Tư tưởng dân chủ thời kỳ phong kiến Việt Nam và sự vận dụng hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Khác với các quốc gia phương Tây, kể từ khi lập quốc, tư tưởng tôn dân đã được xem như là một đặc trưng điển hình của các quốc gia phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Vai trò của Nhân dân thể hiện rõ ở mọi mặt của đời sống xã hội của nước ta trong quá trình dựng nước và giữ nước; đồng thời, là một cơ sở thuận lợi để xây dựng chế độ làm chủ tập thể, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa hiện nay. Đó là những giá trị tốt đẹp luôn được kế thừa, giữ gìn và phát triển trong điều kiện mới.
Ảnh minh họa (tư liệu)
Giá trị cốt lõi của tư tưởng dân chủ phong kiến Việt Nam

Chế độ chuyên chế phong kiến đồng nhất với việc xác lập hệ thống quyền lực chuyên quyền, độc đoán, quan liêu, quân phiệt phản dân chủ. Nói như thế không có nghĩa trong giai đoạn này, không có bước tiến nào trong thực tiễn và lý luận về dân chủ. Ở Việt Nam, dân chủ thời kỳ phong kiến chủ yếu là của nông dân và nội dung cơ bản là quyền được sống ấm no, hạnh phúc; quyền có ruộng đất; quyền được học hành, mong muốn và khát vọng được nhà nước phong kiến quan tâm, giảm tô thuế, giảm áp bức bóc lột…. Như vậy, dân chủ trong xã hội phong kiến Việt Nam thực chất là nhân quyền, còn dân quyền thực ra còn rất hạn chế. Các nhà tư tưởng của giai cấp phong kiến Việt Nam xuất phát từ những quan niệm và nội dung của tư tưởng chính trị Nho giáo, đưa ra những quan niệm dân chủ một cách gián tiếp về chủ quyền quốc gia, thân dân, vì quyền lợi của nhân dân, khoan thư sức dân…

Ngay vào thế kỷ thứ III thời Bắc thuộc, trong cuộc đấu tranh chống quân Đông Ngô, giải phóng dân tộc, bà Triệu Thị Trinh đã thay mặt nhân dân nói lên khát vọng làm chủ đất nước, làm chủ cuộc sống của mình. Bà nói: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển Đông, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ không thèm cúi đầu, cong lưng làm tì thiếp người ta2. Đó là khát vọng độc lập dân tộc và hàm chứa ý thức dân chủ, khát vọng dân chủ của nhân dân.

Năm 938, do với chiến thắng Bạch Đằng, người anh hùng Ngô Quyền đã đập tan cuộc xâm lược của nhà Nam Hán, kết thúc hơn 1000 năm thống trị của phong kiến phương Bắc, giai cấp phong kiến Việt Nam bắt tay vào xây dựng một quốc gia phong kiến độc lập.

Trong các triều đại phong kiến Việt Nam, giai đoạn được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là giai đoạn phát triển cao nhất trong việc xây dựng một mô hình chính quyền dân chủ đó là mô hình chính quyền thời Lý – Trần. Sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi, năm 1010, vua Lý Công Uẩn rời đô về Thăng Long. Tư tưởng trọng dân được khẳng định rõ trong Chiếu Dời đô khi đưa ra nhận định “ý dân” cũng được đặt trong mối liên hệ với “mệnh trời”: “Muốn mưu việc lớn, tính kế muôn đời cho con cháu thì trên phải vâng mệnh trời, dưới theo ý dân”3. Như vậy, việc lớn của nước nhà, ngoài tuân mệnh trời còn phải tuân theo ý chí của nhân dân.

Tư tưởng dân chủ của Lý Thường Kiệt được nâng lên một bước cao hơn, khi ông khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia độc lập của Đại Việt, trong đó khẳng định vua Nam ở, cũng tức là dân Nam làm chủ đất nước của mình. Điều đó như là một quy luật tạo hoá đã khẳng định sẵn ở “Sách trời”. Bài thơ thần là khúc tráng ca tuyên ngôn về chủ quyền của nhân dân: “Sông núi nước nam vua Nam ở; Rành rành định phận ở sách trời; Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm; Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”4.

Tiếp đó, đến năm 1225, nhà Trần thay nhà Lý trên vũ đài chính trị. Những nhà lãnh đạo, những tướng lĩnh xuất chúng đời Trần đều ra sức xây dựng nền quân chủ quý tộc phong kiến nhưng không quên đề cao tư tưởng dân chủ, thực hiện đường lối chính trị thân dân. Vua Trần Thái Tông – vị vua đầu tiên của nhà Trần khi cai trị đã chủ trương lấy xã tắc làm trọng. Trung thành với quốc gia, với xã tắc là thước đo giá trị con người. Ông cho rằng, nhà vua phải “lấy ý muốn của thiên hạ (của dân) làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình5.

Nếu các vị vua Trần đã vận dụng tư tưởng dân chủ, thực hiện đường lối chính trị thân dân để xây dựng đất nước thì Trần Quốc Tuấn với con mắt nhà quân sự thiên tài đã đưa Nhân dân lên vị trí rất cao. Ông cho dân là gốc của nước, của quốc gia, của triều đại, nguồn gốc của mọi chiến thắng kẻ thù. Trong tư tưởng của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn thì dân là gốc của nước, cho nên nhà cầm quyền phải khoan thư sức dân (mà ngày nay gọi là quyền dân chủ).

Nhắc đến nhà Trần không thể không nói đến hội nghị Diên Hồng. Hội nghị diễn ra sau khi đế quốc Nguyên vừa tiêu diệt Nam Tống và đang ráo riết chuẩn bị chinh phạt Đại Việt. Hoàng đế Đại Nguyên Hốt Tất Liệt đã nhiều lần ra yêu sách đòi các vua Trần sang chầu nhưng đều bị cự tuyệt. Do đó, quân Nguyên huy động một lực lượng rất lớn, Đại Việt sử ký toàn thư ghi: số quân nhà Nguyên điều là 50 vạn6 từ phương Bắc tràn xuống; kết hợp với cả gần 10 vạn quân của Toa Đô từ phía Nam (Champa) đánh lên; tin rằng với sức mạnh như vậy sẽ nhanh chóng bóp nát nước Đại Việt. Đối phó với đạo quân hùng mạnh như vậy, nhà Trần khôn khéo triệu tập hội nghị – đầu tiên là Bình Than (1282) bàn về chiến lược đánh giặc của tướng soái và quân nhà Trần. Nhà Trần ý thức được rằng: “muốn chiến thắng được đội quân khổng lồ của nhà Nguyên, cần có sự tham gia của nhân dân7.

Tham dự hội nghị là các vị bô lão, đại diện cho Nhân dân cả nước. Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão đều nói: “đánh”, muôn người cùng hô một tiếng, Hội nghị Diên Hồng được xem như hội nghị dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Các bô lão có thể coi là những đại biểu của dân. Sau hội nghị, chính các phụ lão là những người truyền đạt lại chủ trương của triều đình đến người dân. Giá trị của hội nghị đề cao tinh thần dân chủ, “đồng lòng”, “đồng sức”, quyết tâm, “muôn người như một” của Nhân dân ta.

Như vậy, trưng cầu dân ý với tư cách là quyền của người dân thì chưa hề xuất hiện trong lịch sử Việt Nam, nhưng bốn chức năng chính trị nêu trên của trưng cầu dân ý đã được vua Trần khéo léo sử dụng từ thế kỷ XIII. Bên cạnh góc độ quyền của người dân – một thiết chế bảo đảm dân chủ, thì đứng về phía những người cầm quyền, trưng cầu dân ý rất có lợi cho chính quyền, sẽ là công cụ để nắm lòng dân, củng cố sự cầm quyền8. Hai chữ “Diên Hồng” đã trở thành biểu trưng cho ý chí thống nhất của một dân tộc, thể hiện sự đồng lòng nhất trí giữa nhà nước với người dân trong mối quan hệ vua – tôi, trên – dưới… Hội nghị Diên Hồng cũng mang ý nghĩa như một nguyên lý tạo nên sức mạnh dân tộc trước những thử thách của lịch sử và trong chừng mực nào đó cũng biểu hiện nhân tố cận dân, thân dân như một giá trị truyền thống mang quan niệm “dân chủ” sau này được xác lập trong thời kỳ lịch sử cận và hiện đại. Ngày nay, “Diên Hồng” đã được đặt tên cho phòng họp chính của Quốc hội tại các kỳ họp thường niên và “Tân Trào” cũng được đặt tên cho phòng họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong Tòa nhà Quốc hội.

Tiêu biểu hơn cả, người có đường lối thân dân, tư tưởng dân chủ cao nhất, toàn diện nhất là Nguyễn Trãi (1380 – 1442) – Anh hùng dân tộc, danh nhân Văn hóa thế giới. Nguyễn Trãi không chỉ thấy dân là gốc mà còn thấy được sức mạnh to lớn của Nhân dân: “Lật thuyền thấm thía dân như nước9…; “chở thuyền, lật thuyền cũng là dân10. Nguyễn Trãi thấy được Nhân dân có sức mạnh có thể thay đổi được thời thế, có thể nâng đỡ triều đại, cũng có thể lật đổ triều đại. Ông coi cuộc sống và tâm tư của Nhân dân là nền tảng thịnh – suy của quốc gia. Vì vậy, khi giải quyết nhiệm vụ lịch sử đặt ra cho các lãnh tụ khởi nghĩa Lam Sơn là giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của quân Minh, Nguyễn Trãi đã tìm được chìa khóa giải đáp là muốn cứu dân, cứu nước thì phải dựa vào chính sức mạnh của Nhân dân. Khởi nghĩa Lam Sơn đã “Giơ gậy làm cờ bốn phương dân cày tập hợp11. Từ đó, khởi nghĩa Lam Sơn đã phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng, thành cuộc chiến tranh nhân dân sâu rộng nhất, toàn diện nhất trong lịch sử từ trước cho đến lúc đó, đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ giải phóng Tổ quốc sau 10 năm chiến đấu gian khổ.

Nguyễn Trãi đề cao quyền làm chủ của Nhân dân. Ông nhắc vua Lê Lợi phải dựa vào dân để làm việc nước, thương yêu dân chúng, nghĩ và làm những việc khoan dân, thưởng phạt thăng giáng không vì tư ân mà phải vì dân, vì nước, vì hiền tài mà trọng dụng, vì tham độc mà dùng hình. Vua, quan phải coi công việc quốc gia, việc dân là việc của mình. Không được tách rời ba yếu tố việc riêng, việc nước, việc dân. “Coi công việc của quốc gia làm công việc của mình, lấy điều lo của sinh dân làm điều lo thiết kỷ”12. Nguyễn Trãi đã xây dựng cho mình một tư tưởng dân chủ rộng rãi, sâu sắc và toàn diện hơn. Ph. Ăngghen đánh giá nhà dân chủ của phong trào nông dân Đức Tô-ma-xơ Mun-xe để nhận xét về Nguyễn Trãi: “Ông quả là một nhà dân chủ thực sự trong điều kiện có thể được trong thời đại bấy giờ13. Tư tưởng dân chủ, thân dân của Nguyễn Trãi là đỉnh cao nhất trong lịch sử tư tưởng dân chủ thời phong kiến.

Sự vận dụng, phát triển của Đảng ta về dân chủ xã hội chủ nghĩa

Thứ nhất, quan niệm của Mác – xít về dân chủ vô sản.

Chủ nghĩa Mác – Lênin đặc biệt nhấn mạnh, không có dân chủ “thuần túy”, dân chủ nói chung. C.Mác và Ph.Ăngghen trước hết vạch trần bản chất giả dối của dân chủ tư sản. Ph.Ăngghen viết về chế độ dân chủ tư sản: “Tự do chính trị là tự do giả, là chế độ nô lệ tồi nhất; nó chỉ là cái vẻ bề ngoài của tự do, và vì thế, trên thực tế, nó là chế độ nô lệ. Bình đẳng chính trị cũng như vậy, vì thế chế độ dân chủ (tư bản), giống như bất kỳ mọi hình thức quản lý nào khác, cuối cùng phải tan rã…”14.

Tiếp nối quan điểm này, V.I.Lênin đưa ra luận điểm: “Đương nhiên, chế độ dân chủ cũng là một hình thức nhà nước và sẽ phải mất đi khi nhà nước tiêu vong, nhưng điều đó chỉ xảy ra khi chủ nghĩa xã hội thắng lợi hoàn toàn và được củng cố, quá độ lên chủ nghĩa cộng sản hoàn toàn15. Việc nhấn mạnh tính giai cấp của dân chủ nói chung, của dân chủ tư sản nói riêng đã đưa V.I.Lênin tới quan niệm về sự cần thiết phải kết hợp giữa cuộc đấu tranh cho dân chủ với thắng lợi của chủ nghĩa xã hội về con đường biện chứng của quá trình phát triển dân chủ: “Từ chuyên chế đến dân chủ tư sản; từ dân chủ tư sản đến dân chủ vô sản; từ dân chủ vô sản đến không còn dân chủ nữa16.

Khẳng định vai trò là chủ xã hội của dân, Hồ Chí Minh đã xác định: “vị thế, tư cách chủ thể xã hội của Nhân dân17, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhân dân là gốc của cách mạng”, Nhân dân là người làm chủ nước nhà. Nhân dân tham gia trực tiếp việc giải quyết các vấn đề quan trọng của Nhà nước: Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được”18. Nguyên tắc để giữ vững nền dân chủ là phải thực hành chuyên chính, đồng thời, thực hiện dân chủ phải đúng nguyên tắc tập trung, không được vô tổ chức khi chưa quyết định thì tha hồ bàn cãi. Nhưng khi đã quyết định rồi thì không được bàn cãi nữa, có bàn cãi cũng chỉ là để bàn cách thi hành cho được, cho nhanh, không phải để đề nghị không thực hiện”19.

Thứ hai, nhận thức, vận dụng, phát triển của Đảng ta về dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Kế thừa những tinh hoa dân chủ tiêu biểu qua các triều đại phong kiến, nắm vững bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta không ngừng bổ sung, phát triển quan điểm, tư tưởng dân chủ trong quá trình đổi mới đất nước. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đã rút ra bốn bài học của cách mạng Việt Nam, trong đó bài học thứ nhất: Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy Dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân lao động. Đại hội VI còn nhấn mạnh đổi mới quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, thực hiện “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra”.

Đại hội VII của Đảng (năm 1991) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, rút ra 5 bài học lớn, trong đó nhấn mạnh: Cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; đưa ra quan niệm tổng quát nhất về xã hội XHCN, trong đó chỉ rõ xã hội XHCN mà Nhân dân ta xây dựng là một xã hội do Nhân dân lao động làm chủ.

Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994) của Đảng đã xác định mục tiêu tổng quát của quá trình đổi mới nói riêng, của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta là: phấn đấu vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; khẳng định xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII (năm 1997) tập trung giải quyết vấn đề tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trong sạch, vững mạnh để phát huy hơn nữa quyền làm chủ của Nhân dân. Đại hội IX của Đảng (năm 2001) đã rút ra bốn bài học qua 15 năm đổi mới, trong đó nhấn mạnh đổi mới phải dựa vào Nhân dân, vì lợi ích của Nhân dân, phù hợp với thực tiễn, luôn luôn sáng tạo; đổi mới phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đại hội xác định mục tiêu chung của cách mạng nước ta “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” (thêm từ “Dân chủ”); làm rõ vai trò động lực to lớn của đại đoàn kết toàn dân, của vấn đề dân chủ, của việc quan tâm đến lợi ích chính đáng của con người.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (năm 2006) rút ra 5 bài học, trong đó bài học thứ hai: đổi mới phải vì lợi ích của Nhân dân, dựa vào Nhân dân, phát huy vai trò chủ động sáng tạo của Nhân dân, xuất phát từ thực tiễn, nhạy bén với cái mới. Đại hội khẳng định: Dân chủ XHCN vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Nhà nước đại diện quyền làm chủ của Nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối chính trị của Đảng.

Đại hội XI của Đảng (năm 2011) tiếp tục khẳng định các tư tưởng trên đây và để “dân chủ” ở vị trí xứng đáng trong hệ mục tiêu của đổi mới đất nước. Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng (năm 2016), yêu cầu: Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm20.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định: “Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân21.

Một số nội dung để thực hiện tốt dân chủ xã hội chủ nghĩa

Để thực hiện tốt dân chủ XHCN ở nước ta cần tập trung vào những nội dung sau:

Một là, xây dựng Nhà nước pháp quyền gắn với đổi mới hệ thống chính trị. Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất; xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền. Tiếp tục phân định rõ hơn thẩm quyền và trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và ở mỗi cấp chính quyền địa phương. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, vừa phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, vừa giữ vững kỷ cương phép nước. Quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân và nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước, xã hội. Tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Trưng cầu ý dân năm 2015 để Nhân dân tham gia giải quyết những vấn đề trọng đại của đất nước, xây dựng và thông qua Luật Biểu tình, hoàn thiện pháp luật về dân chủ – nhất là xây dựng Luật Thực hiện dân chủ cơ sở năm 2022 – đáp ứng tốt hơn yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Hai là, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Đưa Quy chế Dân chủ vào cơ quan, đơn vị, Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn thành luật để tạo cơ sở pháp lý vững chắc hơn, có sức mạnh hơn, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ trực tiếp của Nhân dân ở cơ sở. Phải xây dựng một quy chế khả thi để nhân dân thực hiện được quyền kiểm tra, giám sát của mình một cách hữu hiệu. Thực tiễn đã chỉ rõ chừng nào, khi nào chưa tạo được đủ điều kiện để Nhân dân thực hiện được quyền làm chủ của mình ở cơ sở hoặc để xảy ra dân chủ cực đoan, dân chủ quá trớn, gây trở ngại cho hoạt động điều hành và quản lý của bộ máy chính quyền cơ sở thì chừng đó quyền lực nhà nước ở địa phương suy giảm cản trở việc thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân.

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự đáp ứng yêu cầu vì lợi ích của Nhân dân. Đảng tập trung lãnh đạo về đường lối, chủ trương, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, cơ chế, chính sách về cán bộ, công chức. Đẩy mạnh dân chủ hóa công tác cán bộ, quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi tổ chức, mỗi cấp trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sang, có trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới. Thực hiện thí điểm dân trực tiếp bầu một số chức danh ở cơ sở và ở cấp huyện; mở rộng đối tượng thi tuyển chức danh cán bộ quản lý. Hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi công vụ; xác định rõ quyền hạn, nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan hành chính. Xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút, trọng dụng nhân tài.

Bốn là, tăng cường vai trò lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong những năm tới, phải dành nhiều công sức tạo được sự chuyển biến rõ rệt về xây dựng Đảng, phát huy truyền thống cách mạng, bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong của Đảng; xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, đoàn kết nhất trí cao, gắn bó mật thiết với Nhân dân, có phương thức lãnh đạo khoa học, có đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất và năng lực. Đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta.

Tư tưởng, giá trị về dân chủ của thời kỳ phong kiến Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển vào xây dựng nền dân chủ XHCN. Mục tiêu nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng22. Vấn đề cốt lõi hiện nay là tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị xã hội, xây dựng, kiện toàn bộ máy nhà nước vững mạnh, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đưa đất nước vượt qua thách thức, vững vàng đi theo con đường XHCN mà Đảng và Nhân dân đã lựa chọn.

Chú thích:
1. Phạm Quang Ngọc. Những căn cứ lý luận và thực tiễn dự báo xu hướng phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2016, tr. 1.344.
2. Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng. Các triều đại Việt Nam. H. NXB Thanh niên, 1993, tr. 33.
3. Theo Đại Việt sử ký toàn thư (Cao Huy Giu phiên dịch, Đào Duy Anh hiệu đính). Chú giải và khảo chứng. Tập I. H. NXB Khoa học xã hội, 1972. tr. 190.
4. Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Lịch sử Việt Nam. Tập 1. H NXB Khoa học xã hội, 1971, tr. 181.
5. Lê Mạnh Thát. Trần Thái Tông. Toàn tập. NXB Tổng hợp, TP. Hồ Chí Minh, 2004, tr. 132.
6. Ngô Sĩ Liên. Đại Việt sử ký toàn thư. Quyển 5, tờ 43. H. NXB Khoa học xã hội.
7. Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm. Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII. H. NXB Khoa học xã hội, 1975, tr. 177.
8. Ngô Sĩ Liên. Đại Việt sử ký toàn thư (Bản sao lưu trữ). Bản gốc lưu trữ ngày 17/11/2015, truy cập ngày 16/11/2015.
9, 10. Nguyễn Trãi, Toàn tập. Tập 1. H. NXB Khoa học xã hội, 1969, tr. 84, 141.
11. Nguyễn Trãi. Bình Ngô Đại Cáo. Dẫn theo Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam. Lịch sử Việt Nam.Tập I. H. NXB Khoa học xã hội, 1971, tr. 259.
12. Nguyễn Trãi. Quân trung từ mệnh tập. H. NXB Sử học, 1961, tr.83
13. Ph.Ăngghen. Nhận xét về Tô-ma-xơ Mun-xe. Báo The Norther Stanr 08/11/1845.
14. C. Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 1995, tr. 723.
15. V.I.Lênin. Toàn tập. Tập 27. NXB Tiến Bộ, Mát-xcơ-va, 1977, tr. 324.
16. V.I.Lênin. Toàn tập. Tập 33. NXB Tiến Bộ, Mát-xcơ-va, 1977, tr. 206.
17. Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi, bổ sung năm 2013 viết hoa chữ “Nhân dân”, khi đó là một danh từ riêng dùng để chỉ Nhân dân Việt Nam (viết hoa danh từ này theo tinh thần Hiến pháp).
18. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia, 2000, tr. 481.
19. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia, 2000, tr. 36.
20. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2016, tr. 15.
21, 22. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 173.
TS. Lưu Duy Toàn
Thạch Thanh Nhã
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng