Mối quan hệ giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng kinh tế của tỉnh Đồng Nai

(Quanlynhanuoc.vn) – Nghiên cứu nhằm kiểm định mối quan hệ giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tăng trưởng kinh tế của tỉnh Đồng Nai từ năm 1998 – 2022. Phương pháp kiểm định nhân quả Granger được sử dụng để đánh giá mối quan hệ nhân quả và cách thức tác động giữa các biến số. Kết quả nghiên cứu cho thấy, FDI có tác động đến tăng trưởng kinh tế, nhưng ở chiều ngược lại, tăng trưởng kinh tế chưa có tác động rõ nét đến FDI ở tỉnh Đồng Nai. Từ đó, đưa ra khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách cần coi trọng vai trò của FDI, bởi đây chính là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Đồng Nai.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề

Theo Tổng cục Thống kê, vốn FDI vào Việt Nam năm 1997 đạt 3,1 tỷ USD, đến ngày 20/12/2020, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được khoảng 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đối với tỉnh Đồng Nai, khu vực kinh tế có vốn FDI đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực và ấn tượng trên nhiều mặt trong tiến trình hội nhập và phát triển kinh tế – xã hội theo từng thời kỳ phát triển. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, tổng vốn đăng ký cấp mới và dự án tăng vốn FDI đến ngày 20/12/2022 đạt khoảng 1.141,47 triệu USD, bằng 93,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 đạt 1.219,9 triệu USD). Như vậy, cả số dự án và số vốn đăng ký đều giảm so cùng kỳ. Nguyên nhân do ảnh hưởng của kinh tế thế giới sụt giảm đã ảnh hưởng đến làn sóng đầu tư vào các nước. Trong nghiên cứu này, xem xét mối quan hệ nhân quả giữa FDI và tăng trưởng kinh tế (TTKT) ở tỉnh Đồng Nai bằng cách tập trung vào quan hệ nhân quả Granger thông qua phương pháp Toda và Yamamoto1.

Tổng quan và phương pháp nghiên cứu

Trong mô hình tăng trưởng tân cổ điển, tiến bộ công nghệ và lao động là yếu tố ngoại sinh của FDI chỉ đơn giản là tăng tỷ lệ đầu tư và sau đó dẫn đến tăng thu nhập bình quân đầu người mà không cần phải có bất kỳ ảnh hưởng khác đến tăng trưởng dài hạn. Mô hình mới trong lý thuyết tăng trưởng được phát triển vào những năm 80 thế kỷ XX, coi tiến bộ công nghệ là yếu tố nội sinh và FDI có ảnh hưởng đến phát triển kinh tế thông qua chuyển giao công nghệ.

Mặc dù FDI đã tăng nhanh trên toàn thế giới trong vài thập kỷ qua, hiện nay, vẫn đang diễn ra các cuộc thảo luận liên quan đến tác động của FDI vào nền kinh tế của nước tiếp nhận. Hầu hết các nghiên cứu cho thấy, tác động tích cực của FDI vào TTKT thông qua tích lũy, chuyển nhượng vốn và công nghệ2. Trong nền kinh tế mở, công nghệ và kiến thức cũng được chuyển qua xuất khẩu và nhập khẩu, do đó, thúc đẩy TTKT3. Mặt khác, một số nghiên cứu chỉ ra rằng, những kết quả tích cực trên có thể là không đáng kể hoặc thậm chí có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tích lũy vốn trong nước của các quốc gia tiếp nhận FDI4.

Mối quan hệ giữa FDI và TTKT gần đây được nghiên cứu khá rộng rãi. Chẳng hạn, Liu, et al. (2002) đã tìm thấy mối quan hệ nhân quả hai chiều giữa mỗi cặp GDP và vốn FDI ở Trung Quốc bằng cách sử dụng điều chỉnh theo dữ liệu hàng quý trong giai đoạn 1981 – 19975. Dritsaki và cộng sự (2004) đã nghiên cứu mối quan hệ giữa xuất khẩu, FDI và GDP của Hy Lạp trong giai đoạn 1960 – 20026. Nghiên cứu này cũng chỉ ra mối quan hệ lâu dài và mối quan hệ nhân quả giữa các biến được kiểm tra.

Ahmad, et al. (2003) cũng tìm thấy các mối quan hệ nhân quả đơn phương từ FDI sang GDP cho Pa-ki-xtan bằng cách sử dụng dữ liệu hằng năm trong giai đoạn 1972 – 20017. Mehmet Eryigit (2012) đã xem xét mối quan hệ giữa FDI, xuất khẩu và GDP cho Thổ Nhĩ Kỳ thông qua các kiểm định đồng liên kết trong giai đoạn 2000 – 20108. Kết quả nghiên cứu cho thấy có mối quan hệ lâu dài giữa FDI và GDP, xuất khẩu và GDP.

Ở Việt Nam cũng đã có một số nghiên cứu về mối quan hệ giữa FDI, xuất khẩu và TTKT Việt Nam. Các nghiên cứu của Anwara và Nguyễn (2010)9, Trang Thi Huyen Dinh và cộng sự (2019)10 lại xem xét chiều hướng nhân quả cũng như tác động ngắn và dài hạn giữa các biến FDI, xuất khẩu và TTKT ở Việt Nam.

Nói chung, các tài liệu thực nghiệm cho thấy, mối quan hệ nhân quả phụ thuộc vào các phương pháp kinh tế lượng và thời gian nghiên cứu được thực hiện. Các kết quả có thể là quan hệ nhân quả đơn hướng, quan hệ nhân quả hai chiều hoặc không có quan hệ nhân quả. Trong nhiều trường hợp, kết quả cho thấy mối quan hệ tích cực giữa FDI và TTKT.

Dữ liệu trong nghiên cứu từ Niên giám Thống kê tỉnh Đồng Nai từ năm 1998 – 202211, sau đó được điều chỉnh theo quý. Các biến được trình bày gồm: FDI thực hiện sử dụng làm đại diện cho biến FDI; tổng sản phẩm địa phương (GRDP) sử dụng làm đại diện cho biến TTKT. Cả hai chuỗi thời gian: FDI, GRDP tính theo giá so sánh 2010 (triệu Việt Nam đồng).

Bước đầu tiên trong nghiên cứu là kiểm tra tính dừng của hai chuỗi. Khi chuỗi thời gian được ước tính có mối quan hệ như một chuỗi tự hồi quy (AR), nếu sử dụng phương pháp bình phương tối thiểu thông thường (OLS) thì các kết quả có thể là giả mạo, dù cho kết quả R2 cao và các hệ số ước lượng có ý nghĩa thống kê. Nếu các quá trình ngẫu nhiên được sử dụng trong mô hình là quá trình không dừng thì kết quả ước lượng không có ý nghĩa kinh tế. Chuỗi không dừng có nghĩa là giá trị trung bình và phương sai của chuỗi thời gian không ổn định trong suốt khoảng thời gian và hiệp phương sai thay đổi theo thời gian. Chính vì những lý do trên, kiểm định Dickey-Fuller (ADF) được sử dụng để chỉ ra các thuộc tính của chuỗi thời gian bằng cách sử dụng các mô hình trong các biểu thức (1), (2), (3).

Thứ nhất, mô hình kiểm định nghiệm đơn vị được xem xét mà không có hằng số và xu hướng thời gian.

Thứ hai, mô hình kiểm định nghiệm đơn vị chung bao gồm với hằng số.

Thứ ba, mô hình kiểm định nghiệm đơn vị chung bao gồm hằng số và xu hướng và xu hướng thời gian.

Trong đó Δ là sai phân, Yt là quan sát tại thời điểm t (chuỗi thời gian), α là hằng số, T là hiệu ứng xu hướng thời gian, p là giá trị độ trễ tối ưu được chọn dựa trên giá trị thấp nhất của tiêu chí thông tin Schwartz (SIC) và ut  là nhiễu trắng.

Kết quả kiểm định của ADF thường rất nhạy cảm với chiều dài độ trễ k nên sau khi thực hiện kiểm định nghiệm đơn vị, tiêu chuẩn AIC (Akaike’s Information Criterion) được sử dụng để lựa chọn k tối ưu cho mô hình. Giá trị k được lựa chọn sao cho AIC là nhỏ nhất. Giả thuyết kiểm định ADF: Ho: Yt là chuỗi dữ liệu không dừng; H1: Yt là chuỗi dữ liệu dừng.

Bước thứ 2 là kiểm định nhân quả Granger thông qua cách tiếp cận Toda và Yamamoto (1995) bằng cách áp dụng mô hình Vectơ tự hồi quy (VAR) với độ trễ (k). Do đó, thủ tục này được sử dụng để xem xét mối quan hệ nhân quả lâu dài giữa FDI và TTKT được thực hiện bằng cách áp dụng mô hình hồi quy hai biến sau:

Giải thích về quan hệ nhân quả Granger như Toda và Yamamoto (1995) cho thấy12, nếu Y theo chuỗi thời gian là nguyên nhân của chuỗi thời gian X và nếu quá khứ của Y (Yt-1, Yt-2, Yt-3,…) có thể dùng để dự đoán X (Xt). Nói cách khác, Y là tác động nhân quả của X trong ổn định lâu dài. Tương tự, nếu chuỗi thời gian X là nguyên nhân cho Y chuỗi thời gian và nếu quá khứ của X (Xt-1, Xt-2, Xt-3…) có thể dùng để dự đoán Y (Yt). Nói cách khác, X cũng là một tác động nhân quả của Y trong sự ổn định lâu dài.

Bước thứ 3, kiểm định Wald được sử dụng để xem xét mức độ tác động của mối quan hệ nhân quả và sự truyền tác động của mối quan hệ nhân quả giữa các biến. Hơn nữa, kết quả từ kỹ thuật này có thể đo lường quy mô tác động giữa FDI và TTKT khi tốc độ thay đổi tăng (giảm) một phần trăm trong FDI hoặc TTKT.

Bước cuối cùng là phân rã phương sai sai số dự đoán bằng cách sử dụng kỹ thuật của Pesaran và Shin13. Phân rã phương sai tổng quát có thể đo lường tỷ lệ sốc tương đối của ngoại sinh và nội sinh theo dự báo bước n cho phương sai số (ε).

Trong nghiên cứu này, phân tích phương sai tổng quát được sử dụng để dự đoán nguy cơ sốc. Cách tiếp cận chỉ ra tỷ lệ của phương sai sai số có thể được giải thích bằng các thay đổi một biến khác. Kết quả tính toán sẽ xác định cú sốc trong tương lai giữa FDI và TTKT, mỗi biến số phản ứng với các cú sốc trong biến khác.

Kết quả nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện bằng cách sử dụng: kiểm nghiệm đơn vị, quan hệ nhân quả Granger, thống kê hệ số Wald (χ2) và các kết quả về phân rã phương sai tổng quát. Kết quả từ các chẩn đoán để trả lời câu hỏi: (1) Mối quan hệ nhân quả giữa biến FDI và tăng trưởng kinh tế như thế nào? (2) Nếu (1) tồn tại, mức độ tác động của mối quan hệ như thế nào? (3) Các hiệu ứng sốc đến tương lai trong các năm tới như thế nào?

(1) Kiểm tra tính dừng của chuỗi thời gian.

Trước khi thực hiện, cần chỉ rõ các thuộc tính của chuỗi thời gian. Kiểm định nghiệm đơn vị được sử dụng xác định các chuỗi thời gian có dừng hay không, nghiên cứu này sử dụng kiểm định nghiệm đơn vị ADF.

Các kết quả của đơn vị gốc được liệt kê trong Bảng 1, các kiểm định nghiệm đơn vị ADF đã được thực hiện bởi mô hình tổng quát cho bởi các phương trình từ (1) đến (3). Kết quả trong Bảng 1 cho thấy: hai chuỗi thời gian RGDP và FDI là không dừng. Sau khi thực hiện kiểm định với chuỗi sai phân bậc hai của các quan sát, cả hai chuỗi  và  đều thỏa mãn điều kiện dừng.

Ngoài ra, dựa trên các tiêu chí lựa chọn thứ tự độ trễ VAR (k): tiêu chuẩn LR (sequential modified LR test statistic),LR là 13,42888*, trong nghiên cứu đã chọn độ trễ 12 là giá trị của lựa chọn độ trễ tối ưu. Việc chọn độ trễ 12 là tương đối phù hợp với quan hệ giữa FDI và GRDP trong dữ liệu.

(2) Kiểm định nhân quả Granger.

Sau khi thực hiện quan hệ nhân quả Granger bằng cách áp dụng mô hình VAR với độ trễ 12, kết quả trong Bảng 3cho thấy: hiệu ứng nhân quả dài hạn được phát hiện trong mối quan hệ một chiều chạy từ FDI sang TTKT tỉnh Đồng Nai (GRDP) nhưng không có chiều ngược lại (với ý nghĩa thống kê ở mức 5%).

Từ kết quả trên cho thấy, FDI có tác động nhân quả đối với TTKT nhưng TTKT lại chưa có tác động rõ nét tới FDI trong mối quan hệ lâu dài.

(3) Kết quả hồi quy.

Các kết quả của thống kê hệ số trong Bảng 4 được trình bày về sự truyền tải tác động giữa các biến số TTKT và FDI. Kết quả ước lượng Var cho thấy, sự biến động của FDI có tác động tích cực đến TTKT với độ trễ về thời gian là 4 quý, đồng thời, không có sự tác động của GRDP đến FDI.

(4) Kết quả phân rã phương sai.

Theo kết quả của Bảng 5 cho thấy, cú sốc FDI có tác động đáng kể đối với TTKT chỉ sau 15 quý được dự báo chiếm 10,57% tỷ lệ sốc trong TTKT và tăng lên 54,35% sau 17 quý (sau hơn 4 năm). Kết quả phân tích phương sai tổng quát cũng cho thấy, những cú sốc TTKT tác động không đáng kể đối với FDI cao nhất là sau 14 quý được dự báo phản ánh 15,08% tỷ lệ sốc trong FDI. Kết quả này phù hợp với kiểm định nhân quả Granger ở phần trước FDI và TTKT có quan hệ dài hạn với nhau.

Kết luận

Việc lựa chọn tỉnh Đồng Nai làm điểm xuất phát, vì Đồng Nai là tỉnh đi đầu trong việc thu hút FDI từ rất sớm. FDI được coi là nhân tố quan trọng trong TTKT ở Đồng Nai. Trong dài hạn, FDI là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến TTKT tại tỉnh Đồng Nai, do vậy, cần phải luôn coi trọng vai trò của yếu tố này. Đặc biệt, FDI vừa trực tiếp tác động đến GRDP, vừa tác động thông qua xuất khẩu, vì thế, đây là yếu tố rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy chưa có tác động rõ nét từ TTKT tới FDI, do vậy, tỉnh Đồng Nai cần có chính sách sử dụng thành quả của TTKT để hỗ trợ cho thu hút vốn FDI cũng như hoạt động của doanh nghiệp FDI, từ đó, giúp FDI tiếp tục phát huy vai trò trong quá trình phát triển kinh tế của Đồng Nai trong những năm tiếp theo.

Chú thích:
1, 12. Toda, H. Y., & Yamamoto, T. (1995). Statistical inference in vector autoregressions with possibly integrated process. Journal of Econometrics, 66(1-2), 225-250.
2. Basu, P., C. Chakraborty and D. Reagle (2003). Liberalization, FDI, and Growth in Developing Countries: A Panel Cointegration Approaches, Economic Inquiry, 41, 3, pp. 510 – 516.
3. Grossman, G.M and E. Helpman (1997). Innovation and Growth in the Global Economy, Cambridge, MA: MIT Press.
4. Carkovic, M. and R. Levine. (2005), ‘Does Foreign Direct Investment Accelerate Economic Growth?’ In T. H. Moran, E. M. Graham, and M.Blomstrom eds. Does Foreign Direct Investment Promote Development? Washington, DC: Institute of International Economics, pp. 195-220.
5. Liu, Xiaohui, Peter Burridge and P.J.N. Sinclair (2002), ‘Relationships between Economic Growth, Foreign Direct Investment and Trade: Evidence from China’, Applied Economics, 34, pp. 1.433 – 1.440.
6. Dritsaki, M., Dritsaki, C., Adamopoulos, A. (2004). A Causal Relationship between Trade, Foreign Direct Investment and Economic Growth for Greece, American Journal of Applied Sciences, 1, 3, pp. 230 – 235.
7. Ahmad Mohsin Hasnain, Shaista Alam, and Mohammad Sabihuddin Butt (2003). Foreign Direct Investment, Exports and Domestic Output in Pakistan, Paper presented at the 19th Annual general Meeting, PIDE, Quaid-e-Azam University, Islamabad.
8. Mehmet Eryigit (2012). The Long Run Relationship Between Foreign Direct Investments, Exports, And Gross Domestic Product: Panel Data Implications, Theoretical and Applied Economics, 10 (575), pp. 71 – 82.
9. Anwar, S. and Nguyen, L. P. (2010). Foreign direct investment and export spillovers: Evidence from Vietnam, International Business Review, 20, pp. 177 – 193.
10. Trang Thi Huyen Dinh, Duc Hong Vo, Anh The Vo and Thang Cong Nguyen (2019). Foreign Direct Investment and Economic Growth in the Short Run and Long Run: Empirical Evidence from Developing Countries. Journal of Risk and Financial management. 2019, 12, 176.
11. Cục thống kê Đồng Nai. Niên giám thống kê từ năm 1998 2019, H. NXB Thống kê.
12. Pesaran, M. H., & Shin, Y. (1998). Generalized impulse response analysis in linear multivariate models.Economics Letters, 58(1), 17 – 29.
PGS.TS. Nguyễn Duy Thục
Trường Đại học Văn Lang
NCS. Nguyễn Phương Quỳnh
Trường Đại học Hoa Sen