Giải ngân vốn đầu tư công ở tỉnh Bình Thuận: Lý luận và thực tiễn

(Quanlynhanuoc.vn) –  Đầu tư công là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công cũng là thước đo đánh giá sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một địa phương. Nội dung bài viết tập trung làm rõ một số vấn đề cơ bản về đầu tư công, đánh giá những mặt đạt được, chỉ ra các hạn chế trong hoạt động giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh Bình Thuận, từ đó, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao kết quả, hiệu quả của hoạt động này.
Ảnh: moit.gov.vn.
Một số vấn đề cơ bản về đầu tư công

Đầu tư công (ĐTC) là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án và đối tượng ĐTC theo quy định của pháp luật. Hoạt động ĐTC bao gồm: lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định chương trình, dự án ĐTC; lập, thẩm định, phê duyệt, giao, triển khai thực hiện kế hoạch, dự án ĐTC; quản lý, sử dụng vốn ĐTC; nghiệm thu, bàn giao chương trình, quyết toán dự án ĐTC; theo dõi và đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án ĐTC.

Đối tượng của ĐTC là các chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; là đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; là đầu tư và hỗ trợ hoạt động đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội; là đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư; là đầu tư phục vụ công tác lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch; là cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ1.

Trong các hoạt động trên, việc quản lý, sử dụng vốn ĐTC sao cho đạt được các chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra và mang lại hiệu quả kinh tế đã được các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương tới các địa phương. Để có cái nhìn khái quát về nguồn vốn đầu tư được quy định cụ thể trong Luật ĐTC, nội dung bài viết nêu một số khái niêm về: vốn ngân sách trung ương (là vốn chi cho đầu tư phát triển thuộc ngân sách trung ương theo quy định); vốn ngân sách địa phương (vốn chi cho đầu tư phát triển thuộc ngân sách địa phương theo quy định); vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương (vốn thuộc ngân sách trung ương bổ sung cho địa phương) để đầu tư chương trình, dự án ĐTC theo nhiệm vụ cụ thể được cấp có thẩm quyền quyết định.

Như vậy, vốn ĐTC được hiểu là vốn ngân sách nhà nước; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật. Việc xây dựng và phân bổ kế hoạch vốn ĐTC hằng năm và năm năm được thực hiện theo mục tiêu, định hướng phát triển trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch đã được phê duyệt; tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn được cấp có thẩm quyền quyết định; tập trung bố trí vốn ĐTC để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, của các cấp, các ngành; trong từng ngành, lĩnh vực, việc bố trí vốn thực hiện theo thứ tự ưu tiên như sau: dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công – tư.

Dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch; dự án khởi công mới đáp ứng yêu cầu quy định. Ngoài ra, việc bố trí vốn kế hoạch cho chương trình, dự án khởi công mới phải đáp ứng các yêu cầu sau đây: chương trình, dự án cần thiết, có đủ điều kiện được bố trí vốn kế hoạch theo quy định; sau khi đã bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định; bảo đảm bố trí đủ vốn để hoàn thành chương trình, dự án theo tiến độ đầu tư đã được phê duyệt.

Hằng năm, Thủ tướng Chính phủ giao tổng mức đầu tư cho các bộ, ngành, địa phương; các bộ, ngành, địa phương giao chi tiết từng dự án cùng mức vốn; chủ đầu tư tổ chức thực hiện. Việc giao chi tiết đến từng dự án của các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành trước 31/12 của năm trước năm kế hoạch. Giải ngân vốn ĐTC trong năm kế hoạch hay trong thời kỳ trung hạn được hiểu là lũy kế quá trình thanh toán, quyết toán theo kế hoạch đã được ban hành. Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn trước đến hết ngày 31/01 năm đầu tiên của kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn sau; giải ngân vốn kế hoạch ĐTC hằng năm đến ngày 31/01 năm sau.

Trường hợp bất khả kháng, Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với vốn ngân sách trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với vốn ngân sách địa phương cho phép kéo dài thời gian thực hiện nhưng không quá 31 tháng 12 năm sau.

Đối với chương trình, dự án sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại chưa được dự toán hoặc vượt dự toán được giao, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Cách thức quản lý giải ngân vốn ĐTC được tiến hành dựa trên mối quan hệ giữa các chủ thể: (1) Chủ đầu tư và nhà thầu hoàn thiện hồ sơ thanh toán; (2) Chủ đầu tư nộp hồ sơ đề nghị thanh toán, cơ quan kiểm soát kiểm tra; (3) Cơ quan kiểm soát, thanh toán thực hiện thanh toán cho đối tượng thụ hưởng.

Thực trạng giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh Bình Thuận

Tổng kế hoạch vốn ĐTC trong năm là 5.091.877 triệu đồng, trong đó giao đầu năm là 4.857.680 triệu đồng, giao bổ sung là 234.197 triệu đồng; giải ngân đến ngày 31/01/2023 là 4.475.934 triệu đồng, đạt 87,9% kế hoạch, tương ứng với 92,14% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nằm trong các tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước. Con số hơn 92% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao này nếu so với những năm trước đó thì đây là con số rất đáng khích lệ, năm 2020, giải ngân vốn địa phương đạt 75,3%; năm 2021, giải ngân vốn địa phương đạt 86%2.

Đi sâu vào phân tích nguồn vốn, những chủ đầu tư góp phần vào kết quả giải ngân chung của tỉnh, cho thấy: vốn xây dựng cơ bản tập trung trong nước đạt 88,16%; vốn từ nguồn thu sử dụng đất đạt 104%; vốn xổ số kiến thiết đạt 82,99%; vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêuđạt 89,47%, nếu so với số vốn được giao đầu năm thì đạt 92,6%; vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đạt 44,70%; vốn ngoài nước (ODA) đạt 78,3%; vốn đầu tư từ bội chi ngân sách địa phương đạt 58,58%3.

Kết quả giải ngân chi tiết của các chủ đầu tư cụ thể như sau: 4 chủ đầu tư có kết quả giải ngân đạt 100% kế hoạch (Văn phòng UBND tỉnh, Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh); 11 chủ đầu tư có kết quả giải ngân đạt trên 95% kế hoạch (Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện Hàm Thuận Bắc, UBND huyện Tuy Phong, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, UBND huyện Phú Quý, UBND thành phố Phan Thiết, UBND huyện Hàm Thuận Nam, UBND thị xã La Gi, UBND huyện Hàm Tân, Sở Y tế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội); 4 chủ đầu tư giải ngân đạt trên 90% kế hoạch (UBND huyện Tánh Linh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, UBND huyện Bắc Bình, Bảo tàng tỉnh); 3 chủ đầu tư giải ngân đạt trên 80% kế hoạch (UBND huyện Đức Linh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh); 6 chủ đầu tư giải ngân đạt trên 50% kế hoạch (Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Văn phòng Tỉnh ủy); 5 chủ đầu tư giải ngân đạt dưới 50% kế hoạch (Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh); 1 chủ đầu tư chưa giải ngân kế hoạch vốn (0%) (Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh)4.

Để đạt được những kết quả trên, tỉnh Bình Thuận đã phân bổ vốn ĐTC trong năm, bảo đảm tập trung, không phân tán, dàn trải. Chỉ giao kế hoạch vốn đối với các dự án đã đủ thủ tục đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật về ĐTC và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Tập trung ưu tiên bố trí vốn để thực hiện, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả các dự án quan trọng, dự án kết nối, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững. Bố trí đủ vốn cho các dự án đã phê duyệt quyết toán, các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm để phát huy hiệu quả đầu tư. Bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo tiến độ được phê duyệt; bố trí vốn trả nợ gốc vay lại dự án ODA. Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, số vốn còn lại mới bố trí cho các dự án khởi công mới đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư, trong đó ưu tiên cho các công trình có tính chất liên vùng giao thông, thủy lợi cấp bách, phòng, chống thiên tai, xử lý sạt lở bờ biển, cấp nước sinh hoạt, y tế, giáo dục,…

Mặt khác, sau khi giao kế hoạch vốn, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, chủ đầu tư tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp về giải ngân vốn ĐTC; UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác giải ngân vốn ĐTC; định kỳ hằng tháng, tiến hành rà soát đánh giá tiến độ thực hiện để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn được giao, nhất là công trình trọng điểm. Qua rà soát, đã điều chỉnh cắt giảm vốn các dự án không có khối lượng thực hiện, không có khả năng giải ngân để bổ sung cho các dự án có nhu cầu vốn giải ngân, bố trí hoàn ứng.

Ngoài ra, tỉnh đã làm tốt một số công tác, như: nâng cao công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế dự án, đấu thầu bảo đảm về thời gian và chất lượng; phân khai vốn cho các dự án ngay từ đầu năm và bảo đảm các nguyên tắc bố trí vốn theo quy định của Luật ĐTC năm 2019; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn ĐTC, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu,gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; thường xuyên rà soát tiến độ thực hiện của từng dự án, tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các chủ đầu tư để kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là công tác đền bù giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ĐTC; có hình thức khen thưởng, kỷ luật phù hợp đối với sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các chủ đầu tư.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay trên thực tế vẫn còn bộc lộ những khó khăn, hạn chế làm chậm giải ngân vốn ĐTC, như:

Thứ nhất, việc thực hiện ĐTC không chỉ liên quan đến Luật ĐTC năm 2019, mà còn liên quan đến rất nhiều luật, tùy tính chất của từng dự án, như: Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Đất đai năm 2013, Luật Bảo vệ môi trườngnăm 2020, Luật Đấu thầu năm 2013, Bộ luật Lao động năm 2019, các luật thuế, Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và các cam kết khác của Chính phủ. Các khâu này lại không thể thực hiện đồng thời được mà theo từng luật, theo từng quy trình và xong khâu này mới đến khâu kia nên mất rất nhiều thời gian, cụ thể: (1) Lập, trình phê duyệt và giao kế hoạch vốn trung hạn, hằng năm và phê duyệt chủ trương đầu tư được thực hiện theo quy định tại Điều 53 Luật ĐTC năm 2019, đồng thời phải bảo đảm theo quy định từ Điều 51 – 54 Luật Quy hoạch năm 2017; (2) Thực hiện quyết định đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư được thực hiện theo quy định tại Điều 44 Luật ĐTC năm 2019, đồng thời phải bảo đảm quy định trong Điều 54, 55, 56, 57 Luật Xây dựng năm 2014 và theo Điều 28, 29, 30, 31 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Thứ hai, quy trình giải ngân vốn nước ngoài phụ thuộc quy trình của nhà tài trợ, thời gian phản hồi của nhà tài trợ ODA khi được xin ý kiến về các nội dung đấu thầu, giải ngân, gia hạn hợp đồng mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Một số dự án còn vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đến nay chưa giải quyết xong, trong đó có một số dự án đã quá thời hạn bố trí vốn theo quy định tại Điều 52 Luật ĐTC năm 2019 (nhóm B không quá 4 năm, nhóm C không quá 3 năm).

Thứ ba, công tác chuẩn bị để khởi công mới các công trình, dự án còn chậm, phần lớn các công trình, dự án được thông qua kế hoạch ĐTC hàng năm (trước ngày 31/12 của năm trước nhưng đến hết ngày 30/6 của năm sau vẫn chưa khởi công triển khai dự án). Nguyên nhân chậm do phải tinh qua nhiều khâu, nhiều bước, nhiều cơ quan phải xem xét, thẩm tra, thẩm định, đấu thầu nên mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, việc triển khai thi công cũng gặp những khó khăn vướng mắc, phụ thuộc vào quy trình lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất và công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Thứ tư, năng lực tổ chức quản lý triển khai hồ sơ thủ tục đầu tư dự án, thực hiện dự án của một số chủ đầu tư còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm; công tác phối hợp với các sở ngành của một số chủ đầu tư chưa tích cực, chặt chẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân. Đặc biệt, có tình trạng nhà thầu trúng thầu nhiều công trình nhưng không đủ năng lực thi công dẫn đến việc chậm tiến độ dự án và giải ngân nguồn vốn.

