Hoạt động xuất bản của Na Uy và hàm ý quản lý hoạt động xuất bản ở Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Na Uy là một trong những quốc gia có tỷ lệ sách được xuất bản và tỷ lệ người đọc sách thường xuyên cao hàng đầu thế giới. Vì vậy, việc tìm hiểu, khảo sát thông tin, cập nhật dữ liệu mới về hoạt động xuất bản ở Na Uy nhằm đối chiếu, so sánh với Việt Nam, từ đó,  rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản là cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển.
Ảnh minh họa. Nguồn: Mynewsdesk, Archdaily.
Khái lược về hoạt động xuất bản ở Na Uy

Vương quốc Na Uy, là một quốc gia ở Bắc Âu có tổng diện tích là 385.207 km2 và dân số là 5.385.3001. Na Uy có chỉ số Phát triển con người (HDI) cũng xếp số 1 kể từ năm 2009, xếp thứ nhất trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới và hiện tại đang đứng đầu về chỉ số Cuộc sống tốt đẹp hơn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Giáo dục công lập ở quốc gia này được miễn học phí toàn phần, tỷ lệ người biết chữ là 100%2.

Mặc dù ngành Xuất bản của Na Uy bị thiệt thòi khi số lượng người nói tiếng Na Uy ít và chi phí cho dịch thuật cao, tuy nhiên, các chính sách phù hợp đã đưa ngành Xuất bản có những hướng phát triển bền vững. Cụ thể, từ cuối thế kỷ XIX, Na Uy chú trọng xây dựng hệ thống trường học quốc gia và quảng bá văn hóa và văn học Na Uy, đề ra các chính sách bảo vệ ngôn ngữ Na Uy. Năm 1875, với 4 nhà xuất bản (NXB) lớn của Na Uy gồm: Aschehoug, Cappelen, Malling và Cammermeyer đưa ra ý tưởng thành lập Hiệp hội các NXB Na Uy, góp phần tạo ra thị trường xuất bản cạnh tranh lành mạnh, phát triển. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Chính phủ Na Uy đề ra các chính sách mạnh mẽ về chính trị và văn hóa, định hướng phát triển ngành công nghiệp xuất bản, nhất là việc chú trọng chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản (HĐXB).

Hiện nay, Na Uy nằm trong nhóm các quốc gia dẫn đầu, doanh số bán sách in vẫn ở mức cao và ổn định và có 380 NXB, khoảng 1.500 công ty kinh doanh lĩnh vực xuất bản. Hiệp hội các NXB Na Uy có 97 thành viên. Theo số liệu thống kê năm 2018, Na Uy có 550 hiệu sách, xuất bản 58.595 đầu sách và 20.208.279 bản được phát hành trong và ngoài nước3. Chính phủ Na Uy có những chính sách đầu tư cho văn hóa đọc với những chính sách tiếp cận xuất bản phẩm (XBP) miễn phí, khuyến khích người dân đọc sách mỗi ngày. Cụ thể:

(1) Các XBP khi được duyệt xuất bản sẽ được các thư viện công cộng đặt hàng trước 1.000 bản in để phục vụ cho cộng đồng. Đối với các XBP dành cho trẻ em được mua đến 1.500 bản in để phục vụ các hoạt động giáo dục. Tất cả XBP được sau khi in ấn phải được gửi lưu chiểu tại Thư viện Quốc gia. Thư viện Quốc gia có nhiệm vụ số hóa và đưa vào thư viện điện tử. Mọi độc giả trong nước có quyền xem XBP trực tuyến miễn phí; đối với những tài liệu có bản quyền, người dùng có thể truy cập xem bản hiển thị trực tiếp nhưng không thể tải xuống.

(2) Các XBP in ở Na Uy được miễn trừ thuế giá trị gia tăng, tuy nhiên, đối với sách điện tử thuế giá trị gia tăng đến 25%. Trong khi đó, người dân Na Uy chuộng sách in và đến nhà sách để tham quan và mua sách trực tiếp. Chính vì vậy, các NXB ở Na Uy đầu tư nhiều hơn vào sách in so với sách điện tử, sách nói. Đây cũng là vấn đề mà Hiệp hội các NXB Na Uy và các doanh nghiệp (DN) tham gia xuất bản đang kiến nghị để Chính phủ đưa mức thuế về 0% như sách in. Thị trường trực tuyến sách của Na Uy chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ của nhiều DN lớn trên thế giới, như: Amazon, Apple, Google…, nhất là đối với các XBP có ngôn ngữ tiếng Anh.

(3) Các XBP được cố định giá bán (theo thỏa thuận giữa NXB với nhà bán sách; hay thỏa thuận giữa hiệp hội các NXB và hiệp hội các nhà bán sách). Chính sách giá thỏa thuận (là giá cố định) làm cho giá sách ở Na Uy cao hơn giá ở nhiều nước phát triển khác.

(4) Dân số Na Uy chỉ hơn 5 triệu và số lượng người nói tiếng Na Uy tại nước này và các khu vực khác trên thế giới (chủ yếu là Mỹ) cũng chỉ khoảng 5 triệu người. Tuy nhiên, bởi các yếu tố lịch sử văn hóa, người dân Na Uy còn có thể nói tiếng Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Ai – len và đặc biệt tại quốc gia này tiếng Anh được coi trọng và là ngôn ngữ chính thức thứ hai. Cùng với yếu tố văn hóa xã hội, các chính sách, pháp luật chú trọng, đề cao vai trò của xuất bản (về quyền tác giả, nguồn thu nhập, thủ tục hành chính) và trình độ biên tập viên, các nền tảng công nghệ và truyền thông đã giúp Na Uy thu hút các tác giả nổi tiếng. Từ năm 2004 đến 2018, Na Uy đóng góp vào các bản dịch của gần 5.500 cuốn sách tiếng Na Uy sang 66 ngôn ngữ4.

Quan điểm đưa ra các chính sách trên là tạo ra mạng lưới các NXB, DN tham gia xuất bản mang tính quốc gia mạnh mẽ hơn và có tinh thần, trách nhiệm trong HĐXB, tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho các NXB và quyền lợi, thu nhập của các tác giả, nhà khai thác XBP.

Khái lược về hoạt động xuất bản ở Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia ở Đông Nam Á, Việt Nam có tổng diện tích là 331.212 km² và dân số là khoảng 97.580.000 người5; đứng thứ 115/189 quốc gia và vùng lãnh thổ về phát triển con người cao. Chỉ số HDI năm 2019 của Việt Nam là 0,703. Từ năm 1990 – 2022, giá trị HDI của Việt Nam đã tăng gần 46%, nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới6.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, ngành Xuất bản vừa là bộ phận quan trọng của tư tưởng, văn hóa, giáo dục vừa có giá trị trong nền kinh tế quốc dân. Hiện nay, Việt Nam có 57 NXB, 5 chi nhánh NXB nước ngoài, có 19/57 NXB đăng ký XBP điện tử. Năm 2022, ngành Xuất bản đạt 6 bản sách/người/năm, đây là năm đầu tiên đạt cột mốc mới sau nhiều năm giữ ở mức 4 bản sách/người/năm. Tổng số XBP nộp lưu chiểu là 38.029 XBP (tăng 15,42% so với năm 2021) với 598.938.423 bản (tăng 49,5% so với năm 2021). Trong đó, XBP dạng sách in đạt 32.645 cuốn (tăng 11,5% so với năm 2021) với 539.937.271 bản (tăng 54,2%). Tổng doanh thu của ngành Xuất bản trong năm 2022 là 3.999 tỷ đồng7.

So sánh chính sách của Việt Nam về HĐXB trên cơ sở chính sách tương ứng của Na Uy, cho thấy:

(1) Việt Nam có hệ thống thư viện ở các bộ, ngành và địa phương, với hơn 31.000 thư viện; gần 21.000 tủ sách, phòng đọc sách cơ sở; hơn 30.000 cán bộ thư viện8. Thư viện Quốc gia có khoảng 1.580.000 bản sách in và 112.000 bản sách, tài liệu số hóa, như vậy, số sách điện tử bằng 7% so với số bản in. Tỷ lệ người mượn sách ở thư viện chiếm 10% dân số cả nước (chủ yếu là học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu9).

(2) Việt Nam không áp dụng thuế giá trị gia tăng với việc xuất bản, nhập khẩu, phát hành sách chính trị, sách giáo khoa, giáo trình, sách văn bản pháp luật, sách khoa học – kỹ thuật, sách in bằng chữ dân tộc thiểu số và tranh, ảnh, áp phích tuyên truyền cổ động, kể cả dưới dạng băng hoặc đĩa ghi tiếng, ghi hình, dữ liệu điện tử, các loại XBP khác có mức thuế giá trị gia tăng khoảng 5% – 10%. Việc thu thuế không phân biệt hình thức xuất bản: dạng in hay dạng điện tử mà phân biệt chủ yếu dựa trên nội dung của XBP.

Đồng thời, giá sách không cố định mà có thể được thay đổi tùy vào thời điểm và tùy vào chính sách kinh doanh của từng cửa hàng hoặc trang thương mại điện tử. Các chính sách có thể không giảm giá sách trực tiếp mà giảm thông qua việc mua sắm bằng ví điện tử hoặc miễn, giảm phí giao hàng. Người Việt Nam có nhiều lựa chọn hơn trong việc mua sách trên các trang thương mại điện tử, khi cùng một quyển sách nhưng có giá bán và chính sách khuyến mãi khác nhau. Mức độ quan tâm đến việc mua sách trực tuyến của người Việt Nam ở mức cao.

(3) Đối với XBP là sách in, Việt Nam coi XBP là sở hữu thực, không chỉ có giá trị về mặt tinh thần, mà còn có giá trị vật chất, đặc biệt là giá trị về mặt thẩm mỹ. Nếu như trước đây, các NXB, DN tham gia xuất bản chưa quan tâm nhiều đến hình thức, khả năng bảo quản lâu dài của sách thì nay các yếu tố này được chú ý hơn, xuất bản nhiều phiên bản với giá thành và chất lượng khác nhau để phục vụ theo nhu cầu của bạn đọc.

(4) Sau khi tham gia Công ước về bản quyền Berne (từ ngày 26/10/2004 đến nay), các NXB, DN của Việt Nam đã ký mua bản quyền với nhiều NXB trên thế giới, có những hợp đồng trị giá hàng chục nghìn đô la Mỹ… Hiện nay, Việt Nam đã chủ động tham gia các hội chợ sách quốc tế, như: Hội sách quốc tế Frankfurt; Hội chợ sách quốc tế St.Petersburg… và tổ chức các hội sách quốc tế, triển lãm công nghệ in trong nước. Đồng thời, Việt Nam là thành viên của Hiệp hội xuất bản ASEAN và Hiệp hội xuất bản châu Á – Thái Bình Dương. Đây là điều kiện tốt giúp Việt Nam nâng cao vị thế và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực xuất bản, cũng như việc trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận chuyển đổi số trong quá trình biên tập, chế bản, in ấn, truyền thông và bán hàng.

Hoạt động xuất khẩu XBP đạt 300.000 bản (ước tính khoảng 300 đầu XBP), nhập khẩu đạt 21.100.000 bản. Đồng thời, do nhiều yếu tố, chủ yếu là công nghệ và bảo vệ bản quyền nên các NXB, DN tham gia liên kết xuất bản chưa mạnh dạn khai thác sách điện tử. XBP dạng điện tử là 3.350 XBP (tăng 45,6% so với năm 2021) với ước tính khoảng 32.500.000 bản (tăng 30% so với năm 2021), mặc dù có những bước phát triển nhưng vẫn còn khá khiêm tốn so với sách in10.

Hàm ý trong quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản Việt Nam

Thứ nhất, xây dựng chính sách toàn diện về phát triển hệ thống thư viện.

Thực trạng số lượng thư viện, hệ thống phòng đọc từ trung ương đến cơ sở khá lớn, nguồn nhân lực đông nhưng chất lượng, hiệu quả hoạt động chưa cao, các đầu sách in chưa đáp ứng được nhu cầu độc giả hoặc gây lãng phí lớn. Dẫn đễn hiện tượng có chỗ “thừa sách”, chỗ khác lại “thiếu sách”. Vì vậy, trong tương lai cần tổ chức triển khai số hóa dữ liệu sách in, kết nối, liên thông dữ liệu quốc gia, nhất là đối với các cơ sở giáo dục – đào tạo, trung tâm nghiên cứu khoa học.

Đối với các XBP có bản quyền, sau thời gian nhất định cần được thư viện mua lại bản quyền, số hóa và cho phép người dùng xem trực tuyến. Thiết lập các tính năng tiện dụng, phổ thông khi truy cập, tra cứu, tìm đọc XBP, tài liệu tại các trang điện tử của các thư viện. Đối với các NXB, DN tham gia liên kết xuất bản phải thể hiện được sự đóng góp cho các thư viện cộng đồng thông qua các chính sách có tính nguyên tắc, theo đúng quy định của pháp luật hơn là các sự vận động, thuyết phục, cảm tính. Đặc biệt là cần phát triển đội ngũ chuyên gia chuyển đổi số của ngành xuất bản phục vụ chuyên cho hoạt động giáo dục – đào tạo. Đây là đội ngũ thực hiện công tác tham mưu chiến lược, tham gia tư vấn, hợp tác xây dựng các chiến lược mới về XBP phục vụ hoạt động giáo dục, đào tạo.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong HĐXB sách in.

Hoạt động hợp tác quốc tế trong HĐXB sách in của Việt Nam đang trong giai đoạn khởi đầu, vừa tiến hành, vừa kiểm nghiệm. Hoạt động hợp tác quốc tế trong HĐXB sách in chủ yếu phục vụ khai thác thị trường trong nước hoặc mang mục đích giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới (hợp tác để khai thác bản quyền đối với các XBP nước ngoài; hợp tác để chuyển giao các công nghệ số từ nước ngoài về Việt Nam). Số lượng xuất khẩu XBP còn khá hạn chế, trong khi ngành in XBP vẫn chưa có chỗ đứng so với các nước trong khu vực, do các yêu cầu về vốn, nhân lực và công nghệ cao. Vì vậy, khai thác, tận dụng các ưu thế của Việt Nam, như: nguồn lực dồi dào, đề tài khai thác đa dạng, phong phú nhiều tiềm năng, cần “đi tắt, đón đầu” trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, tạo ra bước đi mới về dịch vụ xuất bản từ bài học của Na Uy. Chú trọng nhiều hơn việc xuất – nhập khẩu XBP, chia sẻ bản quyền, khai thác bản thảo.

Thứ ba, tiếp tục ứng dụng chuyển đổi số trong xuất bản in và xuất bản điện tử.

Cần tránh xu hướng “ưu tiên hoàn toàn cho xuất bản sách điện tử” mà cần coi xuất bản điện tử là bước đi song hành với xuất bản dạng in, phát huy từng ưu điểm của các hình thức. Điều này, vừa bảo đảm sự ổn định nguồn nhân lực, vừa bảo đảm yếu tố văn hóa và phát triển kinh tế. Đối với XBP hiện nay, cần có cơ chế phù hợp hơn về nhân lực, vốn, công nghệ để chuyển đổi số trong nghiên cứu, ứng dụng các phần mềm hỗ trợ: rà soát, chỉnh sửa lỗi chính tả, lỗi kỹ thuật, thiết kế, vẽ minh họa; số hóa, quản trị, khai thác hệ thống dữ liệu lớn để tra cứu, kiểm soát, phòng chống đạo văn, vi phạm bản quyền, phát hiện sách giả, sách lậu; ứng dụng các công nghệ chế bản, in ấn hiện đại, tiết kiệm chi phí. Đồng thời, ứng dụng các nền tảng, trang thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá các XBP. Bảo đảm tối đa quyền lợi của DN kinh doanh sách và quyền lợi của độc giả.

Kết luận

Mặc dù, xuất phát điểm của Na Uy và Việt Nam có những điểm chưa cân xứng, tương đồng, như: về khả năng số hóa XBP của thư viện, số lượng người đọc sách, doanh thu xuất bản, vị trí quốc tế của NXB, mối quan hệ giữa xuất bản và giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học… Tuy nhiên, đây là cơ sở thực tiễn quan trọng để Việt Nam nghiên cứu, tham khảo, học tập kinh nghiệm để có những giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước đối với HĐXB tại Việt Nam.

Chú thích:
1. Na Uy. https://vi.wikipedia.org, truy cập ngày 12/3/2023.
2, 4. Thenorwegian book-industry. www.norla.no, truy cập ngày 12/3/2023.
3. Hvor mange forlag er det inorge. forleggerforeningen.no, truy cập ngày 12/3/2023.
5. Việt Nam. https://vi.wikipedia.org, truy cập ngày 12/3/2023.
6. Chỉ số con người Việt Nam tăng hai bậc. https://nhandan.vn, ngày 10/9/2022.
7, 10. Tác giả tổng hợp từ báo cáo tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 do Cục Xuất bản, in và phát hành cung cấp.
8. Thúc đẩy sự nghiệp thư viện ở Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới. qdnd.vn, ngày 09/12/2019.
9. Nguồn lực thông tin. https://nlv.gov.vn, truy cập ngày 14/3/2023.
ThS. Cao Thanh Hùng
Trường Đại học An ninh nhân dân