Cơ sở khoa học về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”

(Quanlynhanuoc.vn) – Tiếp cận cơ sở khoa học của quan điểm “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” giúp chúng ta tiếp tục củng cố niềm tin khoa học, cách mạng vào chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và niềm tin tất thắng vào con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Ảnh: mic.gov.vn.
Đặt vấn đề

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ bao hàm trong đó cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều nhiệm vụ mới, nặng nề, phức tạp hơn đối với Nhà nước trong thực hiện chức năng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhằm khắc phục những hạn chế về lý luận và thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền (NNPQ) xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, góp phần đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt, bảo vệ vững chắc thành quả phát triển đã đạt được, đáp ứng yêu cầu phát triển, quản lý, bảo vệ và đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện NNPQ xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Cơ sở khoa học từ quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin về Nhà nước pháp quyền

Với phương pháp tiếp cận khoa học, C.Mác và Ph.Ăngghen đã tiếp cận và luận giải vấn đề nhà nước đi từ nền tảng kinh tế vật chất và chỉ ra rằng nhà nước là một hiện tượng lịch sử, có quá trình hình thành và phát triển: “Nhà nước tồn tại không phải là mãi mãi từ ngàn xưa… Đến một giai đoạn phát triển kinh tế nhất định, giai đoạn tất nhiên phải gắn liền với sự phân chia xã hội thành giai cấp thì sự phân chia đó làm cho nhà nước trở thành một tất yếu”1.

Kế thừa, phát triển tư tưởng đó, V.I.Lênin đã bổ sung, hoàn thiện điều kiện ra đời, tồn tại và phát triển của nhà nước, đó là: “Nhà nước là sản phẩm và biểu hiện của những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được. Bất cứ ở đâu, hễ lúc nào và chừng nào về mặt khách quan, những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được thì nhà nước xuất hiện. Và, ngược lại: sự tồn tại của nhà nước chứng tỏ rằng mâu thuẫn giai cấp là không thể điều hòa được”2.

Như vậy, nhà nước không phải là một định mệnh của xã hội. Nó chỉ xuất hiện, tồn tại trong những điều kiện nhất định, đó là chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và mâu thuẫn đối kháng không thể điều hòa. Điều đó có giá trị vô cùng to lớn về mặt thế giới quan, phương pháp luận trong giai đoạn hiện nay, đó là, một khi còn tồn tại chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và đối kháng giai cấp thì nhận thức sự tồn tại nhà nước là tất yếu khách quan. Khi sự tồn tại của nhà nước là tất yếu khách quan thì việc xây dựng, hoàn thiện nhà nước theo kiểu và hình thức nào là nhiệm vụ đặt ra, phụ thuộc vào bản chất của các đảng phái, giai cấp cầm quyền.

Khi khẳng định vai trò của nhà nước pháp quyền, V.I.Lênin đã phê phán các quan điểm sai lầm của bọn cơ hội, bọn “Mensêvích”, cũng như bọn vô chính phủ và chỉ rõ giai cấp vô sản phải dùng bạo lực cách mạng để thủ tiêu bộ máy bạo lực của giai cấp tư sản xóa bỏ nhà nước tư sản: “Trong một thời gian nhất định, dưới chế độ cộng sản, không những vẫn còn pháp quyền tư sản, mà vẫn còn nhà nước kiểu tư sản, nhưng không có giai cấp tư sản”3; và “nếu không rơi vào không tưởng thì không thể nghĩ rằng sau khi lật đổ chủ nghĩa tư bản, người ta sẽ tức khắc có thể làm việc cho xã hội mà không cần có tiêu chuẩn pháp quyền nào cả”4.

V.I.Lênin giải thích: “Pháp quyền ấy vẫn còn tồn tại với tư cách là yếu tố điều tiết (quyết định) việc phân phối sản phẩm và phân phối lao động giữa các thành viên trong xã hội”5; và “tuyệt nhiên không phải Mác đã tùy tiện luồn một mẩu pháp quyền “tư sản” vào chủ nghĩa cộng sản”6. Như vậy, các nhà kinh điển Mác – Lênin mặc dù không đưa ra quan niệm về NNPQ nhưng trong các quan điểm nêu trên đã thể hiện đầy đủ những tư tưởng cốt lõi về NNPQ, đó là: (1) Bản chất dân chủ trong NNPQ; (2) Chủ thể quyền lực nhà nước phải thuộc về đại đa số quần chúng nhân dân; (3) Bản chất giai cấp công nhân và tính nhân dân rộng rãi trongNNPQ; (4) Bản chất và vai trò của pháp luật trong tổ chức, quản lý, điều hành xã hội. Do đó, xây dựng NNPQ xã hội chủ nghĩa là tất yếu, phù hợp quy luật khách quan đối với các nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, xây dựng và hoàn thiện NNPQ xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay không nằm ngoài quy luật đó.

Cơ sở khoa học từ tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền và tính tất yếu xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam

Mặc dù ngay ban đầu, Hồ Chí Minh không dùng khái niệm NNPQ, nhưng những tư tưởng về NNPQ xã hội chủ nghĩa được Người đề cập rất sớm, thể hiện trong tư tưởng của Người về dân chủ, pháp luật và nhân quyền. Năm 1919, trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam, Người đã yêu cầu phải cải cách nền pháp lý ở Đông Dương theo hướng người bản xứ cũng được hưởng những bảo đảm về mặt pháp luật như người châu Âu; xóa bỏ hoàn toàn và triệt để các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và đàn áp nhân dân Việt Nam; yêu cầu phải để cho nhân dân Việt Nam có các quyền như tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do giáo dục.

Đặc biệt hơn nữa, trong thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ, ngày 18/6/1919, kèm theo bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị Véc-xây (Versailles), Người yêu cầu: “Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật”7. Năm 1922, trong bài Việt Nam yêu cầu ca, Người nhấn mạnh “Bảy xin hiến pháp ban hành/Trăm đều phải có thần linh pháp quyền”8. Khi đất nước giành được độc lập, dân có chủ quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương phải tổ chức tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội càng sớm càng tốt, mặc dù lúc đó, thù trong, giặc ngoài, chính quyền non trẻ, ngàn cân treo sợi tóc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn cho rằng, quyền con người, quyền công dân có mối quan hệ mật thiết không tách rời với một bản Hiến pháp dân chủ. Thân phận của người dân sống trong nhà nước quân chủ chuyên chế và trong nhà nước thực dân xâm lược không có trong các định chế về Hiến pháp, về tổ chức quyền lực nhà nước để ràng buộc và đề cao trách nhiệm của nhà nước trong mối quan hệ với việc thực thi quyền con người, quyền công dân. Những tư tưởng đó là cơ sở thế giới quan, phương pháp luận quan trọng trực tiếp cho Đảng ta tiếp thu, vận dụng sáng tạo trong quá trình lãnh đạo xây dựng và hoàn thiện NNPQ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cơ sở khoa học từ quá trình phát triển nhận thức của Đảng và thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay

Từ khi ra đời cho đến nay, quá trình đổi mới tư duy, bổ sung, hoàn thiện cả về lý luận cũng như thực tiễn về xây dựng NNPQ ở nước ta của Đảng ta đã được xác định ngày càng rõ hơn. Trong các văn kiện của Đảng trước đây mặc dù chưa sử dụng thuật ngữ NNPQ, nhưng một số đặc trưng, giá trị phổ biến của NNPQ thì đã được nhận thức và diễn đạt khá rõ nét trong các bản Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980.

Quá trình đổi mới, nhận thức của Đảng ta về NNPQ ngày càng đầy đủ hơn, rõ ràng, cụ thể hơn và quyết tâm xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa dưới hình thức NNPQ cũng ngày càng cao hơn. Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), đã đề cập một số nội dung cơ bản liên quan đến NNPQ: “Quản lý đất nước bằng pháp luật, chứ không chỉ bằng đạo lý”9. Đại hội Đảng lần thứ VII (1991) tiếp tục khẳng định và bổ sung làm rõ vị trí, vai trò, mối quan hệ giữa các cơ quan quyền lực nhà nước: “Nhà nước Việt Nam thống nhất ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, với sự phân công rành mạch ba quyền đó”10.

Chủ trương xây dựng NNPQ xã hội chủ nghĩa ở nước ta chính thức được khẳng định tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1994): “Tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Đó là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật, đưa đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước pháp quyền Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, lấy liên minh giữa giai cấp công nhân với nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng do Đảng ta lãnh đạo”11. Đây là lần đầu tiên Đảng ta chính thức sử dụng thuật ngữ “nhà nước pháp quyền” và nêu cụ thể, toàn diện những quan điểm, nguyên tắc, nội dung xây dựng NNPQ xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam.

Đến Đại hội VIII (1996) Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Tăng cường pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức”12. Năm 1997, Đảng ra Nghị quyết về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh khẳng định: “Từng bước phát triển hệ thống quan điểm, nguyên tắc cơ bản về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân”13. Mục tiêu xây dựng NNPQ xã hội chủ nghĩa được khẳng định rõ ràng và nhất quán từ Đại hội lần thứ IX (2001) đến nay: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng”14, coi đây là một nhiệm vụ có tính chiến lược và xuyên suốt trong sự nghiệp đổi mới.

Cùng với sự phát triển về nhận thức của Đảng, những thành quả to lớn mà Việt Nam đã đạt được trong thực tiễn xây dựng NNPQ đã góp phần hoàn thiện quan điểm lý luận về NNPQ xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, nhất là về bản chất và đặc trưng. Về bản chất xây dựng NNPQ xã hội chủ nghĩa đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định rõ ràng: “Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa – một nhà nước thực sự kiến tạo khuôn khổ thể chế, pháp luật cho sự phát triển của đất nước, của dân tộc. Do đó, hệ thống pháp luật phải đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, bảo đảm cho bộ máy nhà nước vận hành trôi chảy, vừa tiếp nhận, phát triển những giá trị đã được khẳng định của văn minh nhân loại, vừa phù hợp với những giá trị tốt đẹp của văn hoá Việt Nam, phù hợp với yêu cầu của chế độ ta, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế – xã hội, phát triển đất nước nhanh và bền vững”15.

Về đặc trưng đã được Đảng ta đề cập, bổ sung, phát triển và lần đầu tiên thống nhất, đầy đủ, rõ ràng: “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật; Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật”16.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, chủ yếu, Đảng ta đã nghiêm túc, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong xây dựng NNPQ xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đó là: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn chưa được luận giải một cách đầy đủ, thuyết phục; tổ chức bộ máy nhà nước, hệ thống pháp luật còn một số bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Quyền lực nhà nước chưa được kiểm soát hiệu quả, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và Nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên và Nhân dân chưa nghiêm…”17.

Kết luận

Xuất phát từ những cơ sở lý luận, thực tiễn nêu trên, cùng với tình hình thế giới, khu vực, trong nước đang có nhiều biến đổi nhanh chóng trước tác động mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự chống phá của các thế lực thù địch và những vấn đề cấp bách toàn cầu đặt ra đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Do đó, “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” là một Nghị quyết thể hiện “ý Đảng, lòng dân”, hoàn toàn phù hợp với quy luật khách quan, xu thế phát triển của thời đại và ý chí, nguyện vọng của Nhân dân Việt Nam hiện nay nhằm quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chú thích:
1. C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập. Tập 21. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr.257.
2,3,4,5,6. V.I.Lênin. Toàn tập. Tập 33. H. NXB Chính trị quốc gia, 2005, tr.9, 121, 116, 116, 122.
7,8. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr.469, 473.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 47. H. NXB Chính trị quốc gia, 2006, tr.455.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 51. H. NXB Chính trị quốc gia, 2007, tr.146.
11. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 53. H. NXB Chính trị quốc gia, 2007, tr.224.
12. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 55. H. NXB Chính trị quốc gia, 2015, tr.337.
13. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 56. H. NXB Chính trị quốc gia, 2015, tr.306-307.
14. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 60. H. NXB Chính trị quốc gia, 2016, tr.216.
15. Nguyễn Phú Trọng. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2022, tr.135.
16. Ban Tuyên giáo Trung ương. Tài liệu học tập các Văn kiện Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2022, tr.9.
TS. Nguyễn Văn Thủy và ThS. Lê Thế Phong
  Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng