Nâng cao năng lực phản biện khoa học về đấu tranh tư tưởng, lý luận của giảng viên các trường sĩ quan Quân đội

(Quanlynhanuoc.vn) – Để nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong giai đoạn mới, đòi hỏi công tác tổ chức và chuẩn bị lực lượng phải được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ, liên tục. Trong đó, vai trò của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở các trường sĩ quan quân đội là lực lượng quan trọng trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đồng thời, cũng chính là lực lượng truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng công tác cho đội ngũ học viên trong Quân đội.
Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn.

Xuất phát từ tư tưởng của C.Mác: “Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất, nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất một khi nó xâm nhập vào quần chúng”1, cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh về: “Giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng”2, Đảng ta đã hình thành hệ thống quan điểm chỉ đạo công tác tư tưởng. Theo đó, công tác tư tưởng, lý luận (TTLL) trong Quân đội được xác định là một bộ phận hữu cơ trong công tác TTLL của Đảng, một bộ phận quan trọng của hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, trực tiếp góp phần định hướng chính trị, tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tạo lên sức mạnh chính trị tinh thần to lớn của Quân đội, là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Quân ủy Trung ương luôn quan tâm, chăm lo đến công tác TTLL; đồng thời, luôn coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đấu tranh trên mặt trận TTLL, xác định rõ đây là nhiệm vụ chiến lược vừa có ý nghĩa cấp thiết, vừa là nhiệm vụ cơ bản lâu dài, là trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng, của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này, đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) ở các trường sĩ quan quân đội (SQQĐ) là những người giáo dục kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng công tác cho đội ngũ học viên (chủ yếu là học viên cấp phân đội) để xây dựng Quân đội vững mạnh.

Đội ngũ giảng viên là lực lượng quan trọng trong cuộc đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vì vậy, họ phải không ngừng tích lũy tri thức, nâng cao năng lực phản biện khoa học (PBKH) trong đấu tranh, bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng. Việc nâng cao năng lực PBKH trong đấu tranh tư tưởng của người giảng viên trước hết giúp họ có đủ cơ sở khoa học, bản lĩnh, nghị lực để phê phán, vạch trần những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận, chống phá chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội hiện thực của các thế lực thù địch; đồng thời, trang bị cơ sở lý luận và thực tiễn cho học viên, giúp học viên tự phân tích, nhận diện và phê phán những quan điểm lệch lạc, nhận thức mơ hồ, biết vạch trần tính chất phản động của kẻ thù, ngăn ngừa những ảnh hưởng tiêu cực về tư tưởng, chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở đơn vị cơ sở.

Đội ngũ giảng viên KHXH&NV ở các trường SQQĐ có những mặt mạnh cơ bản về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực công tác, nhạy bén về chính trị, tinh thần cách mạng cao, trách nhiệm, nhiệt tình trong chuyên môn. Họ không ngừng tích lũy tri thức, nâng cao năng lực toàn diện, đặc biệt là năng lực PBKH. Năng lực này được cấu thành bởi những thành tố cơ bản, như:

(1) Tư chất: là yếu tố quan trọng trong nhân tố chủ quan, là những tiềm năng được di truyền, bẩm sinh và trong quá trình học tập, rèn luyện của giảng viên, gắn với những đặc điểm riêng có của cá nhân, tạo nên sự khác biệt giữa các giảng viên, qua đó, góp phần hình thành thiên hướng cá nhân.

(2) Tri thức khoa học: là yếu tố có vai trò chi phối mạnh mẽ đối với các yếu tố khác, và biểu hiện đặc thù trong môi trường quân sự là hệ thống tri thức về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, tri thức KHXH&NV quân sự, các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học – kỹ thuật; tri thức chuyên ngành, liên ngành trong giảng dạy và nghiên cứu. Tri thức lý luận là tri thức ở trình độ cao nhất của tri thức khoa học, sản phẩm của tư duy bậc cao.

(3) Phẩm chất chính trị: là phẩm chất cơ bản, chủ đạo của nhân cách, biểu hiện ở trình độ giác ngộ chính trị, lợi ích giai cấp, dân tộc; là thái độ trách nhiệm với nhiệm vụ cách mạng của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Nhân dân và các hành vi thực tiễn tương ứng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của người giảng viên, góp phần định hướng, giữ vững niềm tin khoa học, ý chí quyết tâm trong bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái thù địch.

(4) Phương pháp phản biện khoa học: là khả năng so sánh, phân tích, tổng hợp, khái quát hóa, trừu tượng hóa nhằm phản ánh sự vật, hiện tượng một cách khách quan, toàn diện, hướng tới bản chất và tìm ra quy luật vận động, phát triển giữa chúng.

