Hội thảo khoa học quốc tế: “Thu hút nhân lực trẻ tài năng vào làm việc trong nền công vụ: kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp và các giá trị tham khảo cho Việt Nam”

(Quanlynhanuoc.vn) – Chiều ngày 30/3, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia phối hợp với Tổng cục Hành chính và Công vụ Pháp (DGAFP), Viện Dịch vụ công quốc gia Pháp (ISPN) và Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: “Thu hút nhân lực trẻ tài năng vào làm việc trong nền công vụ: kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp và các giá trị tham khảo cho Việt Nam”. PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện chủ trì Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo khoa học quốc tế ở điểm cầu chính tại Hà Nội.

Tham dự Hội thảo, đại biểu quốc tế, có ông Béla Hégédus, Phó Tham tán Hợp tác và Hoạt động văn hóa, Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam; bà Faustine Bentaberry, Vụ trưởng Vụ Hợp tác châu Âu và quốc tế, đối tác và triển vọng, DGAFP và bà Sandra Senichault, phụ trách các dự án hợp tác quốc tế, DGAFP; ông Alexandre Tran Chuong, phụ trách Dự án và đối tác quốc tế khu vực châu Á – châu Mỹ, ISPN và học viên của ISPN Nathan Kuentz.

Học viện Hành chính Quốc gia có các Phó Giám đốc: TS. Nguyễn Đăng Quế, TS. Lại Đức Vượng, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu; lãnh đạo các đơn vị, khoa, ban thuộc và trực thuộc Học viện; cán bộ, giảng viên cùng đại biểu các điểm cầu trực tuyến từ Phân viện của Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giám đốc Học viện Nguyễn Bá Chiến chào mừng các chuyên gia quốc tế và đại biểu tới dự Hội thảo. Giám đốc cho biết, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển nền công vụ, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách thu hút nhân lực trẻ tài năng vào làm việc trong nền công vụ. Tuy nhiên, trước bối cảnh hội nhập quốc tế và những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền công vụ Việt Nam đang gặp nhiều thách thức, như: nguồn nhân lực có kinh nghiệm và chất lượng đã và đang dịch chuyển sang khu vực tư; năng lực một bộ phận công chức còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm; thiếu động lực làm việc; chính sách thu hút, tuyển dụng và trọng dụng nguồn nhân lực trẻ, tài năng chưa thực sự hấp dẫn.

Học viện Hành chính Quốc gia là trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đảm nhận vai trò tham mưu và tư vấn cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước. Trong đó, Học viện đã và đang chủ động trao đổi, nghiên cứu đánh giá, hợp tác với các đối tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm quốc tế để đổi mới chương trình, nội dung đào tạo; tham mưu cho Bộ Nội vụ xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhân lực trẻ tài năng cho nền công vụ, đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trên cơ sở các cuộc trao đổi, kết quả hợp tác giữa Học viện và các cơ quan hàng đầu của nền công vụ Pháp là sự thống nhất chung để tiến hành tổ chức các cuộc hội thảo, toạ đàm nhằm hiện thực hoá các nội dung hợp tác tiếp theo. Theo đó, tại hội thảo, Giám đốc Học viện đề nghị các đại biểu tập trung chia sẻ, trao đổi, thảo luận về các nội dung, sau: (1) Bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu đặt ra đối với việc thu hút, sử dụng nhân lực trẻ tài năng trong nền công vụ; (2) Kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp trong thu hút, sử dụng nhân lực trẻ tài năng trong nền công vụ; (3) Thực trạng thu hút, trọng dụng nhân lực trẻ tài năng trong nền công vụ Việt Nam: cơ hội và thách thức; (4) Kiến nghị, đề xuất áp dụng kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp trong thu hút, sử dụng nhân lực trẻ, tài năng vào nền công vụ Việt Nam hiện nay.

Ông Béla Hégédus, Phó Tham tán Hợp tác và hoạt động văn hóa, đại diện Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam phát biểu chào mừng tại Hội thảo.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Béla Hégédus, Phó Tham tán Hợp tác và hoạt động văn hóa, đại diện Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo Học viện đã tiếp đón đoàn thịnh tình, ấm áp. Ông nhấn mạnh, chuyến thăm và làm việc tại Học viện với mục đích kiểm tra tiến độ hợp tác hiện có giữa Học viện với DGAFP và ISPN để các bên có thể thiết lập lịch trình hợp tác trong thời gian tới, tăng cường các nội dung hợp tác trong lĩnh vực hành chính giữa Việt Nam và Pháp. Hội thảo là cơ hội để các bên trao đổi sâu về chuyên môn, nghiệp vụ, các vấn đề liên quan đến cung ứng dịch vụ công giữa hai nền hành chính Việt Nam và Pháp trong tương lai. Chủ đề của Hội thảo được các bên đưa ra chính là để giải đáp những vướng mắc, khó khăn, thách thức về vấn đề tuyển dụng và xây dựng chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài của Việt Nam cũng như của Pháp hiện nay. Ông hy vọng, thực tiễn cũng như kinh nghiệm trong chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài của Pháp sẽ góp phần giúp cho Học viện Hành chính Quốc gia nói riêng, cho nền công vụ của Việt Nam nói chung được cải thiện và đạt được những thành quả to lớn trong thời gian tới; mong sự hợp tác giữa các bên ngày càng phát triển và gặt hái được kết quả như mong đợi.

Với nội dung “Cách thức thu hút, tuyển dụng và giữ chân nhân tài trong nền công vụ”, đại diện của DGAFP là bà Faustine Bentabery và bà Sandra Senichault đã có những chia sẻ thẳng thắn về nền công vụ của Pháp hiện nay. Bà Faustine Bentabery chia sẻ, thực tế của nền công vụ Pháp hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó có 3 thách thức rõ rệt, đó là: (1) Nhận thức của giới trẻ hiện nay với mong muốn tìm việc làm trong khu vực công hay khu vực tư, họ đưa vấn đề này lên bàn cân để so sánh lợi ích nếu làm việc tại 2 khu vực này sẽ khác nhau như thế nào? Khác biệt về thu nhập giữa khu vực công và khu vực tư cùng với những kỳ thi tuyển khắt khe của khu vực công đã làm cho khu vực này không phải là ưu tiên lựa chọn của giới trẻ. Thế hệ trẻ không mặn mà với con đường chức nghiệp trong khu vực công mà mong muốn được làm việc ở khu vực tư với đầy sức sáng tạo và thu nhập cao; (2) Vấn đề tái thay biên chế, hay nói cách khác là đội ngũ công chức có năng lực đến tuổi nghỉ hưu hoặc xin nghỉ việc, trong khi đó nền công vụ lại không tuyển được nhân lực tài năng để thay thế đội ngũ này; (3) Vấn đề cạnh tranh gay gắt giữa nền công vụ với khu vực tư nhân.

Bà Faustine Bentaberry, Vụ trưởng Vụ Hợp tác châu Âu và quốc tế, đối tác và triển vọng, DGAFP tham luận tại Hội thảo.

Bà Faustine Bentabery đã chia sẻ các hoạt động mà Tổng cục Hành chính và Công vụ Pháp đang triển khai nhằm tăng tính hấp dẫn của nền công vụ, cụ thể: Đối với chiến lược trong các địa phương, DGAFP thực hiện trên cơ sở phối hợp với các bộ liên quan nhằm lập bản đồ những vùng địa lý ít hấp dẫn; đưa ra những chiến lược tạo thuận lợi trong tuyển dụng, giữ chân, khuyến khích luân chuyển công chức; thử nghiệm các biện pháp nhằm cải thiện tính hấp dẫn trong hoạt động hành chính của một số địa phương. Tham luận đã dẫn chứng 3 tỉnh được đánh giá là ít hấp dẫn trong thu hút nguồn nhân lực, gồm: tỉnh Somme (vùng Hauts-de-France, ở phía Bắc) và 2 tỉnh Essonne, Seine et Marne (vùng Ile-de-France, khu vực ven Paris). Để thực hiện tốt hoạt động thử nghiệm này, DGAFP đã nhờ tư vấn của OECD (là bên cung cấp công cụ hỗ trợ kỹ thuật) tiến hành điều tra và phỏng vấn các trưởng bộ phận nhân sự chủ chốt về thách thức và yếu tố cấu thành tính hấp dẫn của nền công vụ trong khu vực. Hỗ trợ của OECD đã giúp tìm hiểu sâu về tính hấp dẫn của khu vực và đưa ra khuyến nghị chiến lược cũng như thực thi công vụ nhằm cải thiện tính hấp dẫn của 3 tỉnh được chọn thí điểm. Bên cạnh đó, các chiến dịch, như: “Dấu ấn người sử dụng lao động”, “Khám phá dịch vụ công” là những hoạt động mà nền công vụ Pháp triển khai nhằm thu hút nhân tài về làm việc trong nền công vụ và đã đạt được những thành công nhất định.

Bà Sandra Senichault, Phụ trách các dự án hợp tác quốc tế, DGAFP trình bày tham luận tại Hội thảo.

Tiếp theo tham luận của bà Faustine Bentabery, bà Sandra Senichault cũng đã có chia sẻ về vấn đề: “Các hoạt động hướng tới thế hệ trẻ”. Tại tham luận này, bà đã nêu ra 3 cơ chế hoạt động bổ sung lẫn nhau để thu hút giới trẻ làm việc tại khu vực công, như: ôn luyện trước kỳ thi tuyển vào công chức cao cấp dành cho số lượng sinh viên có kết quả học tập tốt và được hưởng học bổng dành cho ôn luyện; đưa ra quy trình tuyển dụng đặc thù cho 6 kỳ thi tuyển vào công vụ cao cấp; thiết kế một nền tảng dành riêng cho các công chức tự nguyện làm người hướng dẫn các tài năng trẻ. Hơn thế nữa, DGAFP còn khuyến khích bình đẳng cơ hội cho các học sinh tại các trường phổ thông cơ sở, phổ thông trung học dựa trên việc các trường đào tạo công vụ trở thành đối tác với các trường này… và một số hoạt động thiết thực khác.

Đứng trước yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, DGAFP cũng đã đưa ra các phương hướng và các chương trình hành động để thích ứng với sự chuyển đổi này, như: (1) Cục Liên bộ Chuyển đổi số (DINUM) thông qua chương trình tài năng, có tham vọng phát triển các nghề trong tất cả các cơ quan hành chính nhằm hỗ trợ để thu hút và giữ chân những tài năng, chuyên gia về chuyển đổi số để đồng hành cùng công chức lãnh đạo thực hiện thành công chuyển đổi số của Chính phủ Pháp; (2) Ban hành khung tham chiếu thù lao 56 nghề trong lĩnh vực số và các hệ thống thông tin – truyền thông trong toàn bộ cơ quan hành chính nhà nước. Khung tham chiếu này xác định các mức lương với toàn bộ vị trí việc làm trong lĩnh vực số; (3) Triển khai chương trình “Hãy chia sẻ tài năng số của bạn” do DINUM khởi xướng; (4) Triển khai chương trình “Doanh nhân lợi ích chung” nhằm tuyển chọn các chuyên gia về công nghệ trong lĩnh vực thiết kế số, pháp luật số để trải nghiệm các cơ hội mới với các công chức nhà nước…

PGS.TS. Hoàng Mai, Trưởng Khoa Quản trị nhân lực, Học viện Hành chính Quốc gia tham luận tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, PGS.TS. Hoàng Mai, Trưởng khoa Khoa Quản trị nhân lực của Học viện đã tham luận về vấn đề: “Thu hút, trọng dụng nhân lực trẻ tài năng trong nền công vụ Việt Nam: cơ hội, thách thức và giải pháp”. Tham luận nêu các nội dung về cơ hội trong thu hút, trọng dụng nhân lực trẻ tài năng trong nền công vụ Việt Nam, thách thức và giải pháp thu hút, sử dụng nhân lực trẻ tài năng trong nền công vụ Việt Nam thời gian tới. Nhấn mạnh nội dung, cơ hội trong thu hút, trọng dụng nhân lực trẻ tài năng trong nền công vụ. PGS.TS nêu các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong vấn đề này qua từng giai đoạn và thực tiễn tại các địa phương cũng đã triển khai nhiều chương trình, chính sách trong trọng dụng nhân lực trẻ tài năng.

Mặc dù đã có nhiều chủ trương, chính sách thu hút, trọng dụng đối tượng này, nhưng những khó khăn, thách thức trong công tác này là điều mà Việt Nam đang phải đối mặt, cụ thể: chưa có một chiến lược mang tầm quốc gia về thu hút và trọng dụng người tài năng mang tính đột phá; các quy định của pháp luật chưa thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ các chính sách của Đảng về thu hút và trọng dụng nhân tài; chính sách trọng dụng nhân tài chưa tạo động lực rõ rệt (tiền lương, môi trường làm việc, phát triển bản thân trong quy hoạch, bổ nhiệm…); nguồn lực tài chính của Chính phủ và địa phương chưa tương xứng với thu hút và trọng dụng nhân tài… Theo đó, một số giải pháp nhằm thu hút, trọng dụng nhân lực trẻ tài năng vào nền công vụ Việt Nam trong thời gian tới được bà Mai đề xuất, như: (1) Ban hành Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài; (2) Xác định rõ ai là nhân lực trẻ tài năng; (3) Xây dựng tiêu chí xác định nhân lực trẻ tài năng, có chế độ đãi ngộ vượt trội về nhà ở, tiền lương…; (4) Xây dựng mô hình “Làng trí thức”, “Vườn ươm tài năng”; (5) Nuôi dưỡng, bồi dưỡng tài năng bằng hình thức đưa đi đào tạo ở nước ngoài, có lớp nguồn…; (6) Thăng tiến, bổ nhiệm theo quy trình đặc biệt; (7) Huy động nguồn lực trong nước kết hợp tăng cường hợp tác quốc tế trong thu hút, bồi dưỡng nguồn lực tài năng trẻ.

Ông Alexandre Tran Chuong, Phụ trách Dự án và đối tác quốc tế khu vực châu Á – châu Mỹ, ISPN và học viên ISPN Nathan Kuentz giới thiệu về ISPN.

Tại Hội thảo, ông Alexandre Tran Chương và học viên ISPN Nathan Kuentz đã có bài giới thiệu về Viện và vai trò của ISPN trong phát triển nhân lực. ISPN – tiền thân là Trường Hành chính Quốc gia Pháp (ENA) đã có truyền thống hợp tác với Học viện trước đây. Trong các năm vừa qua, các hoạt động hợp tác với INSP mới chỉ triển khai ở phạm vi nhỏ, như: đón tiếp và làm việc với các đoàn công tác của Học viện tại Pháp; đón nhận một viên chức Học viện sang thực tập tại Ban Hợp tác quốc tế của INSP. Năm 2022, phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, INSP đã tổ chức 2 khóa bồi dưỡng trực tuyến cho Học viện: 1 khóa bồi dưỡng dành cho công chức lãnh đạo, quản lý địa phương và trung ương về “Phân cấp, phân quyền và hiện đại hoá công vụ” vào tháng 6/2022 và 1 khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng viên về “Nền hành chính số” vào tháng 10/2022.

Bên cạnh mỗi bài tham luận, Hội thảo còn được nghe nhiều câu hỏi, ý kiến đóng góp của các đại biểu về các vấn đề liên quan đến chủ đề Hội thảo. Các ý kiến tâm huyết và sát yêu cầu thực tiễn về vấn đề thu hút, trọng dụng nhân lực tài năng trẻ hiện nay của 2 quốc gia. Các nhà khoa học, diễn giả của DGAFP, NAPA và ISPN đã có những giải đáp xác đáng, thấu hiểu và chia sẻ với các vấn đề mà cácđại biểu nêu ra. Đồng thời, các nhà khoa học Việt Nam cũng có nhiều giải đáp các câu hỏi của các nhà khoa học Pháp.

Nhìn chung, tại hội thảo, Học viện Hành chính Quốc gia và ISPN đều mong muốn trong thời gian tới, hai bên ký Thỏa thuận hợp tác về các nội dung: hợp tác trong đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cho các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp ở trung ương và địa phương; hợp tác trong đào tạo, bồi dưỡng giảng viên; trao đổi các đoàn lãnh đạo, cán bộ, giảng viên của hai cơ sở đào tạo; hợp tác trong tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học và thực hiện nghiên cứu chung. Bên cạnh đó, thông qua sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, hai bên sẽ tổ chức các chương trình về: nâng cao năng lực giảng viên về quản lý lãnh đạo trong bối cảnh nhiều biến động; quản trị quốc gia và quản trị địa phương; hiện đại hóa nền công vụ; hoạch định, thực thi và đánh giá chính sách trong bối cảnh chuyển đổi số và nhiều biến động; kỹ năng tư duy phân tích và tư duy hệ thống…

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Giám đốc Học viện PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến bày tỏ sự cảm ơn chân thành đến các đại biểu, các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên, đặc biệt là các chuyên gia quốc tế đã dành thời gian trao đổi và chia sẻ nhiều nội dung trong chủ đề của Hội thảo. Giám đốc hy vọng, những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn của Pháp sẽ mang lại ý nghĩa thiết thực và có thể ứng dụng, vận dụng cho nền công vụ của Việt Nam, nhằm xây dựng nền công vụ Việt Nam hiện đại, phát triển bền vững.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Thu Hương