Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thanh niên tại Bộ Giao thông vận tải

(Quanlynhanuoc.vn) – Công tác quản lý nhà nước về thanh niên luôn được cấp ủy, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải chú trọng quan tâm. Thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên; chỉ đạo Đoàn Thanh niên Bộ tiến hành kiểm tra các cơ sở đoàn trực thuộc trong việc tham gia giám sát công tác quản lý nhà nước về thanh niên tại đơn vị. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác này gặp một số hạn chế, cần nghiên cứu và đề xuất các giải pháp một cách đồng bộ, quyết liệt nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên trong thời gian tới.
Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Giao thông vận tải lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022 – 2027. Ảnh: tapchigiaothong.vn.
Thực trạng công tác quản lý nhà nước về thanh niên tại Bộ Giao thông vận tải

Một là, công tác chỉ đạo, điều hành: hiện nay, Vụ Tổ chức cán bộ thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ tham mưu công tác quản lý nhà nước (QLNN) về thanh niên; phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của Bộ ban hành và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển thanh niên của ngành GTVT hằng năm và theo từng giai đoạn; tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên thuộc chức năng QLNN của Bộ.

Đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, công tác QLNN về thanh niên được giao cho các bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ để thực hiện, triển khai các chương trình, hoạt động thanh niên; chăm lo, bồi dưỡng, đào tạo và phát huy vai trò của thanh niên. Theo Quyết định số 1120/QĐ-BGTVT ngày 17/4/2017 của Bộ GTVT về việc phê duyệt vị trí việc làm trong các cơ quan tham mưu giúp việc Bộ trưởng, việc thực hiện nhiệm vụ QLNN về thanh niên được giao cho một công chức của Vụ Tổ chức cán bộ với vị trí việc làm “theo dõi Hội và công tác Thanh niên”. Tuy nhiên, đến nay, do khối lượng công việc nhiều, biên chế lại hạn hẹp, Vụ Tổ chức cán bộ chưa bố trí được công chức chuyên trách về công tác thanh niên, vẫn còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ hiện nay cũng không có biên chế chuyên trách làm công tác QLNN về thanh niên.

Hai là, triển khai thi hành Luật Thanh niên: Bộ GTVT đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên Bộ ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để duy trì các kênh thông tin để tuyên truyền, phổ biến, triển khai các Nghị quyết, văn bản của Trung ương, của Chính phủ, Đảng ủy Bộ, Bộ GTVT liên quan đến công tác thanh niên, như: Luật Thanh niên, Nghị định số 13/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 của Chính phủ quy định về đối thoại với thanh niên,cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; Nghị định số 17/2021/NĐ-CP ngày 09/3/2021 của Chính phủ quy định về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; Quyết định số 1331/QĐ-TTg ngày 24/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2021 – 2030 và kế hoạch thực hiện của Bộ GTVT; Nghị quyết số 30-NQ/ĐU của Đảng ủy Bộ về nâng cao vai trò của cấp ủy đảng đối với công tác thanh niên trong Đảng bộ Bộ GTVT giai đoạn 2021 – 2025…; theo đó, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho thanh niên Bộ GTVT và các cơ sở Đoàn trực thuộc đã đăng tải hơn 60 tin, bài viết và nhiều hình ảnh hoạt động của Đoàn trên cổng thông tin điện tử của Bộ, báo Giao thông, tạp chí GTVT và các trang mạng xã hội.

Để thực hiện Nghị định số 13/2021/NĐ-CP về đối thoại với thanh niên, theo định kỳ, cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cũng đã làm việc với Đoàn Thanh niên để theo dõi, nắm bắt tư tưởng, có chỉ đạo phù hợp; tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, trong đó có lực lượng thanh niên, tham vấn ý kiến của thanh niên về các vấn đề có liên quan đối với doanh nghiệp và quyền lợi của thanh niên.

Ba là, triển khai Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021- 2030: Bộ tiếp tục triển khai Quyết định số 2033/QĐ-BGTVT ngày 30/11/2021 ban hành Chương trình phát triển thanh niên Bộ GTVT giai đoạn 2021 – 2030, Quyết định số 2238/QĐ-BGTVT ngày 28/12/2021 ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển thanh niên Bộ GTVT giai đoạn 2021 – 2030. Ngoài ra, để triển khai Quyết định số 311/QĐ-TTg ngày 05/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022 – 2030”, Bộ ban hành Quyết định số 895/QĐ-BGTVT ngày 11/7/2022 về Kế hoạch triển khai Chương trình này vào hoạt động thực tế công việc. Bên cạnh đó, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động của các cơ quan, đoàn thể về công tác thanh niên; đồng thời, thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển thanh niên Bộ GTVT giai đoạn 2021 – 2030, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ chủ động lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu của các chương trình, kế hoạch để xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển của cơ quan, đơn vị trong từng giai đoạn cụ thể.

Bốn là, giải quyết chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong: tập trung giải quyết chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 – 1975 quy định tại Nghị định số 112/2017/NĐ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ; chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến quy định tại Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC ngày 16/4/2012 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính; các quy định tại Nghị định số 12/2011/NĐ-CP ngày 30/01/2011 của Chính phủ quy định về tổ chức và chính sách với thanh niên xung phong; Thông tư số 18/2014/TT-BNV ngày 25/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Riêng năm 2022, Bộ GTVT đã tiếp hơn 200 lượt công dân, giải quyết hơn 200 lượt hồ sơ chế độ, chính sách là các thanh niên xung phong, trả lời hơn 130 lượt văn bản để giải quyết dứt điểm các hồ sơ liên quan.

Năm là, triển khai Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ về thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ: các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT đã tập trung tìm kiếm việc làm, phát triển sản xuất – kinh doanh, nâng cao chất lượng lao động, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho lực lượng lao động trẻ; xây dựng quy chế trả lương để khuyến khích lao động trẻ; ban hành quy chế đào tạo, xây dựng tiêu chuẩn đào tạo bảo đảm lực lượng thanh niên được tham dự các khóa đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ. Xây dựng vị trí việc làm, rà soát biên chế để bố trí, sắp xếp lao động, xây dựng kế hoạch tuyển dụng các vị trí phù hợp.

Công tác bố trí, sử dụng cán bộ trẻ có trình độ, năng lực được chú trọng. Nhiều đơn vị đã tiến hành quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch vị trí lãnh đạo chủ chốt của cơ quan, đơn vị những đoàn viên có đủ phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để theo dõi, thử thách; mạnh dạn giao những phần việc khó, đòi hỏi tính sáng tạo cao cho đoàn viên, thanh niên. Công tác bố trí cán bộ trẻ có tài năng đảm nhận các nhiệm vụ quan trọng, phù hợp được các cấp ủy đảng, lãnh đạo quan tâm thực hiện góp phần nâng cao tỷ lệ cán bộ trẻ trong cấp ủy, các cục, vụ, phòng, ban… Những năm qua, có nhiều đoàn viên, thanh niên được xem xét, bố trí, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo cơ quan, đơn vị phù hợp.

Sáu là, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế về thanh niên theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ GTVT: các cơ quan, đơn vị đã triển khai các hoạt động trang bị kỹ năng hội nhập quốc tế cho thanh niên; nâng cao nhận thức của thanh niên về công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước theo tinh thần độc lập, tự chủ, hợp tác, phát triển, đa phương hóa góp phần bảo vệ hòa bình tiến bộ xã hội; đồng thời, tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế về QLNN về công tác thanh niên với các nước trên thế giới. Để triển khai hiệu quả nhiệm vụ này, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức nước ngoài, cơ sở đào tạo để cử công chức, viên chức trẻ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu ở trong và ngoài nước, như: Chương trình hợp tác kỹ thuật cấp cơ sở của JICA Nhật bản, Thỏa thuận kiểm tra nhà nước tại cảng biển Khu vực châu Á – Thái Bình Dương (TOYOKO MOU), Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO)…

Bảy là, tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ QLNN về thanh niên và tăng cường công tác kiểm tra: toàn bộ công chức, viên chức các đơn vị trực thuộc Bộ theo dõi công tác thanh niên được tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác QLNN về thanh niên. Tuy nhiên, do điều kiện ngành GTVT còn nhiều khó khan nên việc bố trí kinh phí, tổ chức các lớp tập huấn về công tác QLNN về thanh niên là rất khó. Thời gian qua, công tác tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ QLNN về thanh niên đã được linh hoạt phổ biến, cập nhật thông qua các buổi sinh hoạt của Đoàn Thanh niên Bộ và các văn bản hướng dẫn của Bộ đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Bộ cũng đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên Bộ GTVT và các đơn vị trực thuộc đang tải các tin, bài viết và hình ảnh hoạt động về công tác thanh niên trên cổng thông tin điện tử của Bộ, báo Giao thông, tạp chí GTVT và các trang mạng xã hội để tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến các công chức, viên chức.

Các cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp với tổ chức Đoàn thanh niên hằng năm kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ QLNN về thanh niên, chiến lược, chương trình phát triển thanh niên theo chuyên đề, đột xuất hoặc lồng ghép kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ công tác của các cơ quan, đơn vị; nhằm tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ QLNN về thanh niên để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc triển khai,

Được sự quan tâm của Ban Cán sự đảng và Đảng ủy Bộ GTVT, công tác QLNN về thanh niên được triển khai đồng bộ, kịp thời tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Đơn vị tham mưu về công tác QLNN về thanh niên đã thực hiện lồng ghép chính sách phát triển thanh niên trong công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển chung của ngành GTVT theo đúng quy định, trong đó đã đề cao trách nhiệm của các cấp đối với công tác thanh niên, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của thanh niên, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, tiềm năng to lớn của thanh niên.

Với đặc thù địa bàn hoạt động của ngành GTVT trải dài khắp cả nước, nhiều đơn vị hoạt động theo ca kíp nên gặp khó khăn về công tác tổ chức, quản lý thanh niên. Công chức được giao nhiệm vụ công tác thanh niên đều kiêm nhiệm với khối lượng công việc nhiều, chưa được cập nhật thường xuyên các chương trình đào tạo, tập huấn chuyên sâu nên công tác nghiên cứu, tham mưu, tuyên truyền, phổ biến các kiến thức QLNN về công tác thanh niên còn gặp nhiều khó khăn.

Một số giải pháp quản lý nhà nước về thanh niên ngành Giao thông vận tải

Nhằm xây dựng lực lượng thanh niên ngành GTVT phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc; có lý tưởng cách mạng, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng đất nước; có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; có sức khỏe và lối sống lành mạnh; có văn hóa, kiến thức, trình độ học vấn, kỹ năng sống, nghề nghiệp và việc làm; có ý chí lập thân, lập nghiệp, năng động, sáng tạo, làm chủ khoa học -công nghệ; phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của ngành và hội nhập quốc tế; phát huy tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện và nâng cao trách nhiệm của thanh niên trong công tác xây dựng và phát triển ngành GTVT, toàn ngành cần tập trung triển khai một số giải pháp đồng bộ sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp.

Chú trọng giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật, trách nhiệm của thanh niên đối với bản thân, gia đình và xã hội. Kết hợp chặt chẽ giáo dục pháp luật với giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa; lịch sử, truyền thống và ý thức tự tôn dân tộc; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống trong thanh niên thông qua việc thực hiện các cuộc vận động “thanh niên với văn hóa công sở”; “thanh niên với văn hoá giao thông”… góp phần xây dựng bản lĩnh và văn hóa cho thanh niên”.

Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa chính quyền các cấp; phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên và các tổ chức thanh niên. Tổ chức đối thoại trực tiếp với thanh niên để nghe báo cáo kế hoạch triển khai chương trình công tác năm, tình hình thực hiện nhiệm vụ, lắng nghe các kiến nghị, tâm tư nguyện vọng, để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết vướng mắc, tháo gỡ những khó khăn; đồng thời, tin tưởng giao những việc mới, việc khó cho thanh niên và tổ chức Đoàn.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Thanh niên năm 2020, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, Chương trình phát triển thanh niên Bộ GTVT giai đoạn 2021 – 2030 và các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thanh niên.

Đổi mới nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh niên phù hợp với từng nhóm đối tượng. Các đơn vị khối báo chí, xuất bản, Trung tâm Công nghệ thông tin mở các chuyên trang, chuyên mục về công tác thanh niên, hoạt động của Đoàn Thanh niên, gương người tốt, việc tốt trong thanh niên.

Thứ ba, tăng cường các hoạt động hỗ trợ thanh niên.

Các đơn vị chú trọng việc tạo cơ hội cho thanh niên được học tập, nâng cao trình độ, tri thức và kỹ năng; tạo mọi điều kiện để thanh niên thi đua học tập, nghiên khoa học, công nghệ, đào tạo về khoa học – công nghệ, đào tạo ngoại ngữ và các chuyên môn, tích cực tham gia sản xuất, cải tiến kỹ thuật, phát triển kinh tế – xã hội.

Các trường trực thuộc Bộ GTVT cần đổi mới các hoạt động hỗ trợ thanh niên học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học; thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; xây dựng các chương trình đào tạo tiếng Anh chuyên ngành trên mạng internet có chất lượng nhằm tạo điều kiện để thanh niên được tiếp cận và học tập miễn phí.

Triển khai cơ chế hợp tác giữa các trường trực thuộc Bộ với các tổ chức kinh tế; hoàn thiện hệ thống thông tin tư vấn về việc làm và khởi nghiệp; tổ chức các cuộc thi tay nghề, sáng kiến cho thanh niên.

Thứ tư, bảo đảm các nguồn lực thực hiện công tác QLNN về thanh niên.

Bảo đảm về số lượng và chất lượng đội ngũ thực hiện nhiệm vụ QLNN về thanh niên phù hợp với tình hình của từng cơ quan, đơn vị. Khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực hợp pháp trong nước và ngoài nước để triển khai thực hiện. Hiện đại hóa và tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ, đáp ứng nhu cầu đào tạo cho thanh niên của ngành GTVT.

Thứ năm, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên, công đoàn các cấp.

Tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức đoàn thể các cấp. Huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể trong việc chăm lo, bồi dưỡng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên; vận động các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp nhằm phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên trong công tác xây dựng và phát triển ngành GTVT.

Với vai trò là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng QLNN trong lĩnh vực GTVT, trải qua các thời kỳ lịch sử với chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức có nhiều thay đổi, Bộ GTVT đã đảm nhận thành công nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng được Đảng và Nhà nước giao phó. Đây là kết quả phấn đầu của toàn ngành trong đó có lực lượng thanh niên với vai trò là lực lượng xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công tác xây dựng và phát triển ngành GTVT nói chung và Bộ GTVT nói riêng. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cơ quan, đoàn thể trong ngành GTVT về thanh niên và công tác thanh niên; tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thanh niên và phát huy sức mạnh, vai trò xung kích của thanh niên đi đầu trong việc thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển GTVT tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án Công nghiệp hóa – hiện đại hóa Bộ GTVT định hướng đến năm 2030 đã đề ra.

Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 – 2030.
2. Vũ Đăng Minh. Cơ sở khoa học nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. H. NXB Chính trị quốc gia, 2014.
3. Vũ Đăng Minh. Quản lý nhà nước về thanh niên thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. H. NXB Chính trị quốc gia, 2016.
4. Luật Thanh niên năm 2020.
5. Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
6. Nghị định số 112/2017/NĐ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ quy định về chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 – 1975.
7. Quyết định số 1331/QĐ-TTg ngày 24/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030.
8. Quyết định số 1113/QĐ-BNV ngày 17/10/2021 của Bộ Nội vụ ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030.
9. Quyết định số 2033/QĐ-BGTVT ngày 30/11/2021 của Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành Chương trình phát triển thanh niên Bộ Giao thông vận tải giai đoạn 2021 – 2030.
ThS. Vũ Minh Thái
Bộ Giao thông vận tải