Hội thảo góp ý dự thảo Đề án Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 24/3/2023, tại Hà Nội, Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam phối hợp với Bộ Nội vụ đã tổ chức hội thảo góp ý dự thảo “Đề án Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hội thảo tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. TS. Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ và PGS.TS. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đồng chủ trì Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Tham dự hội thảo, có TS. Bùi Trường Giang, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS. Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương; PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia; TS. Trần Văn Tuấn, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ; các đồng chí nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, Trần Thị Hà; TS. Nguyễn Ngọc Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia; cùng các thành viên trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, các nhà khoa học, nhà quản lý từ các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương.

TS. Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Trần Anh Tuấn khẳng định nhân tài là nguồn lực rất quan trọng trong phát triển quốc gia, việc phát hiện, tiến cử, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài là nguồn sức mạnh phát triển đất nước. Do đó, việc thu hút, trọng dụng nhân tài luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm; các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều chính sách cụ thể để thu hút nhân tài trong các lĩnh vực: y tế, tài chính, kinh tế, kỹ thuật, công nghệ,…

Thời gian qua có hiện trạng, cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực chuyển sang khu vực ngoài nhà nước do nhiều nguyên nhân, như: chế độ đãi ngộ, điều kiện, môi trường làm việc chưa đáp ứng nhu cầu và mong mỏi của đội ngũ, do đó dẫn đến tình trạng ngày càng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực công.

Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam hiện là đơn vị được giao nghiên cứu, tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ về chính sách trọng dụng nhân tài, do đó, tại Hội thảo, TS. Trần Anh Tuấn đề nghị các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia cho ý kiến, làm rõ về các nội dung, như: khái niệm nhân tài, tiêu chí xác định nhân tài, nguồn nhân tài, vấn đề trọng dụng nhân tài.

PGS.TS. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại Hội thảo.

PGS.TS. Triệu Văn Cường thay mặt lãnh đạo Bộ Nội vụ cảm ơn Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam đã tổ chức hội thảo góp ý Đề án Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, đây là diễn đàn được nhiều nhà khoa học, quản lý, chuyên gia quan tâm. Đồng thời cũng là Đề án quan trọng, do Bộ Nội vụ chủ trì, xây dựng chương trình nghiên cứu, đánh giá tác động, tổ chức lấy ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị và đang dần hoàn thiện, đồng chí hy vọng hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện Đề án.

PGS.TS. Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương góp ý dự thảo Đề án Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Viết Thông đề nghị cần Việt hóa các từ Hán việt nhằm tránh gây hiểu lầm trong thực hiện chính sách. Nguồn nhân tài bên cạnh học sinh, sinh viên đang học trong nước thì nên mở rộng đối tượng đang học tập, nghiên cứu tại nước ngoài, bên cạnh đó cần mở rộng thêm nguồn nhân tài từ khu vực ngoài nhà nước, nước ngoài. Ngoài ra, mở rộng thêm các lĩnh vực thu hút, trọng dụng nhân tài ngoài lãnh đạo, quản lý, khoa học – công nghệ, y tế…. thì cần thêm các lĩnh vực, như: kinh tế, ngoại giao,…

Góp ý tại hội thảo, đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TP. Hồ Chí Minh đã nêu lên kinh nghiệm thu hút, trọng dụng nhân tài tại TP. Hồ Chí Minh và cho rằng, để thu hút, trọng dụng nhân tài thì chính sách đãi ngộ, khuyến khích nhân tài tham gia vào khu vực công là rất quan trọng; cùng với đó là quy chế để tuyển chọn nhân tài, trong đó, người tham gia phải trình bày về dự định cá nhân và Uỷ ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh sẽ là đơn vị công nhận nhân tài. Trong tổ chức thực hiện, phải có cơ chế để các đơn vị xây dựng chính sách nhằm tuyển chọn nhân tài cho ngành, lĩnh vực của mình.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, nhân tài là người có khả năng vượt trội trong lĩnh vực của họ và có đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, như: có sản phẩm, đề án, chương trình, sáng kiến phát huy hiệu quả, có giá trị… bên cạnh đó, tiêu chí về trình độ học vấn có thể không phải là tiêu chí để đánh giá đúng về khả năng của họ.

TS. Trần Văn Tuấn, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại Hội thảo.

Góp ý tại hội thảo, TS. Trần Văn Tuấn cho rằng, có rất nhiều văn bản về thu hút, trọng dụng nhân tài nhưng vẫn chưa có kế hoạch thu hút nhân tài, về tiêu chí nhân tài không nhất thiết phải đủ hết các tiêu chuẩn theo như dự thảo đề án thì mới được coi là nhân tài vì như vậy sẽ bỏ lỡ mất đội ngũ nhân tài khu vực tư. TS. Trần Văn Tuấn cùng đề xuất, đối tượng là các nhà khoa học, chuyên gia viết ra kế hoạch, hoạch định chương trình phát triển, các nhà lý luận cũng là người có tài. Đề án cần đề ra các nguyên tắc có tính chất chung nhất để các bộ, ngành, địa phương tùy theo yêu cầu của mình sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, thực tế về thu hút, trọng dụng nhân tài của địa phương cần được tổng hợp, đánh giá để từ đó tìm ra nguyên nhân và có phương hướng nhằm tăng cường hiệu quả thu hút, trong dụng nhân tài. Đồng thời, yếu tố quan trọng là phải trọng dụng được nhân tài thì sẽ thu hút được nhiều nhân tài cho khu vực công và để trọng dụng nhân tài phải tạo môi trường, tạo điều kiện để họ phát triển cùng với đó là đãi ngộ dành cho nhân tài.

TS. Bùi Trường Giang, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương tham gia góp ý tại Hội thảo.

TS. Bùi Trường Giang nêu quan điểm, cần tập trung xác định ở lĩnh vực cần thu hút nhân tài phải là các lĩnh vực then chốt, nền tảng rồi mới đến các lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, cần phải có cơ chế để quản lý linh hoạt hơn, như không bắt buộc nhân tài phải tham gia vào khu vực công mà tận dụng nhân tài khu vực tư thông qua các hình thức ký hợp đồng vụ việc, đặt hàng,… từ đó sẽ thu hút được nhiều nhân tài tham gia vào phát triển đất nước. TS. Bùi Trường Giang đề xuất, có thể xây mô hình trung tâm nhân tài, đây là môi trường để nuôi dưỡng, phát triển nhân tài, tận dụng được khả năng của họ mà không yêu cầu họ phải công tác tại cơ quan, đơn vị công.

Tham gia góp ý vào các nội dung của đề án, các nhà khoa học, nhà quản lý đề xuất cần phải làm rõ khái niệm nhân tài, từ đó sẽ đưa ra tiêu chí, đối tượng, phương pháp nhằm thu hút, trong dụng nhân tài; cùng với đó cần tập trung vào một số lĩnh vực then chốt, không nên quá dàn trải; các tiêu chí nhân tài cần linh hoạt, ưu tiên một số tiêu chí, như trình độ, năng lực sáng tạo vượt trội trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể, có sản phẩm, kết quả, thành tích được công nhận, tâm huyết xây dựng đất nước, không phụ thuộc vào độ tuổi, trình độ, quốc tịch. Cần ban hành chính sách về đãi ngộ nhân tài, như: tăng thu nhập, có nhà ở, rõ vị trí việc làm, tạo môi trường công tác tốt; cần/nên làm thí điểm ở một số địa phương, bộ, ngành…

Trong Hội thảo, TS. Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, nhân tài ở Việt Nam phải là người có đức, có tài với năng lực vượt trội, có tinh thần cống hiến, giải quyết được các vấn đề nan giải hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong ngành, lĩnh vực, ở địa phương, được mọi người và cơ quan, tổ chức công nhận. Các nội dung của Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài phải là Khung cơ bản để các Bộ, ngành, địa phương có thể cụ thể hóa bằng các quy định phù hợp với đặc điểm và yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực và địa phương.

Nhân tài không phân biệt đảng viên và người ngoài đảng; người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài; khi tìm tòi, phát hiện, tiến cử thì phải tìm trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đội ngũ học sinh, sinh viên, các nhà khoa học trong nước và ở nước ngoài. Chính sách thu hút, trọng dụng phải được tư duy biện chứng: thu hút để trọng dụng và trọng dụng để thu hút. Khi tuyển chọn nhân tài thì không nên bó buộc “chạy” theo bằng cấp, vùng miền, tuổi trẻ hay tuổi cao và không giới hạn nhiệm kỳ. Cứ có tài, có đức, có tinh thần cống hiến là lựa chọn, trọng dụng.

TS. Trần Anh Tuấn tổng kết hội thảo.

Kết thúc Hội thảo, TS. Trần Anh Tuấn cảm ơn các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Bộ Nội vụ, các cơ quan, tổ chức đã đóng góp nhiều ý kiến rất có giá trị, sâu sắc và tâm huyết. Ban soạn thảo sẽ tổng hợp, nghiên cứu và hoàn thiện Đề án và dự thảo Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài để báo cáo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chỉ đạo hoàn thiện trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ

Tin, ảnh: Xuân Phú