Cuốn sách: Quản lý mở

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong cuốn Quản lý linh hoạt xuất bản trước đó, hai tác giả TS. Cherry Vũ và Rob England đã hướng dẫn các nhà quản lý, lãnh đạo và những ai thực sự muốn thay đổi bản thân để trở nên tốt hơn, để làm việc và quản lý tốt hơn. Đến lượt Quản lý mở thì lý giải: Tại sao cần phải làm như vậy? Nội dung cuốn sách có nhiều chỉ dẫn cách thức, phương thức để thúc đẩy người làm việc trong tổ chức đạt hiệu quả và xã hội hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn – theo những cách tồn tại và phát triển cũng tốt đẹp, bền vững hơn.

Người quản lý là chiếc chìa khoá

Sống trong thế giới VUCA (viết tắt của “Volatile,” “Uncertain,” “Complex,” and “Ambiguous’’, nghĩa là “Không ổn định”, “Không chắc chắn”, “Phức tạp” và “Mơ hồ”), kết hợp kinh nghiệm làm việc với nhiều tổ chức ở các lĩnh vực khác nhau trên thế giới, TS. Cherry Vũ và Rob England luôn mong muốn cá nhân người quản lý và tổ chức của họ có/đạt được sự tốt đẹp, thành công từ nhiều khía cạnh, như: kết quả làm việc tốt hơn, gia đình tốt hơn, cuộc sống tốt hơn, tổ chức tốt hơn, xã hội tốt hơn. Vì thế, các tác phẩm của họ luôn được triển khai theo hướng tư duy này.

Chìa khóa để đạt hiệu quả và thành công trong công việc chính là người quản lý. Họ phải cởi mở và trở nên thân thiện hơn, toàn diện hơn, phục vụ và minh bạch, cho phép các cách làm việc trong tổ chức trở nên tốt hơn. Nhiều nhà quản lý tâm huyết với công việc thường tập trung tìm kiếm các mô hình giúp tăng hiệu quả quản lý mà không ngờ rằng, chìa khóa lại nằm ở chính tư duy và cách hành xử của họ.

Cuốn sách này được viết ra để giúp các nhà quản lý hiểu các nguyên tắc và có hành vi ứng xử trong quản lý theo cách tốt hơn; đồng thời, đề xuất những phương thức, cách tư duy quản lý mới để giúp các nhà quản lý biết tự khám phá và truyền cảm hứng cho đội ngũ, giúp họ làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn.

Thông điệp của cuốn sách

Xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn tư vấn cho các tổ chức ở nhiều lĩnh vực khác nhau trên thế giới, hai tác giả đã rút ra những bài học kinh nghiệm từ những sai lầm, thất bại của họ để luôn nhấn mạnh với chính mình và khách hàng rằng: “…chúng ta có rất ít quyền kiểm soát đối với việc mình sẽ là gì hoặc ở đâu, nhưng – bởi vì chúng ta là con người – tất cả đều có thể có tác động lớn hơn nhiều đến việc mình sẽ là ai, cả trong tư cách cá nhân lẫn một tổ chức”. Vì thế, cần “những cách suy nghĩ tốt hơn: về sự thay đổi xã hội, về những lý tưởng cao đẹp hơn, về sự hợp nhất Điều Thật – Điều Tốt – Điều Đẹp”.

Thông điệp tác giả đưa ra rất giản dị:

– Bản chất của quản lý là điều hòa và xử lý mối quan hệ Con người – Con người, vì thế quản lý tốt là gì? Là cần khiến cho nhân viên muốn làm tốt công việc của họ. Là tôn trọng, trao quyền và tin tưởng nhân viên. Là biết chấp nhận thất bại như một thứ hành trang chứ không phải sự trả giá. Là sửa chữa hệ thống chứ không phải tấn công cá nhân. Là đặt câu hỏi và cùng nhân viên khám phá câu trả lời,…

– Không bao giờ có công thức chung cho các vấn đề tương tự nhau. Vì thế, đòi hỏi sự linh hoạt trong tư duy và giải quyết vấn đề. Lean, Agile, Kanban,… phương pháp nào cũng được, mấu chốt là Con người – Các hệ thống và Sự thích ứng.

– Muốn thành công, phải tự mình thử nghiệm và cố gắng, dù chỉ từng bước một.

