Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quân đội đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội vững mạnh

(Quanlynhanuoc.vn)Xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội là nội dung quan trọng trong công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Cán bộ quân đội là lực lượng nòng cốt trong thực hiện đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, là nhân tố có vai trò quyết định trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội, vì vậy, cần phải thường xuyên nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quân đội vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ảnh minh họa (nhandan.vn).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”1, “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”2. Thấu suốt quan điểm của Người, trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn coi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của dân tộc, của chế độ và là khâu then chốt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”3. Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thường xuyên quan tâm xây dựng xây dựng đội ngũ cán bộ (ĐNCB) quân đội vững mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nghị quyết Đại hội XIII khẳng định: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”4.

Công tác xây dựng ĐNCB quân đội luôn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong toàn quân lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng ĐNCB các cấp vững mạnh. Vì vậy, ĐNCB quân đội các cấp đã trưởng thành về nhiều mặt, lập trường tư tưởng kiên định, bản lĩnh chính trị vững vàng, số lượng khá đầy đủ, cơ cấu hợp lý, trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tác phong quân đội được nâng cao, cụ thể:

Thứ nhất, công tác quy hoạch ĐNCB quân đội bảo đảm chặt chẽ, đúng quan điểm, nguyên tắc, quy trình, quy định và sự kế thừa liên tục, vững chắc trong quá trình chuyển tiếp giữa các thế hệ cán bộ.

Thứ hai, công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cán bộ được coi trọng, bám sát mục tiêu, yêu cầu, định hướng chiến lược và thực tiễn của Quân đội; kết hợp ĐTBD trong các học viện, nhà trường đào tạo trong nước và ở nước ngoài.

Thứ ba, công tác quản lý, đánh giá, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện đúng nguyên tắc, quy chế, quy trình và thẩm quyền.

Thứ tư, công tác chính sách cán bộ được thực hiện theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; đồng thời, thực hiện theo chế độ, chính sách phù hợp với khả năng thực tế của Quân đội…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng ĐNCB quân đội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như một số cấp ủy ch­ưa thực sự coi trọng và chú ý đến công tác ĐTBD, bố trí, sử dụng cán bộ. Công tác đánh giá cán bộ có lúc còn mang tính hình thức, chủ quan, số lượng cán bộ vẫn còn thiếu, nhất là cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ về pháp luật. Một bộ phận cán bộ năng lực, trình độ chuyên môn kém đã vi phạm kỷ luật Quân đội và pháp luật của Nhà nước, thực tế này đã đặt ra những yêu cầu mới về nâng cao chất lượng ĐNCB quân đội ngày càng trở nên cấp thiết hơn.

Trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0, xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là chủ đạo trong chiến lược an ninh, quốc phòng ở nước ta, nhưng tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ (nhất là tranh chấp chủ quyền biển, đảo,… diễn ra phức tạp, quyết liệt). Cách mạng công nghiệp 4.0 làm xuất hiện nhiều loại vũ khí mới; cùng với đó, chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao và chiến tranh phi tiếp xúc ngày càng trở nên phổ biến. Các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, khủng bố, tội phạm, thiên tai, dịch bệnh,… ngày càng phức tạp. Nhằm nâng cao chất lượng ĐNCB Quân đội đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện trong tình hình mới, cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định, kỷ luật của Quân đội, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng; Chỉ thị số 169-CT/QUTW ngày 29/12/2020 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội, giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết số 230-NQ/QUTW ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 và những năm tiếp theo. Đây là giải pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng làm cho mọi tổ chức, mọi lực lượng ý thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm trong xây dựng ĐNCB quân đội. Công tác cán bộ luôn là “công việc gốc” của Đảng, là trách nhiệm của cấp ủy đảng và cán bộ chủ trì các cấp. Xây dựng ĐNCB chỉ đạt được kết quả tốt khi các cấp ủy đảng và cán bộ chủ trì nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, chức trách, nhiệm vụ của mình; trên cơ sở đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, đồng bộ, thống nhất trong các khâu, các bước xây dựng ĐNCB quân đội. Vì vậy, cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp phải thường xuyên quán triệt sâu sắc phát triển nhiệm vụ, những vấn đề mới, cấp thiết trong xây dựng ĐNCB quân đội. Nhận thức đúng đắn về số lượng, chất lượng ĐNCB làm cơ sở xác định đúng đắn các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, động viên cán bộ tích cực, tự giác học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Cấp ủy và cán bộ chủ trì trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng ĐNCB quân đội, cần quán triệt và thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, đề bạt cán bộ theo đúng nguyên tắc, chỉ thị, nghị quyết và định hướng của cấp trên trong phạm vi được phân công, không để xảy ra tình trạng quan liêu, độc đoán, dân chủ hình thức, cục bộ địa phương trong công tác cán bộ.

Hai là, tập trung xây dựng ĐNCB bảo đảm số lượng, chất lượng, cơ cấu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong đó, tập trung xây dựng ĐNCB quân đội bảo đảm đủ chỉ tiêu biên chế; tích cực kiện toàn ĐNCB theo kế hoạch. Từng bước cải thiện cơ cấu ĐNCB, giữ vững tỷ lệ cán bộ tại chỗ, điều chỉnh cơ cấu độ tuổi của cán bộ chỉ huy, quản lý; chủ động, kiên quyết điều động, sắp xếp, luân chuyển cán bộ cùng chuyên ngành từ nơi thừa sang nơi thiếu trong nội bộ các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa giữ gìn, sử dụng ĐNCB hiện có đã qua chiến đấu, có kinh nghiệm, tích cực lựa chọn, ĐTBD ĐNCB kế cận bảo đảm tính liên tục, kế thừa giữa các thế hệ.

Nâng cao chất lượng ĐNCB quân đội, trước hết đòi hỏi người cán bộ phải nêu cao tính Đảng, tính nguyên tắc, nói và làm theo chỉ thị, nghị quyết. Người cán bộ phải luôn chủ động, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có ý thức kỷ luật cao, tận tâm, tận lực với công việc, gương mẫu cả trong lời nói và việc làm.

Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi cán bộ quân đội. ĐNCB quân đội vừa là đối tượng của công tác ĐTBD, vừa là chủ thể của quá trình tự học tập, tự bồi dưỡng, là nguyên nhân trực tiếp có ý nghĩa quyết định đến kết quả, chất lượng, uy tín của ĐNCB. Theo đó, cần tập trung vào rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh, hiểu biết nghiệp vụ, pháp luật, rèn luyện tay nghề theo từng chuyên môn, chức trách, nhiệm vụ. Thực hiện quan điểm cấp trên bồi dưỡng, giúp đỡ cho cấp dưới, người giỏi giúp đỡ cho người còn thiếu kinh nghiệm về chuyên môn; đề cao tinh thần gương mẫu của người đảng viên trong tự học tập, tự rèn luyện; kết hợp chặt chẽ giữa đánh giá kết quả học tập của cơ quan, đơn vị với đánh giá về quá trình rèn luyện của tổ chức đảng làm cơ sở để bổ nhiệm, đề bạt, sử dụng cán bộ.

Phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng trong việc đóng góp phê bình về tinh thần thái độ tự giác tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ quân đội.

Bốn là, bảo đảm thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với ĐNCB quân đội, từng bước nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chế độ, chính sách, nhất là quy chế tuyển dụng, ĐTBD phát triển ĐNCB quân đội. Nghiên cứu và vận dụng thực hiện linh hoạt sáng tạo hơn nữa về các chính sách hậu phương quân đội; chính sách nhà ở, quy chế khen thưởng, phong tặng các danh hiệu, chế độ bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển cán bộ, chế độ kiểm tra, đánh giá cán bộ.

Thực hiện tốt các chế độ nghỉ dưỡng, nghỉ phép, nghỉ chế độ và các chế độ thăm hỏi… Trong quá trình thực hiện, cần bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng, điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước, tình hình nhiệm vụ Quân đội, đặc điểm của các đối tượng để nghiên cứu, xây dựng các chế độ, chính sách cho phù hợp và khi thực hiện cần linh hoạt.

Thường xuyên động viên cán bộ thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí; nâng cao tinh thần cảnh giác, không tham gia vào các lĩnh vực mang nhiều khả năng rủi do kinh tế,… Trên cơ sở đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách Quân đội và hậu phương Quân đội trong tình hình mới một cách thiết thực, hiệu quả, tạo động lực tinh thần xã hội to lớn, động viên mọi cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào các phong trào hành động cách mạng, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Chú thích:
1, 2. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 309, 280.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 256 – 257.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 157 – 158.
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 3. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật,
2. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày ngày 19/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng(khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
3. Thông tư số 63/2022/TT-BQP ngày 30/9/2022 quy định về chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trong nhà trường quân đội.
4. Nguyễn Phú Trọng. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Báo Quân đội nhân dân, ngày 17/5/2021.
ThS. Đoàn Thanh Thủy
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng