(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 23/3/2023, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị triển khai và tuyên truyền, phổ biến thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực Nội vụ năm 2023. Đồng chí Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, thành viên Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục, pháp luật Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có: lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động các đơn vị khối cơ quan Bộ; lãnh đạo đơn vị, chuyên viên chính và tương đương trở lên thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước. Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có: lãnh đạo Học viện; trưởng, phó các khoa, ban, đơn vị; trưởng, phó phòng; chuyên viên chính và tương đương trở lên.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là nội dung quan trọng của quá trình thực thi pháp luật, luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội (Nhà nước, tổ chức, công dân) quan tâm ở cả nội dung và hình thức phổ biến, truyền tải pháp luật. Đồng thời, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với các tổ chức, người dân, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Thực hiện Quyết định số 88/QĐ-BNV ngày 15/02/2023 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực Nội vụ năm 2023, Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật; đáp ứng kịp thời nhu cầu nắm bắt, tìm hiểu văn bản quy phạm pháp luật của các đối tượng thi hành. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực Nội vụ, đưa pháp luật vào cuộc sống, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin pháp luật, nhất là các luật mới ban hành và các văn bản hướng dẫn thi hành thuộc lĩnh vực Nội vụ đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ, ngành Nội vụ và các đối tượng liên quan; gắn tuyên truyền, phổ biến pháp luật với xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành Nội vụ. Qua đó, nâng cao ý thức tuân thủ, thực thi pháp luật của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Nội vụ, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật.
Thứ trưởng đề nghị các cán bộ, công chức, viên chức dự Hội nghị tập trung tiếp thu, quán triệt những nội dung cơ bản, tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu sâu những điều khoản cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật, vận dụng vào thực thi nhiệm vụ và trong cuộc sống.
Tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe báo cáo phổ biến, tuyên truyền nội dung 4 văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, có tác động sâu, rộng đến xã hội, gồm: Luật Thi đua, khen thưởng (số 06/2022/QH15 ngày 15/6/2022); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (số 10/2022/QH15 ngày 10/11/2022); Nghị định số 111/2022/NĐ–CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng Ban Thi đua khen thưởng Trung ương phổ biến Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 với các nội dung chính: (1) Cơ sở xây dựng luật. (2) Quá trình xây dựng luật. (5) Quan điểm, mục tiêu và bố cục luật. (4) Các điểm mới căn bản của luật. (5) Tổ chức và triển khai luật. Luật được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 15/6/2022 và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2024. Luật gồm 8 chương và 96 điều, trên cơ sở kế thừa các nội dung của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành, thể chế hóa chủ trương Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.
Đồng chí Nguyễn Hữu Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương trình bày các vấn đề liên quan đến Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, tập trung vào 3 nội dung chính: (1) Sự cần thiết ban hành luật. (2) Quan điểm, mục tiêu xây dựng luật. (3) Những nội dung chính và điểm mới cơ bản của luật. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 gồm 6 chương, 91 điều, trên cơ sở thể chế hóa tinh thần Hiến pháp năm 2013, các quy định của đảng; kế thừa các quy định của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007, các nghị định của Chính phủ về dân chủ trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Luật được ban hành ngày 10/11/2022 với mục tiêu thể chế 6 nội dung phương châm: dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.
Báo cáo về Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, đồng chí Lê Minh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức trình bày những nội dung: thực trạng công tác thi tuyển công chức và yêu cầu đổi mới hiện nay; những nội dung cơ bản của Nghị định; định hướng triển khai Nghị định trong thời gian tới. Nghị định quy định những nội dung mới, nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Nghị định gồm 3 chương, 14 điều, có hiệu lực từ ngày 10/4/2023.
Đồng chí Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức báo các các nội dung phổ biến Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 22/02/2023 với 4 chương, 15 điều, quy định về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, thay thế cho Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập sẽ thực hiện ký kết, áp dụng chế độ, chính sách theo pháp luật lao động, dân sự và các quy định khác có liên quan. Ngoài ra, còn thực hiện hợp đồng với các vị trí công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính thực hiện quản lý, chính sách như công chức và các công việc chuyên môn, nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong đơn vị sự nghiệp công lập.