Một số yếu tố tác động đến thể chế quản lý nhà nước đối với Công giáo

(Quanlynhanuoc.vn) – Thể chế quản lý nhà nước đối với Công giáo luôn có sự vận động và phát triển theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn và có vai trò rất quan trọng trong hoạt động của nền hành chính pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Pháp luật của nước ta đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, do vậy, quản lý nhà nước đối với tôn giáo, trong đó có Công giáo ở Việt Nam vừa thực hiện theo pháp luật, vừa vận dụng đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước.
Ảnh minh họa (Quang Vinh/Vietnam+).
Thể chế quản lý nhà nước đối với Công giáo

Công giáo là một phái lớn của Kitô giáo thờ Chúa Giê-su, là giáo hội được tổ chức chặt chẽ, nhất quán trên phạm vi toàn cầu. Đứng đầu giáo hội Công giáo là giáo triều Vatican do Giáo hoàng cai quản. Công giáo có mặt tại Việt Nam từ thế kỷ XVI, là một bộ phận của giáo hội Công giáo hoàn vũ, dưới sự lãnh đạo tinh thần của các giám mục Việt Nam hiệp thông với Giáo hoàng.

Đảng và Nhà nước ta luôn đặt vấn đề tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng trong vấn đề quốc gia – dân tộc, đã xác lập luận đề có tính nguyên tắc trong chính sách tôn giáo tại Điều 24 Hiến pháp năm 2013, là: “(1) Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; (2) Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; (3) Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Thể chế quản lý nhà nước (QLNN) đối với Công giáo là toàn bộ hệ thống cơ quan hành chính vận hành theo các chính sách, pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm điều chỉnh hoạt động QLNN đối với Công giáo một cách thống nhất, đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu, nguyên tắc của QLNN đối với tôn giáo và tín ngưỡng. Thể chế QLNN đối với Công giáo là một bộ phận hợp thành của thể chế QLNN về tôn giáo, chịu sự điều chỉnh của hệ thống chính sách, pháp luật cũng như bộ máy QLNN chung. Thể chế QLNN đối với Công giáo được quy định trong nhiều văn bản khác nhau, có thứ bậc khác nhau do nhiều chủ thể ban hành; được bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục và cưỡng chế, trong đó giáo dục, thuyết phục là biện pháp đầu tiên và chủ yếu.

Thể chế QLNN đối với Công giáo là một chỉnh thể thống nhất bao gồm hai bộ phận hợp thành: Tổ chức bộ máy QLNN về Công giáohệ thống chính sách, pháp luật vận hành tổ chức bộ máy QLNN. Thể chế QLNN đối với Công giáo luôn có sự vận động và phát triển theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn và có vai trò rất quan trọng trong hoạt động của nền hành chính pháp quyền XHCN Việt Nam.

Công cuộc đổi mới của đất nước ta đang đặt ra những đòi hỏi phải đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước, trong đó cải cách thể chế là một bộ phận cơ bản nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường, của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, của sự hoàn thiện nền dân chủ XHCN và đòi hỏi của quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.

Một số yếu tố tác động đến thể chế quản lý nhà nước đối với Công giáo

Thứ nhất, đường lối, chính sách của Đảng cầm quyền về tôn giáo.

Chính trị là một thành tố hết sức quan trọng của kiến trúc thượng tầng. Chính trị là hoạt động liên quan đến quyền lợi giai cấp, vấn đề cơ bản nhất trong chính trị là chính quyền, là thực hiện quyền lực nhà nước. Thể chế chính trị luôn giữ vai trò định hướng, chi phối toàn bộ các hoạt động trong xã hội. Hệ thống pháp luật được xây dựng trên nền tảng của hệ thống chính trị. Chính trị giữ vai trò chỉ đạo đối với nội dung và phương hướng phát triển của pháp luật. Nguồn gốc và bản chất của một nhà nước bắt nguồn từ bản chất chính trị của chế độ xã hội dưới sự lãnh đạo của một chính đảng. Dưới chế độ tư bản, Nhà nước sẽ mang bản chất tư sản, còn dưới chế độ xã hội do Đảng Cộng sản lãnh đạo thì Nhà nước mang bản chất của giai cấp vô sản. Nhà nước cụ thể hóa ý chí của giai cấp cầm quyền thông qua pháp luật, chính sách.

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam có hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng đề ra chủ trương, đường lối là những định hướng chính trị quan trọng để Nhà nước hoàn thiện thể chế QLNN nói chung và Công giáo nói riêng. Hệ thống các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo là cơ sở cho thể chế, xây dựng hệ thống văn bản pháp quy trên lĩnh vực tôn giáo, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Pháp luật của nước ta đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, do vậy, QLNN đối với tôn giáo trong đó có Công giáo ở Việt Nam vừa thực hiện theo pháp luật, vừa vận dụng đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước. Việc khẳng định vai trò lãnh đạo của một đảng duy nhất cầm quyền – Đảng Cộng sản Việt Nam là điều kiện có ý nghĩa tiên quyết đối với quá trình xây dựng và ban hành thể chế QLNN đối với Công giáo ở Việt Nam.

Thứ hai, tác động do kinh tế thị trường.

Đứng trên lập trường chủ nghĩa duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lênin, trong mối quan hệ giữa kinh tế và thể chế thì điều kiện kinh tế, các quan hệ kinh tế quyết định trực tiếp sự ra đời của thể chế. Đồng thời, quyết định toàn bộ nội dung, hình thức, cơ cấu và sự phát triển của nó. C. Mác đã phát hiện ra quy luật chung, cơ bản của lịch sử: Hoạt động sản xuất vật chất, hoạt động kinh tế là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của mỗi xã hội. Sự sản xuất xã hội bao gồm sản xuất vật chất, sản xuất tinh thần và sản xuất ra bản thân con người. Ba quá trình này không tách biệt nhau mà liên hệ rất mật thiết, trong đó sản xuất vật chất, hoạt động kinh tế là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của xã hội, của con người và xét đến cùng, quy định toàn bộ sự vận động và biến đổi đời sống xã hội.

Thể chế QLNN đối với Công giáo ở Việt Nam hiện nay cũng không nằm ngoài quy luật đó, việc chuyển từ nền kinh tế quan liêu, bao cấp sang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã kéo theo sự thay đổi của thể chế QLNN đối với Công giáo. Trước hết là sự thay đổi trong nội dung, phương thức QLNN đối với Công giáo. Từ mô hình quản lý theo phương thức hành chính, mệnh lệnh tập trung của nền kinh tế bao cấp, chuyển sang nền kinh tế thị trường, Nhà nước phải chuyển sang mô hình quản lý “kiến tạo và phục vụ”. Thể chế QLNN đối với Công giáo phải được hoàn thiện theo hướng xây dựng môi trường, hành lang pháp lý để Công giáo cũng như các tôn giáo khác phát triển, đồng hành cùng dân tộc.

Nền kinh tế – xã hội phát triển năng động, bền vững sẽ là điều kiện thuận lợi cho hoạt động thực hiện pháp luật, tác động tích cực tới việc nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức pháp luật của tầng lớp xã hội nhất là giáo dân. Ngược lại, nền kinh tế – xã hội chậm phát triển, kém năng động và kém hiệu quả sẽ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới việc thực hiện pháp luật của các chủ thể pháp luật. Yếu tố kinh tế là nền tảng của sự nhận thức hiểu biết pháp luật và thực hiện pháp luật nên có tác động mạnh mẽ tới hoạt động thực hiện pháp luật của các chủ thể pháp luật. Khi nền kinh tế – xã hội phát triển, đời sống vật chất của các tầng lớp dân cư được cải thiện, lợi ích kinh tế được bảo đảm thì người dân sẽ phấn khởi tin tưởng vào đường lối kinh tế, chính sách, pháp luật, sự lãnh đạo của Đảng và hoạt động điều hành, quản lý của Nhà nước; hoạt động thực hiện pháp luật sẽ mang tính tích cực, thuận chiều, phù hợp với các giá trị, chuẩn mực pháp luật hiện hành.

Đời sống vật chất được cải thiện, các tầng lớp nhân dân có điều kiện mua sắm các phương tiện nghe, nhìn, có điều kiện thỏa mãn các nhu cầu thông tin pháp luật đa dạng và cập nhật. Các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ dễ dàng đến được với đông đảo cán bộ và nhân dân; nhu cầu tìm hiểu, trang bị thông tin, kiến thức pháp luật trở thành nhu cầu thường trực trong suy nghĩ và hành động của họ. Còn khi kinh tế chậm phát triển, thu nhập thấp, tình trạng thất nghiệp gia tăng, lợi ích kinh tế không được bảo đảm, đời sống của cán bộ, Nhân dân gặp khó khăn thì tư tưởng sẽ diễn biến phức tạp, cái xấu có cơ hội nảy sinh, tác động tiêu cực tới việc thực hiện pháp luật. Đây chính là “mảnh đất lý tưởng” cho sự xuất hiện các loại hành vi vi phạm pháp luật, đi ngược lại với giá trị, chuẩn mực pháp luật.

Kinh tế tác động mạnh mẽ đến thể chế chính trị, tạo ra sự ổn định chính trị và tác động rõ nét đến thể chế QLNN nói chung và thể chế QLNN đối với Công giáo nói riêng.

Thứ ba, tác động do toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Toàn cầu hóa là một quá trình, một xu thế liên kết trong quan hệ quốc tế làm tăng sự phụ thuộc lẫn nhau về nhiều mặt của đời sống xã hội (từ kinh tế, chính trị, an ninh, văn hoá đến môi trường,…) giữa các quốc gia. Toàn cầu hóa là kết nối các nền kinh tế trên khắp thế giới về thương mại, đầu tư, lao động, ngân hàng, dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ và con người. Toàn cầu hóa là quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, những ảnh hưởng tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia, các dân tộc trên thế giới. Đối diện với toàn cầu hóa, Công giáo phải chấp nhận cả mặt tích cực và tiêu cực của nó.

Những ảnh hưởng tích cực của toàn cầu hoá đối với Công giáo: Có thể khẳng định, chưa bao giờ Công giáo có được những phương tiện thuận lợi như hiện tại để phổ biến, truyền giảng các tín lý, đức tin và các thông điệp của mình tới các tín đồ ở khắp mọi nơi trên thế giới. Điều này cho phép giáo hội thông tin thường xuyên, nhanh chóng, thắt chặt mối quan hệ giữa giáo hội trung ương với các giáo hội địa phương, tạo cơ sở cho sự thống nhất tư tưởng và hành động từ trên xuống dưới. Đài truyền hình, phát thanh, báo chí Công giáo đã đưa thông tin xuống tận người dân quê ở những vùng hẻo lánh nhất, tin tức sinh hoạt giáo hội toàn cầu được cập nhật hằng ngày, thậm chí hằng giờ. Về phía các tín đồ, sự phát triển của khoa học – kỹ thuật và thông tin trong điều kiện toàn cầu hóa đã tạo điều kiện cho mỗi người có thể chủ động tìm hiểu, chọn lựa và tham gia trực tiếp vào các hoạt động của Giáo hội.

Những ảnh hưởng tiêu cực của toàn cầu hóa với Công giáo: Ảnh hưởng của toàn cầu hóa biểu hiện đặc biệt rõ nét trong sự sụt giảm số lượng tín đồ gắn bó với nhà thờ… “các nhà thờ bên châu Âu hiện nay chỉ còn khoảng 10 – 15% số tín hữu đi dự lễ chúa nhật mỗi tuần”1. Sự quảng bá chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo trong điều kiện toàn cầu hóa với việc làm suy giảm đức tin của các tín đồ. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ của thời đại hiện nay đã đặt ra nhiều nghi vấn về giáo lý của đạo nơi các tín đồ. Chẳng hạn, việc nhân bản vô tính đã tranh giành quyền uy tối cao với Chúa… Toàn cầu hóa đã đặt ra nhiều vấn đề mà Công giáo phải đối mặt. Thế nhưng, Giáo hội không coi đó là những yếu tố hoàn toàn tiêu cực mà coi đó vừa là thách thức, vừa là vận may.

Với những tác động tiêu cực và tích cực đối với Công giáo, toàn cầu hóa đã tác động trực tiếp đến thể chế QLNN đối với Công giáo ở Việt Nam hiện nay, đòi hỏi người làm công tác tôn giáo phải có kiến thức xã hội – lịch sử và nắm chắc pháp luật để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, hệ thống luật pháp phải được hoàn thiện để giải quyết những mối quan hệ xã hội trong quá trình toàn cầu hóa.

Thứ tư, tác động từ Công đồng Vatican II.

Công đồng Vatican II diễn ra từ năm 1962 – 1965 được Giáo hội Công giáo xem là Lễ Ngũ tuần mới, trải qua hai đời Giáo hoàng La Mã là Gioan XXIII và Phaolô VI. Kết thúc, Công đồng đã thông qua 16 văn kiện bao gồm 4 Hiến chế, 9 Sắc lệnh và 3 Tuyên ngôn2. Nội dung các văn kiện có thể tóm gọn vào 4 chữ: “canh tân – nhập thế”3. Công đồng Vatican II đánh dấu sự chuyển động toàn diện của Giáo hội Công giáo tr­ước thời cuộc. Mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất, Giáo hội Công giáo Việt Nam “trở nên một”, có được cơ hội mới để xây dựng và phát triển4. Dưới tác động của Công đồng Vatican II và Thông điệp Chúa Kitô cũng như từ phía dân tộc Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam qua Thư chung năm 1980 đã xác quyết đường hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc Việt Nam. Đây là một giai đoạn mới đánh dấu sự chuyển biến về chất của Công giáo Việt Nam.

Kể từ sau Công đồng Vatican II, thái độ của Tòa Thánh Vatican đối với Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể. Từ khi lên ngôi, Giáo hoàng Pôn VI luôn quan tâm đến cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Tòa Thánh Vatican qua đó đã ủng hộ lập tr­ường “hòa bình bằng mọi giá” cho Việt Nam và “tin tưởng rằng những cuộc hòa đàm chân thực sẽ thay thế những tuyên truyền hiếu chiến”. Giáo hoàng Pôn VI cũng đã tận dụng mọi cơ hội để kêu gọi hòa bình cho Việt Nam.

Từ chỗ Công giáo Việt Nam chủ yếu do các giáo sĩ nước ngoài cai quản đến nay số giám mục là ngư­ời Việt đã lên tới con số gần 100, trong đó có 5 ng­ười đư­ợc phong tư­ớc hồng y. Nhiều hồng y, giám mục ngư­ời Việt đã đư­ợc Tòa Thánh Vatican bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng trong giáo triều Roma. Tòa Thánh Vatican cũng th­ường xuyên cử các đặc sứ (Legat) là ng­ười nư­ớc ngoài cũng như­ ng­ười Việt Nam tham gia các hoạt động tôn giáo và giám sát tình hình của Giáo hội Công giáo ở Việt Nam…

Nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Giáo hội Công giáo Roma với Giáo hội Công giáo Việt Nam, ngày 13/01/2011, Tòa Thánh Vatican, đ­ược sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam đã chính thức bổ nhiệm Tổng Giám mục Leopond Gireli làm đại diện không thư­ờng trực của Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam. Về phía Giáo hội Công giáo Việt Nam, ngoài việc đều đặn cứ 5 năm một lần các giám mục Việt Nam tới Roma để viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô và báo cáo tình hình Giáo hội Công giáo Việt Nam với Tòa Thánh Vatican, nhiều giám mục Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động quốc tế của Giáo hội Công giáo hoàn vũ, như: tham gia Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, Liên Hội đồng Giám mục châu Á, Ngày Giới trẻ quốc tế; thăm giáo hội các n­ước, tiếp các giám mục nư­ớc ngoài tới thăm Việt Nam…

Sau khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới và bư­ớc đầu thu đư­ợc những thành công nhất định, quan hệ Vỉệt Nam – Vatican từng b­ước khởi sắc. Mở đầu là chuyến thăm Việt Nam của Hồng y Roger Etchagaray, đại diện của Giáo hoàng Gioan Phaolô II ngày 01/7/1989 và kéo dài tới 2 tuần lễ. Từ năm 1990 đã có các cuộc làm việc thư­ờng xuyên hằng năm giữa 2 phái đoàn của Tòa Thánh Vatican và Chính phủ Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Đỉnh cao của mối quan hệ Việt Nam – Vatican đ­ược ghi dấu bởi cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với Giáo hoàng Benedicto XVI (ngày 25/01/2007 tại Roma) và cuộc hội kiến với Giáo hoàng Benedicto XVI với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (ngày 11/12/2009 tại Vatican…).

Công đồng Vatican II đã tác động lớn đến thể chế QLNN đối với Công giáo khi mà giáo hội đã xác định đường hướng đúng đắn “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”, bộ máy QLNN được kiện toàn, pháp luật ngày càng hoàn thiện đã góp phần hoàn thiện thể chế QLNN đối với Công giáo nói riêng và tôn giáo nói chung.

Các yếu tố nêu trên đã tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến từng cấu thành của thể chế QLNN đối với Công giáo. Do đó, phải có sự nhận thức đúng đắn về quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng đối với tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh quan hệ trong lĩnh vực tôn giáo/Công giáo phù hợp với luật pháp quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Kiện toàn bộ máy QLNN về tôn giáo nhằm bảo đảm quyền tự do tôn giáo của người dân, bảo đảm các hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường, trong phạm vi, khuôn khổ của pháp luật, tạo điều kiện để Công giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.

Chú thích:
1. Nguyễn Ngọc Sơn. Người mục tử công đồng hướng về tương lai. Tòa Tổng Giám mục TP. Hồ Chí Minh, 1995, tr. 20.
2. Mai Thanh Hải. 40 năm Công đồng Vatican II: M­ười việc còn dang dở. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 4/2005, tr. 65 – 68.
3. Nguyễn Hồng Dương. Hậu Công đồng Vatican II Những vấn đề Công giáo đang phải đối diện. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 3/2012, tr. 6.
4. Nguyễn Hồng Dương. Đào tạo Tôn giáo học ở Việt Nam quá trình hình thành và phát triển. H. NXB Tôn giáo, 2017, tr. 480 – 495.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Hiến pháp năm 2013.
ThS. Nguyễn Hồng Hải
A04 – Bộ Công an