Kinh nghiệm phát triển bền vững kinh tế biển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

(Quanlynhanuoc.vn) Bà Rịa – Vũng Tàu là cửa ngõ hướng ra biển Đông của khu vực Đông Nam bộ. Vị trí này cho phép tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế biển như: khai thác dầu khí trên biển, khai thác cảng biển và vận tải biển, khai thác và chế biến hải sản, phát triển du lịch nghỉ dưỡng và tắm biển. Trước yêu cầu phát triển, việc phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế kinh tế biển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay.
 Đặt vấn đề

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển;… Tổ chức tốt việc xây dựng và quản lý thống nhất quy hoạch không gian biển quốc gia, hoàn thiện thể chế quản lý tổng hợp và chuyên ngành về biển, đảo. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đẩy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả các ngành kinh tế biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp và đô thị ven biển”1. Cụ thể hoá quan điểm, đường lối của Đại hội lần thứ XIII của Đảng về phát triển kinh tế biển, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định: Phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Long Thành, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), tỉnh Tây Ninh. Theo đó, phát triển kinh tế biển cho phép khai thác có hiệu quả những lợi thế về cảng nước sâu và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng để phát triển bền vững kinh tế biển, đưa Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT) trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, trung tâm công nghiệp dầu khí hiện đại của cả nước.

Lợi thế về tài nguyên biển, hải đảo và thực tế phát triển kinh tế biển Bà Rịa – Vũng Tàu

BRVT có dải bờ biển kéo dài từ thành phố Vũng Tàu đến huyện Xuyên Mộc và khu vực quần đảo Côn Sơn với trên 305 km cùng thềm lục địa trên 100.000 km2; 7 huyện, thành phố đều giáp biển và liên quan đến biển. BRVT được Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (của Quốc hội), đánh giá là địa phương ven biển tiêu biểu trong số 28 tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam. Vùng biển BRVT nằm trên đường hàng hải quốc tế; có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng về ngành nghề, đặc biệt là trữ lượng dầu mỏ lớn nhất cả nước; khai thác, chế biến hải sản, du lịch biển – đảo, phát triển công nghiệp ven biển; có hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải thuộc nhóm cảng có tốc độ tăng trưởng cao và nhanh trong khu vực Đông Nam Á; đồng thời, là cụm cảng có các chuyến tàu mẹ trực tiếp đi Châu Âu, Châu Mỹ, xếp vào nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới; có nhiều bãi tắm đẹp trải dài từ Vũng Tàu đến Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) và huyện đảo Côn Đảo; đa dạng hệ sinh thái về núi, rừng, biển, đảo; BRVT đã xây dựng các trung tâm dịch vụ logistic, phát triển mạnh hệ thống cảng. Đến nay, BRVT đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động 48 dự án cảng với công suất 141,5 triệu tấn/năm3

Phát huy ưu thế từ tài nguyên biển, cấp ủy, chính quyền tỉnh BRVT tập trung xây dựng quy hoạch, chương trình, kế hoạch khai thác thế mạnh về kinh tế biển, trước hết chú trọng những ngành, lĩnh vực thuộc kết cấu hạ tầng như: giao thông, điện, nước, dịch vụ tài chính, tín dụng, y tế, giáo dục…; đầu tư chiều sâu vào những ngành mũi nhọn như khai thác khoáng sản, phát triển dịch vụ công nghiệp, dịch vụ dầu khí; dịch vụ cảng biển và dịch vụ logistics, phát triển du lịch và dịch vụ du lịch; dịch vụ hậu cần thủy sản… Với định hướng đúng đắn và triển khai thực hiện một cách quyết liệt, sau hơn 36 năm đổi mới, tỉnh đã từng bước định hình được mô hình phát triển kinh tế, xã hội trên cơ sở phát huy những lợi thế tự nhiên về biển, sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn nội lực và chủ động, tích cực hội nhập để phát triển nhanh và bền vững, có cơ cấu kinh tế công – nông nghiệp và dịch vụ hợp lý, vươn lên trở thành tỉnh tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ phát triển.

Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ thứ VII, mục tiêu và các chỉ tiêu phát triển BRVT ở giai đoạn 2021-2025 được xác định là cực tăng trưởng quan trọng của đất nước, với nhiều lĩnh vực nằm trong “top” địa phương dẫn đầu cả nước. Với những chủ trương, chính sách cụ thể, tỉnh BRVT đã khai thác tiềm năng, tài nguyên biển để phát triển nền kinh tế, mang lại nhiều hiệu quả. Trong đó, tỉnh đã bám sát tình hình thực tiễn, phát huy và tận dụng có hiệu quả những thế mạnh vượt trội của địa phương; đồng thời tranh thủ tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hệ thống giao thông kết nối hệ thống cảng biển với các quốc lộ, nhằm nhanh chóng đưa BRVT trở thành trung tâm cảng biển lớn của khu vực và quốc tế.