Thứ năm, giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng và lên xuống bất thường trong những tháng đầu năm đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của các dự án. Tình hình biến đổi khí hậu trong năm vừa qua trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các công trình ĐTC.

Giải pháp thúc đẩy để tăng tỷ lệ và nâng cao chất lượng giải ngân vốn đầu tư công

Để đẩy mạnh tiến độ thực hiện giải ngân vốn ĐTC trong thời gian tới và những năm tiếp theo, phấn đấu nâng tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao, sớm đưa công trình vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tỉnh Bình Thuận cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:

Một là, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc một số nội dung như sau: khẩn trương hoàn thành thủ đầu tục đầu tư các dự án khởi công mới trong năm để phân khai chi tiết hết các nguồn vốn còn lại đã được Thủ tướng Chính phủ giao chậm nhất đến hết ngày 31/3; tập trung triển khai ngay các dự án đã được bố trí vốn từ đầu năm, đối với các công trình khởi công mới trong năm (đã được bố trí vốn) khẩn trương thực hiện công tác đấu thầu xây lắp, thời gian thực hiện chậm nhất đến ngày 30/ 6 để sớm triển khai thi công và giải ngân kế hoạch vốn được giao; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn ĐTC, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân.

Kết quả giải ngân dự án ĐTC là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi và người đứng đầu các cấp chính quyền. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra thì không xét thi đua khen thưởng, không xét hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với người đứng đầu, chủ đầu tư và cá nhân liên quan. Xây dựng kế hoạch giải ngân cụ thể từng dự án theo từng tháng và cả năm ngay từ đầu năm để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư và báo cáo cho UBND tỉnh thông qua cơ quan đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư vào một thời điểm cố định, định kỳ hằng tháng.

Đối với các dự án vướng đền bù, giải phóng mặt bằng: các chủ đầu tư phải tích cực, chủ động phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh công tác kiểm kê, xác định tính pháp lý, áp giá đền bù cho các tổ chức, cá nhân để sớm bàn giao mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, phối hợp tốt với các chủ đầu tư để thực hiện công tác đền bù.

Thường xuyên rà soát các công trình đã có khối lượng thực hiện, khẩn trương nghiệm thu, đẩy nhanh thời gian và giảm bớt thủ tục thanh toán vốn, không để dồn vào cuối năm mới thanh toán. Chủ động rà soát tiến độ giải ngân của từng dự án để cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư. Đối với các dự án ODA, các chủ đầu tư chủ động làm việc với các cơ quan trung ương và nhà tài trợ kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về hồ sơ, thủ tục để sớm giải ngân hết kế hoạch vốn được phân khai.

Hai là, giao các Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước và các cơ quan có liên quan đề xuất hình thức khen thưởng, kỷ luật phù hợp đối với tập thể, cá nhân  trong việc thực hiện các nhiệm vụ UBND tỉnh giao về giải ngân kế hoạch ĐTC trong năm; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp giảm bớt các thủ tục hành chính trong thanh toán vốn đầu tư cho các nhà thầu nhưng vẫn bảo đảm các yêu cầu theo quy định; tham mưu UBND tỉnh thanh lập Tổ công tác cấp tỉnh về giải ngân vốn ĐTC và giao UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập Tổ Công tác giải ngân vốn đầu tư cấp huyện để thường xuyên kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện các dự án kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Ba là, các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ về tình hình giải ngân vốn ĐTC, gửi về cơ quan đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư theo đúng thời gian quy định. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh và các chủ đầu tư thường xuyên theo dõi báo cáo định kỳ hàng tháng về tình hình giải ngân vốn ĐTC cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định.

Chú thích:
1. Điều 5, Luật Đầu tư công năm 2019
2,3,4. Báo cáo số 564/BC-SKHĐT của Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Thuận về tình hình triển khai thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 và các tháng đầu năm 2023
ThS. Đỗ Văn Chung
Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận