Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột trong bối cảnh hội nhập quốc tế

(Quanlynhanuoc.vn) – Cà phê Việt Nam nói chung và cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng là sản phẩm có thương hiệu và đem lại giá trị kinh tế cao. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc nâng cao giá trị và chú trọng bảo vệ thương hiệu của cà phê Buôn Ma Thuột là hết sức cần thiết. Bài viết nghiên cứu thực trạng giá trị của thương hiệu cà phê và đề xuất một số định hướng chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột trong thời gian tới.
Ảnh minh họa (internet).
Quan niệm về hàng giả, hàng nhái

Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ở Việt Nam là khá phổ biến và đã trở thành vấn nạn của các vùng, địa phương khác nhau. Đặc biệt hơn là nạn sản xuất – kinh doanh hàng hóa, xuất nhập khẩu hàng hóa giả nguồn gốc và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các thương hiệu có uy tín trong nước và quốc tế.

Hàng giả là loại hàng hóa được thiết kế, cấu trúc về chất lượng và mẫu mã giống như sản phẩm hàng hóa chính gốc, nó được làm từ vật liệu kém chất lượng; đồng thời, sử dụng nhãn hiệu chính gốc để đánh lừa người tiêu dùng. Nó bao gồm: giả về nội dung (chất lượng và công dụng); giả về hình thức (nhãn hàng, bao bì, địa chỉ, tên thương mại, mã vạch, nguồn gốc…); giả về sở hữu trí tuệ (gắn trùng nhãn với sản phẩm chính hãng).

Hàng nhái là loại hàng có thể giống với sản phẩm có thương hiệu, chính hãng, nó có thể không có nhãn hiệu của thương hiệu sản phẩm chính gốc hoặc có nhãn hiệu mô phỏng tương tự nhưng không đầy đủ nhãn hiệu, ký tự… như sản phẩm gốc nhằm gây sự ngộ nhận hàng thật với người tiêu dùng.

Hàng kém chất lượng là hàng hóa chính hãng, sản phẩm gốc nhưng nó đã được sản xuất và đưa ra thị trường không đầy đủ chất lượng như giá trị nguyên gốc của nó đã cam kết.

Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đa dạng và phong phú, trôi nổi trên thị trường với các phân khúc khác nhau. Nó tồn tại trước hết phụ thuộc vào nhu cầu tiêu dùng, đặc điểm địa lý, địa phương, vùng miền, nhận thức và trải nghiệm của người tiêu dùng và đặc biệt là thể hiện vai trò quản lý nhà nước tương ứng. Nơi nào có công tác quản lý nhà nước về chống hàng giả và gian lận thương mại tốt thì nơi đó sẽ ít có sự tồn tại các mặt hàng này. Thực tế, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đã gây hệ lụy không chỉ lĩnh vực kinh tế mà còn lĩnh vực sức khỏe, an sinh xã hội và các vấn đề xã hội khác…

Tình hình triển khai công tác chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột thời gian qua

Công tác chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu

Cà phê Buôn Ma Thuột được hiểu và nhận diện là một thương hiệu lớn, uy tín trong nước và quốc tế. Các thương hiệu cà phê trong cộng đồng cà phê Buôn Ma Thuột được hình thành, phát triển và được người tiêu dùng, thị trường đón nhận với các cấp độ lòng tin tiêu dùng khác nhau.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho biết, “10 tháng đầu năm 2017, đã phát hiện, xử lý hơn 181.000 vụ việc vi phạm (tăng gần 35% so với cùng kỳ năm 2016); thu ngân sách nhà nước đạt gần 19.000 tỷ đồng; khởi tố trên 1.600 vụ vi phạm, hơn 2.000 đối tượng, tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”1.

Cùng với sự tăng trưởng của thương mại điện tử, năm 2022, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan trên các nền tảng giao dịch trực tuyến, các mạng xã hội xuyên biên giới đang ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng, doanh nghiệp (DN) và sự lành mạnh của thị trường2.

Một thực tế nữa, đó là thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắk Lắk đã bị đăng ký bảo hộ độc quyền trong vòng 10 năm tại Trung Quốc. Đây không phải là lần đầu tiên DN Việt Nam bị lấy mất thương hiệu. Trong khi đó, thương hiệu Cà phê Đắk Lắk cũng đã bị một công ty ở Pháp độc quyền nhãn hiệu từ ngày 25/9/1997, đăng ký bảo hộ ở hơn 10 quốc gia khác nhau. Đắk Lắk là nơi sản xuất ra hơn 50% sản lượng cà phê của cả nước, góp phần đưa Việt Nam lên vị trí thứ nhì thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta. Sở hữu thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng thế giới, nhưng tỉnh Đắk Lắk lại để mất hai thương hiệu này vào tay DN Trung Quốc và Pháp, cho nên, Đắk Lắk sẽ phải mất thời gian, tiền bạc công sức để lấy lại thương hiệu của chính mình. Đây cũng là bài học đắt giá không chỉ cho địa phương mà cho cả các DN nói chung3.

Theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu được 200.056 tấn cà phê với kim ngạch 435 triệu USD trong tháng 02/2023, tăng hơn 40% so với tháng trước cũng như tăng 43% so với cùng kỳ năm trước4.

Trước bối cảnh thị trường và sự quan tâm của người tiêu dùng trong nước và quốc tế đã và đang đón nhận thương hiệu sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột trong sự thụ động, dẫn đến việc quan tâm nhận diện thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của người tiêu dùng còn khá cảm tính. Ngoài ra, sự đa dạng sản phẩm với các thương hiệu khác nhau, cách thể hiện thương hiệu cũng đa dạng cả về hệ thống tiêu chuẩn, hình thức theo tiêu chuẩn, các cấp độ tiêu chuẩn của địa phương, vùng, quốc gia, quốc tế… cũng làm cho người tiêu dùng khó phân biệt, khó nhớ. Thực tế, người tiêu dùng bị nhiễu loạn vì cách thức nhận diện thương hiệu sản phẩm như trên. Điều này là do thiếu vắng vai trò hướng dẫn về thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, trình độ nhận thức, dạng văn hóa, lối sống, nơi làm việc của người tiêu dùng khác nhau… nên tác động đến khả năng nhận diện hàng thật, hàng giả trong quá trình tiêu dùng sản phẩm cà phê. Các nguyên nhân trên đang tạo ra kẽ hở cho hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng tồn tại trên thị trường, đây cũng là thách thức lớn cho thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.

Những thách thức với thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột

Thứ nhất, chưa có cách thức bảo vệ người tiêu dùng nếu họ mua và sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng… không những thế, nó còn thiệt hại về kinh tế, nguy hại đến sức khỏe, tính mạng, an ninh, an toàn…

Thứ hai, chưa có cách thức bảo vệ DN sản xuất – kinh doanh cà phê, do vậy, các DN trực tiếp bị thiệt hại về kinh tế, có thể dẫn đến nguy cơ phá sản. Mặt khác, làm giảm uy tín, thương hiệu, mất lòng tin đối với thương hiệu sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột.

Thứ ba, chưa có cách thức bảo vệ có tính toàn diện và hệ thống các thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột; chưa có tổ chức với vai trò chủ đạo đứng ra tạo dựng và bảo vệ hệ thống chuỗi sản xuất – kinh doanh của thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.

Thứ tư, chưa có chính sách đủ mạnh để chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột trong công tác quản lý nhà nước: hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây khó khăn trong hoạch định phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, của vùng, tỉnh…; phá vỡ quy hoạch và tổ chức đầu tư chuỗi liên kết sản phẩm cà phê, phá vỡ quản trị thương hiệu quốc gia và thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Các thách thức trên đã và đang đặt ra vai trò trọng tài trong công tác chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. Điều này, cần phải có công nghệ tiện ích, tối ưu nhất để giúp người tiêu dùng khi mua, bán, sử dụng cà phê Buôn Ma Thuột được hỗ trợ tức thì và nhận diện đúng hàng thật. Với công nghệ hiện đại, tiện ích và gắn với thói quen tiêu dùng sẽ là trọng tài nhận diện tốt nhất, giúp bảo vệ, chống hàng giả và nhận diện thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột trong bối cảnh hiện nay.

Giải pháp phòng, chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu cho cà phê Buôn Ma Thuột

Trong các trường hợp hàng kém chất lượng khi có nghi ngờ, các nhà sản xuất và DN cà phê Buôn Ma Thuột có thể phản ánh đến Trung tâm tư vấn chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu (PCCP). Với chức năng, nhiệm vụ được giao PCCP sẽ cùng các cơ quan chức năng của Hải Quan; Quản lý thị trường, Công an kinh tế… và các bên liên quan để phối hợp xử lý. Trong trường hợp này, PCCP sẽ giữ vai trò trọng tài cho DN và nhà sản xuất cà phê để cung cấp các mẫu phẩm làm đối chứng cho DN về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại nhờ đã có hệ thống ngân hàng lưu trữ các mẫu phẩm trước đó.

Thực hiện Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định: “phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành thành phố cà phê của thế giới”, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, cụ thể cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, khuyến khích các DN sản xuất – kinh doanh cà phê Buôn Ma Thuột tham gia và cung cấp mẫu tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cà phê vào hệ dữ liệu lớn của PCCP. Đồng thời, khuyến khích các DN sử dụng QR code trên bao bì sản phẩm của mình và đăng ký mã QR code với PCCP.

Hai là, xây dựng văn hóa và thói quen tiêu dùng dựa trên công nghệ đối chứng và vận dụng chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu của PCCP, từ đó giúp người tiêu dùng kiểm chứng nhanh, chính xác để nhận diện hàng thật, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng trong hệ sinh thái đối chứng của PCCP.

Ba là, Đắk Lắk cần phải xây dựng các vùng sản xuất cà phê đủ lớn với chất lượng và thương hiệu riêng biệt; đồng thời, xây dựng mô hình kinh tế hợp tác xã, các chuỗi liên kết và khép kín trong quy trình sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khuyến khích các DN cà phê khởi nghiệp trong tỉnh Đắk Lắk.

Bốn là, tỉnh cần tăng cường hợp tác quốc tế liên quan đến sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột; trong đó cần chú ý đến việc thu hút và đầu tư công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản cà phê Buôn Ma Thuột. Đây là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng cà phê Buôn Ma Thuột.

Năm là, tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của các cơ quan chức năng, như Chi cục Quản lý thị trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các lực lượng công an thực hiện công tác quản lý nhà nước, kiểm tra và xử lý nghiêm các vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại. 

Chú thích:
1. Vì sao hàng giả, hàng nhái vẫn tràn lan? https://vnbusiness.vn ngày 15/12/2017.
2. Vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên internet. https://baochinhphu.vn, ngày 07/6/2022.
3. Bài học từ vụ mất thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. https://vov.vn, ngày 17/9/2011.
4. Xuất khẩu cà phê Việt hồi phục mạnh trong tháng 02/2023. https://baochinhphu.vn, ngày 07/3/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 – 2023. http://lehoicaphe.vn, ngày 09/3/2023.
3. Trung tâm tư vấn Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu. https://pccp.vn, ngày 09/3/2023.
4. Thành công từ các kỳ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột. http://quanlynhanuoc.vn, ngày 09/3/2023.
TS. Tạ Quang Tuấn
Tạp chí Quản lý nhà nước