Với sự đầu tư xứng tầm, hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải trở thành cảng biển đầu tiên của Việt Nam và là cảng thứ 19 của thế giới đón được tàu mẹ siêu lớn, với trọng tải đến 194.000 DWT. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh BRVT có 48/69 bến cảng đang hoạt động, với tổng công suất thiết kế đạt 155,7 triệu tấn/năm; trong đó có 7 dự án bến cảng container lớn với công suất 6,8 triệu TEUs/năm. Nhằm phát huy hệ thống cảng biển, tỉnh BRVT đã huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nối liền các cảng nước sâu, kết nối giao thông đường bộ, đường biển với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngoài ra, để tận dụng hệ thống cảng biển, tỉnh quy hoạch và xây dựng hệ thống các khu công nghiệp gắn với cảng biển. Đến nay, BRVT có 15 khu công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 8.510 ha. Nhiều dự án đầu tư đang được triển khai gồm: Nhà máy sản xuất PPP và kho ngầm chứa LPG của Tập đoàn Hyosung với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD; Tổ hợp hóa dầu miền Nam với vốn đầu tư 5,4 tỷ USD; Trung tâm Điện lực Long Sơn với vốn đầu tư 4,5 tỷ USD4

Ngành dịch vụ du lịch của tỉnh được thiên nhiên ban tặng những di sản tự nhiên quy báu tầm cỡ khu vực và thế giới như: bãi Trước, bãi Sau, Long Hải và Côn Đảo… đồng thời hòa quyện với những di tích lịch sử văn hóa cách mạng hào hùng và bi tráng của dân tộc như nhà tù Côn Đảo, nghĩa trang Liệt sĩ Hàng Dương, khu an nghỉ của Cô Sáu, mộ Tổng Bí thư Lê Hồng Phong kết thành những giá trị vật chất và tinh thần vô giá, thu hút hàng triệu khách quốc tế và trong nước mỗi năm.

Ngành đánh bắt, chế biển hải sản cũng là một trong những thế mạnh để phát triển kinh tế biển của tỉnh BRVT. Hệ thống cảng biển của tỉnh BRVT được quy hoạch không chỉ khai thác các lợi thế về biển mà còn được đặt trong tổng thể với quốc phòng, an ninh, với khu vực phòng thủ cấp vùng và cấp tỉnh. Những lợi thế này nhiều năm qua trở thành là động lực quan trọng để BRVT duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trở thành một trong 3 địa phương có số thu ngân sách đứng đầu cả nước.

Cùng với phát triển kinh tế, BRVT chú trọng đến phát triển kết cấu hạ tầng biển, ven biển và đô thị ven biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững kinh tế biển…

Nghị quyết số 24-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 là cơ sở để tỉnh BRVT tiếp tục xác định phát triển kinh tế biển phải theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh trên cơ sở khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên biển và hải đảo. Theo đó, tỉnh BRVT đã giao cho các sở, ngành và các đơn vị liên quan rà soát tính toán, làm rõ thêm nhu cầu, định hướng, lộ trình đầu tư phát triển các bến cảng thuộc cảng biển BRVT, đặc biệt là khu bến hạ lưu Cái Mép Hạ để thống nhất phạm vi, nội dung quy hoạch vùng đất, vùng nước cảng biển của tỉnh theo hướng bền vững và bảo đảm môi trường sinh thái.

Xác định kết nối liên kết vùng là một trong những yếu tố then chốt phát huy lợi thế cảng biển, BRVT đã đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đa phương tiện, đồng bộ, kết nối với hệ thống giao thông biển như: cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường Vành đai 4 – TP. Hồ Chí Minh, cầu Phước An, sân bay Côn Đảo…; thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm giai đoạn 2021-2025 để hoàn tất tuyến đường ven biển kết nối TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, sân bay Long Thành, Bình Thuận chạy dọc theo bờ biển với tổng chiều dài 76 km (qua 6/8 huyện, thị, thành phố của tỉnh), giải quyết điểm nghẽn trong kết nối, hình thành hành lang kinh tế biển liên hoàn, toàn diện giữa BRVT với các tỉnh, thành phố khác trong vùng, cả nước và quốc tế.

Mặc dù tỉnh BRVT có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế biển, tuy nhiên trên thực tế việc khai thác và phát huy các lợi thế từ kinh tế biển vẫn còn khó khăn, hạn chế. Ví dụ, như: trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản, dù là địa phương có số phương tiện khai thác thủy sản lớn thứ hai cả nước, nhưng số phương tiện hành nghề giã cào chiếm tới hơn 1.500 chiếc5. Ðây là hình thức đánh bắt có tính tận diệt, không được tỉnh khuyến khích. Vừa qua, tỉnh BRVT đã gửi thông báo đến tất cả cơ sở đóng, sửa tàu thuyền trên địa bàn yêu cầu không nhận hợp đồng đóng mới đối với các loại tàu làm nghề giã cào.

Xác định phát triển du lịch là một trong các trụ cột kinh tế quan trọng của tỉnh với định hướng phát triển trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Hiện nay, vùng biển và ven biển từ Vũng Tàu – Long Hải – Phước Hải – Bình Châu của tỉnh và  huyện Côn Đảo tập trung phát triển hoạt động du lịch. Trong đó, trục động lực kinh tế du lịch của tỉnh được định hình tại khu vực ven biển phía Đông Nam dọc tuyến đường ven biển Vũng Tàu – Bình Thuận, với chuỗi đô thị du lịch Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Lộc An, Hồ Tràm, Bình Châu; phát triển các khu du lịch quốc gia Long Hải – Phước Hải, Hồ Tràm – Bình Châu và khu du lịch quốc gia Côn Đảo…

Hiện nay, tỉnh đang đặt ra quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung chủ yếu vào 5 trung tâm du lịch và vùng du lịch được xác định là thành phố Vũng Tàu, cụm du lịch Long Hải – Phước Hải, cụm du lịch Núi Dinh – Bà Rịa, cụm du lịch Bình Châu – Hồ Tràm và cụm du lịch Côn Ðảo… Tỉnh tăng cường công tác rà soát các dự án du lịch chậm triển khai, mời gọi các nhà đầu tư có năng lực vào đầu tư tại địa phương. Mặt khác, để đánh thức tiềm năng du lịch biển và tạo ra những sản phẩm du lịch mới, BRVT đã xây dựng tuyến đường ven biển nối thành phố Vũng Tàu với các huyện Long Ðiền, Ðất Ðỏ, Xuyên Mộc và với tỉnh Bình Thuận dài hàng chục km, đi qua các làng chài, vốn nhiều đời chỉ quen nghề đánh bắt thủy, hải sản. Nhờ đó, hàng loạt nhà đầu tư các dự án du lịch lớn đã tìm về đây, trong đó có không ít dự án có số vốn đầu tư lên tới cả tỷ USD, có tính dẫn dắt, định vị thương hiệu du lịch biển uy tín của tỉnh nhà.

Một số kinh nghiệm thực tiễn

Từ thực tiễn phát triển kinh tế biển ở tỉnh BRVT thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm trong phát triển kinh tế vùng ven biển:

Một là, quan tâm đào tạo đội ngũ nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, chú trọng đặc biệt đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh. Vì tài nguyên thiên nhiên chỉ là quan trọng, là bệ đỡ, nhân tố con người mới là quyết định, là trung tâm, chính vì vậy quan tâm đào tạo con người, sẽ quyết định sự phát triển của tỉnh trong vùng và toàn quốc. Cần có những cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài ở những ngành, lĩnh vực phục vụ cho phát triển kinh tế biển; tạo môi trường thuận lợi để nguồn nhân lực phát triển, khai thác tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình cho các hoạt động phát triển kinh tế du lịch; đẩy mạnh hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực với những nước phát triển mạnh về kinh tế biển, như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản…

Hai là, chủ động và tích cực hội nhập nội vùng, hội nhập trong nước và quốc tế trong kêu gọi, thu hút đầu tư. Nguồn lực trong tỉnh là hữu hạn, do đó muốn nhân lên sức mạnh nội sinh, cần phải khai thác thế mạnh từ bên ngoài và của Trung ương. Trong nền kinh tế thị trường, tất cả các nhà đầu tư đều coi lợi nhuận của họ là nguyên tắc đầu tư và kinh doanh; do đó cần phải xây dựng BRVT thành địa chỉ “hấp dẫn”, không chỉ hứa hẹn tỷ suất lợi nhuận cao mà còn là tỉnh xanh-sạch-đẹp-đáng sống, an ninh, an toàn.

Ba là, quan tâm xây dựng, quảng bá một số thương hiệu du lịch biển đặc thù. Sản phẩm du lịch biển đặc thù là những sản phẩm được xây dựng dựa trên giá trị độc đáo nhất từ tài nguyên biển. Với tư cách là một địa chỉ “hấp dẫn” về dịch vụ và du lịch, BRVT cần quyết liệt hơn trong việc sáng tạo ra những dịch vụ không chỉ dừng lại ở mức độ thoả mãn nhu cầu và níu kéo du khách mà cần đạt đến sự đặc sắc có một không hai”, đã dùng một lần sẽ không thể quên, đã đến rồi lại mong muốn đến nữa như vậy mới tạo dấu ấn, ghi nhớ đối với du khách; đó cũng là những giá trị cốt lõi của sự phát triển bền vững bất kỳ ngành dịch vụ nào, trong đó có du lịch. Muốn vậy, Tỉnh uỷ và chính quyền tỉnh cần có chủ trương, biện pháp phù hợp, hiệu quả trong quản lý, khai thác, sử dụng các cơ sở kinh doanh du lịch ở những khu vực ven biển; tăng cường kiểm tra, đánh giá việc sản xuất, kinh doanh dịch vụ du lịch về chất lượng, xây dựng thái độ ứng xử có văn hoá giữa người dân địa phương với du khách đến tham quan, du lịch nghỉ dưỡng; kiên quyết xử lý đối với những tập thể, cá nhân có biểu hiện “chặt chém” du khách, chất lượng phục vụ không tốt.

Bốn là, tăng cường đổi mới đầu tư theo chiều sâu trang thiết bị hiện đại thuộc kết cấu hạ tầng về kỹ thuật, pháp lý và xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiến hành các thủ tục hành chính và giải ngân nhanh chóng, hiệu quả. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nhân lực chất lượng cao, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ cảng biển, góp phần khai thác hiệu quả, bền vững các nguồn lực tự nhiên liên quan đến vùng biển.

Tính quy luật trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh tế biển và dịch vụ cảng biển trên thế giới chỉ rõ, nhà nước ngoài việc “trải thảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư, cần phải chuẩn bị tốt, kỹ lưỡng vốn đối ứng và suất đầu tư hấp dẫn, tạo sự tin cậy cho đối tác trong và ngoài nước. Nhận đầu tư của đối tác nước ngoài phải coi trọng việc đánh giá tác động môi trường, đặc biệt là vấn đề chất thải của các công trình đầu tư ra môi trường theo nguyên tắc, không hy sinh môi trường để có công trình, có nguồn thu ngân sách.

Năm là, mở cửa đón nhận đầu tư ODA và FDI là cần thiết đối với cả nền kinh tế cũng như từng địa phương, song không tiếp nhận một cách ồ ạt, mà phải có sự cân nhắc, lựa chọn thận trọng. Ưu tiên những nhà đầu tư công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ sạch, thân thiện môi trường, công nghệ số; hạn chế tiến đến chấm dứt việc tiếp nhận công nghệ cũ, lạc hậu, công nghệ thâm dụng tài nguyên, thâm dụng lao động và phát thải độc hại.

Kết luận

Tài nguyên biển là tài sản quốc gia của nhiều thế hệ, do đó thế hệ hôm nay phải có tầm nhìn, đề ra nguyên tắc khai thác, sử dụng một cách hiệu quả, tiết kiệm gìn giữ cho các thế hệ mai sau. Trước hết là gìn giữ biển Việt Nam, biển Vũng Tàu xanh-sạch-đẹp và xây dựng những công trình trọng điểm ven biển và trên biển để có thể khai thác, sử dụng cho nhiều thế hệ; góp phần phát triển kinh tế xanh, ổn định, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ và bảo tồn tài nguyên biển cho muôn đời.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.125-126.
2,3. Hoàng Duy. Hợp tác quốc tế và phát triển kinh tế biển – động lực cho phát triển các tỉnh Duyên hải miền Trung, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 10/12/2022.
4. Bà Rịa – Vũng Tàu khai thác lợi thế, tiềm năng kinh tế biển. Nhandan.vn, ngày 12/7/2019.
5. Bà Rịa – Vùng Tàu: Tổng sản lượng thuỷ sản khai thác 2 tháng đầu năm đạt trên 62 nghìn tấn. Tongcucthuysan.gov.vn, ngày 30/01/2023.
TS. Nguyễn Thị Hồng Huệ
Trường Chính trị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu