Khu Đại học Nam Cao, tỉnh Hà Nam tạo nhiều điều kiện để thu hút đầu tư

(Quanlynhanuoc.vn) – Với nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên và cơ chế, chính sách hấp dẫn cùng hiệu quả thực tế của việc thu hút các nhà đầu tư, trong tương lai không xa, Khu Đại học Nam Cao tỉnh Hà Nam sẽ trở thành trung tâm giáo dục có quy mô lớn và hiện đại, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Khu Đại học Nam Cao tỉnh Hà Nam sẽ trở thành trung tâm giáo dục có quy mô lớn và hiện đại, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Kết quả nổi bật trong công tác quản lý, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư

Khu Đại học (KĐH) Nam Cao được Chính phủ xác định là một bộ phận quan trọng của mạng lưới trường đại học, cao đẳng. KĐH Nam Cao được xây dựng quy mô 754 ha nằm trên địa bàn thành phố Phủ Lý và thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Khu được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập và làm việc cho khoảng 80 nghìn học sinh, sinh viên; 20 nghìn giáo viên, chuyên gia và 30 nghìn cư dân đô thị. KĐH Nam Cao sẽ đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chuyên môn kỹ thuật trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đại học cho vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô. Ngoài ra, KĐH có vai trò góp phần điều chỉnh mạng lưới trường đại học, cao đẳng cho vùng và việc di dời một số trường đại học, cao đẳng từ nội thành Hà Nội, phù hợp với Quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 – 2020 và Quy hoạch xây dựng hệ thống các trường đại học, cao đẳng tại vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

Sau 10 năm hình thành và phát triển, đã có số lượng lớn các trường đăng ký khảo sát, nghiên cứu đầu tư tại KĐH, trong đó, hầu hết các trường công lập đã được Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư từ giai đoạn 2013 – 2015. Nổi bật như: Tổ hợp giáo dục FPT UniSchool Hà Nam khởi công xây dựng vào ngày 31/5/2022, là cơ sở tập trung đào tạo các cấp học từ phổ thông đến cao đẳng với quy mô đào tạo 10.000 người, dự kiến hoàn thành trong quý II năm 2023. Trường Đại học Xây dựng đã khánh thành Công trình ký túc xá và giảng đường vào ngày 11/9/2022, nhà trường đã triển khai đưa sinh viên về Cơ sở Hà Nam đào tạo vào tháng 11/2022.

Một số dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu KĐH Nam Cao cũng đã được triển khai, trong đó, việc xây dựng phần nền các tuyến đường giao thông kết nối các dự án thành phần với hệ thống giao thông liên khu vực và các tuyến quốc lộ, cơ bản đáp ứng khả năng lưu thông, phục vụ nhà đầu tư thực hiện các dự án. Ngoài ra, bước đầu đã có một số nhà đầu tư đăng ký và triển khai thực hiện dự án chức năng đô thị khác.

UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư vào KĐH Nam Cao, trong đó quy định chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, các chính sách miễn, giảm thuế và nhiều ưu đãi hỗ trợ khác như: đầu tư hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào các dự án, bảo đảm công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các thủ tục pháp lý để các nhà đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, Ban Quản lý KĐH Nam Cao tham mưu với UBND tỉnh Hà Nam trình Chính phủ phê duyệt các chính sách ưu đãi đặc thù dành riêng cho KĐH Nam Cao. Đồng thời, đã có sự điều chỉnh quy hoạch để thu hút đầu tư, như: khối các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp được bố trí sắp xếp, điều chỉnh lại một số vị trí cho phù hợp làm tăng cường tính liên kết, tập trung. Đất nhóm ở được bố cục lại trên cơ sở bám sát các khu vực dân cư hiện hữu và các khu vực có lợi thế, hình thành các quỹ đất phát triển đô thị, gắn kết khu đại học và các khu đô thị dọc trên tuyến đường 68m từ Quôc lộ 38 đến trung tâm thành phố Phủ Lý tạo nên lợi thế lớn thu hút các nhà đầu tư.

Một số giải pháp trọng tâm

Với mục tiêu đưa KĐH Nam Cao trở thành một mẫu hình giáo dục – đào tạo tầm cỡ khu vực và thế giới, Ban Quản lý KĐH Nam Cao tập trung vào các giải pháp sau:

Một là, về thu hút đầu tư. Chủ động đánh giá tình hình phát triển kinh tế – xã hội, xu thế dịch chuyển cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực để tập trung ưu tiên lựa chọn thu hút các nhà đầu tư, cơ sở giáo dục đào tạo dạy nghề có thương hiệu đầu tư tại KĐH, bảo đảm cung cấp tại chỗ nguồn lao động có chất lượng cao cho các khu công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư chủ động tham gia lựa chọn phương án đầu tư, quy hoạch bảo đảm hiệu quả, phù hợp với định hướng xây dựng phát triển KĐH Nam Cao theo đề án đã được phê duyệt, tuân thủ các quy định của pháp luật.

Tập trung hỗ trợ nhà đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, dịch vụ thương mại nhằm thúc đẩy tốc độ đô thị hóa khu vực tạo sức hút cho KĐH.

Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng, tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ ban hành một số cơ chế chính sách ưu đãi có tính đặc thù, tạo lợi thế thu hút đầu tư và phát triển KĐH.

Hai là, phát triển hạ tầng. Tập trung nguồn vốn giải phóng mặt bằng các vị trí còn vướng mắc và xây dựng hoàn thiện dự án tuyến đường trục động lực 68 m kết nối từ Phủ Lý đến Đồng Văn (nối vào Quốc lộ 38); tiếp tục xây dựng hoàn thiện một số tuyến đường quan trọng đi qua KĐH có tính chất kết nối vùng như tuyến đường Lê Công Thanh (27m), tuyến đường ngang N1 (42m) kết nối từ Quốc lộ 1A đến tuyến đường gom dọc cao tốc.

Tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư để đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật cơ bản thiết yếu khác như các tuyến đường nội bộ khu, cấp điện, cấp nước sạch, thu gom xử lý nước thải và các công trình hạ tầng khác.

Ba là, về nguồn vốn.

Đối với nguồn vốn phát triển hạ tầng khung: vốn ngân sách chủ yếu tập trung cho giải phóng mặt bằng và các dự án hạ tầng kỹ thuật thực sự thiết yếu, các tuyến đường liên kết vùng..

Đối với các cơ sở giáo dục đào tạo: ưu tiên mời gọi các trường ngoài công lập, các trường có vốn đầu tư nước ngoài, các cơ sở đào tạo dạy nghề có liên kết với các doanh nghiệp, tập đoàn trong, ngoài nước thực hiện đào tạo theo đặt hàng. Kêu gọi vận động các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng công trình dự án trong KĐH theo các hình thức xã hội hóa hoặc đầu tư xây dựng, kinh doanh, cho thuê lại cơ sở vật chất.

Hạnh Nguyên