Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam 30 năm đổi mới, phát triển toàn diện

(Quanlynhanuoc.vn) – 30 năm qua, bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, bằng ý chí quyết tâm, tập thể cán bộ, nhân viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã bảo đảm điều hành bay tuyệt đối an toàn. Cùng với đó, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị quân đội và các cơ quan quản lý không lưu của các nước trong khu vực, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các hoạt động bay không đúng theo kế hoạch hoặc vi phạm quy chế bay, giữ vững an ninh vùng trời Tổ quốc. Liên tục trong nhiều năm, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam là đơn vị dẫn đầu ngành Hàng không về năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Đặt vấn đề

Gần 70 năm xây dựng và phát triển, Hàng không Việt Nam đã vượt qua vô vàn khó khăn thử thách xây đắp nên nhiều thành tích rất đáng tự hào, tự tin hội nhập với cộng đồng Hàng không thế giới và có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước.

Kỷ niệm 30 năm ngày Thành lập Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam (20/4/1993-20/4/2023).

Trong thành tích chung của ngành Hàng không Việt Nam có sự đóng góp không nhỏ của Tổng Công ty quản lý bay (CTQLB) Việt Nam. Tiếp nối thành tích của các đơn vị tiền thân của Tổng công ty, kể từ khi ra đời, Tổng CTQLB Việt Nam luôn giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vươn lên, từng bước đầu tư trang thiết bị kỹ thuật ngày càng hiện đại, tiếp thu và làm chủ công nghệ mới đưa lĩnh vực Quản lý hoạt động bay vươn lên sánh vai với các nước có nền công nghiệp hàng không tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Những thành tựu đạt được trong 30 năm qua đã và đang tạo nên động lực mới cho Tổng CTQLB Việt Nam nắm bắt vận hội, vượt qua thách thức, tiếp tục đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển của ngành Hàng không Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đã tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ GTVT cho Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam vì những thành tích xuất sắc trong công tác cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.
Những đóng góp quan trọng của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam trong sự phát triển kinh tế của đất nước

Thứ nhất, tổ chức cung cấp dịch vụ điều hành bay (ĐHB) an toàn, điều hòa, hiệu quả, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh, chủ quyền vùng trời quốc gia.

Hiện nay, Tổng CTQLB Việt Nam chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ không lưu trong toàn bộ vùng trời chủ quyền trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam và tại tất cả các cảng hàng không, sân bay trên cả nước. Với quy mô cung cấp dịch vụ trên diện tích gần 1,2 triệu km2, phạm vi hoạt động trải dài trên gần 30 tỉnh, thành phố của cả nước, trực tiếp cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trên 35 đường hàng không nội địa và 36 đường hàng không quốc tế, đặc biệt FIR Hồ Chí Minh có các đường hàng không với mật độ bay cao, giữ vị trí quan trọng đối với hoạt động bay trên khu vực biển Đông.

Xác định ĐHB an toàn, điều hòa, hiệu quả cho tất cả các chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm là lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh và năng lực cốt lõi, Tổng CTQLB Việt Nam luôn chủ trương không ngừng thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ không lưu thông qua việc đổi mới, cải tiến phương thức ĐHB; tối ưu hóa tổ chức vùng trời đường dài và trung tận; áp dụng công nghệ dẫn đường tiên tiến tại các sân bay có mật độ hoạt động bay cao; tích cực học tập, hợp tác với các cơ quan, tổ chức nước ngoài để nghiên cứu tối ưu hóa vùng trời và phương thức bay tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nóng của hàng không trong nước và quốc tế.

Tổng CTQLB Việt Nam đã bảo đảm ĐHB tuyệt đối an toàn cho hơn 11 triệu chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm. Liên tục trong nhiều năm, Tổng CTQLB Việt Nam là đơn vị dẫn đầu ngành Hàng không về năng suất, chất lượng và hiệu quả: Tổng thu ĐHB ước đạt gần 65 nghìn tỷ đồng, nộp NSNN đạt trên 32 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo an toàn bay, Tổng CTQLB Việt Nam đã phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị quân đội và các cơ quan quản lý không lưu của các nước trong khu vực, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các hoạt động bay không đúng theo kế hoạch hoặc vi phạm quy chế bay, giữ vững an ninh vùng trời Tổ quốc.

Thứ hai, phát triển toàn diện các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và hội nhập không vận quốc tế.

