Phát triển thị trường lao động sau đại dịch Covid-19: hàm ý một số chính sách

(Quanlynhanuoc.vn) – Với nỗ lực thúc đẩy phát triển sản xuất, sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời gian để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ đã góp phần giảm thiểu số lao động bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19. Bài viết tập trung phân tích thực trạng lao động, việc làm trong bối cảnh trong và sau đại dịch Covid-19, từ đó, đưa ra các giải pháp nhằm phát triển thị trường lao động trong thời gian tới.

Ảnh: Internet.

Chính sách phát triển thị trường lao động, việc làm của Chính phủ trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Trước đại dịch Covid-19, các chính sách về phát triển chất lượng nhân lực được hoàn thiện tương đối đồng bộ và toàn diện, như: Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Việc làm năm 2013, các luật liên quan và các văn bản hướng dẫn triển khai được sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn để phát triển chất lượng nhân lực. Để khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, trong đó quy định chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Từ năm 2021 đến nay, thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí hơn 82 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ gần 728.500 lượt người sử dụng lao động và trên 49,7 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác1.

Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục, gồm: tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình; nghiên cứu, hoàn thiện các quy định tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp cùng tham gia quy hoạch, phát triển nhà ở cho người lao động; có các biện pháp giúp doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện việc duy trì, thu hút lao động vào làm việc, hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, tổ chức hoạt động thông tin, kết nối cung – cầu lao động trên cơ sở liên kết, hợp tác vùng (bao gồm nội vùng, các vùng) và cả nước nói chung.

Trong công tác chỉ đạo, điều hành triển khai tổ chức thực hiện chính sách, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ động thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, giải đáp các nội dung chính sách, đồng thời tiếp nhận các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; thiết lập chuyên mục hỏi – đáp về chính sách hỗ trợ, hồ sơ thủ tục trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ, trong đó tập trung vào các nhóm chính sách hỗ trợ có nhiều thắc mắc để người dân, người lao động, người sử dụng lao động biết trong triển khai thực hiện; mở các kênh tiếp nhận hồ sơ trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam để kịp thời giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động, người sử dụng lao động phù hợp với bối cảnh dịch bệnh…

Sau hơn 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, tính đến ngày 30/6/2022, cả nước đã hỗ trợ cho 36.434.593 người lao động, người dân, 394.440 đơn vị sử dụng lao động và 508.127 hộ kinh doanh với tổng số tiền là 45.665,263 tỷ đồng2.

Tính đến ngày 30/11/2022, gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã giải ngân khoảng 3,74 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ gần 5,3 triệu lượt lao động tại gần 123 nghìn doanh nghiệp3.

Các nội dung trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm, như: hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm với kinh phí khoảng 6.600 tỷ đồng; thực hiện hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội (cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm – tổng nguồn vốn cho vay tối đa 10.000 tỷ đồng; cho vay đối với các nhân, hộ gia đình để mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân (15 nghìn tỷ đồng); cho vay  đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập (3 nghìn tỷ đồng…); hỗ trợ lãi suất 2%/năm đối với khoản vay trên 6%; tái cấp vốn để cho người lao động vay trả lương ngừng việc; đầu tư tăng cường kết nối cung – cầu lao động, nâng cấp, hiện đại hóa các cơ sở đào tạo, dạy nghề…

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 về nâng số giờ làm thêm trong 01 năm từ 200 giờ/năm lên 300 giờ/năm; trong tháng từ 40 giờ/tháng lên 60 giờ/tháng của người lao động trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.

Ngày 28/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động nhằm chia sẻ, hỗ trợ cho người lao động còn khó khăn về nhà ở yên tâm làm việc; hỗ trợ doanh nghiệp “giữ chân” được người lao động để có nhân lực cho phục hồi, phát triển sản xuất – kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh “thu hút” được lao động vào làm việc.

Nhìn chung, các chính sách đã ban hành kịp thời, nhanh chóng tạo hành lang pháp lý để tổ chức, vận hành phát triển thị trường lao động thời gian qua. Các chính sách cơ bản hỗ trợ được người dân, doanh nghiệp, nhất là các nhóm lao động dễ bị tổn thương và chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch. Nhiều chính sách có tỷ lệ giải ngân nhanh, được xã hội đánh giá cao, như: chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp…

Thực trạng lao động, việc làm của Việt Nam sau đại dịch Covid-19

Kinh tế đất nước đã có sự phục hồi sau hai năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây ra, lực lượng lao động và việc làm của Việt Nam cũng có sự thay đổi. Trong quý III năm 2022, tình hình kinh tế-xã hội nói chung và tình hình lao động việc làm nói riêng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,8 triệu người, tăng 255,2 nghìn người so với quý trước và tăng 3,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Thị trường lao động đã phục hồi khá tốt với số người có việc làm trong quý tăng mạnh và đạt quy mô cao hơn so với cùng kỳ năm 2019, thời kỳ trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện (tăng 232,1 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019)4.

Trình độ của lao động Việt Nam ngày càng tăng lên. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo tăng lên theo từng năm và vẫn tiếp tục xu hướng tăng lên trong tương lai, trong đó lao động được đào tạo ở bậc đại học và sau đại học có tỷ lệ tăng nhiều nhất (Hình 1). Điều này cho thấy, Việt Nam đang phát triển cả về lượng và về chất nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong năm 2022, tình hình lao động, việc làm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Theo Tổng cục Thống kê, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng. Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong năm 2022 ước tính đạt 50,6 triệu người, tăng 1.504,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tính đạt 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 992 nghìn đồng5.

Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý I/2023 của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/3/2023 cho biết, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2023 ước tính là 2,25%. Con số này giảm 0,07 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước6. Tình hình lao động, việc làm quý I/2023 phục hồi tích cực. Lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của lao động tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước.

Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý I/2023 ước tính là 51,1 triệu người, tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Con số này bao gồm 13,8 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 27,1%; khu vực công nghiệp và xây dựng 17,3 triệu người, chiếm 33,9%; khu vực dịch vụ 20 triệu người, chiếm 39%. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2023 ước tính là 2,25%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) quý I năm 2023 là 7,61%, giảm 0,09 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,32 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I năm 2023 là 1,94%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,07 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước7.

Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương quý I/2023 là 7,9 triệu đồng/tháng, tăng 204 nghìn đồng so với quý trước và tăng 578 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập của lao động nam là 8,3 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 7,3 triệu đồng/tháng8.

Bên cạnh kết quả đạt được về lao động, việc làm nhờ chính sách hỗ trợ khá thiết thực của Chính phủ trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thì một số hạn chế, bất cập cần sớm được tháo gỡ, khắc phục. Cụ thể:

Thứ nhất, chính sách về thị trường lao động chưa hoàn thiện và chưa đủ mạnh để giải phóng triệt để mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm theo hướng bền vững. Thiếu chính sách cụ thể phát triển thị trường lao động bảo đảm giải phóng triệt để sức lao động, tự do hóa trong lao động để người lao động được tự do hành nghề, tự do dịch chuyển, tự do lựa chọn việc làm trên thị trường lao động theo nhu cầu và khả năng. Vẫn còn những rào cản về quản lý và thủ tục hành chính bảo đảm tự do di chuyển của lao động trên thị trường lao động trong nước và ngoài nước trên một sân chơi công bằng, bình đẳng.

Thứ hai, chất lượng cung lao động chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt và đang trong quá trình hội nhập. Điều này thể hiện ở số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn thấp (năm 2022, tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt 26,2%)9. Chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động; năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số vàng để thu hút nguồn lực đầu tư FDI.

Điều này dẫn tới việc thị trường lao động vẫn có hiện tượng mất cân đối cung – cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành, nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung – cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu. Cụ thể, nguồn cầu lao động của nền kinh tế cũng chưa đủ “hiện đại”, chưa có đủ việc làm bền vững để đáp ứng nhu cầu việc làm phù hợp với nguyện vọng của người lao động. Thị trường lao động Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động, có trình độ, kỹ năng thấp và có sự phát triển không đồng đều.

Nguyên nhân của tình trạng trên, có phần nhiều là do hệ thống thông tin thị trường lao động Việt Nam chưa hoàn thiện, chưa thật sự có sự kết nối về thông tin trên phạm vi vùng, trên cả nước. Công tác quản lý, nắm bắt thông tin lao động chưa đầy đủ, kịp thời, chính xác, chưa đáp ứng được những yêu cầu của hoạt động phân tích, dự báo thị trường lao động, gây ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định chính sách phát triển thị trường lao động nói chung và chính sách phát triển nguồn nhân lực và giải quyết việc làm nói riêng.

Đến nay, hệ thống thông tin thị trường lao động đã có hành lang pháp lý cơ bản hoàn thiện, thông tin thị trường lao động đa dạng, phong phú, được phổ biến kịp thời, rộng rãi thông qua các báo cáo, bản tin thị trường lao động hằng quý. Tuy nhiên, vẫn chưa có một hệ thống thông tin thị trường lao động được kết nối đồng bộ; cơ sở dữ liệu về thị trường lao động ở Việt Nam chưa được cập nhật thường xuyên, có độ trễ lớn; việc thu thập, xử lý, phân tích dữ liệu về cung cầu lao động của khu vực kinh tế phi chính thức còn gặp nhiều khó khăn; công tác phân tích dự báo còn nhiều hạn chế.

Một số giải pháp trong thời gian tới

Một là, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các địa phương phải nắm bắt tình hình biến động của thị trường lao động; đặc biệt là tình hình sản xuất – kinh doanh, lao động, việc làm của các doanh nghiệp trên địa bàn. Từ đó, kịp thời có những biện pháp kết nối cung – cầu lao động, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động.

Hai là, hoàn thiện chính sách theo hướng phát huy cao nhất đóng góp của người lao động có kỹ năng cho tăng trưởng, phát triển kinh tế, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, có thu nhập cao. Đặc biệt là tự do hóa mạnh hơn nữa để lao động, nhất là lao động có kỹ năng được tự do lựa chọn việc làm, tự do di chuyển trên thị trường lao động, không bị rào cản bởi khu vực kinh tế, địa giới hành chính và nơi cư trú.

Tiếp tục nội luật hóa và quy định cụ thể các tiêu chuẩn lao động phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tiêu chuẩn lao động quốc tế (các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế, các FTA thế hệ mới) mà Việt Nam đã cam kết và phê chuẩn.

Có chính sách khuyến khích hình thành và phát triển nhanh thị trường lao động trình độ cao (lao động có kỹ năng trình độ cao, lao động lành nghề), tạo môi trường cho lao động chất lượng cao tự do di chuyển giữa các ngành, vùng và lĩnh vực nhằm thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế và lao động theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế tri thức, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu và phân công lao động quốc tế.

Ba là, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thực hiện số hóa nhằm tăng khả năng kết nối cung – cầu lao động trên thị trường. Theo đó, Việt Nam cần sớm có cơ sở dữ liệu thị trường lao động đồng bộ từ nhiều nguồn như điều tra doanh nghiệp định kỳ, số liệu từ các cơ quan quản lý… Nhà nước cần đưa ra dự báo ngắn hạn trong 2, 3 tháng để đưa ra chính sách hỗ trợ kịp thời theo từng ngành, nghề, quy mô doanh nghiệp, đặc điểm lao động theo khu vực địa lý. Theo kinh nghiệm quốc tế, hệ thống chung có dữ liệu chính như đặc điểm của lực lượng lao động (số người có việc, số người mất việc), tham gia lực lượng lao động, việc làm (hình thức việc làm, nghề nghiệp, khu vực kinh tế), lao động di cư ra nước ngoài…

Bốn là, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường lao động, đóng vai trò đầu mối thông tin thị trường lao động; điều phối, hỗ trợ và quản trị thị trường lao động trên địa bàn từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Năm là, rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực; có giải pháp phát triển kỹ năng lao động và cung ứng kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Sáu là, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án về giải quyết việc làm trong nước; nâng cao hiệu quả cho vay Quỹ quốc gia về việc làm; chú trọng giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động trung niên, lao động yếu thế và lao động nữ; chuyển dịch nhanh lao động có việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức; hỗ trợ lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp và lao động vùng biên.

Bảy là, phát triển an sinh và bảo hiểm, nhằm hỗ trợ và giải quyết tối đa quyền lợi cho người lao động, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân. Tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội cũng như tính linh hoạt, liên thông của các chính sách cho người lao động khi tham gia thị trường lao động, nhất là lao động trong kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, khu vực phi chính thức nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ.

Chú thích:
1. Văn phòng Chính phủ. Báo cáo tại hội nghị trực truyến toàn quốc về “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập, ngày 20/8/2022.
2. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Báo cáo tại Hội nghị tổng kết một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 năm 2021 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, ngày 26/12/2022.
3. Công tác dân vận của cơ quan nhà nước góp phần quan trọng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác dân vận của Đảng năm 2022. https://danvan.vn, ngày 20/01/2023.
4. Báo cáo sự phục hồi của thị trường lao động, việc làm sau đại dịch Covid-19 quý III/2022. https://www.gso.gov.vn, ngày 06/10/2022.
5. Tổng cục Thống kê. Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng năm 2022. https://gso.gov.vn, ngày 06/10/2022.
6, 7, 8. Tổng cục Thống kê. Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý I/2023.https://gso.gov.vn, ngày 06/4/2023.
9. Tổng Cục Thống kê. Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2022. https://gso.gov.vn, ngày 10/01/2023.

TS. Nguyễn Thị Kim Nguyên
Trường Đại học Sao Đỏ