Nhận diện và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân đối với sĩ quan trẻ trong các học viện, trường sĩ quan quân đội hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong quá trình giáo dục, rèn luyện và xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm cảnh báo: “chủ nghĩa cá nhân” là một trong những căn bệnh nguy hại, nhất là khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền. Theo Người, do cá nhân chủ nghĩa mà cán bộ, đảng viên phạm nhiều sai lầm, làm hại đến Đảng, Nhà nước, dân tộc, nhân dân và cách mạng. Do đó, “Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật”1.
Ảnh minh họa (internet).

Chủ nghĩa cá nhân (CNCN) là sản phẩm tất yếu của chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Nó là tư tưởng chủ đạo chi phối mọi ý nghĩ, tình cảm và việc làm của giai cấp bóc lột trong các chế độ cũ. CNCN là kẻ thù nguy hiểm của con người trong chế độ mới – chế độ xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ là CNCN. CNCN trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”2. Bởi vậy, muốn chống CNCN, trước hết cần phải nhận thức rõ những đặc điểm và biểu hiện chủ yếu nhất của nó.

Những đặc điểm và biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin đã đặt cơ sở phương pháp luận cho việc nghiên cứu CNCN, với tư cách là một phạm trù triết học – đạo đức học thuộc hình thái ý thức xã hội, phản ánh một tồn tại xã hội tương ứng. Lúc đầu CNCN chỉ mới xuất hiện trong một số cá nhân, nó là mặt xấu, là cái núp trong mỗi con người, chủ yếu là những người có của cải, thuộc giai cấp bóc lột. Khi CNCN “khu trú” ở một nhóm người, thì nó được nhân lên và dần trở thành một khuynh hướng có tính xã hội. Đó là khuynh hướng cá nhân cực đoan, luôn tách rời, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân trong mối quan hệ biện chứng với lợi ích tập thể, cộng đồng, xã hội. Sự nhấn mạnh một chiều lợi ích cá nhân đó đã từng bước phá vỡ mối quan hệ khách quan giữa cá nhân với các chủ thể quan hệ khác và làm biến dạng bộ mặt nhân cách con người trong đời sống xã hội. Đi liền với khuynh hướng đó là các loại: chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa phường hội, bè phái, cục bộ, phe cánh, nhóm lợi ích… Do đó, ở một chừng mực nhất định có thể xem các loại chủ nghĩa đó là những biểu hiện đặc thù của CNCN.

Ph.Ăngghen trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước” đã vạch rõ, chính những lợi ích thấp hèn nhất – tính tham lam tầm thường, lòng khao khát hưởng lạc thô bạo, tính bủn xỉn bẩn thỉu, nguyện vọng ích kỉ muốn ăn cắp của công – báo hiệu sự ra đời của xã hội văn minh mới, xã hội có giai cấp; chính những thủ đoạn bỉ ổi nhất – trộm cắp, bạo lực, tính giảo quyệt, sự phản bội – đã làm suy yếu xã hội thị tộc không có giai cấp và đã đưa xã hội đó đến chỗ diệt vong3. Trong suốt tiến trình lịch sử tồn tại của chế độ tư hữu, bản thân xã hội đó vẫn đem lại lợi ích, thoả mãn nhu cầu của thiểu số chiếm hữu tư liệu sản xuất trên mồ hôi nước mắt và xương máu của tuyệt đại đa số những người bị áp bức, bóc lột.

Tại Đại hội III toàn Nga của Đoàn Thanh niên Cộng sản Nga ngày 02/10/1920 ở Mátxcơva, khi nói về nhiệm vụ của Đoàn Thanh niên, V.I.Lênin chỉ ra xã hội cũ xây dựng trên nguyên tắc cướp đoạt, do đó, những người được đào tạo ở trong xã hội đó, ngay từ khi còn bú mẹ đã nhiễm phải một tâm lý, một tập quán là chỉ lo nghĩ về của riêng mình chứ không quan tâm đến người khác. Như vậy, chủ nghĩa Mác – Lênin luận giải CNCN nảy sinh trong điều kiện xã hội phân chia giai cấp gắn liền với quan niệm muốn giải quyết các mối tương quan đó theo hướng ngày càng đề cao quá mức vị trí, vai trò và lợi ích cá nhân, hạ thấp, xem nhẹ vai trò và lợi ích cộng đồng, xã hội.

Kế thừa những quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định, CNCN là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy4. Có thể thấy, CNCN được dùng để chỉ những người tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, khát vọng cá nhân, tất cả mọi suy nghĩ, việc làm của họ đều vì quyền và lợi ích cá nhân của riêng mình, gia đình mình, nhóm lợi ích mình; đặt lợi ích của cá nhân lên trên, lên trước lợi ích của tập thể, cách mạng, dân tộc. Theo Người, CNCN là kẻ thù của cách mạng, nó là nguồn gốc của những “căn bệnh” làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm tha hóa Đảng, làm cho Đảng mất dần tính cách mạng, tính trí tuệ, tính đạo đức và uy tín trước Nhân dân… Chừng nào còn CNCN thì cách mạng còn gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng, chống sa vào CNCN.

Trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và từ thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và quá trình quản lý nhà nước, nhận thức của Đảng về CNCN ngày càng toàn diện, sâu sắc. Đảng đã chỉ rõ CNCN nảy sinh và tồn tại trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, có khách quan và chủ quan.

Về khách quan cho thấy những tác động của mặt trái, tiêu cực của nền kinh tế thị trường, sự phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo, sự chênh lệch về thu nhập và đời sống trong xã hội ngày càng tăng là nguyên nhân trực tiếp, là “mảnh đất” để cho CNCN có cơ hội nảy sinh, phát triển. Cùng với đó là ảnh hưởng của xu thế toàn cầu hóa, mở cửa, hội nhập ngày càng sâu rộng, làm gia tăng tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, lối sống chạy theo đồng tiền, vị kỷ, hẹp hòi; đề cao lợi ích vật chất, lợi ích cá nhân. Mặt khác, thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, các thế lực thù địch tìm mọi thủ đoạn tác động, tuyên truyền các giá trị tư sản, đề cao cá nhân, vị kỷ… hòng làm suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng.

Về chủ quan, là do thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Do bản thân những cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào CNCN ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân5. Mặt khác, CNCN tồn tại, nảy sinh trong cán bộ, đảng viên là do sự yếu kém, bất cập của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác quản lý nhà nước; việc quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên của tổ chức Đảng và việc thi hành pháp luật Nhà nước và quyền giám sát của nhân dân chưa nghiêm.

Do đó, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay cần trở thành việc làm thường xuyên, phải kiên quyết đấu tranh chống CNCN ích kỷ, lối sống thực dụng, chỉ nghĩ đến tiền tài, địa vị, lạc thú cá nhân, xa rời quần chúng, cách biệt người lao động. Trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải đi đầu trong đấu tranh đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; nêu gương về đức khiêm tốn giản dị; tác phong sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu tâm tư nguyện vọng chính đáng của quần chúng.

Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân của sĩ quan trẻ ở các học viện, trường sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện nay

Đội ngũ sĩ quan trẻ (SQT) ở các học viện, trường sĩ quan quân đội (SQQĐ) là lực lượng xung kích, sáng tạo, có vai trò ngày càng quan trọng trong xây dựng nhà trường quân đội đáp ứng với yêu cầu mới của thực tiễn. Trong đấu tranh chống CNCN, vai trò của họ biểu hiện rõ nét ở những nội dung sau:

Thứ nhất, SQT là lực lượng nòng cốt nghiên cứu, đề xuất với cấp ủy, chỉ huy các cấp những chủ trương, nội dung, hình thức, biện pháp đấu chống CNCN. Đây là chức năng, nhiệm vụ chủ yếu, trực tiếp thể hiện vai trò của đội ngũ SQT ở các học viện, trường SQQĐ trong đấu tranh chống CNCN. Cùng với các lực lượng khác, SQT có vai trò là lực lượng nòng cốt tham gia giáo dục, truyền thụ những tri thức lý luận cơ bản, nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị và quân sự cho cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ. Thông qua quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý, giảng dạy, đội ngũ SQT truyền thụ cho học viên các tri thức, hiểu biết về tư tưởng Hồ Chí Minh, những kiến thức lý luận của khoa học xã hội – nhân văn quân sự, các tri thức lý luận căn bản về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức… Bên cạnh đó, trang bị các phương pháp, cách thức hướng dẫn và tổ chức việc giáo dục và rèn luyện chính trị, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị và kinh nghiệm đấu tranh chống CNCN. Do đó, các đối tượng học viên sau khi tốt nghiệp ra trường vừa có tri thức, vừa có phương pháp đấu tranh chống CNCN, góp phần gia tăng sức mạnh đấu tranh chống CNCN cả trong và ngoài quân đội. Vì vậy, có thể khẳng định, vai trò của đội ngũ SQT ở học viện, trường SQQĐ trong đấu tranh chống CNCN không những chỉ giới hạn ở việc trực tiếp bồi dưỡng trình độ, năng lực chuyên môn cho cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ, mà còn là lực lượng nòng cốt tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chỉ huy các cấp những chủ trương, nội dung, hình thức, biện pháp đấu tranh chống CNCN hiện nay.

Thứ hai, SQT ở các học viện, trường SQQĐ là lực lượng nòng cốt trong nghiên cứu khoa học, góp phần quán triệt quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về đấu tranh chống CNCN.

Thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng giúp cho đội ngũ SQT có định hướng đúng đắn trong việc lựa chọn thông tin, tổng hợp, khái quát các tài liệu để chuẩn bị tốt nhất cho nội dung bài giảng, tăng cho hàm lượng kiến thức trong mỗi nội dung giảng dạy có tính khoa học, tính lôgíc cao và tính đảng sâu sắc, đặc biệt là việc cập nhật những thông tin mới, hiện đại để thường xuyên bổ sung và hoàn thiện các bài giảng, khắc phục tình trạng lạc hậu về kiến thức hay lượng thông tin đến người học nghèo nàn, chậm đổi mới. Cũng thông qua nghiên cứu khoa học, đội ngũ SQT góp phần quan trọng trong việc làm sáng tỏ tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng về xây dựng đạo đức cách mạng, đấu tranh chống CNCN; đồng thời phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch, bảo vệ bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ ba, SQT ở các học viện, trường SQQĐ là lực lượng quan trọng tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước góp phần đấu tranh chống CNCN.

Công tác dân vận là một nội dung quan trọng của hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của các đơn vị quân đội trong đó có các học viện, trường SQQĐ. Hiện nay, các thế lực thù địch đang đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, với những thủ đoạn hết sức thâm độc, trong đó chúng triệt để lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền”, những sơ hở, yếu kém trong quản lý, phát triển kinh tế – xã hội để xuyên tạc, vu khống, chống Đảng, Nhà nước, quân đội, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân và Nhân dân với Đảng, Nhà nước và quân đội; thực hiện “phi chính trị hóa” quân đội. Tình hình đó đặt ra và đòi hỏi toàn quân nói chung, các học viện, trường SQQĐ nói riêng phải tiếp tục coi trọng và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, góp phần củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt quân – dân.

Để làm được điều đó, đòi hỏi phải phát huy vai trò của nhiều tổ chức, lực lượng trong đó có đội ngũ SQT. Thông qua các hoạt động, như: giao lưu, kết nghĩa, hành quân, dã ngoại với Nhân dân, SQT ở các học viện, trường SQQĐ trực tiếp tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đội ngũ SQT là những người, tuyên truyền, lôi cuốn cho dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm; đồng thời, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân với Đảng, Chính phủ để Đảng, Chính phủ xây dựng, hoạch định đường lối, chính sách đúng, phù hợp với tình hình thực tiễn. Không chỉ làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, SQT còn là người phải gương mẫu, hăng hái thực hiện đường lối, chính sách. Thông qua những hoạt động tích cực, chủ động, đội ngũ SQT đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác dân vận của các học viện, trường SQQĐ, từ đó góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, và sự đồng thuận của xã hội, góp phần nâng cao chất lượng đấu tranh chống CNCN.

Thứ tư, SQT ở các học viện, trường SQQĐ là lực lượng quan trọng trực tiếp tham gia đấu tranh chống CNCN.

Ưu thế nổi trội và cũng là một chức năng thể hiện vai trò của đội ngũ SQT là trực tiếp đấu tranh thông qua học tập, công tác và thực hiện nhiệm vụ được giao. Với những tri thức, kiến thức sư phạm trong quân đội, cùng trình độ hiểu biết sâu sắc về lý luận chính trị quân sự và xã hội, khi được tổ chức phân công và hướng dẫn chỉ đạo tập trung thống nhất, đội ngũ SQT tích cực góp tiếng nói đấu tranh chống CNCN, góp phần bảo vệ đường lối chính trị của Đảng, thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa của Nhân dân ta.

Đấu tranh chống CNCN là vấn đề cấp bách trong xây dựng, chỉnh đống Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tính cấp cấp thiết và vai trò quan trọng, không thể thiếu của đội ngũ SQT ở các học viện, trường SQQĐ trong đấu tranh chống CNCN được thể hiện khá phong phú và sinh động. Trong đó, nổi bật là trực tiếp đấu tranh trong hoạt động quản lý, giảng dạy, trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, trong hoạt động giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, học viên, công nhân viên, chiến sĩ và đấu tranh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có thể khẳng định, SQT ở các Học viện, trường SQQĐ có vai trò quan trọng, một trong những lực lượng xung kích, đi đầu, góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng, hiệu quả của cuộc đấu tranh chống CNCN hiện nay.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập.Tập 15. H. NXB. Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 547.
2. Hồ Chí Minh. Toàn tập.Tập 11. H. NXB. Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 602.
3. C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập. Tập 21. H. NXB. Chính trị quốc gia – Sự thật, 1995, tr 150.
4. Hồ Chí Minh. Toàn tập.Tập 13. H. NXB. Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 90.
5. Ban Tuyên giáo Trung ương. Tài liệu hỏi – đáp các văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). H. NXB. Chính trị quốc gia – Sự thật, 2016, tr.18.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB. Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI). H. NXB. Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, 2016.
4. Quy định số 101 QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.
5. Nghị quyết số 04/NQ-TW ngày 30/10/2016, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Thiếu tá, ThS Lê Tuấn Anh
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng