Đổi mới quy trình công tác quản lý tư tưởng đối với quân nhân chuyên nghiệp ở các nhà trường Quân đội hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn)Công tác quản lý tư tưởng quân nhân trong Quân đội là một nội dung quan trọng của công tác đảng, công tác chính trị, trực tiếp góp phần xây dựng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho từng quân nhân và tập thể quân nhân. Từ đó, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, toàn diệnmẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Ảnh minh họa (internet)

Công tác tư tưởng có vai trò đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở đơn vị, trực tiếp góp phần nâng cao nhận thức chính trị, củng cố lập trường, quan điểm, bồi dưỡng và phát triển phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” cho cán bộ, chiến sĩ. Ngày 12/5/2022, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã ban hành Quyết định số 775/QĐ-CT, trong đó nêu rõ: “Công tác quản lý tư tưởng quân nhân là tổng thể các chủ trương, nội dung, biện pháp của các chủ thể, lực lượng quản lý”1. Nhận thức rõ điều này, những năm qua, các nhà trường quân đội (NTQĐ) đã làm tốt công tác nâng cao chất lượng công tác tư tưởng trong quản lý quân nhân chuyên nghiệp (QNCN), coi đó là một nội dung quan trọng, tạo tiền đề nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cùng với đó, công tác quản lý tư tưởng (QLTT) đối với QNCN luôn được lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị ở các NTQĐ tiến hành có nền nếp, nhất là, đã vận dụng linh hoạt, sáng tạohình thức, biện pháp phân tích, đánh giá, dự báo và giải quyết tư tưởng QNCN một cách phong phú, đa dạng; góp phần ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống của đội ngũ này.

Cấp ủy các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện công tác bằng nhiều nội dung, biện pháp cụ thể; trong đó nhấn mạnh vị trí, tầm quan trọng của chủ trương đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng trong quản lý QNCN tại đơn vị, nhà trường; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cấp ủy viên, cán bộ chủ trì các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời, quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ.

Trong nghị quyết lãnh đạo hằng quý, hằng tháng, cấp ủy các cấp đều đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác QLTT, kỷ luật; kịp thời bổ sung nội dung, biện pháp phù hợp với nhận thức của QNCN. Từng đơn vị tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình tư tưởng, ý thức chấp hành pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội, các quy chế, quy định cũng như nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của QNCN; đồng thời, tiến hành công tác sơ kết rút kinh nghiệm, phát hiện những vấn đề nổi cộm để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chất lượng công tác QLTT QNCN của các NTQĐ còn chưa thực sự hiệu quả như kế hoạch đề ra. Một số nội dung thực hiện vẫn còn hạn chế nhất định, trong đó việc nắm tình hình tư tưởng chưa cụ thể, toàn diện, một số cán bộ cấp trên chưa thực sự lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của cán bộ cấp dưới, lời nói chưa đi đôi với việc làm. Công tác phân tích, đánh giá tình hình tư tưởng QNCN ở một số đơn vị tiến hành chưa chặt chẽ, còn chung chung, chưa sátvới tình hình thực tế, nhất là việc xử lý các tình huống đối với QNCN ở một số đơn vị có thời điểm chưa phù hợp, thiếu khoa học dẫn đến hiện tượng QNCN dao động, vi phạm kỷ luật, thậm chí vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng giáo dục – đào tạo của các NTQĐ.

Để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo, xây dựng các NTQĐ chính quy, tiên tiến, mẫu mực, tiêu biểu, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, các NTQĐ cần đổi mới quy trình công tác QLTT đối với QNCN với một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, đổi mới phương pháp nắm bắt tư tưởng đối với QNCN.

Các tổ chức, lực lượng cần tiến hành nắm bắt, QLTT đối với QNCN một cách thường xuyên, liên tục, khách quan, toàn diện, cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm và thiết thực; bám sát quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ và đời sống, sinh hoạt hằng ngày của quân nhân; có thái độ cởi mở, chân tình, tôn trọng lắng nghe ý kiến của mỗi QNCN và của cả đội ngũ; chủ động tạo ra bầu không khí dân chủ, thẳng thắn để mỗi QNCN bộc lộ quan điểm, thái độ, hành vi, cử chỉ, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bản thân. Nắm bắt tư tưởng QNCN có thể trực tiếp thông qua quan sát hành vi, cử chỉ, lời nói, thái độ, tác phong, trạng thái tâm lý, tâm sự giữa cấp trên với cấp dưới hoặc gián tiếp qua nghiên cứu hồ sơ, lý lịch, qua quản lý các loại giấy tờ tùy thân; thông qua phương pháp tọa đàm, trao đổi, đối thoại trong các buổi học tập lý luận chính trị, quán triệt nghị quyết, sinh hoạt đơn vị.

Tăng cường trao đổi về nội dung chính trị, văn hóa và tâm tư nguyện vọng thông qua người thân, gia đình, người yêu, bạn bè, địa phương; sử dụng các biện pháp nắm bắt dư luận tập thể quân nhân, điều tra xã hội học; thông qua báo cáo, phản ánh của tổ chức đảng, chỉ huy, các tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân, các tổ “chiến sĩ bảo vệ”, “chiến sĩ dân vận”, “tư vấn pháp lý”, sự tương tác trên mạng xã hội để nắm bắt tư tưởng QNCN.

Hai là, chủ động dự báo về tư tưởng của QNCN một cách toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm.

Việc dự báo đúng, kịp thời tình hình tư tưởng của QNCN, cần chỉ rõ được những xu hướng, yếu tố tác động tích cực, tiêu cực đến tư tưởng của lực lượng này. Trên cơ sở đó, phân tích tình hình, có thể sẽ nảy sinh với tính chất, mức độ, phạm vi ảnh hưởng đối với cá nhân và tập thể. Chú trọng dự báo chiều hướng tư tưởng nảy sinh đối với QNCN thực hiện nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, vùng hoạt động độc lập theo nhiệm vụ đặc thù. Qua đó, đưa ra những luận cứ, phân tích, chứng minh, đánh giá đúng thực trạng để đưa ra kết luận.

Ba là, đổi mới cách thức phân tích, đánh giá, phân loại tư tưởng theo hướng thực chất, sát đối tượng.

Đây là giải pháp quan trọng, vì vậy, cần phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, bảo đảm tính chính xác, thực chất của từng QNCN để tìm ra những biểu hiện phản ánh bản chất tư tưởng đúng, chưa đúng, chưa phù hợp hoặc sai trá hoặc dao động. Lựa chọn, sàng lọc những biểu hiện tư tưởng mang tính chất trùng lặp làm cơ sở để xem xét bản chất của nó, chỉ ra thực chất tư tưởng hiện tại của đối tượng. Cần đi sâu phân tích chiều hướng phát triển, mức độ và phạm vi ảnh hưởng của các biểu hiện tư tưởng đã nắm được đến mỗi QNCN và tập thể đơn vị, nguồn gốc, nguyên nhân phát triển. Trên cơ sở đó, phân tích các biểu hiện tư tưởng của QNCN, cấp ủy, chính trị viên, người chỉ huy, đưa ra nhận xét, phân loại tư tưởng của từng quân nhân. Nhận xét về tư tưởng QNCN cần phải chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế tác động đến mỗi cán bộ, nhân viên, học viên và tập thể quân nhân trong đơn vị cũng như toàn nhà trường.

Bốn là, tích cực, chủ động định hướng tư tưởng đối với QNCN.

Định hướng tư tưởng phải bằng lý, lẽ phải, tình cảm chân tình cởi mở để QNCN nhận thấy rõ “đúng – sai”, “được – mất”, những gì có lợi cho tập thể, bản thân, gia đình và những gì gây tổn hại cho tập thể, cho đồng đội, bản thân và gia đình, nhất là về danh dự, uy tín, liêm sỉ. Quá trình định hướng tư tưởng phải dựa trên cơ sở khoa học, có căn cứ lý luận và thực tiễn tin cậy để mỗi QNCN tin tưởng, nghe theo, làm theo.

Định hướng tư tưởng đối với QNCN phải có các thông tin chính thống, thông qua gương người tốt, việc tốt và bằng phương pháp nêu gương của cán bộ nói chung, nhất là của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy. Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các buổi sinh hoạt đối thoại dân chủ, các buổi sơ kết, tổng kết, đồng thời, trả lời những vướng mắc, nảy sinh của QNCN. Bên cạnh đó, lãnh đạo, chỉ huy cũng cần biết lắng nghe nguyện vọng chính đáng của QNCN, tránh biểu hiện độc đoán, gia trưởng, mất dân chủ dẫn đến hiện tượng họ không dám nói thẳng, nói thật, gây mất niềm tin vào lãnh đạo, chỉ huy. Tuy nhiên, cần chú ý đến đặc điểm tâm lý, tính cách, tập quán, văn hóa, truyền thống riêng của mỗi QNCN trước những thiếu sót, khuyết điểm, hạn chế để tạo điều kiện thuận lợi cho QNCN phấn đấu, rèn luyện trưởng thành. Mặt khác, cần khắc phục, đề phòng khuynh hướng bao che, nương nhẹ, cục bộ hoặc trù dập, mặc cảm với những khuyết điểm của QNCN.

Năm là, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch gây ảnh hưởng đến tư tưởng QNCN.

Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong NTQĐ cần định hướng tuyên truyền, đấu tranh phản bác các biểu hiện tiêu cực, lệch lạc ảnh hưởng đến tư tưởng của QNCN. Chủ động phân loại từng đối tượng quân nhân và nhóm QNCN có đặc điểm riêng, chú trọng một số QNCN cá biệt. Bên cạnh đó, cần kiên quyết đấu tranh với những QNCN có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vi phạm 19 điều đảng viên không được làm; kiên quyết xử lý những QNCN có biểu hiện vô ý thức tổ chức kỷ luật, không chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc hành vi quân phiệt, hành hung đồng đội, mất đoàn kết với Nhân dân gây ảnh hưởng đến uy tín của quân đội và nhà trường.

Xây dựng đội ngũ QNCN có tư tưởng vững vàng, có sức “đề kháng” tốt để nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng và ngoài xã hội, góp phần xây dựng các NTQĐ luôn vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.

Thực hiện tốt công tác để nắm bắt tư tưởng QNCN đối với QNCN là giải pháp cơ bản để quản lý quân nhân, bảo đảm cho mọi cán bộ, chiến sĩ luôn thống nhất về tư tưởng, hành động, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chú thích:
1. Quyết định số 775/QĐ- CT ngày 12/5/2022 của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Quốc phòng. Báo cáo tình hình tư tưởng, kỷ luật của các nhà trường Quân đội. Hà Nội, 2022.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
3. Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015.
4. Nguyễn Phú Trọng. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Báo Quân đội nhân dân, ngày 17/5/2021.
TS. Vũ Phú Dũng
ThS. Trần Quốc Khánh
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng