Chính sách hỗ trợ sinh kế đối với người dân tộc thiểu số ở TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc ở TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã thu được những kết quả nhất định, chú trọng đến tính đặc thù, chính sách hỗ trợ sinh kế, quan tâm đến công tác giảm nghèo, tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại Thành phố. Bài viết tập trung phân tích, đánh giá thực trạng một số chính sách hỗ trợ sinh kế với người dân tộc thiểu số và đề xuất giải pháp phát triển bền vững sinh kế cộng đồng dân tộc thiểu số ở TP. Hồ Chí Minh dựa trên các nghiên cứu đối với 3 nhóm dân tộc thiểu số, là: người Hoa, người Khmer và người Chăm.
Ảnh mình hoạ: TTXVN.
Đặt vấn đề

Chủ trương, đường lối về công tác dân tộc trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu: Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hoá, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào DTTS trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc (CSDT). Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các DTTS phát triển kinh tế, xã hội (KTXH), thực hiện giảm nghèo đa chiều bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc1.

Căn cứ chủ trương đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời đánh giá tầm quan trọng của vấn đề dân tộc trong việc ổn định và phát triển KTXH, bảo đảm trật tự an ninh, an toàn xã hội; nhiều năm qua Đảng bộ và chính quyền TP. Hồ Chí Minh ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc nhiều chính sách an sinh xã hội, đã mang lại kết quả tích cực trên thực tế.

Thực trạng thực hiện chính sách hỗ trợ sinh kế đối với người dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

(1) Về thực hiện chính sách đặc thù của Thành phố

Thực hiện Quyết định số 3531/QĐ-UBND ngày 16/7/2014 của UBND Thành phố về ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động về Chiến lược công tác dân tộc tại TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020, qua đó Thành phố đã ban hành và triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả 6 chính sách mang tính đặc thùgóp phần nâng cao đời sống đồng bào các DTTS, kết quả cụ thể:

Một là, thực hiện đào tạo nghề, tạo việc làm cho người DTTS trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (căn cứ theo Quyết định số 3819/QĐ-UBND ngày 26/7/2016 của UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề, tạo việc làm cho người DTTS trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020”), kết quả đã đào tạo nghề miễn phí cho trên 1.000 lao động, giải quyết việc làm cho trên 3.000 lượt lao động là người DTTS.

Hai là, thực hiện chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2020, qua đó đã hỗ trợ lãi suất cho 2.259 hộ DTTS, với tổng kinh phí cấp bù lãi suất là 1.664.462.495 đồng. (theo Quyết định số 2904/QĐ-UBND ngày 13/7/2018 của UBND TP. Hồ Chí Minh về phê duyệt chính sách hỗ trợ lãi suất cho đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2020).

Ba là, thực hiện chính sách hỗ trợ cho 50 giáo viên người DTTS giảng dạy tiếng dân tộc (dân tộc Hoa, Chăm và Khmer) tổng số tiền hỗ trợ là 2.706.000.000 đồng (do Thành phố ban hành theo Công văn số 22/UBND-NCPC-M ngày 12/10/2013 của UBND TP. Hồ Chí Minh).

Bốn là, chính sách miễn học phí đối với học sinh dân tộc Chăm, dân tộc Khmer trên địa bàn thành phố đang học từ mẫu giáo đến trung học phổ thông (kể cả giáo dục thường xuyên) tại các cơ sở giáo dục theo mức học phí công lập từ năm học 2013-2014 đến năm học 2019-2020 (quy định tại Công văn số 6511/UBND-VX ngày 09/12/2013 của UBND TP. Hồ Chí Minh) kết quả Thành phố đã miễn học phí cho 10.415 học sinh với tổng số tiền là 10.204.578.000 đồng.

Năm là, thực hiện về việc hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2014-2020 đang học tại các cơ sở giáo dục đại học (theo Công văn số 5055/UBND-VX ngày 02/10/2014 của UBND TP. Hồ Chí Minh), đã tham mưu hỗ trợ cho 872 sinh viên DTTS, với tổng kinh phí 3.970.034.000 đồng.

Sáu là, thực hiện Đề án “Chính sách hỗ trợ chi phí học tập các lớp cao học, nghiên cứu sinh là người DTTS giai đoạn 2016-2020” (tại Quyết định số 6641/QĐ-UBND ngày 09/12/2016 của UBND TP. Hồ Chí Minh) đã có 13 học viên cao học, nghiên cứu sinh được hỗ trợ với tổng số tiền là 107.780.000 đồng.

(2) Về chính sách giảm nghèo

Chương trình giảm nghèo được Đảng bộ và chính quyền Thành phố tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS từng bước nâng cao đời sống, thoát nghèo bền vững. Công tác lồng ghép CSDT trong triển khai các chương trình, dự án phát triển KTXH đã góp phần đáng kể nâng cao đời sống đồng bào DTTS, giảm dần chênh lệch về mức sống giữa các nhóm dân cư trong xã hội của Thành phố.

Thành phố đã ban hành các chính sách tăng hộ khá theo tiêu chí của từng giai đoạn, từng bước nâng cao đời sống, giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững. Theo báo cáo của các quận, huyện, thành phố còn 3.128 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,13% tổng hộ dân và 15.197 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,62% tổng hộ dân. TP. Hồ Chí Minh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện chính sách ưu đãi người có công. Thành phố có 5 quận và 85 phường của 12 quận hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo3.

Mô hình hỗ trợ an sinh xã hội và các mô hình gắn với đặc điểm kinh tế – văn hóa – xã hội: mô hình tấm lòng vàng của doanh nghiệp, hộ kinh doanh; tổ hợp tác may gia công các mặt hàng truyền thống của cộng đồng người dân tộc Chăm (quận Phú Nhuận) có các thành viên thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được truyền nghề và hỗ trợ vốn; tổ hợp tác trồng rau sạch… đều đã mang lại kết quả cụ thể cho Chương trình Giảm nghèo bền vững tại địa phương.

(3) Về chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Thành phố phê duyệt nhiều đề án, chính sách hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho người lao động, trong đó có người DTTS cụ thể, như: đã ban hành Quyết định số 3639/QĐ-UBND ngày 16/7/2012 của UBND Thành phố về đào tạo nghề cho lao động nông thôn lĩnh vực phi nông nghiệp trên địa bàn Thành phố đến năm 2020; Quyết định số 2675/QĐ-UBND ngày 24/5/2012 về chương trình đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao tay nghề công nhân, người lao động trong doanh nghiệp; Quyết định số 4140/QĐ-UBND ngày 14/8/2012 về Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2012-2015; Quyết định số 3819/QĐ-UBND ngày 28/7/2016 của UBND thành phố về phê duyệt Đề án Đào tạo nghề, tạo việc làm cho người DTTS trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2020. Thành phố đã ban hành Quyết định số 6742/QĐ-UBND ngày 26/12/2016 về Kế hoạch hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020, năm 2017 đã hỗ trợ 645 lao động là người DTTS được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm.

Thời gian qua để tạo điều kiện và khuyến khích người dân yên tâm trong việc chủ động lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng, trình độ văn hóa và phù hợp về tín ngưỡng tôn giáo của dân tộc mình, bên cạnh các nguồn quỹ cho vay để tạo việc làm cho người lao động, như: Quỹ xóa đói giảm nghèo (Quỹ 140), Quỹ quốc gia về việc làm (Quỹ 61), Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố (Quỹ 34),… Trong năm 2022, Thành phố đã thẩm định danh sách phát vay của Ngân hàng chính sách xã hội, qua đó thực hiện kinh phí cấp bù lãi suất hỗ trợ 971 trường hợp hộ DTTS vay 38.396.123.040 đồng4.

(4) Một số chính sách an sinh xã hội khác

Nhằm bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc, Thành phố đã xây dựng và hoàn thành bộ tài liệu dạy học tiếng Hoa, Chăm, Khmer phục vụ việc tổ chức học tiếng nói, chữ viết cho đồng bào dân tộc Hoa, Chăm, Khmer tại TP. Hồ Chí Minh. Hàng năm Thành phố đều có kế hoạch tổ chức chăm lo, thăm hỏi, động viên gia đình chính sách, người có uy tín, các giới đồng bào DTTS, các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo nhân các dịp lễ, tết trên địa bàn Thành phố.

Riêng trong năm 2022, Thành phố tạo điều kiện cho người DTTS số thuộc hộ cận nghèo không có khả năng đóng góp 30% chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế được thụ hưởng chính sách về y tế, thành phố vận động xã hội hóa hỗ trợ chi phí đóng góp 30% mua thẻ bảo hiểm y tế cho người DTTS thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố, kết quả năm 2016, theo chủ trương của thành phố hộ gia đình cận nghèo được hỗ trợ 70% chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế từ nguồn ngân sách và 30% chi phí còn lại từ nguồn kết dư Quỹ bảo hiểm y tế là 8.160 trường hợp cho hộ cận nghèo là người DTTS, với tổng số tiền là 1.652.400.000 đồng5.

Như vậy, qua sự nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền thành phố, đồng bào DTTS trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cơ bản có đời sống ổn định, an tâm lao động và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KTXH, giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thành phố6.

Tuy nhiên, Thành phố vẫn tồn tại một số mặt hạn chế, khó khăn nhất định. Việc phát huy tiềm năng, thế mạnh kinh tế, văn hóa của đồng bào người Hoa chưa tương xứng với nguồn lực trong đồng bào; CSDT trong lĩnh vực hướng nghiệp dạy nghề cho thanh niên DTTS chưa được chú trọng đúng mức; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đồng bào DTTS so với tỷ lệ chung còn cao. Tình trạng lao động người DTTS còn thiếu việc làm hoặc việc làm không ổn định, đời sống một bộ phận dân cư còn khó khăn, thu nhập thấp, trình độ dân trí và điều kiện sinh sống, học tập, làm việc còn hạn chế, mức độ hòa nhập cộng đồng và vươn lên trong cuộc sống của đồng bào Khmer và đồng bào Chăm còn khá chậm. Đây là những nội dung chính sách đặt ra cho chính quyền Thành phố tiếp tục quan tâm giải quyết trong thời gian tới.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số tại TP. Hồ Chí Minh

Thứ nhất, để làm tốt chính sách phát triển sinh kế cho đồng bào DTTS cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ các sở ngành, cùng các tổ chức chính trị – xã hội thực hiện Kế hoạch số 274/KH-UBND ngày 01/02/2023 của UBND TP. Hồ Chí Minh về triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Thứ hai, phát huy các nguồn lực cùng với các CSDT trên mọi lĩnh vực kinh tế, an sinh xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thực hiện việc lồng ghép CSDT trong quá trình triển khai các chương trình, dự án phát triển KTXH của Thành phố. Phát huy tính liên kết, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp của đồng bào dân tộc gắn với định hướng phát triển kinh tế của Thành phố.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội để phát triển những khu vực có đông người DTTS còn khó khăn. Tạo điều kiện thuận lợi để phát huy khả năng, tiềm năng kinh tế của người Hoa phát triển các ngành nghề, các thành phần kinh tế đúng pháp luật, khuyến khích người Hoa kêu gọi thân nhân ở nước ngoài đầu tư vào Thành phố, động viên các doanh nhân, doanh nghiệp người Hoa tích cực tham gia phát triển kinh tế thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Tiếp tục nghiên cứu đề xuất các dự án thiết thực, mô hình hay, chương trình thực hiện CSDT về nhà ở, hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, nhân rộng mô hình làm kinh tế hiệu quả, nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường…

Thứ ba, nghiên cứu xây dựng một số chính sách đặc thù mới, hướng đến xây dựng các chính sách trong việc phát triển du lịch gắn với các công trình tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Hoa, Chăm, Khmer nhằm mục đích cải thiện sinh kế của cộng đồng thông qua du lịch. Nhiều nghề truyền thống đang dần bị mai một, do đó, việc đầu tư, phát triển nghề truyền thống đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối du lịch. Xây dựng các không gian văn hóa cộng đồng cũng nên được quan tâm và phát triển để trở thành cầu nối trong việc giao lưu, phát triển văn hóa các dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, bảo đảm sự phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội và an ninh quốc phòng.

TP. Hồ Chí Minh cần tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới và trong khu vực, như: Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan… để làm tốt việc phát triển du lịch kết hợp với văn hóa du lịch tâm linh của các dân tộc: Hoa, Chăm, Khmer hướng đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa, đồng thời phát triển kinh tế cộng đồng7.

Thứ tư, củng cố mạng lưới y tế tuyến cơ sở, ban hành chính sách hỗ trợ cho cán bộ ngành y tế, cung cấp đầy đủ trang thiết bị y tế cơ bản, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, điều trị nội trú của nhân dân cũng như của người nghèo. Đa dạng hóa các hình thức khám chữa bệnh miễn phí, giảm phí, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho người nghèo, đặc biệt quan tâm đến phụ nữ, trẻ em như xây dựng chương trình dinh dưỡng đối với trẻ em, chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ là người DTTS, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đồng bào DTTS.

Thứ năm, tiếp tục các chính sách phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, mở rộng đào tạo nghề cho người DTTS. Kịp thời phát hiện ngăn chặn và chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc để đồng bào an tâm sinh sống, làm ăn và học tập.

Thứ sáu, nâng cao ý thức, ý chí phấn đấu thoát nghèo từ chính người DTTS. Xây dựng ước mơ khởi nghiệp, dám nghĩ dám làm, vươn lên làm giàu chính đáng, ứng dụng thành tựu tiến bộ khoa học công nghệ trong lực lượng thanh niên người DTTS. Ngoài ra, phát huy tinh thần tự lực tự cường và quyền làm chủ của đồng bào các dân tộc.

Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện những sai sót, bất cập để có sự điều chỉnh kịp thời hoặc có các biện pháp xử lý, chỉnh đốn thực hiện nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả của các CSDT để phù hợp với thực tế; có cơ chế khuyến khích các tổ chức đoàn thể, hộ nghèo là người đồng bào dân tộc tham gia vào quá trình giám sát thực hiện CSDT.

Kết luận

Đảng bộ, chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa và thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CSDT, tạo được sự nhất trí, đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và sự chia sẻ, đồng tình của các tầng lớp nhân dân.

Chính quyền Thành phố tập trung công tác giảm nghèo bền vững, phát triển đồng bộ các lĩnh vực, giáo dục, đào tạo, y tế. Hạn chế dần sự bất bình đẳng trong phát triển và phân hóa xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Chú trọng nâng cao trình độ dân trí trong đồng bào các dân tộc được quan tâm; quan tâm gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của các DTTS trên địa bàn Thành phố; giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các giải pháp phát triển toàn diện đã được chính quyền Thành phố triển khai một cách thường xuyên và đồng bộ cùng với sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành nhằm thực hiện tốt chính sách hỗ trợ sinh kế đối với người DTTS ở TP. Hồ Chí Minh hiệu quả và bền vững.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr 170.
2. Báo cáo số 34/BC-BDT ngày 21/3/2022 của Ban Dân tộc TP. Hồ Chí Minh báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 và Kết luận số 21-KL/TW ngày 24/10/2017 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 (Lĩnh vực công tác dân tộc).
3,5. Báo cáo số 170/BC-UBND ngày 15/9/2022 của UBND TP. Hồ Chí Minh tổng kết thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020 và năm 2021.
4. Báo cáo số 167/BC-BDT ngày 13/12/2022 của Ban Dân tộc TP. Hồ Chí Minh kết quả thực hiện chính sách dân tộc năm 2022 và nhiệm vụ chính sách dân tộc năm 2023.
6. Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu các Dân tộc thiểu số TP. Hồ Chí Minh lần III năm 2019.
7. Department for International Development (DFID): “Sustainable livelihoods guidance sheets”. https://www.ennonline.net.
ThS. Đặng Thanh Tuấn,
Phân viện Học viện hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh
ThS. Nguyễn Văn Kế,
Ban Dân vận Trung ương