Những câu chuyện thực tế

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế của các tác giả cũng như khách hàng của họ về việc họ đã áp dụng Quản lý mở và đã thành công như thế nào. Đây là phần nội dung hữu ích và đặc biệt có giá trị đối với các nhà quản lý trẻ. Đó có thể là câu chuyện của những doanh nghiệp nhỏ với quy mô vài chục người, đến những chia sẻ của các quản lý ở các tập đoàn có số nhân viên vài chục ngàn người.

Sau khi được hướng dẫn, giúp đỡ để áp dụng Quản lý mở và Tư duy linh hoạt vào hoạt động của tổ chức để làm cho hệ thống nhanh hơn, hiệu quả hơn, an toàn hơn và hạnh phúc hơn, các doanh nghiệp đều đạt được kết quả ngoài sức tưởng tượng, thậm chí vượt trên những nghi ngờ của họ trước khi tiếp cận phương pháp. Nhân sự có thể được cắt giảm, quy mô văn phòng thu hẹp nhưng doanh thu của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động lại tăng gấp vài lần. Điều hơn cả là chủ doanh nghiệp hay người quản lý đều cảm thấy thanh thản hơn, hiệu quả hơn trong điều hành. Còn nhân viên dưới quyền thì có động lực hơn với tinh thần trách nhiệm cao vì họ được làm chủ công việc được giao. Thành quả này là nhờ mọi người đã cởi mở, đã thấu hiểu và có cùng hệ tư duy linh hoạt, giúp họ ứng phó nhanh với sự thay đổi, người quản lý hiểu phương pháp làm việc của Quản lý mở và áp dụng phương pháp này một cách hiệu quả.

Công việc mở – Quản lý mở – Tư duy mở

Mọi người cần cởi mở cách làm việc của mình, cần dũng cảm thừa nhận những khiếm khuyết; chủ động minh bạch, hiển thị hóa công việc và trung thực. Nhà quản lý cần cởi mở để đón nhận con người (chấp nhận sự đa dạng), cho họ không gian (để tự chủ xử lý công việc) và để mọi người được kết nối với nhau (khuyến khích sự hợp tác, tạo mạng lưới). “Quản lý mở là mời gọi mọi người tham gia, minh bạch, nhân văn và đặt công việc lên trên”.

Có nhiều yếu tố để cân nhắc, nhưng tác giả quyết định chọn 3 tiêu chí chính để quản lý tốt hơn đó là: (1) Cần tạo môi trường cho những cách làm việc nhân văn; (2) Cần tạo điều kiện để cho hệ thống công việc hoạt động tốt; (3) Cần cung cấp sự hỗ trợ cho những người làm việc.

Phần đông thường e ngại khi đối mặt với thế giới VUCA bởi họ sợ hãi sự mơ hồ và bất định của nó, nhưng theo tác giả thì VUCA không chỉ hoàn toàn là xấu, bởi: “Bất định nghĩa là luôn có những cơ hội mới. Không chắc chắn nghĩa là vẫn còn khả năng cho các quyết định sau này. Rắc rối nghĩa là cơ hội để đơn giản hóa. Và sự mơ hồ kích thích chúng ta sáng tạo”. Điều này đòi hỏi sự cởi mở về nhiều mặt, đặc biệt là tư duy.

Chúng ta phải cởi mở: xã hội cởi mở với ý thức cao hơn; các tổ chức cởi mở để minh bạch hơn và hòa nhập hơn; mở các nhóm để cộng tác; mở các cá nhân để tự kiểm tra, tự soi, tự sửa để tránh bị tổn thương. Sau “thế giới phẳng”, có lẽ “Mở” sẽ là xu hướng tương lai của thế giới.

Xin trân trọng giới thiệu tới quý bạn đọc cuốn Quản lý mở cùng tâm sự của các tác giả: “Chúng ta đang mở tổ chức của mình ra như một bông hoa: cho ánh sáng và không khí tràn vào, tạo khoảng trống để chuyển dịch và phát triển, công khai công việc, mời gọi mọi người tham gia, chào đón, tạo khả năng, cho phép thụ phấn, cung cấp giá trị để tổ chức phát triển. Khi một cái cây không nở hoa, chúng ta không trừng phạt cái cây mà thay đổi cách mình chăm sóc, nuôi dưỡng, tạo môi trường tốt cho nó nở hoa. Sự thất bại của nhân viên phần nhiều là do hệ thống và cách quản lý chưa tốt chứ không phải do họ. Hãy thay đổi cách quản lý cùng hệ thống làm việc” – Tiến sĩ Cherry Vũ và Rob England.

ThS. Nguyễn Thị Quyên
Học viện Hành chính Quốc gia