Cung cấp kịp thời, đầy đủ các dịch vụ ĐHB, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các hoạt động bay đi, đến và bay quá cảnh trong vùng trời trách nhiệm được giao. Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam đã tổ chức, cung cấp các dịch vụ: không lưu; thông tin, dẫn đường, giám sát; thông báo tin tức hàng không; khí tượng; tìm kiếm cứu nạn... Đặc biệt, việc tham gia tìm kiếm cứu nạn, khẩn nguy hàng không và phòng chống thiên tai ở phạm vi trong nước và cả ở nước ngoài góp phần nâng tầm tổ chức, tạo thuận lợi trong tổ chức hoạt động và làm cấu nối giữa Tổng CTQLB Việt Nam với các cơ quan chuyên trách của các bộ, ngành, của Trung ương, địa phương và của các quốc gia kế cận về lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn.

Thứ ba, công tác bảo đảm an toàn hàng không.

Thành tựu của Tổng công ty trong lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng không, kết quả triển khai thực hiện Hệ thống quản lý an toàn. Với mục tiêu nhất quán là: “An toàn – điều hòa – hiệu quả”, trong đó An toàn – Safety firstluôn được đặt lên hàng đầu trong việc cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.

Trong quá trình thực hiện hệ thống quản lý an toàn, các mục tiêu an toàn dần được xác lập và ngày càng hoàn thiện, số liệu thống kê ngày một đầy đủ và có hệ thống. Nhờ đó năng lực an toàn của Tổng công ty cũng được đánh giá dựa trên số liệu các sự cố/vụ việc được thống kê tin cậy. Giá trị các chỉ số an toàn được xác định trên cơ sở yêu cầu của Cục Hàng không Việt Nam, đồng thời phản ánh đúng năng lực an toàn của Tổng công ty ở thời điểm liên quan, từ đó đề ra các mục tiêu, định hướng để nâng cao an toàn.

Qua gần 10 năm xây dựng và tổ chức vận hành, Hệ thống SMS của Tổng công ty đã đáp ứng các yêu cầu của Cục Hàng không Việt Nam và ICAO trên 3 cấp độ: Chủ trương chính sách – Quy trình, quy định – Tổ chức thực hiện với đầy đủ 4 thành phần (bao gồm: chính sách an toàn, quản lý rủi ro an toàn, bảo đảm an toàn và thúc đẩy công tác an toàn).

Thứ tư, tích cực chủ động đầu tư, đổi mới ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ mới, nâng cao chất lượng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.

Trong nhiều năm qua, Tổng CTQLB Việt Nam luôn được xem là đơn vị đi đầu của ngành Hàng không Việt Nam trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ, cải tiến và ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dịch vụ ĐHB, làm thay đổi cơ bản công nghệ quản lý ĐHB và đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn kiểm soát ĐHB của các hãng Hàng không trong nước và quốc tế.

Đến nay, Tổng CTQLB Việt Nam đã tổ chức đầu tư và khai thác 2 Trung tâm Kiểm soát đường dài, 4 Trung tâm Kiểm soát tiếp cận, 22 Đài kiểm soát tại sân, 5 hệ thống radar giám sát sơ cấp, thứ cấp (PSR/SSR), 3 hệ thống radar giám sát thứ cấp, 24 đài dẫn đường VOR/DME, 2 đài dẫn đường NDB, và hàng chục trạm liên lạc VHF đất đối không, 24 hệ thống giám sát tự động phụ thuộc quảng bá (ADS-B)… đều bảo đảm  tiêu chuẩn và chất lượng theo quy định của ICAO.

Thứ năm, thành tựu trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong quá trình đổi mới trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ, Tổng công ty cũng luôn chú trọng phát huy nhân tố nội lực, với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Đến nay, đội ngũ kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu của Tổng công ty đã làm chủ công nghệ quản lý bay tiên tiến hiện đại, tổ chức khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật. Phát huy khả năng nguồn lực sẵn có, khuyến khích lực lượng kỹ thuật đầu ngành nghiên cứu, thử nghiệm và lắp đặt thành công các sản phẩm cơ khí, điện tử, phần mềm công nghệ thông tin. Trong nhiều năm qua, Tổng công ty đã có hàng chục đề tài khoa học nghiên cứu cấp Bộ và hàng trăm đề tài nghiên cứu cấp Tổng công ty đã được các Hội đồng khoa học các cấp nghiệm thu hoàn thành và thực hiện chuyển giao công nghệ thành công, đưa vào sản xuất và áp dụng thực tế.

Tổng công ty đã từng bước làm chủ công nghệ tiên tiến trong sản xuất, thi công lắp đặt các trang thiết bị chuyên ngành; từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hướng tới xuất khẩu và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong việc hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KHCN), Tổng công ty và Công ty con đã đẩy mạnh, tăng cường hợp tác trong hoạt động KHCN, xây dựng cơ chế và triển khai các hợp đồng hợp tác với các tổ chức, các nhà hoạt động KHCN có năng lực, như: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, các chuyên gia của Cục Hàng không Việt Nam, Hãng Selex-Mỹ…

Thứ sáu, tích cực đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực để tiếp thu kiến thức công nghệ kỹ thuật mới.

Cùng với việc đổi mới các hệ thống thiết bị công nghệ hiện đại, Tổng công ty luôn chú trọng bồi dưỡng đội ngũ nhân viên với đầy đủ trình độ và năng lực để có thể tiếp thu và vận hành các hệ thống trang thiết bị hiện đại, tiên tiến. Tổng công ty thực hiện nhất quán làm việc gì đào tạo việc đó không đào tạo tràn lan; chú trọng đào tạo trong nước và đào tạo tại chỗ; tăng cường hợp tác tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và các quốc gia có nền không vận phát triển và có kinh nghiệm trong lĩnh vực kỹ thuật và quản lý không lưu, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa kỳ, Xinh-ga-po, Niu-di-lân, Thái Lan…

Những năm gần đây, Tổng công ty đã ưu tiên mọi nguồn lực tập trung đào tạo phát triển lực lượng kiểm soát viên không lưu, cán bộ kỹ thuật. Để thực hiện điều này, Tổng công ty đã thực hiện đa dạng hóa các hình thức và phương thức đào tạo. Kết quả đào tạo, huấn luyện giai đoạn 1993 – 2022: Tổng công ty đã tổ chức đào tạo, huấn luyện trong nước và nước ngoài cho hơn 113.000 lượt người trong đó giai đoạn 1993 – 2003: 7.500 lượt người (trong nước: 6.700 lượt, nước ngoài: 815 lượt) giai đoạn 2003-2013 tăng gấp 3,6 lần: 27.600 lượt người (trong nước: 26.200 lượt, nước ngoài: 1.300 lượt), giai đoạn 2013-2022 tăng gấp 3,8 lần: 78.000 lượt (trong nước: 68.000 lượt, nước ngoài: 957 lượt trong đó tại nước ngoài là 462 lượt, chuyên gia nước ngoài giảng dạy tại Việt Nam: 495 lượt). Số lượng người được tăng cường đào tạo, huấn luyện trong từng giai đoạn không chỉ tăng về mặt số lượng mà còn bảo đảm chất lượng, đáp ứng các yêu cầu, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh theo quy định.

Thứ bảy, xây dựng tổ chức Đảng và tổ chức đoàn thể trong sạch, vững mạnh, tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn.

Đảng bộ Tổng CTQLB Việt Nam được kế thừa và phát huy truyền thống của một tổ chức đảng trưởng thành từ quân đội luôn đoàn kết thống nhất, lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao trong bối cảnh có nhiều thuận lợi cơ bản nhưng cũng có khó khăn, thách thức đan xen.

Cùng với đó, Công đoàn Tổng công ty luôn hoàn thành xuất sắc vai trò trách nhiệm là cầu nối giữa các cấp ủy Đảng, Ban Lãnh đạo với người lao động, thực sự là chỗ dựa tin cậy về tinh thần cho người lao động vì mục tiêu: “Đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đổi mới, phát triển”.

 Trong công tác xã hội từ thiện: Công đoàn Tổng công ty luôn phối hợp với chuyên môn đồng cấp tuyên truyền, vận động người lao động tích cực hưởng ứng hoạt động đền ơn đáp nghĩa và các hoạt động xã hội từ thiện. Thông qua tuyên truyền và Hội nghị người lao động, hằng năm người lao động trong Tổng công ty đã tự nguyện quyên góp từ 2 đến 4 ngày lương ủng hộ hoạt động xã hội, từ thiện.

Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng và phát triển của Tổng công ty, thanh niên luôn là lực lượng nòng cốt trong quá trình chuyển giao công nghệ hiện đại của Tổng công ty. Tổ chức Đoàn các cấp đã phát động nhiều phong trào hoạt động thiết thực, hiệu quả gắn với công tác chuyên môn. Các thế hệ thanh niên của Tổng công ty là lực lượng tiên phong trong các hoạt động: văn nghệ, thể thao, công tác xã hội: đền ơn đáp nghĩa, phòng chống tệ nạn xã hội, phong trào nghĩa tình biên giới hải đảo, chia sẻ ấm áp tới biên cương, vì trẻ thơ Việt Nam… Với lực lượng trẻ hùng hậu, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, yêu ngành, yêu nghề, lực lượng thanh niên đã đóng góp một phần lớn vào việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị và xây dựng ngành Quản lý Bay ngày càng hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, đảng viên, công nhân viên của Tổng CTQLB Việt Nam đã làm nên những thành tích rất đáng tự hào. Với những thành tích vẻ vang ấy, tập thể và nhiều cá nhân tiêu biểu đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, như: Đơn vị Anh hùng Lao động (năm 2000); Huân chương Độc lập hạng ba (năm 2006); 16 Huân chương Lao động hạng nhất, hạng nhì, hạng ba… Nhiều Bằng khen của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm – cứu nạn,…

