Thực trạng và giải pháp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của UBND cấp tỉnh

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 05/4/2023 Học viện Hành chính Quốc gia phối hợp với Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh tổ chức Toạ đàm: Thực trạng và giải pháp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của UBND cấp tỉnh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia và đồng chí Lâm Hùng Tấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh đồng chủ trì Toạ đàm.
Quang cảnh buổi Tọa đàm.

Tham dự Toạ đàm, có các đại biểu đến từ 18 đơn vị là các sở ngành, các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu và các phòng, ban có quản lý và là các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Phát biểu đề dẫn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Lâm Hùng Tấn cho biết, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao Bộ Nội vụ tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của UBND cấp tỉnh nhằm đánh giá kết quả thực hiện việc tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (gọi tắt là Nghị quyết số 19-NQ/TW), từ đó kiến nghị, đề xuất, tham mưu cho Đảng, Nhà nước triển khai các giải pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong giai đoạn tiếp theo.

Đồng chí Lâm Hùng Tấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Toạ đàm.

Thông qua việc trao đổi sôi nổi, thẳng thắn từ thực tiễn địa phương, đơn vị, các đại biểu tham dự đều đồng tình, đánh giá cao chủ trương của Nghị quyết số 19-NQ/TW là hoàn toàn đúng đắn, đã được các địa phương quyết liệt triển khai và đem lại những kết quả tích cực. Đó là: (1) Thu gọn bộ máy, giảm được số lượng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập. (2) Giảm được một số đầu việc, quy trình tác nghiệp do bớt được đầu mối, bớt được một số chức danh thủ trưởng đơn vị. Từ đó, góp phần tiết kiệm được chi thường xuyên ở một số nội dung nhất định. (3) Bảo đảm được sự thống nhất, nhất quán trong triển khai lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập. (4) Góp phần thúc đẩy tính sáng tạo, đổi mới của các đơn vị sự nghiệp công lập trong môi trường cạnh tranh, hướng đến nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công đáp ứng yêu cầu sự phát triển xã hội trong bối cảnh hiện nay.

Các đại biểu trao đổi tại Toạ đàm.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, từ thực tiễn hoạt động ở các địa phương đang phát sinh không ít tồn tại, bất cập, hạn chế. Một là, việc tổ chức lại, tạo nên tổ chức có quy mô lớn hơn, phạm vi quản lý rộng hơn, phương thức hoạt động mới hơn nhưng thiếu hành lang pháp lý hoạt động. Hai là, không rõ địa vị pháp lý của mô hình tổ chức mới. Do chưa có và thiếu các văn bản pháp lý quy định cho hoạt động của mô hình tổ chức mới. Ví dụ, như: hình thức đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang hình thức công ty cổ phần thì giám đốc doanh nghiệp là viên chức được điều chỉnh bởi bộ luật lao động hay vẫn chịu sự điều chỉnh của Luật Viên chức; các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú sẽ hoạt động theo chức danh là viên chức nhà nước hay là nghệ sĩ tự do, việc quản lý các viên chức trong đơn vị hoạt động theo mô hình doanh nghiệp sẽ như thế nào,… Ba là, phát sinh các vấn đề phình to trong nội bộ của mô hình tổ chức mới. Hợp nhất 2 cơ quan thì bên ngoài là bớt đi được 1 đầu mối, nhưng bên trong lại phát sinh cơ chế phối hợp, phân công thế nào giữa các mảng đầu việc khác nhau. Bởi lẽ, tầm hạn quản trị một phòng với 7 nhân sự, một mảng công việc sẽ khác với tầm hạn quản trị của một phòng sau sắp xếp có thể tăng lên 15 nhân sự với nhiều mảng công việc khác nhau, nhiều mối liên kết dọc, ngang, đa dạng. Và liên thông thế nào giữa các đầu mối này với các hệ thống cấp trên, cấp dưới, bên trong, bên ngoài. Bốn là, do chưa có cơ chế thống nhất nên các địa phương có sự vận dụng đa dạng, không đồng bộ theo cách hiểu khác nhau về tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Trên cơ sở đánh giá rõ thực trạng, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm thực tiễn việc tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, các đại biểu đã đề xuất nhiều kiến nghị, đề xuất tới Bộ Nội vụ, cùng các cơ quan của Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng nguồn nhân lực, có chính sách tiền lương, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm phù hợp để các đơn vị sự nghiệp công lập sau tổ chức lại hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong bối cảnh mới.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu tại Tọa đàm.

Phát biểu kết luận Toạ đàm, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu trân trọng cảm ơn đại biểu các sở ngành, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của UBND TP. Hồ Chí Minh đã tham dự Toạ đàm. Trên cơ sở các ý kiến đánh giá kết quả thực hiện và bài học kinh nghiệm từ thực tiễn địa phương sẽ tiến hành tổng kết, hoàn thiện báo cáo tổng hợp và kiến nghị tới Bộ Nội vụ, cùng các cơ quan hữu quan tham mưu cho Đảng và Nhà nước có những giải pháp, chính sách khả thi, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị sự nghiệp công lập sau tổ chức lại. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng về đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong giai đoạn tiếp theo.

PV