NVQS.

Bên cạnh đó, Sở giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tham mưu, xây dựng kế hoạch tổ chức Phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho các đối tượng là thanh niên hoàn thành NVQS. Định kỳ 12 tháng, Sở và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội nên tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá công tác tư vấn, hướng nghiệp học nghề, giới thiệu việc làm cho các đối tượng là thanh niên hoàn thành NVQS trên địa bàn thành phố và quân nhân sắp hoàn thành NVQS.

Phát triển thị trường lao động, tạo cung – cầu việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự

Một là, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng hiệu quả lao động là thanh niên hoàn thành NVQS. Tăng cường đầu tư nguồn lực cho các chương trình, đề án tạo nhiều việc làm bền vững; nghiên cứu đề xuất các chính sách để hỗ trợ nhóm lao động đặc thù tham gia thị trường lao động, có việc làm bền vững. Đa dạng hoá các nguồn tín dụng để thúc đẩy việc tạo việc làm mới, việc làm sáng tạo, chất lượng cao, việc làm bền vững, việc làm xanh, việc làm cho đối tượng lao động là thanh niên hoàn thành NVQS.

Xây dựng bản đồ công nghiệp của thành phố để xác định các chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng phục vụ khai thác, phân bổ, sử dụng lao động, tận dụng hiệu quả nguồn lực lao động cho phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Có chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký thành lập và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp để thu hút, sử dụng lao động chính thức, chuyển dần lao động phi chính thức sang lao động chính thức, trong đó có ưu tiên tuyển dụng lao động là thanh niên hoàn thành NVQS.

Hai là, đầu tư phát triển công tác dự báo cung – cầu lao động và hệ thống thông tin thị trường lao động với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu lao động (trong đó có lao động là thanh niên hoàn thành NVQS) của thành phố Hà Nội một cách đồng bộ, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội.

Thiết lập hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng, đa lĩnh vực theo ngành nghề, cấp trình độ để định kỳ có sản phẩm dự báo thị trường lao động phục vụ cho thanh niên hoàn thành NVQS, doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI, cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách hỗ trợ tạo việc làm, nhất là các ngành nghề khoa học – kỹ thuật – công nghệ, ưu tiên cho công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai.

Xây dựng hệ thống quản trị thị trường lao động hiện đại, minh bạch, có kết nối với hệ thống quản lý dân cư để quản trị được tình trạng việc làm của thanh niên hoàn thành NVQS từ khi bắt đầu tham gia thị trường lao động.

Ba là, mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế tạo nhiều cơ hội xuất khẩu lao động cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở thành phố Hà Nội. UBND thành phố, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND các quận, huyện, thị xã, các phòng lao động – thương binh và xã hội bám sát chương trình xuất khẩu lao động của thành phố, phối với chặt chẽ Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội với các trung tâm giới thiệu việc làm ở các quận, huyện, thị xã để kịp thời tư vấn cho thanh niên hoàn thành NVQS có nhu cầu xuất khẩu lao động về các điều kiện, thủ tục, tiêu chuẩn tuyển chọn, mức lương và nhất là chi phí đưa đi đối với từng thị trường nước nhập khẩu lao động. Tổ chức cho thanh niên hoàn thành NVQS có nhu cầu đi xuất khẩu lao động đăng ký tham gia các lớp học ngoại ngữ, học nghề định hướng và làm các thủ tục đi xuất khẩu lao động. Tiếp tục áp dụng mức kinh phí hỗ trợ thanh niên hoàn thành NVQS xuất khẩu lao động. Các quận, huyện, thị xã căn cứ vào đặc điểm, tình hình kinh tế – xã hội của mình để xác định các mức kinh phí hỗ trợ cho thanh niên hoàn thành NVQS đi xuất khẩu lao động.

Các trung tâm giới thiệu việc làm cần phối hợp với các phòng văn hóa – thông tin và các đài truyền thanh ở các quận, huyện, thị xã tuyên truyền một cách sâu rộng về lĩnh vực xuất khẩu lao động, nhất là các thông tin về thị trường, điều kiện làm việc, tiêu chuẩn tuyển chọn, mức lương, chi phí, các thủ đoạn lừa đảo trong lĩnh vực xuất khẩu lao động; cần in các tờ rơi, tờ gấp, tài liệu hướng dẫn về xuất khẩu lao động để các UBND các phường, xã trên toàn thành phố phổ biến, tuyên truyền đến người dân thông qua hệ thống loa truyền thanh và các cuộc họp tổ dân phố, từ đó thanh niên chủ động trực tiếp liên hệ với các phòng Lao động, Thương binh và Xã hội của các quận, huyện, thị xã để tham gia các công đoạn của quá trình xuất khẩu lao động.

Quan tâm phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động

Thứ nhất, phân luồng, liên thông đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là thanh niên hoàn thành NVQS đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Đẩy mạnh mô hình đào tạo chất lượng cao. Tiếp nhận, chuyển giao và nghiên cứu nhân rộng hiệu quả các bộ chương trình đào tạo tiên tiến của quốc tế. Xây dựng các nội dung và phương pháp đào tạo để thống nhất sử dụng trong đào tạo và trong đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho lao động là thanh niên hoàn thành NVQS; quy định cụ thể đối với các ngành nghề, công việc phải sử dụng lao động qua đào tạo; xây dựng chính sách tuyển dụng, trả lương, tiền công theo kỹ năng và năng lực hành nghề của lao động là thanh niên hoàn thành NVQS.

Rà soát, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận, đa dạng về loại hình, hình thức tổ chức, phân bổ hợp lý về cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ, cơ cấu vùng miền và liên kết vùng miền hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp nhằm triển khai các hoạt động đào tạo tay nghề cho thanh niên hoàn thành NVQS trên môi trường số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và đa dạng hóa phương thức tổ chức quá trình dạy học.

Thứ hai, tổ chức đào tạo, cung ứng kịp thời nhân lực là thanh niên hoàn thành NVQS cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI), khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ.

Tập trung đào tạo nghề cho người lao động là thanh niên hoàn thành NVQS cả trước – trong – sau quá trình tham gia thị trường lao động; cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động là thanh niên hoàn thành NVQS trong các doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI, nhất là các ngành nghề khoa học – kỹ thuật – công nghệ và đào tạo các chuyên ngành mới trong chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn (IoT), internet vạn vật, chuỗi khối…

Tổ chức thực hiện các giải pháp phù hợp để phân luồng đào tạo thanh niên hoàn thành NVQS hướng tới phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và cơ cấu phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế. Thiết lập mạng lưới thông tin của những người lao động là thanh niên hoàn thành NVQS trở về để thu hút vào làm việc cho các doanh nghiệp FDI của thành phố Hà Nội.

Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên trong hỗ trợ giải quyết việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự

Một là, xây dựng, tạo môi trường cho thanh niên hoàn thành NVQS khởi nghiệp, lập nghiệp. Thông qua các hình thức thông tin, truyền thông, kết nối, tư vấn, hướng dẫn thanh niên hoàn thành NVQS. Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp cho đoàn viên, thanh niên. Cung cấp thông tin về thị trường lao động, xu hướng phát triển nghề nghiệp, việc làm với tầm nhìn phù hợp với từng nhu cầu của thanh thiếu niên.

Xây dựng mạng lưới, cộng đồng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin, thu thập cơ sở dữ liệu số kết nối ý tưởng, mô hình, giải pháp, sản phẩm của thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp với các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tổ chức hiệu quả các ngày hội, hội chợ việc làm, triển lãm khởi nghiệp, phiên giao dịch sản phẩm, ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo cho thanh niên.

Nâng cao nhận thức trách nhiệm của Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên, đặc biệt đội ngũ cán bộ Đoàn – Hội chủ chốt trong nhiệm vụ đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp.

Hai là, đồng hành, chăm lo hỗ trợ thanh niên hoàn thành NVQS khởi nghiệp, lập nghiệp. Thông qua thành lập và duy trì các mô hình thanh niên liên kết phát triển kinh tế; hỗ trợ định hướng, khuyến khích thanh niên hoàn thành NVQS tham gia phát triển kinh tế trong khu vực dịch vụ, ứng dụng khoa học công nghệ, hướng đến xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tổ chức các hoạt động quảng bá, kết nối ý tưởng kinh doanh, hỗ trợ đầu ra sản phẩm của thanh niên; xây dựng nguồn dữ liệu các ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong thanh niên tại các sự kiện; hỗ trợ ươm mầm, tăng tốc, thương mại hoá các ý tưởng, dự án có tính thiết thực cao; đa dạng các hình thức kết nối hỗ trợ đầu tư cho thanh niên hoàn thành NVQS khởi nghiệp…

Ba là, tham mưu chính sách, pháp luật hỗ trợ thanh niên hoàn thành NVQS khởi nghiệp, lập nghiệp.

Nâng cao hiệu quả giám sát của tổ chức đoàn thanh niên các cấp trong các chính sách, pháp luật về lao động, nghề nghiệp, việc làm, khởi nghiệp đối với thanh niên hoàn thành NVQS.

Tích cực kết nối với chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, quỹ đầu tư tạo cơ chế thuận lợi cho thanh niên hoàn thành NVQS tiếp cận hỗ trợ từ chủ trương, chính sách, nguồn vốn, nguồn nhân lực để khởi nghiệp, lập nghiệp.

Kết luận

Mặc dù đã rất cố gắng để đạt được nhiều kết quả nhưng cũng không thể tránh khỏi những hạn chế, khó khăn trong công tác GQVL cho thanh niên hoàn thành NVQS trên địa bàn thành phố. Để có giải pháp thiết thực, khả thi về công tác GQVL cho thanh niên hoàn thành NVQS, bên cạnh việc đánh giá đúng thực trạng, thành phố Hà Nội cần nghiên cứu kinh nghiệm ở một số thành phố trong nước có vị thế, điều kiện tương đồng (như: Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh), từ đó, rút ra những giá trị kinh nghiệm để thành phố Hà Nội nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn GQVL cho thanh niên hoàn thành NVQS.

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Báo cáo của Cục Chính trị tại Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội lần thứ III (2022 – 2027). Hà Nội, tháng 8/2022.
2. Đảng bộ thành phố Hà Nội. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XIII. Hà Nội, 2021.
3. Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 01/7/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về nâng cao hiệu quả nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của thành phố giai đoạn 2021 – 2025.
4. Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 26/01/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020.
5. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Báo cáo kết quả tổ chức tư vấn, hướng nghiệp học nghề, giới thiệu việc làm cho các đối tượng là bộ đội xuất ngũ trên địa bàn thành phố Hà Nội và quân nhân sắp hoàn thành nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ trong quân đội của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô, giai đoạn 2015 – 2020. Hà Nội, tháng 3/2021.
6. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội. Báo cáo về tình hình thị trường lao động và một số giải pháp trọng tâm nhằm phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả và bền vững. Hà Nội, ngày 15/10/2022.
PGS. TS. Lê Duy Chương – NCS. Lê Duy Dũng
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng