Một số giải pháp bồi dưỡng văn hóa lãnh đạo của chính trị viên ở các đơn vị cơ sở quân đội hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Văn hóa lãnh đạo của chính trị viên là một bộ phận văn hóa lãnh đạo của Đảng, có sự thống nhất, hòa quyện của ba yếu tố: đạo đức, trí tuệ và phong cách lãnh đạo. Từ đó, giúp cho chính trị viên xác định đúng mục tiêu, đường lối, nhiệm vụ, nội dung yêu cầu và biện pháp lãnh đạo đơn vị. Để đáp ứng yêu cầu vị trí, vai trò người “đại diện Đảng” trong Quân đội, người chủ trì về chính trị thì việc bồi dưỡng văn hóa lãnh đạo cho chính trị viên ở đơn vị cơ sở Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay cần phải có những giải pháp đồng bộ để khắc phục những hạn chế, bất cập và phát huy những điểm mạnh trong các yếu tố cấu thành nên văn hóa lãnh đạo của chính trị viên.
Ảnh minh họa (internet).
Vị trí, vai trò của chính trị viên ở đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam

Ở đơn vị cơ sở (ĐVCS), chính trị viên (CTV) là cán bộ chuyên trách, người chủ trì về chính trị, có vai trò phát huy sức mạnh nội sinh của cán bộ, chiến sĩ, bảo đảm cho đơn vị luôn hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ. CTV là người chịu trách nhiệm trước cấp trên và cấp ủy cấp mình về toàn bộ các hoạt động công tác Đảng (CTĐ), công tác chính trị (CTCT) trong đơn vị; có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, tổ chức tiến hành các nội dung CTĐ, CTCT theo chức trách, nhiệm vụ; tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện các kế hoạch công tác chung của đơn vị; là người chịu trách nhiệm định hướng hoạt động của mọi tổ chức, cá nhân trong đơn vị theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

CTV là người làm theo lời dạy và đi theo đường lối của Chủ tịch Hồ Chí Minh để giữ độc lập cho dân tộc, giữ vững ổn định chính trị. Để cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền nể phục, tin theo, đòi hỏi người CTV phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; có phương pháp, phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, quần chúng, đúng pháp luật; tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; có lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vị trí, vai trò của CTV: “Con đường chính trị là cái kim chỉ nam của Quân đội, chính trị viên là người nắm cái kim ấy” 1; “Tư cách của chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội. Người chính trị viên tốt, thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ, thì bộ đội ấy không tốt” 2. Vì vậy, trong công tác lãnh đạo, CTV phải luôn giữ vững tư tưởng chính trị trong mọi hoạt động của đơn vị.       

Về văn hóa lãnh đạo (VHLĐ) của CTV đối với cấp dưới, Người luôn căn dặn: “chính trị viên phải làm người kiểu mẫu trong mọi việc” 3; “Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn” 4. Do vậy, một phong cách làm việc khoa học, dân chủ và quyết đoán, gần gũi với bộ đội, với Nhân dân, coi trọng nhân cách cấp dưới, sử dụng đúng người, đúng việc không thiên lệch và luôn thực hiện trách nhiệm nêu gương trước cán bộ trong VHLĐ của CTV trong quân đội sẽ góp phần gạn đục, khơi trong, dung dưỡng và phát huy những giá trị tốt đẹp, loại bỏ những yếu tố tiêu cực, bảo thủ, lạc hậu.

VHLĐ của CTV trong Quân đội nhân dân Việt Nam khi được thẩm thấu vào các hoạt động lãnh đạo sẽ là cách thức hữu hiệu nhất để củng cố niềm tin của Nhân dân với Quân đội nói chung và với bộ đội ở ĐVCS nói riêng.

Để VHLĐ của CTV thực sự đáp ứng yêu cầu chức trách, nhiệm vụ của họ và đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong tình hình mới, đòi hỏi phải bồi dưỡng VHLĐ cho CTV ở các ĐVCS.

Thực trạng bồi dưỡng văn hóa lãnh đạo của chính trị viên ở đơn vị cơ sở quân đội

VHLĐ của CTV ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xây dựng, phát huy sức mạnh chính trị, tinh thần của bộ đội và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, các ĐVCS quân đội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác bồi dưỡng VHLĐ cho CTV. Trong đó, tập trung bồi dưỡng hệ thống những chuẩn mực đạo đức, phẩm chất, năng lực, phong cách lãnh đạo, đó là, phong cách khoa học, dân chủ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, gương mẫu, nói đi đôi với làm.

Bồi dưỡng VHLĐ của CTV ở ĐVCS được thể hiện qua các chương trình học tập, quán triệt các nghị quyết của tổ chức Đảng cấp trên; chương trình học tập chính trị hằng năm của sĩ quan; chương trình tập huấn các nội dung liên quan đến huấn luyện chính trị, quân sự, chuyên môn kỹ thuật; các hội thi, như: thi soạn thảo nghị quyết, cách điều hành một buổi họp chi bộ, hoặc thi giáo viên chính trị, báo cáo viên, tuyên truyền miệng… Những hoạt động nêu trên đều có ý nghĩa nâng cao VHLĐ của CTV.

Nhờ đó, đại đa số CTV có nhận thức đúng đắn về VHLĐ, quản lý, chủ động lĩnh hội tri thức, kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý; tích cực tu dưỡng, rèn luyện, hoàn thiện phẩm chất, năng lực theo mục tiêu đào tạo; có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống tốt, phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của người cán bộ quân đội, người chủ trì về chính trị, về CTĐ và CTCT trong đơn vị. Các CTV luôn ý thức về trách nhiệm nêu gương, thái độ chính trị đúng đắn, bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu chấp hành các quy định của đơn vị. Nhiều CTV, nhất là CTV đại đội có tác phong làm việc nghiêm túc, cụ thể, tỉ mỉ, chu đáo.

Trong Báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 20/7/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, CTV trong Quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 2005 đến nay, Đảng ủy Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 đã đánh giá: “Đội ngũ chính ủy, chính trị viên các cấp trong Sư đoàn luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tiêu biểu về phẩm chất chính trị, gương mẫu về đạo đức, lối sống, thực hiện tốt vai trò là người chủ trì về chính trị, có tính đảng, tính nguyên tắc, tính kỷ luật cao, là trung tâm đoàn kết trong cấp ủy, đơn vị; có kiến thức, năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị và chỉ đạo các hoạt động của đơn vị, có tác phong làm việc khoa học, dân chủ, sâu sát, cụ thể, hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức trách được giao” 5.

Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn không ít CTV ở ĐVCS chưa nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc bồi dưỡng VHLĐ; không ít cán bộ các cấp ở ĐVCS vẫn còn xem nhẹ việc bồi dưỡng tri thức quân sự đối với CTV trong nâng cao VHLĐ; một số CTV còn thiếu độ nhuần nhuyễn trong chuyển hóa kiến thức được đào tạo, bồi dưỡng nên việc vận dụng tri thức lý luận vào giải quyết các vấn đề thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn. Đây là một tư tưởng lệch lạc, chưa thấm nhuần đầy đủ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “chính trị biểu hiện ra trong lúc đánh giặc” 6.

Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên là do: CTV ở các ĐVCS hiện nay, nhất là ở cấp phân đội còn thiếu hụt kinh nghiệm thực tiễn hoạt động lãnh đạo đơn vị trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, làm cho hoạt động lãnh đạo của CTV chưa đủ sức thuyết phục; việc đổi mới nội dung bồi dưỡng phương pháp, tác phong công tác, kỹ năng giao tiếp của CTV còn thiếu toàn diện; nhiều đơn vị chỉ thiên về bồi dưỡng kiến thức, còn tách rời giữa kiến thức lý luận với thực tiễn hoạt động lãnh đạo.

Để đáp ứng với yêu cầu vị trí, vai trò người “đại diện Đảng” trong Quân đội, người chủ trì về chính trị thì việc bồi dưỡng nâng cao VHLĐ cho CTV ở ĐVCS Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay rất cần có những giải pháp đồng bộ để khắc phục những hạn chế, bất cập và phát huy những điểm mạnh trong các yếu tố cấu thành nên VHLĐ của CTV.

Một số giải pháp bồi dưỡng văn hóa lãnh đạo của chính trị viên ở đơn vị cơ sở quân đội

Một là, bồi dưỡng kiến thức toàn diện cho CTV ở ĐVCS.

Bồi dưỡng kiến thức cho CTV tập trung vào các môn khoa học xã hội và nhân văn, các kiến thức chuyên sâu về CTĐ, CTCT; bồi dưỡng năng lực chủ trì về chính trị, trực tiếp chỉ đạo tiến hành CTĐ, CTCTvà tham gia xây dựng tổ chức thực hiện các kế hoạch công tác chung của đơn vị, giúp cho CTV thực hiện tốt vai trò là trung gian, cầu nối để đưa văn hóa Đảng, văn hóa quân sự đến với mọi thành viên và làm cho văn hóa ấy thấm sâu vào cán bộ, chiến sĩ, tạo nên sợi dây tình cảm gắn kết, tạo sự đồng thuận để thực hiện mục tiêu lý tưởng, đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Đây là cơ sở để người CTV thực thi chức trách, nhiệm vụ một cách thuận lợi, đạt chất lượng, hiệu quả cao. Với tư cách là người chủ trì về chính trị, trực tiếp tổ chức tiến hành CTĐ, CTCT, họ phải có nhiều năng lực. Chỉ khi có được những năng lực cần thiết như vậy thì mới giúp cho người CTV tiến hành CTĐ, CTCT đi sâu vào mọi hoạt động và đời sống của bộ đội, góp phần làm cho CTĐ, CTCT thực sự là “linh hồn và mạch sống” của Quân đội và của các phân đội.

Hai là, bồi dưỡng đạo đức theo yêu cầu đại biểu cao nhất của Đảng ở ĐVCS  mà người CTV đó thực hiện nhiệm vụ chủ trì về chính trị.

Bồi dưỡng đạo đức là yếu tố nền tảng, nguồn gốc nội sinh của VHLĐ. Khi người CTV – chủ thể lãnh đạo có được tiêu chuẩn đạo đức sẽ là cơ sở để tạo lập sức cảm hóa đối tượng, lãnh đạo để đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng trong đơn vị, giải quyết đúng đắn, hài hoà các mối quan hệ xã hội trên lập trường của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng ta. Bồi dưỡng đạo đức theo yêu cầu đại biểu cao nhất của Đảng ở ĐVCS mà người CTV đó thực hiện nhiệm vụ chủ trì về chính trị còn là việc bồi dưỡng cho họ có lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và Nhân dân; có thái độ trung thực, thật thà đối với Đảng; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh cho lý tưởng của Đảng; có tinh thần triệt để cách mạng, kiên quyết dũng cảm; nếp sống trong sạch lành mạnh, giản dị, khiêm tốn, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư .

Ba là, bồi dưỡng phong cách lãnh đạo cho CTV ở ĐVCS theo chức trách, nhiệm vụ quyền hạn được giao.

Bồi dưỡng phong cách lãnh đạo cho CTV ở ĐVCS là bồi dưỡng cho CTV phương pháp, tác phong làm việc có tính Đảng, tính nguyên tắc cao; làm việc dân chủ, tập thể; làm việc chủ động, sáng tạo, quyết đoán, có tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật cao; làm việc sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ gần gũi với quần chúng và tác phong làm việc có kế hoạch, khoa học.

Do đó, bồi dưỡng phong cách lãnh đạo cho CTV chính là sự hiện thực hóa VHLĐ của người CTV trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình, là phương pháp lãnh đạo, tác phong công tác của người cán bộ lãnh đạo có văn hóa. Từ đó, phương pháp làm việc, tác phong công tác, lãnh đạo của CTV chính là nghệ thuật tiếp cận, chinh phục quân nhân trong Quân đội ở các phân đội, quy tụ, tập hợp mọi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thành một khối đoàn kết thống nhất ý chí và hành động. Thực hiện tốt được những điều này thì sẽ xây dựng được các tổ chức trong đơn vị trong sạch, vững mạnh, hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, vận hành thông suốt, có sự phối hợp, thống nhất hỗ trợ nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp của đơn vị, đồng thời bảo đảm cho hoạt động lãnh đạo của CTV đạt chất lượng, hiệu quả cao.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. NXB Quân đội Nhân dân, 1995, tr. 53.
2, 3, 4. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 392, 393, 392.
5. Đảng ủy Sư đoàn 312, Quân đoàn 1. Báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 20/7/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 2005 đến nay.
6. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 218.
ThS. Đinh Văn Hùng
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
ThS. Nguyễn Thị Thuỷ
Học viện Chính trị Công an Nhân dân