Định hướng phát triển cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam trong thời gian tới

Để tiếp nối thành tích của các đơn vị tiền thân, Tổng CTQLB Việt Nam tiếp tục  giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vươn lên sánh vai với các nước có nền công nghiệp hàng không tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể:

Một là, phát triển năng lực ĐHB đáp ứng yêu cầu về chất lượng dịch vụ tin cậy, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho 100% các chuyến bay trong vùng trách nhiệm được giao; bảo đảm tới năm 2025, năng lực trên toàn hệ thống đạt 1.500.000 lần chuyến/năm, bảo đảm luôn cao hơn lưu lượng và mật độ hoạt động bay và Tổng công ty phục vụ từng năm.

Chất lượng các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay theo đúng các chuẩn mực quốc tế được Bộ Giao thông vận tải và ICAO công nhận; từng bước chủ động tiếp cận quản lý hoạt động bay tầng thấp, tăng cường năng lực quản lý ĐHB tại các vùng biển, hải đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Hai là, hoàn thành đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quản lý bay theo Kế hoạch tổng thể phát triển Hệ thống thông tin dẫn đường, giám sát và quản lý không lưu (CNS/ATM) hàng không dân dụng Việt Nam định hướng đến 2030 được phê duyệt tại Quyết định 2339/QĐ-BGTVT. Thực hiện quyết liệt các giải pháp về quản lý hoạt động bay được phê duyệt trong Đề án “Nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng hàng không” theo Quyết định số 2985/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Ba là, tới năm 2030,hệ thống quản lý an toàn của Quản lý bay Việt Nam đáp ứng tất cả các yêu cầu của Cộng đồng hàng không quốc tế và tương đương với các nước tiên tiến ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Bảo đảm các tiêu chí của Mức an toàn (AloS) luôn được kiểm soát ở mức thấp hơn mức được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp nhận.

Bốn là, tiếp tục xây dựng và phát triển Tổng CTQLB Việt Nam theo Đề án Cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021 – 2025, trong đó công ty mẹ – Tổng CTQLB Việt Nam là Công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước. Thực hiện công tác kiện toàn các cơ quan tham mưu, giúp việc, nâng cao hiệu quả hoạt động; tiếp tục thực hiện Đề án kiện toàn các đơn vị gồm: Trung tâm Khí tượng hàng không giai đoạn 2, Trung tâm Đào tạo huấn luyện nghiệp vụ Quản lý bay đến năm 2025 định hướng đến năm 2030; Trung tâm Quản lý luồng không lưu đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, Trung tâm Thông báo tin tức Hàng không đến năm 2025 định hướng đến năm 2030.

Năm là, tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ và chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Hiện đại hóa phương thức, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan tham mưu, giúp việc trong Tổng công ty theo định hướng sử dụng sâu rộng công nghệ thông tin và tự động hóa, tập trung, thống nhất, hiệu quả phù hợp với yêu cầu của CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế.

Tập trung nâng cấp, hiện đại hóa từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo tính kết nối liên thông thống nhất giữa tất cả các cơ quan tham mưu, các trung tâm điều hành kiểm soát không lưu, các cơ sở cung cấp dịch vụ trong phạm vi cả nước và với các quốc gia trong khu vực; xây dựng hoàn thiện và ứng dụng hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu chung của ngành bảo đảm hoạt động bay, ứng dụng CNTT và tự động hóa các hoạt động quản lý, điều hành.

Sáu là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bao gồm: đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn cán bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đội ngũ chuyên gia có đầy đủ năng lực tiếp cận, làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới trong lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay; xây dựng đội ngũ nhân viên hàng không đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước và ICAO, có kỹ năng thành thạo, gắn bó, sẵn sàng cống hiến xây dựng ngành HKDD Việt Nam.

Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển sản xuất công nghiệp hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế thay thế nhập ngoại và xuất khẩu.

Tài liệu tham khảo:
1. Đề cương tuyên truyền 30 năm thành lập Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (20/4/1993-20/4/2023).
2. Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006.
3. Quyết định số 2339/QĐ-BGTVT ngày 19/10/2011 của Bộ Giao thông Vận tải về việc phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển hệ thống thông tin, dẫn đường, giám sát và quản lý không lưu (CNS/ATM) hàng không dân dụng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Hoàng Hiệp