(5) Kỹ xảo, kỹ năng phản biện khoa học: là sự tự động hóa đến mức thuần thục cao mà một giảng viên bình thường khó có thể thực hiện được. Kỹ năng này bao gồm: kỹ năng phát hiện, nhận dạng, phân tích, so sánh, đánh giá, lên án, bác bỏ các quan điểm sai trái; kỹ năng lập luận, sử dụng ngôn từ, luận cứ, luận chứng; kỹ năng kết hợp các biện pháp,…

Tuy nhiên, trước yêu cầu mới thì năng lực công tác nói chung, năng lực PBKH trong đấu tranh TTLL của giảng viên KHXH&NV nói riêng còn nhiều hạn chế và bất cập. Nguyên nhân, ngoài những điều kiện khách quan tác động, ảnh hưởng thì nhân tố chủ quan của giảng viên là một trong những thành tố cốt yếu, ảnh hưởng sâu sắc, liên tục, trực tiếp quyết định đến chất lượng, hiệu quả nâng cao năng lực PBKH trong đấu tranh tư tưởng. Theo đó, việc tích cực hóa năng lực PBKH trong đấu tranh tư tưởng của giảng viên KHXH&NV ở các trường SQQĐ hiện nay vừa là vấn đề lý luận, thực tiễn, vừa cấp thiết, lâu dài.

Thực tế cho thấy, tham gia vào quá trình nâng cao năng lực PBKH trong đấu tranh TTLL của giảng viên mới chỉ giữ vai trò quan trọng trong định hướng, hướng dẫn, còn yếu tố giữ vai trò trực tiếp quyết định lại phụ thuộc vào động cơ, thái độ, trách nhiệm, tính tích cực, tự giác của bản thân mỗi giảng viên. Tự học tập, rèn luyện, bồi dưỡng để nâng cao năng lực PBKH trong đấu tranh TTLL được thực hiện thông qua sự nỗ lực của mỗi giảng viên trong tự phân tích, đánh giá bản thân về phẩm chất, trình độ kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm và phương pháp đấu tranh TTLL, trên cơ sở đó, nêu cao ý thức trách nhiệm trong học tập, nghiên cứu, rèn luyện để tự hoàn thiện năng lực của bản thân. Để thực hiện tốt điều này, cần tập trung vào các giải pháp sau đây:

Một là, các cấp ủy, chỉ huy phải làm tốt việc giáo dục, xây dựng động cơ ý thức trách nhiệm của giảng viên trong tự bồi dưỡng, nâng cao tính tích cực, chủ động trong đấu tranh TTLL.

Bồi dưỡng động cơ, xây dựng ý thức trách nhiệm là vấn đề hết sức quan trọng, tạo ra động lực tinh thần thúc đẩy hoạt động tự bồi dưỡng của giảng viên. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải hết sức coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt hoạt động này. Trên cơ sở sự lãnh đạo của cấp ủy, người chỉ huy phải xây dựng kế hoạch và trực tiếp tổ chức hoạt động giáo dục bồi dưỡng động cơ, ý thức trách nhiệm cho giảng viên. Có thể thông qua sinh hoạt Đảng, giao ban, hội ý hoặc hội nghị chuyên đề để giáo dục, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý chí quyết tâm cho giảng viên  trong tự học tập, tu dưỡng, hoàn thiện bản thân về mọi mặt, nhất là đấu tranh TTLL. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao nhận thực của giảng viên về vị trí, vai trò, quyền hạn, trách nhiệm, đồng thời, chú trọng giáo dục cho giảng viên nhận thức đúng đắn và giải quyết hài hòa các mối quan hệ lợi ích, đề cao và phát huy cao nhất lợi ích chính trị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Coi trọng động viên, khuyến khích giảng viên nỗ lực vươn lên hoàn thiện phẩm chất, kỹ năng, phương pháp, tạo điều kiện giúp đỡ cho giảng viên nâng cao hiệu quả tự nâng cao.

Hai là, hướng dẫn, giúp đỡ giảng viên xây dựng kế hoạch và tạo điều kiện thuận lợi cho họ thực hiện tốt kế hoạch tự nâng cao năng lực đấu tranh TTLL của bản thân.

Lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải căn cứ vào trình độ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm đấu tranh TTLL của từng giảng viên để định hướng, hướng dẫn xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng, tập trung vào những nội dung, phẩm chất còn yếu hoặc khiếm khuyết để tự bồi dưỡng hoàn thiện. Kế hoạch xây dựng phải có tính dự báo và mang tinh khả thi cao, sát với thực tiễn đơn vị và chức trách, nhiệm vụ của từng giảng viên. Quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch tránh dập khuôn, máy móc, áp đặt cào bằng không phân định rõ đối tượng, nhiệm vụ, thực tiễn đặt ra. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện kế hoạch tự bồi dưỡng đã xây dựng và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho giảng viên phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch đã xác định; kịp thời giúp đỡ giảng viên tháo gỡ khó khăn vướng mắc để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tự nâng cao.

Ba là, bản thân giảng viên phải nêu cao trách nhiệm trong lựa chọn nội dung, phương pháp và bảo đảm tính kế hoạch trong tự nâng cao.

Lựa chọn nội dung phải bảo đảm tính toàn diện, trên cơ sở những yếu tố cấu thành năng lực PBKH trong đấu tranh TTLL để xác định nội dung tự bồi dưỡng cho thích hợp, trong đó cần phải tập trung vào khâu yếu, mặt yếu. Đặc biệt, chú trọng tự nâng cao khả năng tư duy lý luận, khả năng phân tích thông tin thực tiễn, khái quát chỉ ra bản chất, mục tiêu ý đồ chính trị của từng sự kiện, hiện tượng trong đời sống chính trị, tinh thần, tư tưởng của xã hội và các đối tượng có liên quan. Đồng thời, coi trọng tự bồi dưỡng kỹ năng phương pháp viết bài, nhất là những bài chính luận mang tính trực diện nhằm vạch trần âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù trên các diễn đàn, hội thảo, các phương tiện thông tin đại chúng.

Quá trình tự nâng cao mỗi giảng viên phải bám sát thực tiễn đấu tranh TTLL của Đảng, lấy đó làm con đường, phương pháp cơ bản để bồi dưỡng năng lực đấu tranh TTLL cho bản thân. Tích cực chủ động tham gia vào nghiên cứu các đề tài khoa học, thông tin chuyên đề, các bài hội thảo, đăng báo khoa học… để rèn luyện kỹ năng phương pháp đấu tranh trên diễn đàn TTLL.

Mỗi giảng viên phải bám sát kế hoạch chung của nhà trường, của khoa, bám sát chức trách, nhiệm vụ và năng lực của bản thân để xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu, nội dung, phương pháp tự nâng cao cho phù hợp, đồng thời kiên quyết vượt qua mọi khó khăn để thực hiện kế hoạch đã xác định; coi tự nâng cao là hoạt động thường xuyên, liên tục gắn liền với quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ gắn với nhiệm vụ chuyên môn.

Bốn là, có chính sách động viên khuyến khích những tập thể, cá nhân có thành tích trong đấu tranh TTLL.

Đây là biện pháp quan trọng nhằm kích thích động cơ phấn đấu vươn lên hoàn thiện bản thân về mọi mặt của giảng viên. Thực hiện biện pháp này đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy phải thường xuyên theo dõi bám sát hoạt động đấu tranh TTLL và tự nâng cao năng lực của giảng viên. Kịp thời biểu dương khen thưởng những đơn vị, cá nhân có thành tích trong đấu tranh TTLL. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh phê phán hiện tượng coi nhẹ, giản đơn, ngại tham gia đấu tranh TTLL hoặc sợ va chạm dẫn đến tư tưởng ỷ lại, cầu an trong đấu tranh TTLL.

Phát huy tính tích cực, chủ động của giảng viên KHXH&NV ở các trường SQQĐ nhằm tự nâng cao năng lực PBKH trong đấu tranh TTLL hiện nay là đặc biệt cần thiết. Đó là tổng thể các hoạt động của các lực lượng sư phạm nhằm phát triển, hoàn thiện phẩm chất, năng lực và phát huy vai trò của giảng viên trong đấu tranh TTLL. Để kết quả phát huy có hiệu quả, đòi hỏi các chủ thể, nhất là giảng viên cần tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc, các quy định trong đấu tranh TTLL, từ đó, sử dụng tổng hợp các biện pháp, huy động mọi lực lượng cùng tham gia, chú trọng đúng mức việc bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi cho giảng viên.

Chú thích:
1. C. Mác – Ph. Ăngghen. Toàn tập. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 580.
2. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 8. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 279.
Tài liệu tham khảo:
1.  Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia, 2021.
2. Nguyễn Bá Dương. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tiếng gọi từ trái tim, mệnh lệnh của cuộc sống. H. NXB Quân đội nhân dân, 2021.
3. Trịnh Xuân Ngọc. Vai trò của giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở các nhà trường quân đội trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự, số 2/2021.
ThS. Nguyễn Huy Điểm
ThS. Nguyễn Thế Hanh
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng